Tiếng rao cứ lanh lảnh:
“Có ai mua chìa khóa Thánh Phêrô … thì mua”.
Khách lữ hành, ai cũng dừng chân, nhìn vô màn ảnh,
trầm trồ khen ngợi: “Thiên đàng đẹp quá”.
Có người thò tay vào túi, có kẻ đã cho tay vào bóp (ví).
Nhưng rồi họ lại rút tay ra không, rảo bước đi.
Mỗi người mang một ý nghĩ khác nhau.
Tiếng rao vẫn cứ lanh lảnh … vang đi khắp mọi nẻo đường.

Anh yêu quí,
Nhớ dạo em còn là một cô bé đầy mộng mơ, ngây thơ trong sân trường. Lúc nào cũng ví mình là một Thiên thần nhởn nhơ, chỉ thích được mãi vui chơi trong thiên đường áo trắng của tuổi học trò. Cái ý nghĩ thần tiên ấy, cũng thường hay được biểu lộ  với bạn bè. Nhưng lũ bạn quỉ quái thì lại cứ hay chọc ghẹo, mớm cho nhau những ý tưởng đen tối, dẫn dụ nhau vào bóng râm của tàng cây E-và, chỉ cho nhau màu đỏ, quyến rũ của trái cây “thơm mùi tình ái”. Chúng nó cứ hay vớ vẩn những chuyện:
– Thôi đi cô ơi! Đừng có làm bộ ngây thơ mãi. Thiếu gì đứa cứ làm thơ bên hàng rào, tựa hồ như em chả để ý đến ai! Nhưng kỳ thực thì đang đợi chờ một bàn tay hoàng tử, thò vào móc mất trái tim, rồi nàng ngẩn ngơ biến dạng, xa lánh bạn bè. Đừng nói đến sân trường với tuổi học trò, cho ủ ê màu hoa Phượng (Hoa Phượng nở vào mùa hè, lúc sân trường đã vắng bóng) … Rồi tuổi học trò cũng qua đi, chỉ còn để lại trong ký ức về một “Thiên đường đã mất”!
Thuở ấy em cũng có nghe nói tới một Thiên đường trong cõi Tâm Linh. Có lẽ cũng là Thiên Đường Áo Trắng. Và dường như, ai cũng mơ ước một ngày kia, mình sẽ được vào ở trong Thiên đường ấy, vì đó là Thiên Đường Vĩnh Cửu. Nhưng thế giới ấy, còn quá nhiều bí ẩn, đối với con người!
Anh thân mến,
Ở tuổi ham thích, muốn biết nhiều. Tiềm thức em lớn dần với những chất chứa, đong đầy. Nhưng tâm hồn em dạo đó, ngược với lũ bạn chỉ thích chuyện yêu đương. Em lại chỉ muốn khám phá và tìm hiểu về thế giới “bí ẩn” đó.
Mùa hè năm ấy, anh về nghỉ, mang theo một đống sách. Tâm hồn em bắt đầu thích làm quen với thế giới tâm linh. Đầu tiên là “Phỏng vấn người chết” của Hans Erich Nossack (Đức), “Việc của linh hồn” của Martin Walser (Đức), Thời trang của quỉ do nhà văn Anh Anthony Burgess, Quỉ Satan của Lawrence Durrell (Anh), Đỉnh gió hú của Emily Bronte (Đức), và cuốn sách tương đối vẽ ra hình ảnh khá đậm nét về thế giới Tâm Linh là “Dites leur que la mort n’existe pas” (Hãy nói cho họ biết rằng sự chết không bao giờ có) của nhà Xuất bản Exerque (Pháp) (1). Rồi cứ tìm đọc những chuyện các Thánh hiện về, những linh hồn được Chúa cho phép gặp người thân, để nhờ cầu nguyện cho (2) v.v… Thú thực với anh, dạo đó, em cứ như người sống mà đi giữa hai thế giới. Cuốn Đỉnh gió hú em đọc tới hai lần, tuy nó không tiết lộ điều gì về một thế giới của những người đã khuất, nhưng nó cho mình một chút cảm giác phiêu lưu rùng mình, khi sống những giây phút tưởng như ma quái ngay trong thế giới những người còn sống. Nhưng rất thú vị ở chỗ, tác giả đã dựng ra một nhân vật bằng xương bằng thịt đàng hoàng, nhưng tính tình kỳ quái, cứ ẩn hiện như một loài ma. Hằng đêm trên đỉnh đồi gió hú, bất kể nỗi hoang vu lẩn khuất trong rừng cây, bóng tối. Cùng với cái giá lạnh, tiếng gió rít miên trường, con người cổ quái ấy lại có một trái tim nóng bỏng, lúc nào cũng hướng về một người con gái áo trắng thấp thoáng phía sau rèm, trong ngôi lâu đài cổ. Gần giống như chuyện kể mối tình “Thằng Gù nhà thờ Đức Bà” của Victor Hugo. Nhưng bối cảnh ở đây thê lương, rùng rợn hơn. Đọc câu chuyện ấy, em lại tưởng tượng  trong Thế giới Tâm Linh, biết đâu lại chẳng có một tên quỉ nào đó, lén Sa-tăng Đại vương, thầm yêu, trộm nhớ một Thiên thần. Có thể lắm chứ ? … Chắc anh còn nhớ, đã có lần cô bé này hỏi:
– Anh đọc nhiều sách vở, anh thử luận xem có khi nào Quỉ cũng biết yêu không?
Em không thấy anh suy nghĩ, mà trả lời liền:
– Không! Nếu quỉ mà biết yêu, thì Chúa đã ân xá cho nó rồi! (3)
– Em không chịu! Vậy chứ loài người “biết yêu”, bộ không ai sa hỏa ngục hết sao ? Em nghĩ quỉ hay cám dỗ người ta yêu tầm bậy tầm bạ, thì nó phải có rất nhiều kinh nghiệm về “yêu” chứ!
Hôm ấy anh chỉ mỉm cười, mà không trả lời. Em nghĩ là anh đã thua!
*
… Ít lâu sau nhân dịp về chơi, cơm tối xong, hai anh em ngồi trò chuyện. Anh kể cho em nghe một câu chuyện “phịa”. Dĩ nhiên biết ngay là phịa, chứ làm sao có thật!
“… Trên đường  về, anh có ghé Lê-Lợi, tính tạt qua nhà sách Khai Trí, tìm mua một cuốn  về làm quà tặng em, bất chợt gặp một cô bé đẹp như Thiên thần, miệng tươi như hoa, đứng giữa hè phố, tiếng rao lanh lảnh: “Có ai mua chìa khóa Thánh Phêrô … thì mua”. Bên cạnh có màn ảnh đang chiếu cảnh Thiên đường. Mọi người trầm trồ khen ngợi: “Thiên đàng đẹp quá!”.Có người thò tay vào túi, có kẻ đã cho tay vào bóp, nhưng rồi ai nấy đều rút tay ra không, rảo bước đi..”
Chuyện kể như vậy không bảo là “phịa”, thì có thật thế nào được! Nhưng em vẫn “lờ” đi và hỏi: “Thế anh có hỏi mua không?”, rồi anh trả lời:
– Dĩ nhiên là có chứ! Anh đã cầm sẵn cái bóp trong tay, và hỏi mua một cái “Chìa khóa Thánh Phêrô” thì phải trả bao nhiêu tiền. Cô bé đưa tay đẩy bàn tay cầm bóp của anh đi, ghé sát vào tai anh nói thật nhỏ, nhưng đủ nghe:
– Tiền thế gian là tiền giả, không lấy! Người mua cứ việc trả góp suốt cả cuộc đời! Chìa khóa đây: Nó chỉ là một chữ “QUÊN”… Nhớ lấy!
– Anh … Như vậy nghĩa là sao ?
– Lúc đầu câu hỏi được đặt ra trong trí anh, giống như em bây giờ vậy! Dọc đường về, cứ mỗi lần mình tự hỏi “quên” nghĩa là sao, thì y như một cánh cửa lại mở ra cho mình bước vào. Câu hỏi càng đặt ra nhiều, lại càng bước sâu vào trong. Những cánh cửa lần lượt mở ra cho thấy. Nhưng dĩ nhiên, đó mới chỉ là những bước chân đi trong tư tưởng. Muốn đi thật, phải trả cái gía của nó, không trả một lúc như cô bé đã nói, là phải trả góp suốt cả cuộc đời!
– Hãy nói cho em biết, cánh cửa đầu tiên mở ra anh thấy gì ?
– À! … Nó bảo cho mình biết: “Hãy QUÊN mình đi!” Đừng nhớ mình là ai! Không biết mình là gì! … Cái điều tiên quyết … cái mà Chúa Giêsu gọi là “Điều răn đứng đầu” là hãy “Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực, và yêu người thân cận như chính mình, là điều quí hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ” (Mc 12:33). Nhưng để có được Tình yêu Tuyệt hảo như thế, con người phải biết “quên” mình, không còn biết mình là gì.
– Cũng đúng chứ anh! Khi đã không còn vì mình nữa, thì không còn tính toán lợi hại gì cho mình! Tính vị kỷ đã tan biến. Đã thế mình chỉ còn biết hy sinh, phục vụ “Đấng”, hay nhân loại, những người mình yêu thôi, phải không anh (4)?
– “Quỉ” biết con người được thừa hưởng sản nghiệp Tình yêu của Thiên Chúa trao ban. Nó không hủy diệt được Tình yêu nơi con người. Vì vậy nó mới nghĩ ra cái cách: Thay vì bản chất của Tình yêu là Chiều hướng Ngoại, tức là tuôn trào ra ngoài, và cho mọi người. Thì nó “xoay ngược” trái tim con người lại, thành Chiều hướng Nội, tức là trước hết và trên hết phải là “yêu mình” đã. Tìm kiếm cho mình một thiên đường thoải mái trước đã.
– Em biết rồi! … Anh giải bài toán hôm trước em đặt ra cho anh, có phải không ? Anh “gớm” thiệt! Thế mà hôm ấy em cứ nghĩ là anh thua, không nói gì hết! Thảo nào phim Tàu có câu: “Mười năm phục thù vẫn chưa muộn”. (Câu chuyện vẫn tiếp tục):
– Em cứ nghĩ đi!  Nếu ai cũng muốn “Thiên đường là của mình”, thì làm gì có thiên đường cho người khác! Cái hình ảnh “Thiên Đường một mình” giữa những người đang đau khổ, là hình ảnh của trần ai, đang diễn ra mỗi ngày. Nếu thế giới Tâm Linh mà cũng vậy, thì chỉ còn là một Thiên Đường Giả Tưởng. Một thiên đường … không bao giờ là thiên đường.
– Bởi thế, đối với cõi Tâm linh, xuyên qua những gì em đã đọc, đã tìm hiểu. Em đã học được rằng Trên Thiên đường, các Thần Thánh cũng hằng bận rộn tới Hạnh Phúc của con người, hạnh phúc các Linh hồn. Anh ạ! Không chỉ Thần Thánh đâu, Chính Chúa và Đức Mẹ, hằng Quan Tâm đến những khổ đau của con người nơi trần thế, cũng như những thống khổ các linh hồn còn đang phải chịu nơi Thanh Luyện.
Trên dương gian, nhiều khi người ta cứ tưởng, tội chừng nào, Chúa phạt đền chừng nấy! Không phải vậy! Thực ra có rất nhiều linh hồn ở trong thanh luyện đã lâu, nhưng vẫn cứ cố chấp, không chịu sửa đổi tâm tính. Nếu không phải vì lòng hận thù chưa nguôi, thì có khi ích kỷ vẫn tràn đầy. Họ chỉ muốn lên “Thiên đàng một mình”. Nói cách khác, khi sống ở đời, họ quen mơ tưởng một thứ “Hạnh phúc chỉ riêng ta”, không cần để ý đến ai, và cũng không cần chia sẻ cho bất cứ người nào. Bước sang thế giới Tâm linh, tâm tánh họ không thay đổi. Anh cứ nghĩ đi, một đứa trẻ dễ dạy thì thường lúc nào cũng dễ dậy. Một người chịu tu sửa nhân tâm, thì họ đã có thể bắt đầu “Tự Thanh Luyện” ngay từ đời này.
Anh biết thế giới ngày nay, Đức Mẹ cứ phải nhắn nhủ và nhắc nhở “Cầu nguyện cho nhân loại hằng xúc phạm đến Thiên Chúa”, do chính những tội lỗi ngày càng ghê tởm, gớm ghiếc và gia tăng. Nhưng con người không thích nghe “nhắc nhở và nhắn nhủ” cũ rích ấy! Người ta chỉ thích những “Thông điệp” mới mẻ, có tính cách “Truyền thông” mang lại sự hiếu kỳ như một khám phá chưa từng thấy. Nhưng đặc tính của nó nằm trong sự “hiếu kỳ” chứ không phải là muốn “đón nhận”. Thế giới Tâm linh cũng không khác lắm đâu! Các Thánh mặc dù vẫn được Đức Mẹ sai phái đi an ủi, vỗ về, khuyên nhủ các linh hồn. Nhưng họ vẫn cần sự cầu nguyện của chúng ta, để tâm hồn họ mở ra, đón nhận ơn Chúa giúp họ cải sửa, thay tâm, đổi tính. Nếu không sự đón nhận vẫn không đến, mặc dù sự đau khổ trong thanh luyện vẫn phải chịu. Một khi họ đã “tốt đẹp” rồi, thì họ còn phải ở trong thanh luyện mãi làm gì! Tình yêu của Thiên Chúa bao dung niềm tha thứ nhưng không, và vô tận.
* Bất cứ trong thế giới nào, Thiên Chúa cũng để cho con người tự do lựa chọn lấy con đường ngắn, dài mà họ muốn đi.
* Bất cứ trong thế giới nào, tội lỗi cũng che khuất con mắt của tâm linh, làm cho mất nẻo đường về!
* Bất cứ trong thế giới nào, tội lỗi cũng làm cho linh hồn yếu đuối, không cưỡng lại được những thèm khát, đam mê. Những quyến rũ về một thiên đường phù hoa, giả tạo do ma quỉ vẽ vời.
– Chính vì thế mà Chúa muốn mỗi người chúng ta, phải Quên mình để nghĩ tới đồng loại. Không còn trau chuốt cho bản thân, mới có thời gian để nhìn thấy bổn phận đối với những đau khổ của tha nhân, tội lỗi của nhân loại trong đó có mình. Không còn cảm thấy cần thiết những nhu cầu bản thể, tâm linh con người mới rung động hay cảm nghiệm được làn sóng vô hình nhưng rất mạnh mẽ dồn dập làm giao động mạng lưới yêu thương, phát ra từ những âm thanh cầu cứu gần như vô vọng trong chốn Luyện hình.
– Thế cánh cửa thứ hai của chữ “Quên”, anh đã thấy gì ?
– Cũng là “Hãy QUÊN mình đi!”, đừng nhớ mình là ai! Đừng nghĩ mình là gì!
Thói thường ở đời, Mình bao giờ cũng là “Number one”. Con mình là “Nhất”, gia đình mình là “số Một”. Có chút địa vị (dù chỉ bằng móng tay), là cứ muốn người đời phải biết tới.  Được hơn người một chút thì “tự tôn”, kém người một chút, thì mang trong lòng nỗi “tự ti mặc cảm”. Cả tự ti lẫn tự tôn đều ngầm chứa mầm mống của  ghen tương, và ganh ghét! Đã vậy, nếu có ai đụng tới chỉ “sợi lông chân” thôi, thì … anh chẳng nói em cũng biết. Chúa Giêsu (không tính chuyện là Chúa trời đất), hãy chỉ tính chuyện mặc xác phàm (5). Ngài không những nói hay: Mỗi lần ghé đâu, cả hàng ngàn người bỏ cửa, bỏ nhà, bỏ ăn, bỏ ngủ, ôm con ôm cái mà đi theo để nghe (6). Chúa còn làm phép lạ nuôi ăn (7), chữa kẻ câm được nói, người mù được thấy, kẻ điếc được nghe, kẻ liệt được đi, người chết sống lại v.v… thế mà Ngài đã “Quên Mình” đi, đến không còn quan tâm đến đời sống của chính mình (cái mà ai cũng  nghĩ đến trước tiên, rồi lo lắng, vật lộn, bon chen, đấu tranh với chính mình, và với đời ) “Chồn có hang, chim có tổ, nhưng Con Người không có chỗ nương đầu” (Mt 8:20), đừng nói địa vị, tài năng (như nam giới), nhan sắc (như nữ giới). Để nêu gương quên mình, Chúa Giêsu không muốn ai biết đến những việc mình đã làm (8).  Nói tóm lại: Quên mình đi để không còn mơ ước danh vọng, quyền lực, tiền bạc, của cải, giàu sang, phú quí … hão huyền. Không còn cảnh cá lớn nuốt cá bé, đạp người xuống để mình trồi lên! …
– Em muốn biết tiếp “Cánh cửa thứ ba” của chữ “Quên”?
– “Hãy QUÊN đi” để đừng nhớ bất cứ ai đã làm thiệt hại đến mình, từ vật chất lẫn tinh thần (Nghĩa tiêu cực). Ngay cả những sự tức giận, nổi nóng, tâm thù, buồn, phiền, hay đau  khổ (9). Người ta hay nói: “Buồn phiền gậm nhấm tâm tư”. Khi chấy, rận gậm nhấm thân xác, làm con người khổ sở, thì người ta tìm cách tẩy trừ nó (đó là thời xưa). Ngày nay người ta cố gắng “bỏ hút thuốc”, vì sợ nó “đốt dần” cuộc đời! Thế nhưng Tâm Tư bị gậm nhấm. Buồn phiền “đốt” cháy tâm can, đốt nhanh cuộc đời, thì chẳng ai cần dứt bỏ (10)!
Nghĩa tích cực là “tha thứ”. Chúa đã chẳng nói: “Hãy yêu thương kẻ thù (11) và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi mình” (Mt 5: 44), và Người đã chẳng chứng minh điều mình nói bằng chính hành động “tha thứ” cho những kẻ đã lên án và giết mình trước khi tắt thở trên Thánh gía (12) đó sao ? Bài học tha thứ, là bài học Chúa dạy rất kỹ: “ Nếu người anh em xúc phạm đến con một ngày đến bảy lần, rồi bảy lần trở lại nói với con “tôi hối hận”, thì con cũng phải tha cho nó” (Lc 17: 4). Lần khác Chúa bảo phải tha thứ bẩy mươi bảy lần bẩy. Bình thường, “Tha Thứ” và “Quên đi” là hai chuyện hoàn toàn khác nhau!
Dạo ấy, em làm sai, đáng lẽ Bố phạt. Nhưng hôm ấy, thấy nước mắt cô bé chảy “giòng giòng”, ra chiều hối hận. Bố “THA”, không đánh. Nhưng không phải cái lỗi đó, bố “QUÊN” đâu! Lần sau làm sai chuyện khác, bố có nhắc lại chuyện cũ đấy! Nhắc lại chuyện cũ có nghĩa là, lần trước bố tha, không phải vì “đồng ý với em” là việc làm ấy không có sai trái!
Vậy: “Tha thứ” không có nghĩa là đồng lõa, hay thỏa hiệp với những sai trái của đối phương. Tha thứ vẫn có bổn phận phải bảo vệ, đấu tranh cho “lẽ phải” hay “Chân Lý”.
Tha thứ chỉ có nghĩa là “Không báo thù” không trả đũa lại đối phương, về những điều bất lợi hay có hại, mà đối phương đã gây ra, hoặc “gieo” đau thương hay tổn thất cho mình.
Đọc kỹ “Tin Mừng” em sẽ thấy: Ông Nicôđêmô, là một người trong nhóm biệt phái. Nhóm biệt phái là nhóm bị Chúa chỉ trích, nhóm “đối đầu” lại với Chúa. Sự phê phán của Chúa đối với nhóm này, “bàng bạc”, trải dài trong Phúc Âm. Điều đó nói lên rằng: Cái sai trái của họ, không những Chúa không chấp nhận, mà Chúa cũng “không quên”. Nhưng Chúa không thù họ. Nếu “thù” thì ông Nicôđêmô đã không được phúc “tháo đanh, hạ xác, và táng xác” Chúa trong mồ. Hỏi mấy ai được cái phúc này ?
Em hỏi anh:
-Vậy chữ “Quên” trong chìa khóa Thánh Phêrô có nghĩa gì ?
– Nghĩa là, dù người ta có muôn đời là “đối tượng” khiêu khích, hằn học, gây khổ cho em. Em cũng đừng bao giờ để tâm thù hận, giận hờn, nói xấu, hay tính chuyện báo thù. Đừng nghe phim Tầu xúi dại “Mười năm trả thù vẫn chưa muộn”. Thời đại này, những bệnh từ tâm thần biến sang thể chất, phát ra nhanh lắm! Không sống nổi mười năm để trả thù đâu! Những con vật bây giờ đều được nuôi bằng thực phẩm pha trộn nhiều hóa chất, để “Mập lẹ, lớn nhanh, bán sớm”. Người ta lại thích ăn thịt nhiều! Vì thế, toàn cơ thể con người là một khối “độc tố”. Tâm bất an, lòng giận hờn (chứ chưa cần nói tới hận thù nữa – vì giữa cha mẹ, vợ chồng hay con cái, nhiều khi chưa phải là hận thù, mà chỉ là nuôi lòng giận hờn triền miên thôi) là ngòi thuốc nổ đó! Một lúc nào, phẫn nộ, tức giờ phút “châm hỏa vào ngòi”, thế là cây “độc tố biết đi” phát nổ, đủ thứ bệnh tình có cơ hội xúc tác. Sức khỏe bỗng một ngày suy xụp! Lúc ấy, cả thiên đường Thượng giới lẫn hạ giới đều có cơ nguy biến mất!
– Coi chừng anh đó! Cứ hút thuốc với ăn thịt nhiều đi! … chứ em thì … mấy ông mổ heo cứ thấy em đi qua, là các ông ấy “ngáp ngủ” dài dài.
– Anh biết rồi! Vì vậy cho nên kể từ nay, cứ phải trả góp dần dần cả cuộc đời, cho đến chết … Nhưng mà chuyện này thì không phải anh nói, chỉ là nghe người ta nói thôi: Phụ nữ tấm thân thì nhẹ, nhưng mà … tâm hồn thì nặng “chình chịch”. Cả một núi phun lửa chứa đựng ở bên trong. Ngồi đâu là lửa phun ra tới đó! Thảo nào mà một trăm mười bảy vị thánh Việt Nam, mới chỉ có một bà. Thì ra các ông cứ bị núi lửa nướng chết hết! Còn hơn những vạc dầu sôi, lửa bỏng thời các vua chúa cấm đạo.
– Anh nha! … Em mà nướng được anh, thì cho anh thành than … giống như quỉ sứ luôn! Em nói cho anh biết, sở dĩ đàn bà, con gái ít muốn được phong Thánh là vì đời này thực ra cũng mau qua, mau hết lắm! Sở dĩ Chúa cho phong một số vị là để cho người ta học gương mà nên tốt đấy thôi! Chứ đa số phụ nữ đã là Thiên thần ở trên thiên đàng hết rồi! (Đâu đó phảng phất một nụ cười):
– Anh thì chẳng lo … Cho dù em có nướng anh thành than đi nữa, anh cũng cứ kiếm Thiên thần để yêu! … Ở đâu có Thiên thần với Tình yêu, thì ở đó đã là Thiên Đường rồi!
– Anh ạ! Chúng mình nói đùa cho vui thôi! Trở lại Chìa Khóa Thánh Phêrô, em gái của anh nhất định mua, cho dù bằng giá phải trả cả một đời. Vừa rồi trong lúc anh đang nói, trí óc em bắt đầu làm việc. Em đã đặt đi đặt lại câu hỏi nhiều lần: “QUÊN nghĩa là sao?” Và em đã nhận được biết bao tín hiệu trả lời, từ trong tiếng nói của “Thần trí”:
* Quên mình: Em sẽ dễ dàng chấp nhận Hy sinh, Phục vụ, tích cực tham gia công ích, hăng hái làm việc Thiện.
* Quên mình: Nâng cao phẩm giá trong sự vâng phục. Giết chết tự ái, mất hết tự ti. Tâm hồn quảng đại, không còn chấp nhất. Em sẽ chẳng còn gì phải ganh tương, tị hiềm với ai.
* Quên mình: Chẳng còn gì nữa để phải đam mê: Tiền tài, danh vọng, quyền thế, giàu sang, cùng với tất cả mọi sự trên đời. Có cũng như không có, không có cũng như đã có.
* Quên mình: Tự nó đã nâng đời sống con người lên “thanh cao, Tinh khiết”, mà không cần phải áp chế dục vọng.
* Quên mình: Không phải cưỡng ép, mà tự nhiên đi vào đời sống “tinh thần khó khăn”.
* Quên mình: Con người mới có thể đạt tới sự “Thánh thiện” trong tâm hồn, vì bao gồm cả đức Ái với lòng khiêm tốn.
* Quên mình: Chỉ có quên mình, em mới có thể làm con Chúa một cách đích thực, và trọn vẹn. Vì không còn làm tôi cho một chủ nào khác, trái lại, là anh em, bạn hữu tha thiết với tất cả mọi tha nhân.
Cám ơn anh, đã trao cho em “đồng bản” được đúc ra từ Chìa Khóa Thánh Phêrô. Bây giờ nhìn thấy hình thù của nó, trực giác cho em thấy rằng: Nó đã có mặt trên địa cầu, không phải là một thứ chìa khóa cất kỹ trên Thiên đàng. Cũng chẳng phải là một tấm bản đồ Bí Ẩn, để tìm kiếm kho tàng bí mật … Bên song cửa, ngoài kia trời đã tối, nhưng chúng mình đều biết có một giòng sông:
Như … Một giòng sông, không bao giờ biết mình là giòng sông. Dẫu đời êm xuôi hay gập ghềnh đá tảng, giòng sông vẫn chảy. Những lúc chạy dài trên cao nguyên, sông vẫn thẹn thùng, khép kín giữa hai bên bờ cây cỏ – Không ngước mặt ngạo nghễ – Khi đi xuống đồng bằng giòng sông không vì phố xá ham vui mà dừng bước. Biết bao phen trôi vào thung lũng, hằng đêm giòng sông vẫn đùa giỡn với trăng sao, không từng than thân, trách phận. Giòng sông không biết mình là giòng sông nuôi lớn đất đai, thêm phù-sa cho màu mỡ. Giòng sông không nhớ mình nuôi sống Địa cầu, cứ tiếp tục ban ơn tưới gội cho đồng cỏ xanh tươi. Tắm mát cho con người cùng muôn loài cầm thú. Giòng sông lấy hạnh phúc của người là của mình, vui cùng lũ trẻ nô đùa trong giòng nước, chưa bao giờ tìm cho mình một hạnh phúc riêng tư. Nhìn những bà mẹ, những cô gái giặt giũ bên sông, giòng sông không tiếc mình, hy sinh dâng hiến nguồn nước mạch, với cả tâm hồn trìu mến …Từ muôn đời, “Giòng sông vẫn không biết mình là giòng sông”…
Em nghĩ, còn nhiều hình ảnh khác nữa, bất cứ ai cũng có thể tìm ra cho mình một mẫu mực …
– Nhưng, như anh đã nói với em, cả một con đường tấp nập những người, không có ai muốn mua Chìa Khóa Thánh Phêrô. Đối với họ, có lẽ Thiên đường ấy còn xa, không phải là Thiên đường trước mặt. Chúa Giêsu đã biết trước, hầu hết họ giống như anh chàng thanh niên giàu có kia hỏi Chúa, anh ta phải làm gì để được “Sự sống đời đời” (Thiên Đường Vĩnh Cửu). Anh ta đã giữ được tất cả mọi điều răn, ngoại trừ việc Chúa dạy anh: Hãy về bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Chỉ nghe câu đó thì anh ta đã … “Buồn rầu bỏ đi” (xem Mt 19: 16-22).

Tiếng rao vẫn cứ lanh lảnh … “Tin Mừng” đã loan báo khắp mặt địa cầu. Nhưng nhân loại ngày càng tội lỗi hơn!

GHI CHÚ:
(1) Cuốn sách: “Dites leur que la mort n’existe pas” đã được L.M. Francois Brune một chuyên gia Thần học nổi tiếng Quốc tế trình bày và lý giải.
(2) Linh hồn về nhờ cầu nguyện: Uyên Ly không thích hù, dọa ai, nên không dám ghi lại những chuyện khủng khiếp trong “Luyện ngục”  ở đây, mà mình đã đọc rất nhiều. Chỉ xin trích một đoạn rất ngắn trong tập “Hãy đọc nếu không sẽ hối tiếc” (Read me or rue it) của L.M. Paul O’ Sullivan về “Một bà phước rất thánh thiện ở Pampluna đã cứu được nhiều linh hồn các bà phước dòng Camelite ra khỏi luyện ngục, phần nhiều các bà phước này đã bị giam ròng rã từ 30 tới 60 năm. Nếu các bà phước đó đã bị giam từ 40, 50, 60 năm thì thử hỏi những kẻ phạm tội vô số như chúng ta, sẽ chịu sự thanh luyện tới cỡ nào ?” Nếu bạn đọc cứ còn nghĩ là Uly “hù”, thì “thôi bỏ đi!” đàng nào khi chết rồi, ai lại chẳng biết!
(3) Trong sách Khôn ngoan 1, 13-15 “Bởi ác quỉ ghen tương, nên tử thần đột nhập vào thế gian”. Ở đời thì có “ghen tương” vì “yêu”, nhưng quỉ “ghen tương” vì kiêu ngạo, chứ không phải vì “yêu”. Độc giả có thể tìm đọc “Mystica ciuda de Dio” (Maria hiền Mẫu Chúa Kitô) của Thánh Maria d’ Agreda về chương các “phản thần”, (sách viết do Chúa & Đ. Mẹ mặc khải). Do đó có thể khẳng định là: “Quỉ không biết yêu!”, chứ nếu quỉ mà biết “yêu” thì Uly sẽ cám dỗ nó, để nó không có thời giờ đi cám dỗ người ta !!).
(4) Quên mình đi: là từ bỏ chính mình. Đây là “Điều kiện ắt có và đủ” để được theo Chúa: “Ai muốn theo Tôi, phải từ bỏ chính mình, vác Thập giá mình mà theo Tôi” (Mc 8: 34). Đấng đã “quên Mình cách triệt để”, nêu gương phục vụ, hy sinh, dâng hiến cuộc đời mình làm giá chuộc cho nhiều người: “… Anh em hãy bắt chước Thiên Chúa, vì anh em là con cái được Người yêu thương … Và hãy sống trong tình bác ái, như Đức Kitô đã yêu thương chúng ta, và vì chúng ta, Người đã tự nộp Mình làm hiến tế, làm hy lễ dâng lên Thiên Chúa tựa hương thơm ngào ngạt” (Ep 4,30 – 5,2).
(5) Đức Giêsu là Ngôi Lời “Đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1:14).
(6) “Từ miền Galilê, vùng thập tỉnh, Thành Giêrusalem, miền Giuđêa, và vùng bên kia sông Giođan, đám đông lũ lượt kéo đến đi theo Ngài” (Mt 4:25).
(7) Tường thuật của Thánh Matthêô (15:32) “… Vì họ ở luôn với Thầy đã ba ngày rồi, và họ không có gì để ăn. Thầy không muốn giải tán họ, để họ nhịn đói mà về, sợ rằng họ bị xỉu dọc đường”.
(8) (Mc 3:12) “…Người cấm ngặt chúng không được tiết lộ Người là ai”. Chỗ khác Chúa cũng bảo họ: “ … Đừng cho ai biết” (Mt 9:30).
(9) Chính Chúa Giêsu đã dạy: “… Luật xưa rằng: Ai giết người bị đưa ra tòa … Thầy bảo cho anh em biết: Ai giận anh em mình, thì phải bị đưa ra tòa … Nếu anh em sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ tới người anh em đang có chuyện bất bình với anh. Thì hãy để của lễ lại đó … đi làm hòa với người anh em ấy đã…” (Mt 5: 21-26). “Nhưng nếu anh em không tha thứ, thì Cha của anh em, Đấng ngự trên Trời, cũng sẽ không tha lỗi cho anh em” (Mc 11: 26).
(10) Tâm thù & giận hờn: Darshani Deane trong cuốn “Wisdom, Bliss, and Common Sence” viết: “Y học đã chứng minh rằng khi giận dữ, độc tố từ các hạch nội tiết thấm vào huyết quản. Mỗi khi tức giận, bạch huyết cầu bị giảm sút cách nhanh chóng và khi quá thấp, nó làm hư hại hệ thống miễn nhiễm (Immune System) của cơ thể. Tóm lại chính sự tức giận đã tàn phá cơ thể bạn, chứ không ai khác! Và như vậy có khác gì tự tử “dần” đâu ? – Cuốn “The stress of life” của Hans Seyles, hoặc “Anatomy of an Illness” của Norman Cousins, cũng cho biết những hậu quả “Tâm lý” tác động đến “Sinh lý” rất nhiều, nhưng nhiều người lại không biết, hoặc biết lại không sửa đổi, hay kiềm chế. – Cuốn “Aryuveda” (A-giu-Vệ-đà), một cuốn cổ thư về y học của Ấn độ: “ Tức giận hay đè nén một cảm xúc tiêu cực, ít thì cũng gây ra chứng bệnh bao tử và ruột. Nhiều thì tạo ra ung thư ruột, gan. – Thánh Thomas Aquino viết trong “Suma Theologica” : “Giận hờn làm gia tăng huyết áp, bắp thịt co thắt lại, tim đập mạnh lên, và sự xáo trộn cơ thể khi đó, làm cản trở óc suy nghĩ cách hợp lý”.
(11) “Yêu Thương Kẻ Thù”: Chúa Giêsu định nghĩa Y.T.K.T. như sau: Làm ơn cho kẻ ghét mình, chúc lành cho kẻ nguyền rủa mình, cầu nguyện cho kẻ vu khống mình … Nếu yêu thương kẻ yêu thương mình thì có gì là ân với nghĩa? Ngay cả người tội lỗi, cũng yêu thương kẻ yêu thương họ. Làm ơn cho kẻ làm ơn cho mình, thì có gì là ân với nghĩa? Ngay cả người tội lỗi cũng làm như thế. Nếu cho vay mà hy vọng đòi lại, thì còn gì là ân với nghĩa? … (Lc 6: 27-34).
(12) “Tin Mừng” theo Thánh Luca (23: 33-34) … Họ đóng đinh Người vào Thập gía … Bấy giờ Đức Giêsu cầu nguyện rằng: “Lạy Cha, Xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm”.

Tg. Uyên Ly