Tình Yêu & Nhim Màu

Em đi qua chuyến đò nghe con sông nằm kể

Sông nguyên là quán trọ và trăng tên lãng du

Em đi qua chốn này sao em đành đi vội

Tôi xin làm quán trọ buồn chân em ghé chơi

(Nhạc phẩm “Biết đâu nguồn cội” của TCS)

Bẵng đi một lát, không thấy cái giọng nói trầm, khàn của Trần Luân đâu nữa, Vyvy ngó lại nhìn chàng, bảo:

– Anh kể xong rồi đí … hả ?

– Ừa! … Em thấy hay … hông ?

Vyvy mím môi lại, dí ngón tay vào trán Luân, đẩy một cái thật mạnh:

– Anh sạo em! … Làm biếng phái hông ?

– Kể quá trời … rồi, còn biểu người ta làm biếng gì nữa! Buồn ngủ ! … có cà phê … hông?

Nàng vừa “liếc” yêu chàng một cái, vừa tủm tỉm cười:

– Chưa thấy người con trai nào … đi chơi với con gái mà kêu buồn ngủ ! … Không hãi mắc cỡ … lêu lêu! Kể đi! Em lấy cà phê ra … rót cho anh một ly.

Vừa lục túi hành trang tìm kiếm chai cà phê pha sẵn với cái ly, nàng vừa nói:

– Không biết anh có phải là trăng không, nhưng em không là “con sông”!

– Không biết em đang nói cái gì … ! Anh đã bảo hết rồi, em còn muốn nghe chỗ nào nữa ?

– Chuyện … chẳng có đầu đuôi gì cả! Con người ta ở đâu thì cũng phải có lý lịch chứ! Chẳng lẽ khi không ở trên trời rớt xuống một bà công chúa Liễu hạnh ?

– Thì đây nè … Bả đang ngồi bên cạnh  … tui đó!

Vyvy bực mình, nàng tung cả hai tay ra … định “thọc léc” cho Luân nhột chơi, nhưng không ngờ chàng vội né, mất đà, khiến anh té ngửa trên thảm cỏ. Trong lúc thất thế , không gượng kịp, Vyvy ngã sấp ngay lên ngực chàng. Nhưng vẫn may, hai tay nàng kịp chống xuống mặt đất, không đến nỗi vập mặt vào nhau. Bốn con mắt nhìn nhau … hoảng hốt. Mãi một phút sau, Vyvy mới hoàn hồn, giật mình, chợt nhận ra hai đứa, một trai, một gái, giữa thanh thiên bạch nhật nằm đè lên nhau thế này … không những không ai có thể chấp nhận được, mà chính mình cũng không cho phép! Nàng vội vàng choàng dậy, mà tim vẫn còn thình thịch … đập!

– Anh nha! …

– Anh cái gì ? … Anh đâu là “quán trọ”! Bộ em là … Trăng non hả ? Thôi đúng em rớt từ trời xuống rồi! … Anh muốn gẫy lưng đây nè.

Thế là cả hai đứa cùng phá ra cười … thoải mái. Chờ cho cơn cười qua đi, Vyvy đưa tay vuốt lại mái tóc, nàng bảo:

– Em nghe người ta nói bà chúa Liễu … trên cung đình, làm đổ cái gì đó … cho nên bị Thượng đế phạt xuống làm người trần … có đúng không anh?

Trần Luân liếc nhìn trong tay Vyvy đang cầm ly cà phê mới vừa rót, chàng cười bảo:

– Coi chừng em làm đổ ly cà phê là anh phạt em xuống địa ngục … đó!

– Anh ác … quá hà! Người ta bị đày xuống trần, còn anh … bắt em xuống tận …

– Em đã là người trần rồi … chẳng lẽ đày em lên thiên đình ? Anh thấy hàng xóm nhà anh có cặp vợ chồng trẻ, cứ mỗi lần anh chồng cưng chị vợ, hay cô vợ lựng chồng thì hai người lại đệm thêm chữ … “đồ guỷ ”.

– Em cũng thấy vậy! Sao kỳ quá ha … anh ! Bộ hổng còn chữ nào hay hơn nữa hay sao mà …

– Bộ em không biết sao ? Cứ hễ yêu nhau là bị xuống hỏa ngục! Cho nên … thôi, tụi mình đừng có yêu nhau … nữa! Chỉ giỡn chơi thôi … đủ rồi!

– Nói chuyện gì mà nhảm nhí quá đi!

– Em đọc Sáng Thế ký không thấy hả … Tại hai ông bà “iu” nhau …, cứ dính sát vào nhau. Đi đâu cũng đi với nhau. Đàn bà thích ăn trái cây thì ăn một mình đi! cố ép chồng mình ăn cho bằng được. Còn ông Adam nữa, không thích ăn thì thôi đi. Cũng ráng ăn … cho đẹp lòng vợ, thế là cả hai bị “rớt” … xuống trần. gọi là xuống trần chứ thực ra là con cái của tử thần rồi! mà tử thần là ai, em biết không ? là chúa quỉ chứ còn ai nữa! Cho nên họ rủa nhau là “đồ quỉ” cũng đúng thôi!

– Anh … nha! Vậy là tội lỗi gì cũng đổ thừa cho đàn bà hết … hả ?

– Đâu có, cũng tại ông Adam nghe vợ nữa chứ!

– Zdậy là … nếu tụi mình có lấy nhau, thì anh cũng sẽ … không bao giờ nghe em ?

– Anh đã nói là “tại yêu nhau” … Cứ hễ yêu nhau quá … là xuống hỏa ngục! giả thử ông Adam không ăn trái táo, thì chỉ Eva … rớt xuống vực thẳm thôi!

– Anh đúng là người đàn ông … tàn nhẫn! Cho em gặp một Adam thứ hai giống vậy đi, em vẫn yêu … anh ta! Vì anh ta dám xuống địa ngục với em.

– Thế em mới … dở! dở tệ nữa! Này nhé, nếu là anh, anh sẽ không ăn trái táo với em! Nhưng mà chờ khi em rớt xuống vực thẳm … là anh đưa tay nắm lấy tay em … rồi kéo em lên. Từ thuở có loài người tới giờ, hễ người đàn ông ra tay nghĩa hiệp, thì người đàn bà được cứu! Vì Thượng đế rất thích xem cái “game” này. Chúa gọi cái hành động này là việc làm bác ái. Lúc đó Ngài sẽ quên luôn cái lỗi của người đàn bà. Bởi vì việc thi hành đức ái thường là phải có đối tượng. Không có đối tượng thì đâu có làm một mình được! Em công nhận không ?

– Như vậy là nếu em có tội, Chúa cũng tha ?

– Đương nhiên! … Sáng nay đi lễ nhà thờ lớn Hà Nội, em có nhớ bài giảng không ?

Nàng suy nghĩ một chút, rồi tóm tắt:

– Người ta đem đến cho Chúa Giêsu người bại liệt, có bốn người khiêng. Vì đông dân chúng quá, nên họ phải dỡ mái nhà, thả người liệt xuống ngay chỗ Chúa ngồi. Chúa thấy họ có lòng tin, nên bảo người bại liệt: “Này con, tội con đã được tha rồi” (Mc 2,1-12).

– Đặc biệt bài Tin Mừng hôm nay không thấy nói người bại liệt có cầu xin Chúa chữa hay không, cũng không biết ông ta có tin Chúa hay không ? Ở đây ta chỉ được biết “Chúa thấy họ có lòng tin”. Họ đây là mấy người mang kẻ bại liệt tới. Bài Tin Mừng dạy chúng ta sống là phải có tình liên đới. Chúng ta phải biết quan tâm tới kẻ khác. Một khi chúng ta thành tâm và tin vào Chúa, thì người khác đó mà mình cầu xin cho, cũng sẽ được Chúa chữa lành tâm hồn hay thể xác. Nói cách khác là tội người đó cũng được tha!

– Thua anh … luôn! Vậy là coi như kết thúc chuyện “Bà chúa Liễu Hạnh” ! … ăn gian!

– Sao cứ nhớ cái chuyện này hoài vậy ?

– Anh đã hứa kể mà! … Em cũng giống anh một điểm là … Hễ biết cái gì thì phải biết cho tường tận. Sau này em có con, em cũng phải kể truyện cổ tích cho con em nghe nữa chứ! Trần Luân mỉm cười:

– Con em là con của ai ?

– Anh hỏi … chẳng giống ai! … Con em thì phải là con của em, chứ còn là con của ai nữa!

Trần Luân lại thầm cười, chàng nhìn lên đám mây đi trên nền trời, thủng thỉnh buông từng chữ:

– Thôi được! nể mặt con chúng mình, anh kể! … Chàng hớp một ngụm cà phê, rồi tiếp tục câu chuyện, trong khi Vyvy cũng đang ráng nín cười

– Nói về bà chúa Liễu Hạnh, chỗ này kể khác chỗ kia một chút. chẳng hạn như ở Trần Xá có đền thờ của bà, nên người ta kể Công chúa bị giáng xuống đầu thai trong nhà quan phó sứ Phạm Công vào giờ Dần, ngày 6 tháng 3, niên hiệu Thiệu Bình (1437). Ngài ở trần gian được 40 năm thì hóa về trời.

Ở Phủ Giầy, tỉnh Nam Định có một đền thờ rất long trọng thờ Công chúa Liễu Hạnh. Nên truyện kể rằng đời xưa, năm Thiên Hựu, nhà Hậu Lê (1557) ở Thôn An Thái, Làng Vân  Cát, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, phu nhân của Lê Thái Công là một thiếu phụ mình hạc xương mai. Nhan sắc tuy mặn mà, nhưng người trông rất yểu tướng, phu nhân chỉ ăn hoa quả mà sống. Thái Công rất yêu vợ, chỉ sợ không giữ được lâu, nên tìm thầy, tìm thuốc khắp nơi mà không có gì làm cho phu nhân khỏe lên được. Một đêm Thái Công nằm mơ, thấy mình dự một bữa tiệc lớn, do Ngọc Hoàng khoản đãi. Ông thấy Công Chúa Quỳnh Nương lỡ tay làm rơi chén ngọc. Em nhớ nghe! Chớ không phải nàng làm đổ cái gì đâu! Bị Ngọc Hoàng Thương đế đày ải xuống trần gian. Ít lâu sau phu nhân có thai rồi hạ sinh được một cô con gái. Thái Công sung sướng đặt tên con là Giáng Tiên. Lớn lên, Giáng Tiên ngày càng xinh đẹp, lại giỏi đủ mặt cầm, ca, thi, họa. Năm 18 tuổi, nàng kết duyên cùng Đào Lang, là con nuôi của một vị quan trí sĩ ở cùng làng. 3 năm sau, vào ngày mồng 3 tháng 3, Giáng Tiên đột ngột từ trần. Ai cũng bảo vì nàng là tiên, nên trở về thượng giới.

Tỉnh Thanh Hóa cũng có một đền thờ Công chúa Liễu Hạnh, gọi là đền Sòng. Ở đây gần núi rừng, nên dân gian nói rằng họ thường xuyên gặp ba cô tiên nữ từ đỉnh núi bay xuống, hoặc cũng có khi thấy ba nàng đùa chơi ở bìa rừng giữa ban ngày, ban mặt. Một nàng danh xưng là Liễu Hạnh Tiên nương, hai nàng kia có vẻ như đi theo hộ tống xưng tên là Quế Nương và Thị Nương ngọc nữ. Suốt thời gian ở Thanh Hóa, công chúa Liễu hạnh thường hiển hiện ban phúc, giúp dân nhưng không hẳn là ở yên một chỗ. Nàng ngao du khắp nước, khi người ta gặp ở Lạng Sơn, Lúc lại xuất hiện ở kinh đô, lui tới các nơi danh lam thắng cảnh. Có lần, tiên nữ giả dạng làm cô hàng bán rượu ở Tây hồ, để họa thơ với danh sĩ Phùng khắc Khoan, cùng hai người bạn của ông một người họ Ngô, người kia họ Lý.

Vyvy ngắt lời chàng:

– Bởi thế nên lại có thêm đền thờ ở Tây Hồ, nơi chúng ta đang ngồi đây phải không anh ?

– Chưa hết đâu! Thêm một đền ở Phố Cát. Đền khác nữa ở Phố Hàng Bột Hà Nội gọi là đền Sùng Sơn. Thời Hậu Lê, triều đình nghe danh tiếng bà Chúa Liễu khắp nơi, nên đã phong tặng bốn chữ “Thượng Đẳng Phúc Thần”.

– Anh ơi … thế còn vì sao mà truyền thuyết trong dân gian cũng xếp bà vào hàng “Tứ Bất Tử” hả ? và bốn vị thánh không bao giờ chết của nền văn hóa Việt là những ai vậy ?

– Vì đền thờ bà thì nhiều, nhưng không đâu có xác, hay mộ của bà hết! Tín ngưỡng dân gian trong văn hóa Việt cho là hết hạn lưu đày, thì bà về trời. Chuyện kể rằng:

Vào cuối đời Lê, có một vị lão quan 80 tuổi, một hôm nằm mộng thấy Công Chúa Liễu Hạnh đi giữa 2000 tiên nữ theo hầu, mang đến cho ông một chiếu sắc của Ngọc Hoàng. Trong giấc mơ, ông thấy Công Chúa Liễu Hạnh lên xe mây, có nhiều cờ xí lộng lẫy trùng điệp dẫn đường, và thấy có vô số nhạc công đi theo. Người ta đoán rằng Công Chúa đã mãn kỳ hạn ở trần gian, nên đã trở về trời. Còn “Tứ bất tử” thì ngay từ đầu câu chuyện anh đã nói với em, bốn vị là: Thánh Tản Viên (tức thần núi Sơn Tinh); Thánh Gióng (Tức Phù Đổng Thiên Vương, sau khi Ngài dẹp xong giặc Ân, liền thúc ngựa lên núi Sóc sơn rồi về trời); Chử Đồng Tử (người con trai không khố, được công chúa Tiên Dung lấy làm chồng, sau khi đã từ chối nhiều vương tôn công tử. Hai vợ chồng cùng nhân dân với thành quách được bốc về trời, để lại di tích “Đầm Nhất Dạ”. Tác giả đã đọc câu chuyện này trong “Tiếu Ngạo Nhân Gian” của ông Tú Zdổm. Độc giả nào chưa biết, muốn đọc xin tìm trong báo Chân Lý số 89). Và người sau hết là bà chúa Liễu, anh vừa mới kể xong.

– Hay quá! Em thành thực khen anh! Nhưng mà anh ơi! … Những câu chuyện đại loại như vậy, có thể xem là những gì thuộc về “Mầu nhiệm” … không hả anh ?

– Không! Ngay từ đầu anh đã nói với em đó là những câu chuyện thần thoại. Bất cứ nền văn hóa nào cũng có riêng một kho truyện thần thoại. Thí dụ như các vị thần Hy Lạp trong kho “Thần thoại Hy Lạp”. Có ai bảo những vị thần ấy là thật đâu! Mặc dù các đền thờ các vị thần ấy, vẫn còn tồn tại trên thế giới này, và cũng đã từng có một thời, người ta sùng kính, như sùng kính các vị anh hùng dân tộc.

– Trước đây em vẫn cứ cho rằng hễ cái gì nằm trong tín ngưỡng nhân loại thờ, thì đều xem là “mầu nhiệm” hết. Vì phải chăng “Mầu nhiệm” bao gồm tất cả những điều được tâm linh con người có thể chấp nhận, mặc dù trí tuệ không cắt nghĩa được. Chẳng hạn, việc những người lương tin vào các vị thần bất tử, có khác gì như bên Công giáo chúng ta tin vào Chúa, Đức Mẹ lên Trời. Em cần anh cắt nghĩa rõ ràng vấn đề này … nha anh! (còn tiếp)

Uyênly