“…Lòng trần còn tơ vương khanh tướng,
Thì đường đời mưa bay gió cuốn còn nhiều …”
“Chiều mưa biên giới” của Nh.s. Nguyễn văn Đông.

Người thanh niên dựng xe, bước vội lại chỗ cô gái bị té với một chồng sách đổ ngổn ngang trên lối đi. Anh giơ tay định đỡ cô gái dậy, nhưng người thiếu nữ né mình qua một bên trong dáng vẻ mắc cở, ngại ngùng, có xen chút bực bội:
– Tôi không cần ông giúp đỡ đâu!
– Tôi giúp đỡ cũng đâu phải vì người ta cần!
Rồi thôi mặc kệ cô gái ngượng nghịu đứng dậy một mình, chàng cúi lượm từng cuốn tập xếp lại:
– Từ nay nên cẩn thận một chút, không có gì phải vội vàng, cứ từ từ …
– Ông là gì mà đòi “chỉ bảo” tôi ? Bộ suốt đời ông không có một lần “vấp, lỡ” sao ?
– Có chứ ! Không nhiều “vấp” với “lỡ” sao có kinh nghiệm mà chỉ dậy người khác!
Chàng nghe một tiếng “xí” phát ra trên môi người con gái, vừa có vẻ khiêu khích, vừa như để trút đi cơn bực dọc, cùng lúc, chàng lượm đến cuốn tập cuối cùng. Người thanh niên đặt chồng sách vở vào tay cô gái:
– Tôi làm thế này, không phải là để kiếm một câu cám ơn đâu!
Người con gái há miệng tỏ ra ngạc nhiên, cùng với cử chỉ “hếch” mặt lên trời, xoay ngang chín mươi độ:
– Bộ ông tưởng là tôi phải cám ơn sao ? Tôi đã nói ngay từ đầu “Tôi không cần ông giúp đỡ” mà!
– Cô nghĩ là tôi cần sao ? rồi chàng xoay lưng vừa bước đi vừa nói: Buổi sáng nay đẹp lắm đó ông Trời! Vậy mà có người kêu “xí” (xí=xấu)! Thật là chỉ được cái mã bên ngoài, chẳng có tâm hồn gì cả! Câu nói của chàng ta, làm người con gái bực bội:
– Anh chàng kia … Đứng lại! Chàng xoay người lại, vẫn dáng bình yên:
– Cô làm sao thế ? Liệu có bước đi được không, hay là muốn tôi cõng ?
Người thiếu nữ giận phát run. Môi trên nàng “guứu” lại, thở hắt ra một cái thật mạnh, làm bay bay mấy lọn tóc lòa xòa trước trán:
– Tôi muốn hỏi ông … Tại sao ông lại có mặt ở đây ? Ông có biết đây là trường nữ không ? Người thanh niên “hừ” một cái, nhưng rồi lại mỉm cười:
– Tôi cũng đang định hỏi cô câu đó! Nhìn cô tôi biết không phải học sinh trường này. Nhưng mà thôi, bây giờ tôi phải đi! … sau này cô sẽ biết!
Người thanh niên đã ra tới chỗ để xe, nổ máy, rồi “dzọt” ra khỏi cổng trường, bỏ lại cô thiếu nữ với ít nhiều tư-lự và bực bội ở trong lòng…
*
… Trong phòng họp, bà Hiệu-trưởng đứng dậy tuyên bố buổi họp bắt đầu. Cánh cửa bật mở. Một người thanh niên tới trễ, ngỏ lời xin lỗi, rồi nhìn khắp cử tọa một lượt, đoạn xuống cuối phòng, xách một chiếc ghế, bước thẳng tới chỗ bên cạnh người con gái mà mắt chàng vừa bắt gặp. Mặc dù người thanh niên cũng thấy rải rác còn vài ghế trống. Cô gái hơi nhíu cặp lông mày một chút. Người Hiệu trưởng vẫn tiếp tục:
– Hôm nay tôi mời các vị đến đây để phổ biến một văn thư mới của Bộ, về việc thay đổi cách ra đề thi cho các thí sinh năm nay. Thế nào rồi Bộ cũng sẽ đặt ra tiêu chuẩn chấm thi theo lối mới, nhưng văn thư đó chưa tới. Cũng có thể người của Bộ sẽ xuống sinh hoạt với chúng ta … Chàng thanh niên liếc nhìn người con gái, mỉm cười, nói nhỏ:
– Lại gặp cô ở đây. Thế nào, cô không đuổi tôi đi chỗ khác chứ ?
– Tôi cũng đang tự hỏi … sao lại có người như thế chứ ? Bộ những chiếc ghế kia gẫy chân hết rồi hay sao ?
Người thanh niên mỉm cười, xé một mảnh giấy trong carnet, hý hoáy viết, rồi đẩy sang bên cạnh:
– Cô mới đổi về đây ? Thiếu nữ cũng dùng viết đáp trả:
– Câu hỏi thừa! Không cần thiết phải trả lời chứ ?
– Cô tên gì ? Thiếu nữ hơi bật ra một nụ cười “gió”, nàng chống nhẹ cán bút lên trán, suy nghĩ một chút, rồi viết:
– Hồng … loại hoa nhiều gai cứng và nhọn . Người con trai nhìn vào tờ giấy, thoáng một nụ cười. Chàng hơi nhướng mắt một chút,  viết lại trên giấy tên mình:
– Tôi tên Vũ … là “Vũ vô kiềm tỏa năng lưu khách!” (Ý nói:Mưa không cần vây hãm mà vẫn giữ được người).
– Anh chẳng giữ nổi tôi! Người nào tưởng nắm bắt được tôi, đều phải đổ máu!
– Máu ứ đọng trong trái tim tôi, chưa kiếm được chổ để thoát ra ngoài. Nếu được cô khơi để nó có chỗ đi, thì … tôi thật là có “Số đỏ” (1) đấy! (Vũ vén một bên tay áo, đưa cườm tay sang phía nàng, tay kia nắm lấy bàn tay không cầm viết của nàng, đặt lên cổ tay mình cách tự nhiên, và nói): Cô có biết huyết mạch chính của tôi ở đâu không, tôi chỉ cho cô.
Người con gái vừa hoảng vừa giận, vội giật tay về, quên cả kiềm chế, sẵn đà, giáng cho chàng một “cái tát”. Nàng “đanh” mặt lại, chiếu hai làn nhỡn tuyến ngàn “oắt” lên khuôn mặt chàng. Trong vài giây thất thần, Vũ bất chợt khám phá ra “Trong Đôi Mắt Nhung” cuồn cuộn cơn sóng thần. Một vẻ đẹp “Thần bí” của âm dương hòa hợp. Một sức hấp dẫn “Kiêu sa” trong “Biển mắt” thầm. Một “tích-tắc” giao thoa giữa nhu và cương trong tia sáng khó bắt gặp – “không họa sĩ nào vẽ được!” – Chỉ trái tim chàng mới chụp được, để lưu dấu trong tâm suốt đời không phai. Cũng chính trong giây phút thất thần đó của Vũ, đã làm biến dạng con người tinh nghịch phá phách của chàng. Một nét khờ dại phảng phất trên khuôn mặt thông minh, có ánh mắt thường tinh anh và linh động. Chỉ một chút thôi, nhưng nó tựa hồ như mũi tên của thần Eros (2) vụt phát ra, xuyên suốt, làm nhói lên một cái bên bờ ngực trái của người thiếu nữ. Tạo ra một cảm giác “đánh thức bất ngờ” của một sự vừa hối hận, vừa mắc cỡ. Cái giận dỗi pha lẫn cái thẹn thùng, làm cả hai cùng đỏ mặt, cúi gằm xuống bàn, giữa những tiếng cười “ồ” của cả phòng, mà đa số lại là những nữ đồng nghiệp. Diễn tả thì lâu, nhưng tất cả mọi cảm ứng diễn ra chỉ như một tia chớp. Người thiếu nữ như bị sức dồn nén vô hình làm bật dậy, bước đi như cái xác không hồn biến vào hư vô … của một sự trốn chạy. Cũng may là buổi họp vừa kết thúc! Đã thoát ra khỏi phòng, nhưng nàng vẫn còn nghe được những giọng đùa cợt, nhịch ngợm của bọn đàn bà, con gái, giữa những tiếng cười mai mỉa:
– Chết anh Vũ rồi! … y như bị mẹ đánh … coi mặt ông ấy kìa, cứ y-như “chó ăn vụng bột” ấy! … Tội nghiệp anh Vũ thật! … Cô giáo mới đấy! … Người đâu mà thẳng tính thế! … Chắc lại chọc ghẹo người ta chứ gì … phải không thầy Vũ ? … Đụng phải ong bầu rồi! … Từ nay đừng có nói “ma cũ bắt nạt ma mới” nữa … nhé! vv và vv…
Dạo ấy được một dịp sân trường nổi cơn gió bụi, nhưng rồi … chuyện gì cũng đâu vào đó! … Vũ là người dậy giờ, và “chạy” trường, nên hai người, tưởng cũng không có cơ hội để mà “sượng sùng nhìn mặt” nhau. “Bẵng” đi đến cả một hai tháng…
*
Chiều thứ Bẩy nào, nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế cũng có “chầu lượt”. Không chỉ những ông già bà cả, ngay cả trai thanh gái lịch tứ phương đổ về như trẩy hội. Họ đến để Chầu Thánh Thể. Nhiều người thích đi nghe giảng. Phần đông tới xin ơn Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Chỗ nào cũng đông người, kể cả nhà bán sách, ảnh, tượng, đừng nói là hang Lộ Đức. Chiều nay trước hang Lộ Đức, nơi bàn quì … Có người con gái tóc thề, mắt mơ màng nhìn lên Mẹ – Người Phụ Nữ gần hai thế kỷ trước, trong chiếc áo trắng tinh tuyền và giải thắt lưng xanh màu da trời, phơ phất bay – Đã công bố cho toàn thể nhân loại: “Ta là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội” (3). Từ ngày đó, dưới chân những bức tượng ảnh giống như “Người” đã hiện ra thủa trước, ở bất cứ nơi đâu trên địa cầu, Mẹ đã làm biết bao phép lạ cứu giúp người ta, những ai thành tâm chạy đến kêu cầu cùng Mẹ. Vẫn chiều nay … Một ngày như mọi ngày, đôi mắt Mẹ nhân từ, nhìn đoàn con âu yếm dưới chân, và đang lắng nghe tiếng nói của từng tâm hồn, cùng với từng nhịp đập của mỗi con tim, trong đó có cả người thiếu nữ đang đắm chìm tâm tư của mình, vào một cõi tâm linh diệu kỳ, khác hơn là “cái nhìn lên pho tượng” lúc ban đầu. Đó chính là điều những người ngoại giáo không thể hiểu được, tại sao người Công giáo lại sùng kính Đức Bà Maria như vậy! Nàng quì cũng đã lâu, đố ai biết nàng cầu xin Đức Mẹ điều gì. Cạnh nàng hễ người này đứng lên, đã lại có ngay người khác thế vào. Lần này, thì khác hẳn, sao lại có người cầu nguyện như “rót” vào tai nàng như vậy! Không sợ người bên cạnh nghe thấy hết tâm tư của mình … rõ ràng là giọng nói của một thanh niên … Đàn ông thì đúng hơn:
– Mẹ à! Con xin lỗi Mẹ đấy! Hình như mới chỉ cách nay khoảng hai tháng thôi, con lỡ làm cho người ta nổi “quạu”. Đúng ra thì con lãnh một “tát tay”  … cũng đáng lắm! Thành thử đáng lý “giận lắm”, nhưng mà thôi con tha thứ cho cô ấy! Không những thế, con còn muốn xin lỗi “người ta” nữa cơ, nhưng con không biết làm sao bây giờ! Mẹ có thể đánh động lòng cô ấy “giùm” con được không ? Chúa dạy ai cũng phải tha thứ cho kẻ khác đó mà … có phải không? … À, cô ta lại còn có cái tội “dối trá” nữa! cho con cái tên giả. Con đi hỏi mọi người, ngay cả văn phòng nhà trường … cũng không người nào biết “Hồng” … lắm gai là ai cả!
Người con gái không thể nín cười được, đành quay sang người thanh niên đang quì cạnh mình:
– Anh cầu nguyện với Đức Mẹ, hay anh đang nói cho ai nghe đây ?
– Tôi đang nhờ Đức Mẹ nói lại với cô ta … đây mà! Cô tưởng tôi cầu chơi hả ? Tôi cầu thiệt đó!
– Anh nói cô ta … là cô nào ?
– Là cái cô có cặp mắt to giống như … đôi mắt cô đang nhìn tôi … dzầy nè! Giọng nói cũng i-trang giọng nói của cô đó! (Người con gái bắt phì cười, nàng đảo một vòng mắt cầu vồng nhìn trời, rồi hỏi):
– Anh nói chuyện với Đức Mẹ xong chưa ?
– Đủ rồi! … Hôm nay tôi chỉ nhờ Đức Mẹ … nhiêu đó thôi! Tôi nghĩ Đức Mẹ nghe rồi! Thế nào cũng nhận lời tôi.
– Vậy tôi mời anh ra ngoài kia với tôi một chút … được không? … Để khỏi làm chia trí những người khác! (Người thanh niên đó chính là Vũ. Chàng bậm miệng, gật đầu, đi theo cô gái ra khỏi đám đông).
– Anh theo dõi tôi hả ?
– Theo dõi thì không! Tôi đâu phải công an! Bộ cô là tội phạm sao ? Nhưng tôi cũng có ý muốn tìm cô. Nàng xoay hẳn người lại, mặt có chút vênh váo:
– Anh kiếm tôi để làm gì ?
– Thì để xin lỗi cô.
– Chỉ có vậy thôi sao ?
– Chứ cô muốn … tôi phải “thường” cô cái gì bây giờ ? Nàng có vẻ ngẫm nghĩ một chút
– Thôi được! … là anh ép tôi phải tha thứ cho anh! Tôi sợ anh quá đi! Hồi nãy anh đã méc với Đức Mẹ rồi … dám mai mốt còn đi … méc với Chúa nữa! … Tôi đi được chưa ?
– Chưa đâu!
– Hơ ! … Sao anh phiền tôi quá vậy ?
– Chúng mình đã tha thứ cho nhau rồi, thì có thể … làm bạn với nhau chứ ? Nếu không tức là còn giận nhau đó! Hễ còn giận, thì dù có cầu mấy, hay cầu sự gì … Đức Mẹ cũng chẳng nghe … đâu! Nàng vờ quay mặt sang một bên, để dấu “cái” cười bất chợt bị thúc đẩy từ một ý nghĩ “muốn làm quen  cách lạ lùng” của người con trai này:
– Đề nghị của anh “đột xuất” quá! Tôi cần suy nghĩ lại!
– Trong lúc cô suy nghĩ … Tôi mời cô một ly nước, ngay quán bên kia đường. Nhưng cũng đừng nên suy nghĩ nhiều! … Nhức đầu lên huyết áp … đó!
– Hừ! … Anh làm như tôi là bà già … không bằng!
– “Già” thì chưa … nhưng hơi có nét của “bà cụ non” đấy! (Người con gái cúi mặt cười thầm, nàng ngẫm nghĩ một chút, rồi … cũng đi theo Vũ vào tiệm nước).
*
… Lúc Huyền tỉnh dậy, cứ tự hỏi không biết tại sao mình lại nằm đây ? Mình bịnh gì, sao mình lại không biết ? Ai là người đã đưa mình vào bịnh viện ? Mãi cho tới khi cô y-tá vô, nàng mới biết mình đã trải qua một cơn sốt cao độ, và mê man bất tỉnh đã mấy hôm rồi. Y-tá bảo người đưa mình tới đây là một cô gái … Cô gái đó là ai? Huyền không thể nào nghĩ ra được! Huyền muốn chỗi dậy, ra ngoài, nhưng không cách nào! Khi không mình lại mất sức đến như vậy sao ? Nằm đó … Huyền cố nhớ lại … Phải rồi! trước lúc “lịm” đi, mình đứng dưới mái hiên nhà Vũ, lúc ấy cơn mưa mới bắt đầu … Rồi cứ thế … bao nhiêu kỷ-niệm tràn về … Từ những buổi đầu hai đứa gặp gỡ. Những cuộc gặp gỡ đáng tức cười! … Từ bực bội, khó chịu đến … quen, thân … rồi thương, nhớ. Càng ngẫm nghĩ, càng buồn cười: “Thật tình, chẳng giống ai hết!”. Dĩ vãng như một bộ phim tập, lần hồi chiếu lại những … hẹn hò, trong quán vắng, giữa phố đông người, những cuộc chơi xa: Huế – Sàigòn – Hànội, nơi đâu cũng đầy dẫy những dấu chân kỷ niệm. Từ Chùa Hương đến Thánh Địa (4). Những bữa ăn trong nhà hàng, đến những câu chuyện bên lề phòng ngủ. Những ngày giận hờn, tự nhốt mình … nhìn mưa rơi ngoài song cửa đến héo tim, úa phổi .Những Hòa-ước hai đứa “ngoéo tay” ký tên và đóng dấu đến cả trăm lần. Khóc, cười … rồi lại khóc, cười … đâu lưng, đối mặt … Tất cả thật nhiều! Nhưng vẫn chẳng thể “lấp” đầy hai chữ “Tình Yêu”.
…Hôm rời Thánh địa La vang, trên đường về, Vũ yêu cầu bác Tài ngừng xe trên đỉnh đèo Hải Vân cho mọi người xuống ngắm Hoàng hôn. Chàng chỉ cho Huyền xem cảnh Núi non hùng vĩ, và Biển bao la bất tận. Chàng bảo đây là “Núi Bố, Biển Mẹ”. Ở khúc này, biển mẹ rõ ràng dang rộng vòng tay ôm núi bố vào lòng. Rồi Vũ choàng tay ôm nàng đứng phía trước:
– Đáng lẽ em phải ôm lấy anh như thế này cho ra vẻ “cảnh sinh tình”, hay “người …
Mới chỉ nói tới đó, lập tức Huyền đã “giẫy nẩy” xoay người lại, vừa nhéo má chàng vừa bảo: “Anh này ma giáo thiệt! Đúng là có âm mưu đen tối. Làm bộ nói là đi  “ngắm hoàng hôn” thì ra là để … ôm người ta!
– Không có mà! Để yên anh cắt nghĩa cho mà nghe … Em nhìn ra phía trước! Sáng cũng như chiều, cảnh vật nơi đây lúc nào cũng được che bởi tấm “voan”bằng sương mỏng, làm tăng vẻ đẹp cho thiên nhiên như khuôn mặt cô dâu trong ngày cưới vậy! Lại nữa, ở đây trời mây non nước là một, có thể nói là Thiên Địa đồng nhất thể. Từ xưa tới nay, nơi đây chưa có ai chỉ ra được ranh giới giữa “trời mây” và “biển nước”.
– Đúng rồi, anh nói em mới để ý đấy! Xem ra không có đường chân trời!
– Vì thế nó mới có tên là đèo “Hải vân”. Hải là biển, vân là mây. Đứng trên đèo, thấy Biển với mây là một.  Chỉ đứng đây, người ta mới không phân biệt được Biển, Trời hay Mây, Nước. Một vùng nước (hay mây) bất tận chạy từ dưới chân ta lên “tít” đến đỉnh trời.  Chưa hết đâu! Hồi nẫy anh rủ em đi đâu nhỉ ?
– Đi ngắm Hoàng-Hôn.
– Đúng! Cái “đẹp” tuyệt vời của cảnh này  là lúc Hoàng Hôn. Khắp nước Việt Nam, có khi cả thế giới, không có hoàng hôn nơi đâu, đẹp bằng hoàng hôn trên đèo Hải vân! Em chờ coi đi! Mặt trời xuống thấp một chút xíu nữa thôi, tự nó sẽ đổi màu. Đó là tùy thuộc vào lớp sương chỗ dày, chỗ mỏng (quang năng đi qua lăng kính), mà nó cho mắt ta thấy đủ mọi sắc màu. Đỏ , cam, chàm, tím … Lớp sương mây như một kính viễn vọng khổng lồ, làm cho mặt trời nơi đây lớn hơn bất kỳ mặt trời chỗ nào trên trái đất. Và quan trọng ở điểm này là … Mặt trời xuống tới một mức nào đó, mới … cho ta thấy “Điểm Giao Thoa” giữa trời và nước. Chính lúc ấy, ta sẽ được chiêm ngưỡng “Nụ HÔN của trời dành cho trái đất của chúng ta đang sống!” Và Mặt trời sẽ lịm dần sau cái hôn đó! … Giống như thế này nè … Chàng cúi xuống … khuôn mặt nàng cũng … vô tình ngửa lên … như đón nhận một cái gì … Bốn mắt tưởng chừng như sẽ … lim dim khép lại. Nhưng chỉ thoáng cái, Huyền vội đẩy chàng ra, nàng sẽ nói:
– Lãng mạn quá đi thôi! Vũ… Em muốn anh hứa với em một điều?
– Em nói đi! Vì em, cái gì anh cũng hứa!
– Em cấm anh từ nay trở đi, không được kể chuyện hoàng hôn với bất cứ cô gái nào! Cũng không được dẫn ai đi ngắm hoàng hôn … ngoài em ra!
Hôm sau, khi về tới Nha Trang, Tài xế đưa du khách đến ăn trưa và nghỉ ở một khách sạn sang trọng nằm sát một eo biển. Chỉ tay về phía bên kia mạn nước, Vũ bảo người tình:
– Em có thích một ngôi lâu đài bên cát trắng, dưới bóng dừa, như thế kia không?
– Đẹp quá nhỉ ? Không biết có đôi tình nhân nào được cái hân hạnh sống trong đó không ? Em nghĩ ở những chốn thơ mộng như vậy, nơi nào lại chẳng có bóng dáng những “người đẹp”, phải không ? Ở đây không những tha hồ tắm gió biển, mà chiều nào cũng được ngắm “Hoàng Hôn”. (Định nghĩa của riêng UyênLy: Hoàng-Hôn là cái hôn bàng hoàng của trời đất, y như người ta hôn nhau, lim dim. Nhưng bất quá chỉ “lịm” đi một lát! Trời đất hôn nhau, ngày nào cũng vậy, cứ sau cái hôn, Trời “lịm” đi, tới sáng hôm sau mới tỉnh dậy, nhờ vậy mà có đêm).
– Đó là nhà nghỉ mát của Hoàng Đế đấy em ạ!
– Anh muốn nói là của Vua Bảo Đại hả? Không kể Huế, Đà Lạt vua cũng có dinh thự riêng. Chỗ nào đẹp cũng có dấu chân ngài. Không biết những người tình của vua ngày xưa, hằng ra vào ngôi lâu đài ấy, cùng với những bàn chân thon nhỏ một thời từng in trên cát, dưới những hàng dừa kia … bây giờ đã ra sao … Trong một thế giới nào ?
– Em ạ! Thực ra lâu đài chỉ là cái vỏ bọc hào nhoáng, ánh lên cái vẻ sang trọng, quyền quí thế thôi! Chứ nghĩ cho cùng … Có biết bao nhiêu sóng gió, bão bùng; Biết bao nhiêu tang dâu, biển loạn đã “sóng” nước, “sô” bờ, làm “tan nát” tâm hồn những con người, đã một thời vang bóng ở cái nơi, tưởng chừng như rất huy hoàng đó!
– Phải, cái “vang bóng một thời” nơi mỗi một con người … nó thoang thoảng Như Một Bóng Mây! Không mấy ai nhận ra cái điểm này trong cuộc sống!
– Ngay như “Hoàng Đế” với “Lâu đài” cũng vậy! Tuy ngài dựng lên là thế, mà hưởng thụ có mấy thuở ? Hạnh phúc nồng nàn “đích thực” trong những căn phòng “nhung lụa” ấy, biết có hay không? Cho dù có, hỏi … được bao ngày (5) ? Nói chi đến những con người cúi đầu, quì gối để xin ơn mưa móc, cho được chút quyền bính trong tay? Hay như những cô gái bán cả linh hồn lẫn thân xác cho một vì vua, hầu chỉ để mua lấy chút “hương” thừa, “lộc” cặn. Nhưng mà (cả đám họ) ngày đêm cứ phải đấu tranh, lo lắng, gói ghém “muộn phiền”, che dấu bên trong những nụ cười giả tạo!
– Vậy mà nhân loại vẫn cứ tưởng là “Làm vua cho sướng! Làm khanh tướng cho oai” (quyền uy). Nên thế gian bây giờ còn đẻ ra rất nhiều “loại” vua, chứ chẳng phải chỉ có một ông vua như nước ta thời trước! Nào là vua tiền, vua bạc (Ngân hàng, thương mại), vua dầu hỏa, vua xe hơi, vua đánh Box, vua nhạc Rock, vua Điện ảnh, vua thể thao v.v… Cứ mỗi ngành lại có một ông vua, chưa kể những ông vua trong làng chơi: Xì-ke, Ma-túy, đĩ điếm. Mà chỗ nào có vua cũng đều có khanh tướng với nàng hầu …
– Nghe em kể … Anh lại nhớ một câu rất có ý nghĩa, trong bài hát “Chiều mưa biên giới” của nhạc sĩ Nguyễn văn Đông.
– Anh hát cho em nghe đi! (Huyền kéo chàng ngồi xuống trên cát. Nàng tựa đầu lên vai người yêu, tay đong cát đổ đầy lên những bàn chân. Gió biển thổi về làm tung làn tóc rối) Anh ru em ngủ đi!
– Anh chỉ hát một câu thôi! Nghe … nha:
“…Lòng trần còn tơ vương khanh tướng,
Thì đường đời mưa bay gió cuốn còn nhiều … em ơi!”
– Anh khôn quá à! Trong bài hát là … Anh ơi! … Là em khuyên anh, chứ không phải anh khuyên em … đâu mà … “Em ơi!”. Giọng anh ấm lắm! … Sau này mùa đông anh ru em ngủ nha! (Vũ ký nhẹ lên đầu nàng, rồi ôm bụng cười nghiêng ngả không thôi. Huyền nắm tóc, lôi đầu chàng lại, hỏi): Anh cười cái gì mà cười dữ dzậy ? Cười em phải không ?
– Còn ai vào đây nữa! Em có biết con gì ngủ hết mùa đông không? … Con thằn lằn đó! Trong một cuốn truyện của Henri Miller, có kể chuyện con Lizard là một con vật “làm biếng” nhất trên thế gian này, nó chỉ thích ngủ hết mùa đông, để khỏi ra ngoài làm việc khi trời lạnh! … eo ơi cái cô bé lười này! thảo nào đụng vào da thịt em, nhũn … như con thằn lằn í! ghê quá! (Vũ giả bộ nhoài người đi chỗ khác. Huyền cũng phá ra cười, vờn theo)
– Được rồi, em là con thằn lằn đó! Con vật máu lạnh đấy! Đã vậy, em bò vào người cho anh nhột, anh cười … chết luôn đi! (Bỗng Huyền la lên): Vũ, con gì đâu ra mà nhiều quá dzậy nè! … Coi chừng nó bò vào người anh đó! Ơ … con cua nho nhỏ xinh quá ta! (Vũ chỗi dậy ngó một con trong lòng bàn tay Huyền, cười bảo):
– Đừng nói con “cua nho nhỏ” thiên hạ cười chết! Phải gọi nó là con Dã Tràng.
“Dã tràng “se” cát biển đông,
Nhọc nhằn mà chẳng nên công cán gì!”
Em nhìn kìa … có thấy Dã tràng đang xây thành không? Đây là một sinh vật xây lâu đài trên cát . Nó cứ “se” cát xong, sóng biển đánh vào, xóa tan đi hết! Xong nó lại tiếp tục làm lại, cứ thế ngày qua ngày, cho đến lực tàn, sức cạn mới thôi!
Huyền ngắm nhìn “con cua nho nhỏ” sao thấy nó xinh quá, lại nghe Vũ kể chuyện đời nó, nàng thấy vui vui, bật ra tiếng khen, chen lẫn với tiếng cười lảnh lót, như tiếng chim hót buổi bình minh:
– Hay quá! … dễ thương quá! (Tiếng cười chợt tắt ngang, vì Huyền vừa suy ra điều gì … vội bảo Vũ): Anh còn nhớ câu chuyện giữa chúng mình, lúc ở Chùa Hương không ?
– Chuyện gì ?
– Kinh Vô Tự mà em nói với anh đó! … Đây là một “bản” kinh vô tự nữa … nè! Anh không thấy sao ? … Chúa “Sáng tác” ra “Kỳ công sinh động” này, để nhắc nhở cho mọi thời, mọi người ở đời, là họ “cứ” đang cố công “Xây Lâu đài Trên Cát”. Chắc trên cao Chúa nhìn xuống, Chúa cũng hằng “tội nghiệp” cho loài người, cũng giống như anh em mình tội nhiệp cho những con Dã tràng này nè! Uổng phí thời gian và công sức suất cả đời mình! Anh có nghĩ sở dĩ người ta không nhìn ra được những bài học của Chúa “ghi lại” bằng việc sắp xếp “lề luật, và những lời dạy bảo” trên mọi loài trong vũ trụ là bởi vì sao không ?
– Anh chỉ dựa vào Tin Mừng mà nói thôi, chứ chẳng phải mình nghĩ ra đâu! Thứ Nhất là Quỉ cứ hay chơi trò Bịt Mắt Bắt Dê đối với loài người. Ngay như Đức Giêsu, nó tưởng Ngài là Ngôn sứ, hay một người trần thánh thiện nào đó, nên đã che mắt Người mà đem lên nóc đền thờ Giêrusalem (Cái bẫy thứ Ba (6)) rồi bảo Người nhảy xuống (Lc 4, 9-12). Thứ Hai là con người hay tự thị (tự tôn, tự đại), trông cậy và ỷ nại vào tài năng, sức vóc (sức lực hay nhan sắc) của mình. Quỉ biết yếu điểm này của con người, nên nó dẫn dụ rất tài tình, như đã từng dụ khị hai Nguyên Tổ…
*
… Những Kỷ Niệm trôi về tới đây chợt dừng lại! Huyền nhớ Vũ … Nỗi nhớ khôn nguôi, day dứt, từng gậm nhấm rách nát con tim, suốt mấy tháng nay … Từ ngày tiếng bấc tiếng chì gán ghép, kết tội Vũ dụ dỗ gái tơ. Huyền biết chàng không phải loại người như vậy. Nhưng hàng ngày, bất cứ những nơi nàng dạy, chỗ nào người ta cũng cố ý nói cho nàng nghe về Vũ, bằng một sự mỉa mai, khinh khi, khích bác. Nhất là tại trường nữ, nơi hai người dạy chung … “Coi chừng thằng cha giáo sư lưu manh, trẻ tuổi, tài cao … chuyên môn dụ khị nữ sinh nhẩy đầm, phá trinh đời con gái!” Huyền đã khóc thầm biết bao đêm. Riết rồi, nàng đâm chán nản, muốn bỏ luôn nghề dậy học. Hôm nay, nằm đây, nàng nhớ lại lời Vũ nói hôm nào về cái “Trò Chơi bịt mắt bắt dê Của Quỉ” … Cùng với những lời nói chia tay ở nhà chàng trong một chiều cuối cùng. Huyền lại không cầm được nước mắt. Đôi môi “rưng rưng” lập lại câu nói của Vũ: “…Anh phải đi con đường của mình, anh không thể bắt em đi cùng! …”. Thì ra như  Vũ nói, con người ta dễ rơi vào sự tự tôn, để tự hại! Biết đâu vì lòng tự ái của chàng đối với mình, làm cho Vũ phải chạy trốn (?). Hay là đã tới đường cùng rồi, chàng đành để cho quỉ “bịt mắt” dẫn đi theo lời “dụ dẫm” của những “Eva Thời Đại” (?)… Huyền bất chợt lau khô nước mắt, đưa tay làm dấu (+). Nàng nghĩ tới Đức Mẹ Lavang hôm nào hai đứa … và khởi sự đọc “Kinh Tình Yêu”. Xong, Huyền quyết định đi tìm chàng. Nhưng lực bất tòng tâm, Huyền không đủ sức lết ra khỏi phòng … Vừa lúc đó cô Y-tá bước vào. Huyền nhờ:
– Chị ơi! Em ngộp thở quá rồi! … Chị có thể nào giúp em đi ra khỏi căn phòng này một lúc được không … hả chị ?
Người nữ y tá lấy chiếc xe lăn, dìu nàng ngồi lên, đẩy nàng ra ngoài, trên những lối đi trong khu vườn phía trước nhà thương. Huyền ngắm nhìn bầu trời và hít thanh khí vào lồng ngực.
– Cám ơn chị nhiều lắm! … Em cảm thấy thoải mái quá! … Đã lâu không thấy mặt trời!
– Không lâu lắm đâu chị! Chị ở đây mới vài ba ngày thôi! … Chị biết không, có mấy người ở đây từ sáu tháng tới một năm đặng! … Bác sĩ bảo chị không sao hết! Chỉ là do tâm não có điều gì … phiền muộn quá mức làm cho kiệt sức. Nếu chị vứt bỏ hết đi, tịnh dưỡng quá lắm là một tuần, sức khỏe của chị sẽ bình phục! … Nhưng nếu chị cứ ôm mãi những ưu tư nặng nề ở trong lòng, cơ thể sẽ phát ra nhiều chứng bịnh như: yếu tim, hư gan, háo phổi … Có người bị “thần kinh” trước, rồi các cơ bắp và những bộ phận khác “liệt” sau! Em cầu xin … chị đừng có bị như vậy!
– Cám ơn chị … Em sẽ cố gắng nghe lời khuyên của chị. (Bỗng … Huyền giật mình vì thấy Vũ đang từ cổng phụ của bệnh viện đi vô. Nàng vội quay đầu lại, nói với cô y tá):  Chị cho em ra gần cái cổng phụ kia đi!
Một lát sau thì bốn mắt thân quen đã tìm được nhau. Vũ đứng “sững”, nhìn nàng không chớp. Khó mà biết được trong đầu chàng đang nghĩ gì trong giây phút này! Huyền thì khác hơn! Vì quá bất ngờ … nàng không sao tưởng tượng được! Chỉ còn biết mở tròn xoe đôi mắt nhìn Vũ. Nước mắt “rưng rưng” đầy, tràn ra khỏi hai hàng mi cong, lăn xuống má. Đôi môi nàng “rung rung” mãi, mới thốt lên được hai tiếng “Anh … Vũ!” Vũ vẫn lặng thinh nhìn đôi mắt người yêu, nhưng chàng đã bước lại gần chiếc xe lăn, quì xuống một gối, cho xáp lại gần với khuôn mặt người tình. Chàng ngước nhìn cô y tá, nói: “Cô cho tôi mượn Huyền một lát! Tôi biết tự … đưa cô ấy về phòng, xin cô khỏi phải quan tâm!” Người nữ y tá nhìn Huyền hỏi ý. Huyền gật đầu … Vũ đưa tay chùi nước mắt nàng, rồi nắm chặt hai bàn tay Huyền. Huyền rút tay về, ôm chặt lấy Vũ, rồi gục đầu lên vai chàng, khóc như chưa từng bao giờ được khóc! Trên khóe mắt chàng, vài giọt lệ cũng đang từ từ lăn. Chàng vỗ về:
– Đã hết rồi! Mây xám đã tan dần!… Anh hứa từ nay sẽ ở bên em … mãi mãi! (Giọng Huyền như đứt khoảng):
– Từ lúc tỉnh dậy tới giờ … Em cứ sợ đã mất anh! Tưởng chúng mình vĩnh viễn xa nhau! Không gì đáng sợ bằng lòng tự ái nơi con người. Anh biết không, nằm trên giường bịnh, em suy nghĩ thấy rằng: lợi lộc vật chất, công danh, sự nghiệp, lòng tự tôn đều là những cửa ngõ đi vào “bẫy” của quỉ. Âm mưu độc hại nhất của nó, cuối cùng là làm con người “chia rẽ” nhau. Có khi nó dùng tôn giáo để chia rẽ đời, lại cũng có khi nó mượn đời để gây chia rẽ người trong cùng một tôn giáo với nhau. Chia rẽ là điều Chúa không bao giờ muốn! Huống chi anh em mình … đã nói gì với Đức Mẹ La vang. Nhưng … sao anh biết em ở đây mà kiếm ?
Vũ bắt đầu kể, mới khoảng một giờ đồng hồ trước, Thiên Kim tìm đến chàng, cho số phòng và tên bệnh viện rồi hối chàng phải gặp Huyền không được chậm trễ …
– Chiều mưa hôm ấy (Thiên Kim kể với Vũ): em đến nhà thầy, tính đề nghị với thầy một việc. Không ngờ đã không gặp thầy, lại còn nhìn thấy một người con gái ướt sũng nước nằm dưới mái hiên, trước lối đi vào. Em tính quay trở ra, nhưng lương tâm không cho phép, khiến em cúi xuống xem xét thế nào. Thấy tim cô ấy còn đập, nhưng người thì lạnh toát, trong tình trạng bất tỉnh. Qua mấy giây hốt hoảng, em bình tĩnh trở lại, nghĩ ngay chuyện phải cứu người trước đã! Mười phút sau xe cứu cấp tới. Em theo xe vào bệnh viện cho tới khi Bác sĩ cho biết cô “đã thoát hiểm”. Nhưng vẫn còn mê man bất tỉnh. Nhờ mấy cái thẻ trong sắc tay của cô, để khai tên, làm giấy tờ nhập viện, em mới nhớ khi trước, có nghe phong phanh người yêu của thầy tên Huyền. Đêm ấy về, em có nhiều phân vân. Lương tâm em tự nhiên cắn rứt! Nếu như cô Huyền chết thì sao? Tự dưng Em linh cảm thấy cô Huyền có liên quan với những sư kiện em đã gây ra cho thầy.  Hôm sau em trở lại bệnh viện, bệnh nhân vẫn chưa tỉnh. Hỏi Bác sĩ, ông ấy bảo: “Khó mà nói bao giờ bịnh nhân tỉnh lại! Chỉ phải tiếp tục theo dõi!” Từ đêm ấy, em không sao ngủ được! Lòng dạ em bị dày vò … đến vô cùng hối hận. Em nhận ra được những chuyện em đã làm không chỉ là dại dột, mà còn biến mình thành con người nguy hiểm cho nhân quần xã hội. Nó không phát xuất bởi tình yêu. Vì một tình yêu chân chính, không cho phép hại người mình yêu. Từ giây phút ấy, em hận em! Em ghét em! Em thù mình! Em cũng đã có bao năm cắp sách đến trường như mọi người. Nhưng cái “tri thức” mà em có được, đã không làm tâm hồn em mở rộng, trái lại nó đã khiến em trở thành con người mất hết cả lương tri! Phản thầy, lừa cha mẹ, dối trá bạn bè. Nhất là “bôi phân”, “trét bùn” lên dư luận! Đáng lý ra em phải trả ơn, đáp đền công lao dậy dỗ của thầy. Em lại lạm dụng địa vị về tiền bạc, sự giầu có của cha mẹ, mà đốt hết công danh, sự nghiệp, và ngay cả cuộc đời của thầy mình! … Nếu như cô Huyền … có bề gì! Em làm sao có can đảm … sống ở đời! … Em đến đây để thú tội với thầy, nhưng thầy đừng bao giờ tha tội cho em! … Em chẳng đáng được tha thứ!
– Không! Em không được sai lầm … thêm một lần nữa! Không có người thầy nào lại  đem lòng thù hận học trò mình bao giờ! Cho dù tình trạng có “xấu” đi gấp trăm lần hơn thế! …
Nghe kể xong, Huyền buông Vũ ra, nàng mỉm cười, và nhìn chàng với mắt lệ đong đầy, nhân từ, hiền hậu và tha thiết như chưa từng bao giờ … Nàng định mở miệng nói thì Vũ đã để một ngón tay lên môi nàng, như chặn lại. Chàng cướp lời:
– Anh … xin lỗi em! Vì đã không nghe lời em … mới xẩy ra biết bao nhiêu chuyện!
– Anh không có lỗi gì hết! Chính em … đến hôm nay, trong lúc này, em mới nhận ra mình cũng đã lầm!
– Em … có gì mà lầm chứ! (Nàng tủm tỉm cười):
– Có đấy! (Rồi nàng đặt một ngón tay, hơi “dí” lên trán người yêu mà bảo): Không ngờ con “chiên què” này, có thể tha nổi con “chiên lạc” về nhà Cha! … Em cho anh một tin vui … nhé!
– Nói đi … cô bé!
– Hôm nay, em tuyên bố là … Anh đã tìm được lá “Diêu bông” (7) rồi đấy! (Vũ sung sướng “véo” nhẹ lên má nàng):
– Bây giờ tới phiên anh ra điều kiện! (Huyền đang cười phải trố mắt, ngạc nhiên và ngưng lại):
– Anh có điều kiện … gì ?
– Không được bắt anh phải kêu “em” bằng “chị” (7) … Anh mới cưới!
Hai người ôm lấy nhau, cười … như “nắc nẻ” …
Chiều hôm sau, tất cả các báo chí đều đăng tải một bài có nhan đề: “Lời tạ tội của một người con gái”. Bài cậy đăng ký tên: Trần thị Thiên Kim./.

GHI-CHÚ:
(1). Số đỏ (x.b. năm 1936), là tên của một cuốn tiểu thuyết của Vũ trọng Phụng. Nhà văn (1912-1939) nổi tiếng về loại Tiểu thuyết phóng sự. Ảnh hưởng học thuyết của Freud (Tình dục và phân tâm học). Trong “Số đỏ”, nhân vật Xuân tóc đỏ gặp nhiều may mắn, và có tài “tán gái”.
(2). Thần Eros đã được nói tới trong “Mê Cung Huyền Bí”
(3). Ngay 8-12-1854, Ðức G.H. Piô IX tuyên bố tín điều “Ð.M. Vô Nhiễm Nguyên Tội”. 3 năm sau để khẳng định dứt khoát về mầu nhiệm này, D.Mẹ đã hiện ra với chị Bernadette Soubiroux tại hang đá Massabielle, tất cả 18 lần từ ngày 11-2 đến 16-8 năm 1858. Riêng lần hiện ra ngày 24.3.1858, Mẹ cho biết: “Ta là Đấng Vô nhiễm Nguyên Tội”. Năm 1862, sau nhiều lần chất vấn Bernadette. Hội Thánh xác nhận Mẹ Maria đã thực sự hiện ra tại Lộ Đức (nước Pháp), và lập lễ kính Mẹ Lộ Dức ngày 11 tháng 2 hàng năm, bắt đầu từ năm 1907.
(4). Những nhân vật như Huyền, Vũ … được xây dựng trong các đề tài: “Từ Kinh Vô Tự đến Kinh Tình Yêu”, “Trò Chơi của Quỉ”, Maria, Người Nữ Thánh Thể”, “Mê Cung Huyền Bí”, và “Như Một Bóng Mây”. Tuy là những đề tài riêng biệt, nhưng cấu trúc câu truyện lại là một sự nối-kết chặt chẽ với nhau.
(5). Hoàng đế Bảo Đại: Không người VN nào không biết Vua Bảo Đại sống lưu vong nhiều hơn những ngày tháng vương giả ở trong nước, ngay cả lúc vương triều đang còn ở trong tay ông. Ông là vị vua cuối cùng của nước VN, Tên Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy, Sinh ngày 22-10-1913 (23 thg 9 năm Quý Sửu), tại Huế. Tạ thế ngày 01-8-1997, tại quân y viện Val de Grace (Paris). Thọ 84 tuổi, thi hài được an táng tại nghĩa trang Công giáo, đường Commandant Scholoesing, quận 16, Paris.
(6). Hai bẫy kia đã lần lượt được đề cập tới trong các bài: “trò chơi của Quỉ” và “Mê cung Huyền bí”.
(7). Độc giả nào không đọc bài “Maria, Người Nữ Thánh Thể”, thì xin đọc 2 câu thơ này: “Đứa nào tìm được lá Diêu bông, từ nay chị sẽ gọi bằng chồng”.

Tg. Uyên Ly