“Tình yêu cơn gió nhiệm màu

Nương trong huyền thoại nghiêng sầu cố nhân

Đời xưa đỉnh đạc cô thần

Mắt nhung cổ sử mấy vần thi thiên” (Uly)

Sáu tháng sau …

Burswood (Perth) là địa điểm cho kỳ nghỉ cuối năm của chúng tôi. Buổi Sáng bên bờ Swan River, tấm thảm cỏ xanh chạy dài mút mắt đến chân trời. Nhìn sang bên, những tia sáng bình minh đỏ vàng rực rỡ, hắt lên từ mặt sông báo hiệu một ngày nắng tươi hồng. Tôi nghe trong tâm hồn một điệu nhạc reo vui rộn rã. Chúng tôi đang trải “Pông-sô”, và dựng lều trên công viên Sir James Mitchell Park, ngay bên cạnh giòng sông, nhìn xa xa bờ bên kia là Langley Park (H.Bắc). Đứng ở chỗ chúng tôi nhìn về bên trái, nhận cây cầu Kwinana Freeway (H.Tây) bắt ngang sông là điểm dừng, thì chỗ này là cái mình của con Swan. Lại nhìn sang trái, cái cổ dài vòng lên hướng Đông Bắc, thì rõ ràng cái đầu con Swan nằm giữa vùng Belmont Park và Maylands Peninsula Golf Course. Chúa ơi! cứ mỗi buổi sáng, bình minh trên sông đã biến nó thành một con Golden Swan sống động, lung linh và tuyệt vời. Một con Swan rất đẹp! Huyền quay sang đám bạn, nàng chia sẻ cái hình ảnh thiên nhiên do bàn tay của Tạo hóa làm nên, rồi gật đầu tán thưởng:

– Thảo nào, người Úc đã đặt tên cho con sông này là Swan River!

– Hay quá! Chị Huyền mà không chỉ, thì em chẳng bao giờ để ý và nhận ra được! Nơi này đối với Perth City cũng gần tương tựa như Hồ Tây của Hà Nội, mà mấy tháng trước chúng em ở đó. Có thể nói khúc Swan River này là trái tim của Tiểu bang Tây Úc. Vyvy quay sang Uyểnmy, nàng tiếp: Nói đến trái tim, mình lại nghĩ tới cậu … Uyểnmy ạ! Anh chàng ra sao mà chỉ như cơn gió thoảng, đến rồi lại đi … nhanh như vậy chứ ?

Uyểnmy mỉm cười, nàng thong thả trả lời:

– Chỉ là không hợp thôi … mà! Chẳng lẽ cậu lại muốn mình … ủ-ê nằm cuộn mình, như một con cuốn chiếu đợi cơn mưa chiều …hay sao thế nhỉ ?

Duy Trân vờ chọc:

– Nói thì nói thế, biết đâu lại chẳng có “Đêm Xuân một giấc mơ màng” … Uyểnmy nhỉ ? (thơ Kiều của Nguyễn Du).

– Mơ cái gì mà mơ chứ … anh! Anh có nghe câu:

“Đùng đục gió giục mây vần

Một xe trong cõi hồng trần như bay.”

– Mấy người này chơi “Kiều” không à … ha! Học hồi nào mà hay Zdậy … ta ? Diễmly quay qua, ôm bờ vai Uyểnmy, lim dim cặp mắt, nhìn nàng, hỏi: Nhưng trong hai người, ai là “xe”, ai là “cõi hồng trần” … đây?

– Cả hai … cậu ạ! Mình là chiếc xe “thoáng qua” trong cõi hồng trần của người ta. Nàng tủm tỉm cười trong ánh mắt mơ màng, tiếp: Người ta cũng vậy … thôi! Có khác nào một cánh hạc bay qua áng mây hồng của mình. Trần Luân ngắm nhìn Uyểnmy bằng tia mắt của một vì sao lạc. Chàng cười, hỏi:

– Một người đẹp như em đây, biết người ấy có “vậy thôi” không ? Hay lại giống như “… cơn gió nhiệm màu” để rồi suốt đời đi trong “… huyền thoại nghiêng sầu”cố nhân. Xưa  nay, từ trong cõi nhân gian cho tới những vị thần đơn độc, sử sách đã để lại biết mấy “thi thiên” cũng là tưởng niệm những cặp “mắt nhung” ?

Uyểnmy không nín được cười:

– Thảo nào anh Trần Luân chẳng ngã vào trong đôi mắt huyền của nàng “kiều” Vyvy! Chứ em thì “Tình yêu nhiệm màu” chưa đến, mới chỉ là một cơn gió thoảng, hay một áng mây bay … Nàng nhấn giọng: Không có cơn gió nhiệm mầu đâu anh, mà chỉ có tình yêu nhiệm màu.

Duy Trân nhướng mắt cười nhìn Uyểnmy như bắt gặp cái gì mới mẻ, chàng hỏi:

– Em chưa yêu mà cảm nhận được tình yêu nhiệm màu … sao?

– Em thì chưa biết yêu … thật đấy! Không biết khi tình yêu tới, thì mình sẽ yêu bằng thứ tình yêu nào? Nhưng Anh Duy Trân ạ, trong thời gian học đạo, không biết anh đã nghe nói “Thiên Chúa là Tình yêu” … chưa?

– Nghe thì có nghe, nhưng mình còn hời hợt lắm! Mình biết câu định nghĩa đó của Thánh Gioan. Nhưng mà Uyểnmy ạ … Thời gian thì quá ngắn đối với mình thật đó! Mình vừa phải học những căn bản của đạo, vừa học giáo lý hôn nhân … sao cho đời sống hôn nhân tương lai của tụi mình, phải thực sự diễn tả được mầu nhiệm “hai là một” trong ý nghĩa của “Đời sống Hôn nhân Công giáo”. Nếu không thì chỉ sau một thời gian ngắn, đời sống vợ chồng sẽ trở nên khập khiễng, hay sượng sùng giữa “nếp và tẻ”, mà mình đã từng chứng kiến nơi nhiều cặp hôn nhân khác.

Mọi người đều nhìn Duy Trân mà không thể nín cười được. Huyền cắt ngang:

– Duy Trân này! … Cậu dùng từ hay thật đấy! Đời sống hôn nhân mà cứ như ăn một cái bánh lộn nếp, lộn tẻ thì còn nuốt vô thế nào được nữa!

Vyvy thật thà hỏi:

– Cái bánh mà lộn nếp, lộn tẻ thì sao …ạ?

– Độ chín của nếp và tẻ khác nhau! Cho nên cái này chín, cái kia sượng thì ăn làm sao vô được!

– À … ra là thế!

Diễmly bỗng lên tiếng hỏi:

– Sao các cậu hay dùng từ “mầu nhiệm” thế nhỉ? Nào là “Tình yêu mầu nhiệm”, vừa rồi Duy Trân cũng áp dụng từ đó cho hôn nhân. Không biết như vậy có đúng không hả … Duy Trân?

Vũ xen vào:

– Đúng đấy! Hôm trước đọc những lá thư hai bạn Vyvy và Trần Luân gởi từ Hà Nội về cho bọn này, trong đó có đoạn hai bạn luận đàm về hai chữ “thần thoại”, mình rất thích (Chân Lý số 98, tr. 29-30). Có lẽ hôm nay chúng ta thử bàn về hai chữ “Nhiệm mầu”, hay “Mầu nhiệm” được không hả?

– Mình đồng ý cả hai tay lẫn hai chân đấy! Duy Trân niềm nở, chàng tiếp: Mình vẫn còn là người ngoại đạo mà! Mình rửa tai để xin được học hỏi các cậu đấy! Diễmly ngắt ngang:

– Xí! … Lúc nào cũng đưa cái “chứng chỉ ngoại đạo” ấy ra. Em mà là Thượng đế … nghe hoài chắc cũng phải mắc ói! Nhưng Duy Trân vẫn ngẩng cao mặt cười, giả bộ không nghe, chàng hát:

“Lậy Chúa, con là người ngoại đạo

Nhưng tin có Chúa ngự trên cao

Hai mươi năm qua, lòng con ước ao

Chỉ mong tìm được người con gái … Chúa”.

Trong lúc mọi người còn mắc cười … thì Duy Trân lại lên tiếng:

– Lúc nãy, Uyểnmy hỏi mình “có biết Chúa là tình yêu không?” cho mục đích gì … em nhỉ?

– Vâng, anh nhắc lại em mới nhớ. Lúc ấy em có ý nói tuy chưa có tình yêu, nhưng em vẫn cảm nghiệm tình yêu như là một phép màu. Anh có nhớ “con người được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa” là gì không? Nàng chậm rải nói: Là Tình yêu … anh ạ! Vì Thiên Chúa chính là “Tình Yêu”. Mà Ngài thì rất nhiệm màu. Vì tình yêu Ngài đã tạo dựng lên tất cả. Vì tình yêu, Thiên Chúa đã nhập thể. Vì tình yêu, Ngài đã cứu độ. Mọi việc nơi Thiên Chúa đều là nhiệm màu.

– Vì vậy em mới nói “Tình yêu là nhiệm màu” … phải không? Trần Luân hỏi.

– Dạ, y như vậy! Nên khi người ta yêu nhau bằng một thứ tình yêu chân thật, thì tình yêu có phép hoán cải. Tình yêu biến đổi một con người cũ thành một con người mới! Và là một con người trưởng thành hơn trước về nhiều mặt.

Trần Luân gật đầu, trong khi Duy Trân đặt câu hỏi:

– Cũng hồi nãy em nói: Khi tình yêu tới, em chưa biết mình sẽ yêu bằng thứ tình yêu nào. Có điều đó nữa sao?

– Anh Trần Luân khi kể chuyện tình nàng công chúa Tâm Linh, đã chẳng nói về tình yêu mấy thứ: Philia, Agape và Eros(1) đó sao?

Duy Trân muốn đùa nàng nên hỏi tiếp:

– Chẳng lẽ em không biết chọn thứ nào cho mình sao?

Uyểnmy tủm tỉm cười, nàng hỏi:

– Anh Duy Trân mới học đạo xong, thì chắc nhớ câu này của ai rồi: “Những việc nên làm, tôi lại không làm; Những việc không nên làm, thì tôi lại thích làm” ?

– Chết rồi, anh bị khảo bài rồi … Diễmly ơi! Em nhắc anh được không ? Diễmly làm bộ phụng phịu:

– Ai bảo … Em dù biết cũng chẳng giúp anh đâu! Em sẽ đề nghị cha cho anh thi lại!

Duy Trân làm bộ nhăn nhó, chàng để một ngón tay lên mũi, suy nghĩ:

– Hình như thánh Phao Lô … phải không em?

– Anh giỏi thật đấy … Duy Trân ạ! Uyểnmy tiếp: Con người của em đây, phần tâm linh là hình ảnh của Thiên Chúa. Nhưng phần xác thịt thì lại là đứa con của “đất”. Khi nó chưa trở về cát bụi, thì nó là một thứ “ngục tù thân xác”. Không những nó bít lối, cản trở tâm linh trên con đường trở về với Người Cha là Đấng dựng lên nó. Nó còn có ngàn vạn cánh tay như những con rắn trên đầu của bọn ác quỉ Gorgones(2) trong thần thoại Hy Lạp, chỉ muốn cuốn chặt tâm linh mình mà trì hoãn, lôi kéo mình đi theo hướng của nó. Thế nên, khi là tình yêu chân thật thì là hình ảnh của Thiên Chúa, và nó trở nên nhiệm màu như Đấng đã tạo ra nó. Còn khi nó dối trá, nó sẽ là đứa con của mãng xà năm xưa. Duy Trân gật gù tán thành, nhưng chàng bỗng hỏi:

– Trong đạo hay nói tới mầu nhiệm … nhưng theo em, mầu nhiệm là gì ?

– Em có gặp từ này vài lần trong Kinh Thánh. Em xin đọc lại xem … anh sẽ hiểu như thế nào nhé! … Em nhớ một lần kia, sau khi các môn đệ hỏi Chúa Giêsu: “Sao Thầy lại dùng dụ ngôn mà nói với họ ?” Người đáp: “… Anh em thì được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời, còn họ thì không.”(Mt 13, 10-11). Hoặc là trong thư của thánh Phao Lô gởi các tín hữu Cô-lô-xê, có đoạn: “Như vậy là để họ được phấn khởi trong tâm hồn, và nhờ được liên kết chặt chẽ với nhau trong tình thương, họ đạt tới sự thông hiểu phong phú và đầy đủ, khiến họ nhận biết mầu nhiệm của Thiên Chúa, tức là Đức Ki-tô,”(Cl 2,2). Nàng lặng thinh một chút, rồi hỏi: Vậy theo anh hiểu thì “Mầu nhiệm” ta nên cắt nghĩa thế nào?

– Anh vẫn còn là “người ngoại đạo”, nên không “sua” lắm đâu! Theo anh hiểu chữ mầu nhiệm qua hai câu trên là: Sự vén mở cho thấy những điều kín, mật và khó hiểu từ Thiên Chúa.

(còn tiếp)

Uyênly

Ghi chú:

(1). Bàn về tình yêu mấy thứ: Philia, Agape, Eros, xin đọc các số Chân Lý (82); (83); (84); (85); (90) và (91).

(2). Trong thần thoại Hy-lạp Gorgones là ba chị em (thuộc thế lực hắc ám và hung tàn) có khuôn mặt quái đản với mái tóc là những búi rắn chĩa ra tua tủa, lại có quyền năng làm cho hóa đá bất cứ ai nhìn vào đôi mắt họ. Biểu tượng về mặt tâm linh, là có thể làm cho lòng người chai cứng, không chịu khắc phục để trở về con đường thiện.