“Phúc cho anh em là những kẻ đang phải khóc lóc,
vì anh em sẽ được vui cười.” (Lc.6,20)
Em thân mến,
Lại chuyện ngày xửa ngày xưa, dạo ấy em mới chỉ gần năm tuổi. Có một hôm, cô bé bị bố rầy, vì cứ bưng chén cơm mãi mà không chịu ăn. Cuối cùng làm bể chén cơm, tung toé đầy nhà. Mặc dù bố không đánh, cô bé vẫn cứ khóc. Toàn thân run rẩy. Bố giận, bố quát lên một tiếng. Cô bé giật bắn người, mặt tái mét. Sợ em kinh hoàng, nỗi kinh hoàng sẽ theo em vào giấc ngủ. Tôi vội nắm lấy tay em, kéo ra lối cửa sau. Chúng mình băng qua vườn, ra ngồi ở mấy bậc thềm đá, bên giòng sông Hạ. Hôm ấy là một buổi trưa hè. Chắc em còn nhớ! Gió trên mấy ngọn phi-lao thổi về. Em gục đầu trên vai tôi. Cơn nấc nghẹn ngào thưa dần, rồi tắt hẳn. Tôi tưởng em đã thiếp ngủ theo cơn gió thoảng. Không! Em chợt ngồi dậy, đưa ngón tay trỏ xuống mạn nước.
– Em thích con chuồn-chuồn kim. Anh có thích nó không?
– Thích chứ! Vì nó bé bỏng, mảnh khảnh, lại yếu đuối giống em.
– Em có yếu đuối đâu!
Tôi nhìn thẳng vào mắt em:
– Có đấy! Bố chỉ rầy thôi! Không đánh, không đau, mà cũng khóc.
– Anh tưởng không đánh thì không đau hả? Rầy, làm người ta đau ở trong lòng đó! Mỗi khi anh bị rầy, anh không thấy đau lòng sao?
Câu nói của em khiến tôi ngạc nhiên. Lúc ấy tôi thầm nghĩ: Cô bé này ghê thật! Chưa đầy năm tuổi đã biết thế nào là đau lòng. Lớn lên không biết sẽ ra sao! … Một con chuồn-chuồn ngô, ở đâu bay đến, chiếm chỗ đậu ở trên ngọn sào cắm dưới sông. Làm chuồn-chuồn kim phải bay đi nơi khác. Cô bé nói:
– Con chuồn-chuồn ngô thì giống anh, vừa to lớn, vừa mạnh khỏe. Nhưng sao nó lại bắt nạt con chuồn-chuồn kim, chẳng giống như hai con bướm trắng nhỏ kia tí nào, lúc nào cũng chơi với nhau. Hễ một con đi đâu, thì con khác cũng lại tìm tới… Tại sao hai con chuồn-chuồn nó lại không chơi với nhau, như anh em mình, hay là như hai con bướm hả anh?
– Tại nó đâu có phải là anh em!
– Thế hai con bướm có phải là chị em với nhau không?
– Chắc vậy! … Nhưng sao em không nghĩ nó là anh em, mà lại bảo là chị em?
Tôi thấy em mỉm cười, xoe tròn đôi mắt, nhìn tôi và bảo:
– Tại con gái bao giờ cũng đẹp hơn con trai! … Bướm nhất định là con gái!
Tôi liếc mắt, bỉu môi, và chọc lại:
– Giống như hồi nãy … khóc … chắc đẹp lắm!
Em chớp chớp hai hàng mi cong, sắc mặt ửng hồng ra chiều mắc cở, nhưng giọng vẫn bướng bỉnh:
– Con gái khóc cũng vẫn đẹp! Không có như con trai! (Tôi hếch mũi, chìa môi nhạo):
– “Xí” … Bởi vậy cho nên cứ hơi chút … là khóc! Biết vậy, từ nay … khỏi dỗ!
Em thân mến,
Ở tuổi ấu thơ, tôi chưa biết chiêm ngưỡng những giọt nước mắt. Nên không nhận ra nét đẹp qua giòng nước mắt. Cho dù là nước mắt con gái. Trong tôi, thời ấy, “Những giọt nước mắt” chỉ làm cho lòng mình gợi lên chút cảm thương. Rồi thời gian qua mau… Em chợt lớn lên, như ngọn gió thu thổi qua cơn nắng hạ cuối mùa. Lần đầu tiên tôi phát giác ra “cô em mười sáu” vào một buổi chiều, khi em không còn lẽo đẽo theo “người anh” đi thả diều. Hôm ấy tôi cứ loay hoay mãi với con diều mà không thả được, vì mất trợ thủ: Chỉ có người tung diều, mà không có người cầm cuộn chỉ để giật. Cuối cùng, tôi cũng đã tìm thấy em trên đỉnh “Đồi Mùa Đông”. Em đứng một mình, dưới chân Phượng-Vĩ. Tôi nhìn lên tàn cây, cũng chỉ còn nhìn thấy một chùm bông cuối mùa. Chùm bông cuối cùng đã làm chỗi dậy tâm thức tôi về người em bé bỏng. Cô bé gái của tôi không còn nữa! Em bấy giờ đã hiện thân là một Thiên-thần “Biết buồn”.
Lậy Chúa, con chỉ thuận miệng mà gọi “nàng” như thế thôi! Chứ Thiên đàng làm gì có Thiên-thần lẻ loi sầu buồn, Chúa nhỉ ? Ngày ấy, chỉ một cơn gió thu bay, đã quét sạch tâm hồn trẻ thơ, để biến em thành một cô gái. Chỉ một giải mây vắt ngang qua vầng trán em thôi, từ xa tôi đã nhận ra thân hình em hoàn toàn xa lạ. Một ngày … phải, đã có một ngày… Tôi không còn dám choàng tay, kẹp cổ em vào nách, ghị xuống, để phát mấy cái vào mông mà trách:
– Đi đâu sao không bảo, làm anh tìm em cả buổi ?
Những ngày hồn nhiên của chúng mình đã hết! Lần ấy là lần đầu tiên tôi bắt gặp trong mắt em, một màu mây tím buồn. Vài giọt nước mắt đang lăn xuống chạm bờ môi. Môi em mím chặt, không cho thoát ra những lời giải đáp những câu hỏi vu vơ của tôi như: “Tại sao em khóc ? Có ai rầy em không ? Em buồn về chuyện gì ? …” Em chỉ khẽ lắc đầu, nhìn xa xăm … Một chân trời sâu thẳm gọi về trong đôi mắt em. Đêm hôm ấy, trước khi ngủ, một chút thắc mắc lạ lùng trong tôi, gợi lên những dấu hỏi về nỗi niềm bí ẩn trong tâm hồn một người con gái vừa mới lớn … Vài ngày sau, chúng mình lại có giờ rảnh rỗi ngồi bên nhau. Nhìn qua song cửa, thấy mưa thu như những người khách lạ, tạt qua cành rủ những chiếc lá vàng đi … những chuyến đi không bao giờ trở lại. Những hình ảnh ấy đã làm buồn đôi mắt em?
Câu chuyện bắt đầu từ chỗ nào, bây giờ mình đã quên! Chỉ còn lại bài học về nước mắt. Hôm ấy, em đã “lên lớp” với anh, về “cour” NƯỚC MẮT. Em tự hào cho rằng: Về mặt tâm hồn, con gái trưởng thành trước bọn con trai, các anh. Em tiếp tục giảng giải:
– Có những nỗi buồn chợt hiện về, có những nỗi buồn đã từng tiềm ẩn. Nước mắt cũng vậy! Anh chỉ thấy được những giọt nước mắt chảy ra, chứ anh đâu thấy được những giòng dư lệ đã ép chặt, thấm đượm vào trong tâm! Các anh chỉ thắc mắc cái gì nhìn được trước mắt, mà không hề truy cứu những cái ẩn tàng ở phía sau. Vì vậy nhiều khi con gái chúng em không buồn trả lời! …
Sau này tôi mới hiểu: Nước mắt có hai giòng. Giòng chảy xuôi thì ai cũng có thể thấy được! Giòng chảy ngược, là giòng nước mắt đổ vào trong tâm hồn. Người ngoài khó mà nhìn thấy! Khó, không có nghĩa là không thể! Tâm hồn vốn dĩ thuộc về tâm linh. Ai xử dụng được cặp mắt tâm linh, người ấy đọc được ý-nghĩa của những giòng nước mắt, dù chảy xuôi hay chảy ngược cũng vậy.
NƯỚC MẮT là một thứ ngôn ngữ học. Ai không học ngôn ngữ này thì dù có thấy, cũng không đọc được ý-nghĩa của nó. Nước mắt vừa là tiếng nói của đau khổ, của sầu buồn, vừa là tiếng nói của sung sướng, hay hạnh phúc. Khi mang ý-nghĩa của sự đau khổ, người đọc phải từng lắng chìm trong đau khổ, mới hiểu được loại ngôn ngữ này. CHÌM là dìm sâu và ở mãi trong tận cùng. LẮNG là một sự chú tâm để nghe. Có những thứ tiếng nói, hễ không chú tâm để nghe, thì không bao giờ nghe được! Nhất là tiếng nói của lương tâm. Tiếng nói phát ra từ tâm hồn con người. Tiếng khóc than của một cõi lòng.
Người mẹ thường bao giờ cũng đọc, và hiểu được những giọt nước mắt con. Nên biết nó muốn gì, buồn gì. Vì người mẹ đã từng cực khổ khi mang thai con, đau đớn khi sinh con, và nhọc nhằn nuôi con lớn. Mẹ luôn luôn sẵn sàng chìm mình trong mọi trạng huống đau khổ vì con. Đêm đêm mẹ không ngủ vì lắng nghe tiếng con khóc. Nên con khóc kiểu gì, mẹ cũng nghe được, hiểu được. Hai người đang thật sự yêu nhau, thì họ cũng học được ngôn ngữ này một cách dễ dàng, vì hai tâm hồn đã sẵn có sự tương thông. Khi hai tâm hồn tương thông, thì cảm xúc giạt dào. Nguyễn Du từng kể khi Kiều gặp mả Đạm Tiên, thì sự tương thông đã cận kề, cho dù chẳng phải là tình nhân khác phái cũng vậy:
“Khóc than khôn xiết sự tình,
Khéo vô duyên bấy là mình với ta
…Lại càng ủ-dột nét hoa,
Sầu tuôn đứt nối, châu sa vắn dài!”
Cho nhau những giọt nước mắt, là cho nhau tấm tình yêu thương trong sạch. Tình yêu thương tâm huyết không vụ mục đích, không đổi chác, không bán mua, không cầu lợi.
Cho nhau những giọt nước mắt, là nâng đỡ tâm hồn nhau trong nỗi đìu hiu, cô quạnh. Là nói cho người được cho biết rằng: Có một người đang yêu thương, hay cảm thông với mình bằng tất cả tâm hồn.
Chính Chúa cũng chúc phúc cho Những ai đang phải khóc lóc (Lc,6.20) – Dù là những giọt nước mắt của yêu thương hay là những giọt lệ ăn năn.
Nước mắt còn là thuốc chữa bệnh chai cứng tâm hồn. Người nào còn khóc được là tâm hồn còn biết rung động – dù khóc ra nước mắt, hay khóc trong sự thầm kín của tâm tư – Ngày nào ta không còn khóc nổi nữa, cũng là ngày tâm hồn ta đã thành sỏi đá. Sỏi đá không biết ngậm ngùi. Trịnh-công-Sơn bảo: Sỏi đá cũng biết ngậm ngùi – Cái ngậm ngùi ấy không từ sỏi đá, mà tự lòng người – “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” (Nguyễn Du).
Khi tâm hồn đã nên như sỏi đá, thì hết thuốc chữa! Ngôn ngữ bình dân gọi những tâm hồn sỏi đá là “Kẻ cứng lòng”. Giuđa phản thầy, Giuđa tự vẫn, vì lòng ông đã nên chai đá. Trong lòng Giuđa đã không còn giọt-lệ ăn năn. Phêrô chối Chúa tới ba lần, miệng Phêrô thì cứng, nhưng lòng ông lại yếu mềm. Khi biết mình chối thầy, là mình đang phản bội, tức thì hai giòng nước mắt ông đã chảy thành suối “Ông ra ngoài khóc lóc thảm thiết” (Mt 26,75). Nước mắt ông đã cứu ông! Dọc dài TIN MỪNG, những nhân vật nào được mô tả là đã khóc, đều được Chúa: An ủi, vỗ về, thương xót hoặc tha tội.
Lậy Chúa, xin cho con gọi những giọt nước mắt ấy là NHỮNG GIỌT NƯỚC MẮT NGÀ. Giòng suối lệ của Madelène đổ xuống chân Chúa, là những giọt nước mắt ngà! Vì đã xuất phát tự lòng yêu Chúa, và thống hối ăn năn. Những giọt nước mắt ấy đã đi vào lịch sử nhân loại. Nó đã kết hợp với dầu thơm cô đập bể bình, “xối” lên chân Chúa, như “Giọt nước trong rượu nho”, để biến hóa tội lỗi thành Hồng Ân. Nước mắt nàng đã trở nên hương nồng vạn kỷ, như Chúa đã bảo: “…Hễ Tin Mừng được loan báo đến đâu trong khắp thiên hạ, thì nơi đó việc cô vừa làm cũng sẽ được kể lại để nhớ tới cô” (Mc 14,9). Vinh phúc thay cho nước mắt! Cũng vậy, Hai chị em Mattha và Maria khóc thương em trai mình chết. Chính những giọt nước mắt ấy đã làm thổn thức tận đáy lòng Đức Kitô: Người hỏi: “Các người để xác anh ấy ở đâu?” Họ trả lời: “Thưa Thầy, mời Thầy đến mà xem.” Chúa Giêsu liền khóc.(Ga 11,34-35), rồi Người lớn tiếng gọi: “Lazarô, hãy ra khỏi mồ!”Người chết liền ra… (Ga 11,43-44). Người đàn bà ngoại tình suýt bị ném đá, đã được Chúa bênh vực và tha tội, vì trong lòng bà ấy đã đầy ắp những giọt lệ ăn năn.
Có hai trường hợp khiến lòng người thành sỏi đá, nước mắt người ta nên khô cạn: MỘT là đã lì đi trong tội lỗi, không còn biết thống hối ăn năn. Bất cần đời, và không cần người. Không còn ai có thể khuyên răn, vỗ về, hay an ủi. Nhất là mất lòng cậy trông vào Chúa! HAI là những kẻ tự cho mình là tài đức hơn người, lòng kiêu ngạo đã tột cùng. Loại người này cũng không còn biết khóc, vì lòng dạ của họ cứng hơn đá. Không chỗ nào trong Tin-Mừng mô tả bọn Biệt phái Pharisiêu, bọn Kinh sư, Tư tế, có người nào có một giọt nước mắt. Trong khi chính Chúa lại đã khóc nhiều lần.
Lậy Chúa, vì lòng yêu thương vô bờ bến, Chúa cũng như Mẹ Maria đã, và vẫn còn đang khóc nhiều về tội lỗi chúng con. Xin cho những Giọt nước mắt ngà của Chúa và Mẹ hằng nhỏ xuống tâm hồn chúng con, biến những tâm hồn chai đá của chúng con, thành những giòng suối lệ ngọc ngà của thống hối, ăn năn. Biết trở nên giống Chúa, là mang trong lòng một tình yêu thương đối với tha nhân. Biết dùng những Giọt nước mắt ngà như là thuốc chữa những vết thương trong tâm hồn của chính mình, cũng như làm dịu những đớn đau của anh em trong nhân loại ./.
Tg. Uyên Ly