Em thân mến!
Cách nay không lâu, người ta có thực hiện hàng loạt những cuốn phim nói về một loài vật đã tuyệt tích trên trái đất, khoảng 80 triệu năm về trước. Nay đột nhiên xuất hiện – Đó là loài KHỦNG LONG – Giả thuyết cho rằng: Sự băng giá bất ngờ tại một vùng nào đó trên trái đất, đã làm cho một số những con vật này rơi vào tình trạng tiệm sinh hàng triệu năm. Y như câu chuyện nàng Công Chúa ngủ trong rừng xanh. Khi lớp băng rã, thời tiết ấm áp, với những điều kiện thuận lợi. Các cơ quan và tế bào trong con vật hoạt động trở lại. Chúng tiếp tục cuộc sống dang dở của mấy chục triệu năm về trước. Mục đích của những cuốn phim này, cho người ta thấy lại đời sống và sinh hoạt của loài Khủng Long thời tiền sử . Chuyện phim chỉ là gỉa tưởng, căn cứ trên những bộ xương tìm được – Không có thật – Một chuyện có thực xẩy ra ở bên Mỹ cách đây vài năm, được đài truyền hình nói đến là: Một người đàn ông đã nằm bất động vì não bộ không hoạt động 18 năm. Sau một trận động đất (Có gỉa thuyết cho là sự lệch từ trường vũ trụ, trong những giây phút biến động lớn này, đã làm ảnh hưởng tới) não bộ của ông ta, bỗng nhiên hoạt động trở lại. Bây giờ cuộc sống của ông ta đã hồi phục. Còn có biết bao sinh vật tiệm sinh trong vũ trụ, theo chu kỳ sinh học vốn dĩ được tạo dựng. Nhất là trong mùa đông, thì không kể.
Con người là một tiểu vũ trụ. Trong vũ trụ này, cũng có một hình thái sinh thức giống như những trường hợp vừa kể trên: Đó là những KỶ-NIỆM.
Kỷ niệm được con người làm nên trong quá khứ. Khi quá khứ đã mất, người ta tưởng nó đã chết! Nhưng không, một lúc nào đó quá khứ hồi sinh. Nó êm đềm thức giấc như truyện Công Chúa rừng xanh, hay bừng bừng chỗi dậy như loài khủng long thời tiền sử. Dù êm đềm hay khốc liệt, kỷ niệm vẫn là kỷ niệm.
Kỷ niệm ở khắp nơi trên địa cầu. Nơi đâu có con người, chỗ đó có kỷ niệm. Kỷ niệm được khắc ghi trong tâm hồn; Trên những nếp nhăn của trán, trên tay, trên giây đeo cổ, trên lá, trên hoa, trên thân cây; Trong công viên, ngoài thành phố; Trên trang giấy nhật ký cậu học trò; Trên tập lưu niệm cô nữ sinh; Trên những quà tặng làm bằng đủ loại: Mây, tre, lá, nứa, gỗ, nhôm, bạc, vàng… Và nhất là trên mộ sâu, trên bia tưởng niệm.
Vì kỷ niệm ở khắp nơi nơi, ở trong tâm hồn tất cả mọi người, nên kỷ niệm cũng có nhiều loại: Có những kỷ niệm vui, kỷ niệm buồn, kỷ niệm ray rứt. Kỷ niệm làm con người khắc khoải. Kỷ niệm gây vết tích thương đau. Kỷ niệm gợi niềm thương nhớ. Kỷ niệm của ái ân, kỷ niệm của hận thù… Có những kỷ niệm mang màu sắc nhẹ nhàng, như sân trường, thuở ấu thơ, tuổi học trò, màu hoa phượng, đường xưa lối cũ … thì cũng có những kỷ niệm bạo tàn, kinh hoàng đầy ám ảnh … vấy màu chết chóc.
Khi những kỷ niệm êm đềm thức giấc, là mang lại ít nhiều khắc khoải len lén đi vào tâm tư — Khắc khoải của sự nhung nhớ — Là nhung nhớ khi nó cho ta chút cảm giác mịn màng, và hương vị ngào ngạt nuối tiếc. Ngược lại, những kỷ niệm khốc liệt nếu không phảng phất cơn kinh hoàng trong quá khứ, cũng gợi lên niềm đau xót những vết thương ung mủ, tuy đã được sự băng bó của thời gian. Có những khi đang trời quang, mây tạnh. Bỗng đâu một đám mây mù của thương đau kéo lại, làm lảng vảng cơn gió lạnh của hờn căm hay oán hận mang mang. Có một điều chắc chắn là: Kỷ niệm không phải tự dưng mà có. Kỷ Niệm do chính con người làm ra.
Em thân mến,
Có một dạo người ta thường hay ép thơ lên trang giấy. Có phải người ta thích đan cho mình những kỷ niệm bằng sợi thơ ? Thế nên, có cô bé tí tuổi còn thơ, mà đã gắn lên trang giấy học trò đôi vần của Lưu trọng Lư:
“Mây trắng bay đầy trước ngõ tre,
Buồn xưa theo với gió thu về…
Nên anh mới bảo: “Anh thích sau này, cứ mỗi độ thu về lại có người ngồi ngắm buồn xưa theo gió”. Và em lại mím môi, mấp máy, trả đũa bằng cái giọng điệu T.T.KH:
“Nhặt cánh hoa rơi chạnh thấy buồn
Bảo rằng: Hoa dáng như tim vỡ,”
Rồi thích chí cười: “Sau này em thích ngắm nhìn trái tim anh tan vỡ”,nhưng anh cũng chẳng chịu thua: “Trái tim anh không thuộc loại mỏng dòn, nên khó mà vỡ được.”
Nhiều hồn thơ, nhiều sóng nhạc đã ghi lại bằng chính những thương đau, hay những kỷ niệm của nhà sáng tác. Người nghe nhạc, thưởng thức thơ, có khi lại thấy những kỷ niệm riêng tư của mình chợt hiện về.
Nếu có những phút kỷ niệm ru lòng người vào suối mơ thần tiên, thì cũng có những đêm kỷ niệm hiện lên những cảnh tượng hãi hùng. Người ta khó chôn vùi kỷ niệm, trong lúc kỷ niệm có khả năng gậm nhấm, ray rứt, xé nát tâm hồn con người, soi mòn cuộc sống, bởi chính những hành động phi nhân đã diễn ra trong quá khứ. Hành động phi nhân là việc làm đánh mất thần linh. Bởi con người vừa là vật thể, vừa ấp ủ thần linh. “Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình” (stk :1,27). Sách Nho giáo cũng nói: “Nhân linh ư vạn vật”. Vậy khi con người đánh mất thần linh, là đánh mất Thiên Chúa . Mất Thiên Chúa là mất tình yêu, vì chính “Thiên Chúa là Tình Yêu” theo định nghĩa của Thánh Yoan (1Yn. 4,16) . Khi tình yêu đã mất, tham vọng chế ngự con người sinh ra bạo lực, hận thù, ghen ghét, căm phẫn, chiến tranh và máu lửa… Vậy, con người chính là tác nhân đối kỷ – KỶ NIỆM – dù là vui, buồn, dịu ngọt hay thương đau, đều do con người tạo ra cho chính mình hay cho tha nhân. Quá khứ mất đi, kỷ niệm còn đó!
Em thân mến!
Hoa Ti-gôn màu đỏ, mang hình thù của một trái tim bể. Ở bất cứ phương trời nào, hễ nhìn thấy cánh hoa Ti-gôn, T.T.Kh lại nhớ tới người yêu năm xưa,
“Bảo rằng: Hoa dáng như tim vỡ,
Anh sợ tình ta cũng vỡ thôi”.
Ngày nay trên khắp mặt địa cầu, có một loài cây biểu tượng cho Tình yêu, mang tên THÁNH-GÍA. Có ai mỗi lần nhìn cây Thánh gía là tưởng nhớ đến một người đã CHẾT VÌ YÊU.
Lậy Chúa Giêsu, còn kỷ niệm nào đẹp cho bằng kỷ niệm thánh trên đỉnh đồi Calve năm xưa. Trên Thánh gía, Chúa đã chấp nhận cuộc tử nạn đau thương, thảm thiết nhất trong lịch sử nhân loại. Xin cho kỷ niệm thánh ân, trở nên dấu ấn trong tâm hồn mọi người, và cho con mỗi lần nhìn Thánh gía Chúa, là mỗi lần cảm nghiệm được tình yêu của Chúa đã dành cho con./.
Tg. Uyên Ly