“Lậy Cha, con muốn rằng con ở đâu
thì những người Cha đã ban cho con
cũng ở đó với con, để họ chiêm ngưỡng
vinh quang của con, vinh quang mà Cha
đã ban cho con, vì Cha đã yêu thương con
trước khi thế gian được tạo thành”. (Ga 17, 24)
​Trong khoảng vài thập niên cuối Thế kỷ XX, kho tàng văn chương triết-học đã sáng tạo thêm rất nhiều từ ngữ cho trường phái ấn-tượng. Các nhà làm nhạc, làm văn, làm thơ, đã vay mượn làm tiêu đề, hay để diễn giải một giòng tư tưởng mà không cần phải tốn nhiều giấy mực. Một trong những nhóm từ ấy là: GIẤC MƠ CỦA ĐÁ.
Khi nói “giấc mơ của đá” là biết đá đã ước mơ nhiều – Ước mơ nhiều mà không thành – Khi ước mơ đã dài mà không thành hiện thực, thì ước mơ chỉ còn là dấu ấn trong tâm tưởng. Một đêm nào đó, dấu ấn rong chơi trong giấc ngủ, tạo cho đá một giấc mơ êm đềm. Đá tưởng mình đã hồi kiếp “trở về núi”, nhưng khi tỉnh dậy, đá biết đó chỉ là “đá trong giấc mơ”. Còn mình vẫn là mình.
Vậy “GIẤC MƠ CỦA ĐÁ” là ước mơ đã được khắc sâu trong tiềm thức, do sự mơ ước đã dài cái viễn tượng “Đá sẽ trở về núi”.
Tại sao đá mơ về núi ? Chắc bạn đã biết: Từ muôn muôn kiếp trước, đá vẫn ở trên núi, ở trong núi, hay ở với núi – vì đá là núi, hay núi là đá – Bỗng một hôm … như một cơn địa chấn, một góc núi bị nổ tung. Đá cùng đồng loại bị người ta bốc hốt, bỏ vào thùng xe mang đi … Từ đó, cuộc đời của đá bước vào Biển-Dâu. Đá sống một cuộc đời lưu lạc. Tuy đá được mang vào thành phố. Ở đó đá nhìn thấy những lâu đài tráng lệ. Đá ở bên cạnh những tòa nhà cao. Nhưng lâu đài không phải là cha. Tòa nhà cao không phải là mẹ. Cha mẹ đá là Núi, là Suối bao quanh. Người ta để đá ở chung với các loại gạch – Các viên gạch vuông vắn, dài đẹp, đủ màu – Nhưng gạch không phải đồng hương của đá, vì chúng khác chủng tộc, khác văn hóa. Sống đời tha hương, lúc nào đá cũng chỉ ước mơ trở về núi. Cuộc đời đá cứ thế phiêu bạt, đến giai đoạn đá phải đem ra làm đường cho người ta đi, cho xe cộ chạy … Đá đã từng chứng kiến đồng loại, bị các phu kiều lộ lấy đe nện, búa đập, và cuối cùng nằm cho xe hủ-lô cán. Trong nỗi kinh hoàng ám ảnh, đá đã từng mơ những giấc mơ kinh hoàng, nhưng rồi … Cũng có một ngày… Có một bàn tay dịu dàng ôm đá vào lòng, đưa đá trở về quê hương. Đá nhìn thấy núi cha, đá nhìn thấy suối mẹ. Đá nhởn nhơ vui chơi với chị, với em, với anh, với bạn bè, với họ hàng, làng xóm. Đá đi giữa những nàng hoa rừng muôn sắc. Đá chạy nhảy nô đùa với đám rong rêu. Hoàng hôn đi, bình minh tới, chung quanh đá là những bài ca ngàn trùng của muôn chim và vượn hót … Thế rồi, tiếng chát chúa của búa đập, xẻng xúc bên tai … Đá choàng tỉnh dậy, và biết đó chỉ là “Giấc Mơ Của Đá”. Giấc mơ không bao giờ là sự thật!
Khác với giấc mơ, cơn mộng ngủ hay gọi là giấc mộng còn có một giá trị nhất định của một sự tiên báo một hay vài dữ kiện sẽ diễn ra trong tương lai (1). Như báo mộng của Pha-ra-on trong Cựu-ước, hay Thần linh báo mộng cho Thánh cả Giuse trong Tân-ước.v.v…
Giấc mơ theo quan niệm của Lạt- Ma giáo tuy coi là sự thoát hồn trong giấc ngủ, nhưng cũng không giải quyết chuyện nhân sinh (2).
Giấc mơ có thể là những phiên khúc nho nhỏ của bản trường ca “mơ ước”. Nhưng “mơ ước” còn có thể hiện thực, chứ giấc mơ thì không.
Giấc mơ có thể là hiện thân của tâm thức trong sự phản chiếu của một cuộc đời đen bạc. Nhưng dù là gì đi nữa, thực chất giấc mơ trong thực thể cuộc sống con người vẫn chỉ là ảo ảnh, là huyễn tượng, cho dù là những huyễn tượng cần thiết để cân bằng não trạng theo khoa tâm–sinh học (3).
Lậy Chúa, con người vốn là một sinh vật bất toàn. Nên những giấc mơ của con người, cũng chỉ là những “giấc mơ của đá”. Cho dù nó có là phản ảnh của mọi “ước mơ”, mà con người thì nhiều mơ ước.
Khi mang thân phận làm người, biết đâu Chúa lại chẳng có những “giấc mơ”. Con tin rằng “giấc mơ” của Chúa cũng phát xuất từ những gì lòng Chúa “ao ước”. Con lại biết rằng điều ao ước lớn nhất trong tình Chúa yêu con, là mong kết hợp con vào với Chúa. Con thì không thể biến những “giấc mơ” thành sự thực, mà chỉ có thể cố gắng thực hiện những gì mình mơ ước. Còn Chúa, nếu Chúa có ngủ mơ đi nữa, thì giấc mơ của Chúa vẫn khác. Vì Chúa là đấng Thượng Trí, và sự Toàn hảo của Chúa thì cao vời khôn-ví – Đấng sáng tác ra những kỳ công – nên giấc mơ của Chúa nếu có, khi Chúa muốn, nó vẫn trở nên hiện thực. Đối với Chúa, có gì gọi là khó đâu? Bằng chứng vĩ-đại nhất để cả hai trở nên một, đã chẳng phải là màu nhiệm tình yêu trong bí tích Thánh Thể mà Chúa đã thiết lập đó ư ?
Lậy Chúa, con lại nghe  Chúa đã từng Ước-Nguyện: “Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con, … để tình Cha đã yêu thương con, ở trong họ, và con cũng ở trong họ nữa.” (Ga 17, 24-26). Cứ theo điều ước nguyện đó, thì con biết rằng: Chúa rất mong muốn cho chúng con, và ngay cả những linh hồn ở chốn thảm sầu, cũng được mau về cùng Chúa, nhưng vì sự công chính mà họ phải đền bù. Xin cho chúng con được hiệp thông cùng Hội Thánh Chúa trên khắp hoàn cầu, kết hiệp cùng Chúa làm một, để ước nguyện của Chúa cũng là nguyện ước của chúng con, cho các linh hồn sớm về cùng Cha, như lòng Chúa hằng mong muốn: “… để họ chiêm ngưỡng vinh quang của con, vinh quang mà Cha đã ban cho con, vì Cha đã yêu thương con trước khi thế gian được tạo thành. Lậy Cha là đấng công chính, thế gian đã không biết Cha, nhưng con, con đã biết Cha, và những người này đã biết là chính Cha đã sai con. Con đã cho họ biết danh Cha, và sẽ còn cho họ biết nữa, …” (Ga 17, 24-26).
Trong Luyện hình, các linh hồn khác nào hiện thân những “giấc mơ của đá”. Họ sẽ chẳng làm được gì cho chính mình! Họ cũng hằng mơ ước được những bàn tay êm ái, đưa mình về “Nhà Cha”, như đá trở về quê hương, nơi có núi cha và suối mẹ.
Trong cuộc sống, giấc mơ của con người cũng sẽ tan tành như mây, khói. Nhưng nếu giấc mơ nào còn là phản ảnh của một ước mơ, thì dù giấc mơ đã mất, mơ ước cũng vẫn còn. Con người vẫn còn nhiều hy vọng để thực hiện ước mơ đời mình.
Lậy Chúa, con không muốn có những “Giấc mơ của đá”. Con chỉ muốn thực hiện ước mơ trong đời. Nhưng xin cho con dẹp tan mọi mơ ước thế trần, chỉ giữ lại trong tâm một ước mơ duy nhất, là sống trong tình yêu của Chúa, kết hợp với Chúa để “yêu thương” và cầu nguyện cho các linh hồn sớm được về bên Chúa, cùng Chúa hưởng vinh phúc đến muôn đời./.
Tg. Uyên Ly


Chú-thích:
(1) Giấc mộng – Còn được gọi là chiêm bao, hay chiêm mộng. Ai-cập thời cổ đại, đã quy chiếu cho “chiêm mộng” một giá trị tiên báo đặc biệt: Thượng Đế đã sáng tạo ra những giấc chiêm mộng để chỉ đường cho loài người, một khi họ không có khả năng nhìn thấy tương lai. Trong Cựu-ước: Giấc chiêm bao của Pharaon vua nước Ai-cập là: 7 con bò gầy nuốt 7 con bò mập; 7 bông lúa lép nuốt chửng 7 bông lúa mẩy, và được ông Giuse (1 trong số 12 người con của ông Gia-cop) giải điềm cho Pharaon về 7 năm được mùa và 7 năm đói kém. Tân-ước: Những giấc chiêm mộng được Sứ Thần của Chúa báo trước cho Thánh cả Giuse, như việc đem “Hài nhi và Mẹ Người” trốn sang Ai-cập, và đến khi vua Hê-rô-đê băng hà, thì lại được báo mộng trở về Israel.
(2) Lạt-ma-giáo (Lamaisme) – Phật giáo Tây-tạng, hoàn toàn khác biệt với Phật giáo Ấn-độ và Trung-hoa. Đứng đầu Lạt-ma giáo là Đức Đạt-lai Lạt-ma. Ông này vừa là Giáo chủ, vừa là người lãnh đạo Q.G. Tây tạng. Lhasa vừa là Thủ đô, vừa là Thánh đô. Nơi đó có cung điện Potala bao bọc nguyên một trái núi rất hùng vĩ. Người Tây-tạng tin vị Đạt-lai Lạt-ma là Phật tái sinh, nên ông được mệnh danh là Đức Phật sống. Các tu sĩ cấp cao không hồi tục, được gọi là các Lạt-ma. Vì quan niệm “giấc mơ” là sự thoát hồn trong lúc ngủ, nên các Lạt-ma thượng đẳng thường khổ công luyện tập để hướng dẫn các giấc-mơ, cho hồn khi thoát ra trong giấc ngủ, đi đến những nơi họ mong muốn. Lạt-ma giáo vẫn thường được coi là một tôn giáo huyền bí.
(3) Giấc-mơ – Các nhà phân tâm học khi nghiên cứu những giấc mơ, cho đó là sự cân bằng bù trừ, mà Thượng đế thiết lập cho não bộ, để duy trì đời sống tâm thần con người. Nó mang ý-nghĩa của sự tự điều chỉnh Tâm-sinh học. Thiếu những giấc mơ trong cuộc sống, sẽ đưa đến sự mất cân bằng tinh thần, cũng ví như sự thiếu các chất đạm động vật, gây ra những rối loạn sinh lý. Roland Cahen viết: Những ham muốn, lo sợ, phòng chống, khao khát, và mất mát của tri thức, sẽ tìm thấy trong những hình ảnh xuất hiện trong giấc mơ (vô thức), như một sự cân bằng hữu ích, trong trạng thái điều chỉnh tự nhiên của tâm thần. Cho dù đó chỉ là những giấc mơ mà thường khi ta cho là vô ích, hay vô tích sự ./.