Anh rất đáng mến,
Khi anh viết bài “Kỷ-Niệm”, trong tâm tư anh thoáng nghĩ về em, thì em đã lại đến. Sự hiệp thông giữa kẻ sống và người chết trên bình diện tốt lành, là điều Chúa không cấm. Chúa cũng biết anh em mình sinh ra và lớn lên trong cùng một mái nhà. Tình cảm gắn bó với nhau như cánh hoa ôm nhụy, thì những kỷ-niệm đẹp giữa hai đứa chúng mình không thể không có được. Tuy nhiên, kỷ niệm chỉ đuổi đeo những người còn sống trên trần thế. Kỷ niệm cũng có thể được coi là phần nào tiếng nói của lương tâm, nhất là đối với những kẻ làm nên kỷ niệm. Kỷ niệm cũng ví như hồ nước trong lâu đài, Thượng đế thiết lập trong mỗi tâm hồn, để lương tâm có thể soi thấy bóng mình. Trong cuộc đời, khi ta làm nên những nghĩa cử tốt đẹp cho tha nhân, tức là ta trang điểm cho bộ mặt của tâm hồn, ngày càng thêm đẹp và dễ thương. Ngược lại, mỗi điều xấu ta làm cho chính mình hoặc tha nhân, chính là một vết cắt trên khuôn mặt “nhân chi sơ” của một tâm hồn vốn bản thiện. Việc xấu càng nhiều thì bản mặt của tâm hồn càng biến đổi – Từ phũ thủy đến ác quỉ – Kỷ niệm luôn luôn trở về, như chiếc gương thần trong tay bà phù thủy, của câu chuyện “Nàng Bạch Tuyết, bẩy chú lùn”. Càng thấy mình trong gương, mụ phù thủy càng tức điên lên, vì khuôn mặt ghê tởm của chính mình. Càng ghen tức, càng ray rứt, càng thêm tội ác. Kỷ niệm vốn dĩ không có tội. Kỷ niệm chỉ là hình ảnh ghi nhận lại những sự kiện hệ trọng, hay nổi bật trong đời. Đối với tha nhân, khi ta tạo cho họ một kỷ niệm đẹp, là trang điểm cho tâm hồn họ sự bình an, yên vui, hay hạnh phúc. Và mỗi lần kỷ niệm thức giấc trong tâm hồn, là mỗi lần người ấy cảm nhận được sự ngọt ngào, êm ái, trong niềm nhung nhớ về người trao kỷ niệm. Chắc chắn lúc ấy, khuôn mặt của người cho kỷ niệm, bao giờ cũng đẹp đẽ, dễ thương. Một kỷ niệm đẹp, cho dù chỉ là hình bóng của một nuối tiếc xa xưa, nhưng cũng ví như “Thềm cũ” mỗi lần “hoa Soan” nở, cũng vẫn làm cho thềm cũ nên thơ, phải không anh?
Anh thương mến,
Có phải kỷ niệm thì tương quan với hành động, trong khi tư tưởng lại dẫn dắt hành động? Tư tưởng trong nhân loại lại là lãnh vực vô cùng phức tạp. Không phải Philatô không biết sự thật. Chỉ là sự thật được định nghĩa trong tư duy của ông, khác với sự thật của Chúa. Khi nghe Chúa nói: “Tôi sinh ra và đến thế gian để làm chứng sự thật” (Ga 18, 37-38) thì ông không hiểu, nên mới hỏi: “Sự thật mà ông nói là gì?”. Cũng thế, cùng một chữ “sự thật”, nhân loại đã có nhiều định nghĩa khác nhau. Chính vì thế có nhiều người đã không chấp nhận Chúa!
Nhân loại vẫn có nhiều người cho rằng: Thành-Cát-Tư-Hãn anh hùng, tài ba lỗi lạc. Ông chết đi, để lại những chiến tích oai hùng trong lịch sử mông Cổ nói riêng, và lịch sử thế giới nói chung. Tần thủy Hoàng trở về hư vô, nhiều người dân Trung Quốc hôm nay vẫn hãnh diện có Vạn-lý-trường-thành. Nhưng họ có biết đâu, những chiến tích và niềm kiêu hãnh ấy, đã gây nên biết bao đau thương, chết chóc, oán hờn: Con mất cha, vợ lìa chồng, cha mẹ một đời không còn nhìn lại mặt con cái, nhà cửa nát tan… đối với biết bao dân lành, bao nhiêu dân tộc, sống ở những thời kỳ ấy.
Cùng một lúc, nhiều triết gia, nhiều nhà tư tưởng sau khi nhắm mắt, đã để lại cho nhân loại khối sách vở giá trị, tư tưởng ngàn đời. Thì lại không thiếu những “ngục tù tư tưởng” được dựng lên. Vây hãm bao thế hệ trong đau thương, cùng khốn! Em chỉ đưa ra một thí dụ nhỏ bé, nhưng cụ thể như tư-tưởng “Trọng nam khinh nữ”, mà Hán nho đã có viết: “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” (Một trai kể là có, mười gái vẫn là không). Chỉ bây nhiêu đó thôi, đủ để “nô lệ” hóa thân phận và cuộc đời hàng hàng, lớp lớp, bao thế hệ phụ-nữ Á-đông, vào trong gông cùm, xiềng xích của một thứ ngục tù tư tưởng. Ngày nay ở bên Trung Quốc, trong kế hoạch “hạn chế sinh đẻ” (Mỗi gia đình một đứa con), biết bao nhiêu cha mẹ, đã nhẫn tâm bóp mũi cho chết những bé gái vừa lọt lòng, chưa kịp mở mắt chào đời, chỉ vì sợ không có con trai “để nối dõi tông đường”!!!… Cũng như phong trào phá thai để được “tự do luyến ái” ở các nước Tây phương bây giờ. Có lẽ phương tiện truyền thông ngày nay cũng đã cho nhân loại biết rằng: Hàng triệu thai nhi đã bị bứt tử hàng năm do những chế độ phát sinh từ những tư tưởng này gây ra ! Nơi đây – Trong cõi hằng sống – Em được biết rất rõ vì hàng thời, hàng khắc, em và một số linh hồn được đức Mẹ thương, cho lãnh nhận công việc cùng với các Thiên thần bản mệnh, dẫn dắt các Linh hồn trẻ thơ vô tội bị giết cách này từng giây, từng phút, về bên Mẹ. Mẹ thương các linh hồn trẻ thơ này lắm! Nước mắt Mẹ lúc nào cũng chảy ra, Mẹ từng van xin bàn tay công thẳng Chúa Cha khoan dung cho loài người, vì thấy Chúa giận lắm. Em xin được mượn anh để nhắn gởi với họ (những cha mẹ nhẫn tâm sát hại thai nhi, cũng như giết chết nhũng bé thơ mới lọt lòng) rằng: Bất cứ viện vào lý do gì, sẽ không ai tránh khỏi án phạt nặng nề Thiên Chúa dành cho họ sau này, trong cõi Tâm-Linh.
Nói về lãnh vực tư tưởng, chúng ta còn phải kể đến nhiều thứ hệ thống triết học, đã khai sinh ra những chế độ hướng dẫn những bàn tay khát máu, làm nên chiến-tranh, máu lửa, hận thù… tạo ra biết bao kỷ-niệm thương đau cho toàn thể nhân loại.
Anh thương mến!
“Kỷ niệm” y-như chiếc gương thần của lương tâm nhân loại. Thiên Chúa lại là Tình yêu, và Ngài đã tạo dựng nên con người theo hình ảnh Ngài. Bởi đó con người có tình yêu. Sống yêu thương để khi ra đi khỏi cuộc đời, còn chút gì để lại trong lòng tha nhân những kỷ niệm mịn màng với ít nhiều nhung nhớ. Lòng yêu thương của mẹ Têrêsa thành Calcutta, đã không cần phải để lại cho nhân loại một thành trì nào cả. Mẹ cũng không có lấy một chiến tích oai hùng. Mẹ cũng không viết những pho sách để đương thời, hay sau này đời ca tụng là một nhà tư tưởng. Nhưng Mẹ đã trở nên vĩ nhân của thời đại, nhờ một trái tim yêu thương bao la, đến với những người cùng khổ. Một đôi tay chăm nom, săn sóc những vết thương, những ung mủ trên da thịt nhân loại.
Lậy Chúa, bằng vào tình yêu vô bờ bến. Hôm trước ngày chịu nạn, Chúa đã làm việc trong đại, ghi dấu một Kỷ niệm Thánh Ân là: … “Đây là mình thày, hiến tế vì anh em. Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến thầy” (Luca 22.19). Con muốn gọi đây là bí-tích Tình yêu, vì hễ ai hằng tham dự bí tích này cách sốt sáng, thì trái tim cũng sẽ được rộng mở cho tha nhân với tất cả tình yêu thương, để khi thân xác trở về cùng tro bụi, thì con người thần linh cũng sẽ được trở về với đấng làm nên nó. Đấng đã được định nghĩa là Tình yêu./.
Tg. Uyên Ly