Uly1: NGUYÊN LÝ CỦA TRƯỜNG TỒN.
Đưa đẩy một hồi, rồi cuối cùng Vũ cũng là người phải lên tiếng trước: “ Có lẽ chúng ta phải đi tìm từ căn nguyên của một sự biến đổi nào đó, đã diễn ra trong lịch sử nhân loại”. Vũ dừng lại quay sang Huyền như thể mời gọi nàng, em hãy tiếp với anh nhé … cùng lúc, nàng cũng vừa xoay mình về phía Vũ. Đôi mắt nàng như chiếu thẳng vào tâm linh chàng một tia sáng vừa cảm kích, vừa khích động. Nàng nói:
– Vũ nói sự biến đổi của lịch sử … Chẳng hạn như ?
Vũ gật đầu, tiếp lời:
– Chẳng hạn như sự biến đổi hoàn toàn nơi các Tông đồ xưa, sau khi lãnh nhận Chúa Thánh Thần … chứng minh điều Vũ nói, Huyền ngay lập tức đứng dậy, nàng với tay lên kệ sách, lấy cuốn Kinh Thánh, vừa mở vừa nói:
– Để Huyền đọc cho các bạn nghe tác động của Thần Khí làm biến đổi nơi các Thánh Tông đồ nhé!
“Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi, bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lửa tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tùy theo khả năng Thánh Thần ban cho.
Lúc đó, tại Giêrusalem, có những người Dothái sùng đạo, từ các dân thiên hạ trở về. Nghe tiếng ấy, có nhiều người kéo đến. Họ kinh ngạc vì ai nấy đều nghe các ông nói tiếng bản xứ của mình. Họ sửng sốt, thán phục và nói: “Những người đang nói đó không phải là người Galilê cả ư ? Thế sao mỗi người chúng ta lại nghe họ nói tiếng mẹ đẻ của chúng ta ? Chúng ta đây, có người là dân Pácthia, Mêđia, Êlam, Mêxôpôtamia, Giuđêa, Capađôkia, và Axia, có người là dân Phygia, Pamphylia, Aicập, và những vùng Libya giáp giới Kyrênê; Nào là những người từ Rôma đến đây, nào là người Dothái cũng như người đạo theo; Nào là người đảo Kêta hay người Arập, Vậy mà chúng ta đều nghe họ dùng tiếng nói của chúng ta mà loan báo những kỳ công của Thiên Chúa!” (CVTĐ 2, 1-11).
Huyền gấp sách lại, lắng đọng tâm tư một chút, rồi mới lại nói: Còn nhiều điều mới lạ nữa đã được ghi chép trong sách ấy. Nhưng điều rõ ràng nhất mà ai trong chúng ta cũng đều biết rằng các ông đang là những con người yếu đuối, nhút nhát, sợ sệt, đã biến đổi thành những con người mạnh dạn, can đảm. Và Thần Linh đã ban cho họ trở nên thông minh, khôn ngoan, sáng suốt. Các bạn! Lịch sử Đông Tây Kim cổ, đã có bao giờ, từ một nhóm người, suốt đời chỉ biết cái lưới, cái chài, mà bỗng một ngày, họ trở thành những con người đi làm lịch sử ? Mà điều quan trọng hơn hết là: Lịch sử Ơn Cứu Độ, lại không chỉ là lịch sử của một quốc gia, một dân tộc, mà là lịch sử của cả nhân loại! Không những thế, những gì họ đã làm, không chỉ nhất thời rồi tàn lụi.
Biết bao nhiêu đế chế đã từng có một thời: “Uy vũ và bạo ngược” như Cézar của La Mã, “Sấm sét và hung tàn” như Thành Cát Tư Hãn của Mông Cổ, “Anh hùng nhưng tham vọng” của Napoléon thời đại đế, “Tàn nhẫn và lạnh lùng” như Hitler của Đức quốc Xã; “Khát máu, hại dân” như những lãnh tụ cộng sản: Sistaline, Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh … nhưng rồi cũng chỉ như những làn sóng – Những làn sóng của một định luật vô thường – Cái nọ dồn cái kia và chung một số phận, cái nào cũng có kết cục “lụi tàn”. Chúng ta cũng đã chứng kiến và còn tiếp tục chứng kiến cơn sóng đỏ “vô thần” đã tự hủy diệt và còn bị hủy diệt nữa. Theo Huyền, anh Vũ đã khơi dậy đúng lúc và đúng chỗ. Nói xong, Huyền ngồi xuống, Uyển-my nối tiếp:
– Em đồng ý với anh Vũ và chị Huyền, Giáo hội luôn cho chúng ta ý niệm Chúa Thánh Thần là Đấng canh tân Hội Thánh. Ngài làm cho Giáo hội luôn luôn mới mẻ và trẻ trung. Và đó chính là nguyên lý của trường tồn, y như qui luật các mùa trên trái đất. Vy-vy thấy sao ?
– Dĩ nhiên là em cũng đồng ý với các anh chị! Tuy nhiên, em muốn khơi đến tận gốc là: CÁI GÌ LÀM CHÚA THÁNH THẦN TÁC ĐỘNG? Em thí dụ như: Lúc mình còn nhỏ, đã hẳn mọi cái mình có, đều do cha mẹ cho. Tuy vậy, mỗi một món đồ, đều có nguyên uỷ của nó. Chẳng hạn món quà này là phần thưởng của sự gắng công học hành, món quà kia do sự ngoan ngoãn, hay giúp đỡ cha mẹ được việc gì đó. Có những món quà xuất xứ của nó là ngày Noel, birthday, hay Tết v.v… (xem tiếp Uyênly 2)
Uly2. TÌNH YÊU LÀM ĐỔI MỚI. Điều em muốn nói là có lẽ chúng ta không thể bảo rằng: Canh tân, hay đổi mới là việc của Chúa Thánh Thần.
Nói xong, Vy-vy chợt nhận ra câu nói của mình tối nghĩa, dễ sinh hiểu lầm, óc liên tưởng giúp nàng tìm ngay ra một ví dụ:
– Cũng chẳng hạn như anh Vũ giỏi computer, bọn mình cứ hơi chút là phone cho anh ấy, lắm lúc cũng thấy phiền cho anh Vũ, kể lại cho chị Huyền nghe, chị Huyền bảo: Có sao đâu! Nghề của chàng mà!
Cả bọn phá ra cười làm Vũ cười theo. Chờ cho mọi người nín cười, Vũ chọc:
– Ý của Vy-vy muốn nói mình không cải thiện được … có sao đâu. Vi` “Canh tân” là việc của Chúa Thánh Thần … chứ gì ?
– Anh đừng có nói không cho em! Nếu nghĩ thế, em đặt câu hỏi làm gì ? Diễm-ly im hơi lặng tiếng thế ? Tới phiên cậu đó! Phát biểu đi!
– Các anh chị nói hết rồi! Nếu có nói, bất quá em cũng chỉ nối kết các ý tưởng lại một cách tóm gọn là: Chính Chúa Thánh Thần là Đấng Canh Tân, như Ngài đã từng Canh Tân Giáo hội, và tiếp tục Canh Tân Giáo hội. Rồi theo ý của Vy-vy muốn nói là “động lực” nào để Chúa Thánh Thần Canh Tân, thì phải nói là chính Tình Yêu Thiên Chúa. Và nếu nói theo cách định nghĩa của Thánh Gio-an: Thiên Chúa là Tình Yêu (1Ga 4, 7-16), thì chính “Tình Yêu làm Đổi Mới”.
Nghe Diễm Ly nói “Tình yêu làm đổi mới”, thì bộ óc bén nhậy của Uyển-my đã liên tưởng ngay đến Vũ, Huyền. Cô nàng nhìn hai người, tủm tỉm cười, rồi lại sợ ngượng, gục đầu xuống. Vũ bắt gặp một hiện tượng đang nảy mầm trong đầu cô bé này, nên cứ thử xem cô nàng nghĩ gì ?
– Uyển-my! … Cười cái gì đó ? … Lại suy diễn bậy bạ rồi … Có phải không ?
Uyển-my lắc đầu, chối:
– không! … Anh tưởng em nghĩ cái gì … mà dám bảo là bậy bạ ?
– Dám nói ra không ? … Hễ không tức là đang nghĩ bậy … Phải không các em ?
Cả đám vào hùa với Vũ, giục:
– Nói đi! … đúng rồi đấy! .. Uyểnmy nói Đi! Hay là … đúng như anh Vũ nói … đó!
– Được rồi! Nói thì nói: Diễm-ly nói “Tình yêu làm đổi mới”, cho nên em mới nghĩ tới anh Vũ với chị Huyền, hai người yêu nhau, không biết có gì đổi mới không … ha ?
Cả Vy-vy với Diễm-ly đều vỗ tay thích thú, Vy-vy được dịp tấn công:
– Uyển-my! Bồ có óc liên tưởng tuyệt vời đó!… Nhờ hai ông bà nói cho nghe đi! Bọn này hoàn toàn chưa có kinh nghiệm về “Yêu”, nên không biết sau này “yêu” thì con người mình sẽ đổi mới ra làm sao … nữa ?
Huyền hơi cảm thấy đỏ mặt, nhưng nàng cũng làm ra vẻ đàn chị , nghiêm mặt bảo:
– Chừng nào yêu sẽ biết, chưa biết yêu … đừng có tò mò, không cần phải hỏi !
Vyvy liến thoáng và láu lỉnh, nó quay sang hai bạn phân phua:
– eo ơi! … Chị Huyền khi tụi mình con nít đó! Bộ cứ hễ yêu là thành người lớn sao ? Cứ như là “Má” í ! (rồi nó lặp lại y hệt giọng nói của Huyền) “Đừng có tò mò! … Không cần phải hỏi!”
Không chịu thua, nó đổi giọng riễu cợt:
– Hai đứa tụi bay có nghe hai người yêu nhau nói chuyện bao giờ chưa ? … “Anh ơi! … Anh à” Cái giọng … ẽo … ra “Anh lấy giùm em … ly nước đi!” làm như em bé vậy … lấy không nổi cái ly! Làm Huyền bắt phì cười:
– Chị không thế đâu … à nha!
– Em không có ý nói chị Huyền! … Em chỉ muốn nói: Chưa chắc biết yêu đã là người lớn! Có khi còn con nít hơn ai khác! … Còn nếu chị Huyền mà như thế … thì nhất định là đổi khác rồi! Khác hoàn toàn … chừng đó bọn này đâu có thèm gọi là chị nữa!
Diễm-ly làm ra vẻ thật thà:
– Nếu vậy chị Huyền với anh Vũ “Yêu” mà không đổi mới ư ? … Như vậy định đề trên đã sai rồi!
Cả bọn lại rũ ra cười. Chờ cho mọi người hết cười, Vũ mới lên tiếng (Xem tiếp Uyênly 3)
Uly3. NHIỀU BAO NHIÊU MỚI GỌI LÀ YÊU ? – Tình yêu làm đổi mới … điều đó hoàn toàn trúng! Nhưng bây giờ các em cứ đòi hỏi : Đổi mới ra sao ? đổi mới thế nào ? cũng khó để trả lời! Một là: cứ cho rằng mình không còn là con người cũ nữa, cho nên một lúc không có hai con người để mà so sánh! Con người mới đã chiếm chỗ con người cũ mất rồi …
– Anh Vũ ngụy biện!
– Nếu không chấp nhận điều ấy, thì hai là: Sự thay đổi từ từ, nhất thời không ai có thể nhận ra, và chính mình cũng không biết mình đã thay đổi ra sao … nữa! Chỉ khi nào, mình nhìn lại mình, nhìn lại mình trong sự chiêm niệm, lắng đọng tâm tư, bấy giờ mình mới có thể biết mình, có thay đổi hay không, nhiều hay ít – Nhưng cái biết trong chiêm niệm, không thể diễn tả và nói ra cho ai khác được! Mỗi người khi đến trường hợp của mình, tự khắc sẽ biết! Cho nên Huyền nói là nói sự thật, chứ không như Vy-vy nghĩ rằng chị làm ra vẻ người lớn.
Diễm-ly gật đầu làm ra vẻ … đồng tình:
– Mới đầu nghe anh Vũ nói thì cũng có lý … nhưng nghe một hồi rồi mới biết là anh ấy bênh chị Huyền! Thôi được, để chị Huyền nói đi! … Hễ chị Huyền nói có lý thì kể như anh Vũ bênh chị Huyền cũng không sao!
Huyền lắc đầu:
– Anh Vũ nói đủ rồi, chị không cần phải nói nữa !
– Anh Vũ thấy chị Huyền … “kên” ghê chưa ?
Vũ tiếp lời:
– Các em đừng nói thế! Chị Huyền nói như vậy là vì chị ấy cảm thấy có những thực tế cho dù có ai muốn khai thác cũng không thể nói ra được! … O.K. vấn đề của nó ở chỗ này đây: Có những thực tế cụ thể, và cũng có những thực tế trừu tượng. Thực tế cụ thể như trong túi anh có bao nhiêu tiền, anh có thể móc hết ra đếm cho mọi người thấy được. Những thực tế trừu tượng như: Tình yêu, tình cảm, niềm vui, nỗi buồn, đức tin, lòng can đảm, sự tự tín v.v… ai cũng có đấy, nhưng không thể chứng minh cách cụ thể được! Yêu bao nhiêu được gọi là nhiều ? Bớt đi cái gì thì bảo là tình yêu non nớt ? cho nên tốt nhất, mình dừng lại chỗ này để quay về nguyên lý. Dùng những nguyên lý mà chúng ta đã chấp nhận, để chứng minh. Chẳng hạn như: Chúng ta công nhận “Thiên Chúa là Tình yêu”. Chúng ta cũng công nhận “Con người được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa” (St 1, 27) . Đã mang hình ảnh của Thiên Chúa, thì dù có là thứ hình ảnh nhạt nhòa, hoặc dẫu chỉ là bóng mờ đi chăng nữa, thế nhưng khi hai cái bóng biết yêu – Mà chúng ta thực biết yêu – thì cũng đã làm biến đổi. Vì Tình Yêu Thiên Chúa đã làm biến đổi hoàn toàn nơi mỗi Tông đồ. Ngay cả những người không biết Thiên Chúa đi nữa, cũng công nhận: “Tình yêu có phép nhiệm màu …
Nghe Vũ nói đến đây, Huyền mới lại mơ màng thả hồn trên những con đường tình đã đi qua. Nàng bỏ mặc cho mấy anh em tranh biện. Nàng nhớ lại hết những chặng đường khúc khuỷu của TÌNH YÊU không ít những chông gai – Những ngày tháng oi nồng, gay gắt của một thứ mặt trời búa rìu dư luận hắt vào mặt nàng. Cũng có những bóng tối thời gian che phủ cuộc đời. Những đêm giá lạnh, rét run tâm hồn, tưởng chừng như đang chìm ngợp giữa một đại dương tăm tối, không một mảnh ván, không một bóng thuyền(1). Cuộc đời nàng bắt đầu “thay đổi” từ những bước đi ấy! Chính tình yêu, lần đầu tiên trong cuộc đời, nó đã cho Huyền nếm cái cảm giác thế nào là nỗi niềm cô đơn, hiu quạnh giữa một con phố đông người đi – Tuy vậy, Huyền vẫn cảm nghiệm được rằng trong sự chới với của tâm hồn, trong sự căng thẳng của lý trí, chưa bao giờ Huyền đánh mất niềm tin vào tình yêu, và nàng tin một cách mãnh liệt vào sự chứng giám của thần linh qua một lời giao ước – dù mới chỉ là một giao ước ngắn gọn – Hôm hai đứa đặt chân vào Thánh địa La Vang(2). Cho nên tình yêu mà nàng đặt hết tin tưởng và phó thác trong bàn tay của thần Linh, dù có những thăng trầm, nó vẫn không phải là trái đắng! Không giống như những vật thể có rồi lại mất. Trong xa cách, tình yêu vẫn hiện diện. Rồi những tháng ngày đen tối cũng qua. Người xưa cũng đã từng nói: “Sau cơn mưa trời lại sáng”. (Xem tiếp Uyênly 4)
GHI-CHÚ: (1) đọc phần II, từ tr.227 gồm 5 tâm tư, trong “Trò chơi của Quỉ” đã xb.
(2) Tr. 279 “Trò chơi của Quỉ” đã xb.
Uly4. TÌNH YÊU: LINH VẬT LẠ KỲ. Tình yêu, chính nó đã là một biến thiên không cùng trong cuộc sống. Trong sự biến thiên ấy, tình yêu đem lại cho cuộc sống những lập trình mới! Tùy thuộc nơi mỗi người và từng đối tượng. Từ những lập trình ấy, tình yêu thể hiện những quan niệm, mà riêng Huyền, nàng có thể trải nghiệm được rằng:
Tình yêu được trải thảm, tình yêu không sống động. Tình yêu đi trên thảm, không để lại dấu chân. Những con đường tình đã đi qua, không để lại dấu vết, không có kỷ niệm. Tình yêu không kỷ niệm, chưa hẳn là tình yêu. Huyền nghĩ vậy, tình yêu phải giống như hoa Hồng – Không có Hồng nào lại không gai – Lại cũng chính những bước đi trầm bổng của tình yêu, đã cho nàng những cảm giác mới mẻ: Tình yêu không có trăn trở, tình yêu không có mùi vị đậm đà! Tình yêu không có khoảnh khắc tưởng như vuột mất, sẽ thiếu đi những giây phút gặp lại bàng hoàng, mê say! Tình yêu không có những tháng ngày xa vắng, những đêm khắc khoải đợi mong, tình yêu sẽ kém đi sự da diết của những vòng tay, vơi đi sự nồng nàn của môi hôn! Càng nghĩ, Huyền càng nhận diện rõ khuôn mặt lạ kỳ của Tình yêu.
Tình yêu như một LINH VẬT ngoài mình, xa rất xa. Một ngày nào đó, nó mon men lại gần, rồi nó chiếm đoạt thân xác. Chính sự chiếm đoạt đã làm con người biến đổi – Biến đổi cách toàn diện – Từ thân xác đến tâm hồn. Huyền đã nhìn ngắm thân xác mình trước tấm gương trong phòng tắm. Nó không còn là một thứ xác thân tự thuở hồng hoang chào đời. Ngày tình yêu nhập thể, cũng thân xác đó của Huyền, nhưng nó đã biến đổi thành thân xác Eva lúc Thượng Đế trao tặng Adam. Thực vậy, ngoài sự tươi mát hơn, các vi-ti huyết quản bung ra, đánh thức các tế bào, làm da thịt triển nở cách trọn vẹn, y như mảnh đất trong khu vườn nhà nàng sau cơn nắng Hạ. Khi cơn mưa đầu mùa đến, đất xỉnh ra, các mầm non tiềm ẩn trong lòng đất chỗi dậy, bung ra. Cỏ cây xanh mát, hoa trái dồi dào. Ở đây cũng vậy, Tình yêu làm cho da thịt thơm tho, đôi má hồng hào. Tình yêu làm cho con người trở nên dịu dàng, thanh thoát, dáng đi khoan thai, tiếng nói ngọt ngào. Tóm một điều: Tình yêu làm cho thân xác trở nên mời mọc, làm cho dáng điệu, cử chỉ, lời nói trở nên chào đón. Chính thế, Tình Yêu gọi dậy, đánh thức một con tim ngủ vùi ngàn năm … chợt tỉnh. Tình yêu giống như Hoàng tử, con tim tựa hồ nàng công chúa ngủ trong “tháp bút ngà” của xác thân. Chưa đủ, tình yêu ban phát cho “thân tháp bút ngà” cùng với trái tim một sức sống tuyệt vời, mà những bậc khôn ngoan đã phải thốt: Giả như không có tình yêu, cuộc sống con người không còn chút giá trị hay mang một ý nghĩa nào nữa!
Phải đợi chờ cho đến khi tình yêu tới, con tim mới khám phá ra lý lẽ sâu sắc bốn mùa thay đổi của đất trời. Mỗi mùa mang một bóng dáng thi vị riêng: Xuân gọi nắng, Hạ gọi hoa, Thu gọi hồn, Đông gọi nhớ… Phải đợi cho đến khi tình yêu tới, Huyền mới nghe được tiếng gió lao xao, chuyện trò trong tâm hồn những mùa Trăng, và Huyền bắt đầu gọi tên những vì sao. Phải đợi đến khi tình yêu tới, những phố xá cũ, những lối đi xưa, mới bắt đầu thay hình, đổi dạng. Vì lối đi biết thì thầm, tâm sự. Phố cũ bắt đầu duyên dáng, nên thơ – Lá biết ngơ ngác, hàng cây biết đợi chờ. Hoa biết cười, chim chóc biết hát ca, nhảy múa, mời gọi, đón chào. Sông nước trở nên hữu tình, biết lặng lẽ, lắng nghe, hay chứng kiến hai kẻ yêu nhau nặng lời thề thốt. Ngày xưa đi qua công viên, Huyền chỉ thấy chiếc ghế đá không hồn, lạnh lẽo, một thứ điểm trang, một phương tiện phục vụ cho những kẻ mỏi gối, chùn chân … ngơi nghỉ. Khi tình yêu tới, chiếc ghế đá không hồn, nay đã trở thành bến mê, nơi hẹn hò lý tưởng. Khi tình yêu tới, chiếc ghế đá trở nên biết mời mọc, biết dụ dỗ những đôi tình nhân, để được chia sẻ, lắng nghe những câu chuyện tình đẹp nhất trên trần đời. Cũng có khi, chiếc ghế đá trở thành bờ vai, tấm lòng người mẹ hiền, cho những ai đang đau khổ vì tình yêu, có nơi nương tựa, gục đầu thổn thức. Những lúc ấy, ghế đá cũng đã từng giống như vị thiên thần không tên, đi bên cạnh cuộc đời mỗi con người. Chỉ biết lắng nghe, hoặc âm thầm chia sẻ nỗi buồn, mà không được con người biết ơn, hay nhớ tới. Chẳng ai nói với một lời. Vâng! Chỉ đến khi tình yêu tới, Huyền mới đo lường được độ giãn nở của thời gian: Cũng chỉ chừng đó thời gian thôi, mà khi vui thì ngắn, những lúc đợi chờ thì dài lâu! Huyền còn đang chìm đắm tâm hồn vào một ngã rẽ riêng tư của mình … Bỗng bị gọi giật về (Xem tiếp Uyênly 5)
Uly5. TIẾNG LÁ GỌI HỒN.
– Chị Huyền đang mơ mộng gì đó!
Huyền định hỏi mấy anh em bàn tới đâu rồi, nhưng lại thôi … Nàng đáp:
– Chị đang cố gắng tìm từ để diễn tả sự đổi mới của tình yêu, nhưng không sao tìm được! bởi ngôn ngữ sẽ bị chết (tử ngữ), khi đem nó vào lãnh vực cảm nghiệm của tâm hồn. Chẳng hạn như khi chị nói: Tình yêu làm cho không gian đổi màu. Những từ xám, tối, xanh, đỏ, hồng v.v… không nói lên được gì hết! Cũng không diễn tả được những cảm nghiệm về “sắc màu tình yêu”. Một ngày nào đó, các em sẽ mặc lấy tâm trạng của một “Con nai vàng ngơ ngác, đạp trên lá vàng khô” (thơ Lưu trọng Lư). Cái “Ngơ ngác” đáng yêu và dễ thương ấy, có khi chỉ xẩy ra một lần trong cuộc đời của một đời người. Lần ấy là lần đầu tiên biết yêu! Những ngày hôm nay của tuổi này, các em đi trên những con đường mòn, có bao giờ nghe được một thứ ngôn ngữ riêng tư thầm kín của những chiếc lá khô kêu xào xạc dưới gót chân ? Chắc là không! Nhưng sẽ có một ngày, ta biết giật mình khi bước chân lên những chiếc lá vàng khô trong một chiều hoang vắng. Ngày đó là ngày tình yêu đến! Tình yêu dù đi trên sỏi đá, hay đi trên lá vàng, cũng ví như những bước chân của người tình, và trên mỗi bước chân, nó âm thầm vang tiếng gọi tâm hồn, làm cho nai vàng cũng chính là con tim thơ dại, giật mình ngơ ngác … Cũng vậy, khi tình yêu chưa tới, không ai nghe được “tiếng thu” khi nhìn những cánh lá vàng rơi, không cảm được “men rượu say” nồng nàn trong hơi gió, và cũng không cảm nhận được nỗi lòng xao xuyến qua làn má đỏ hây hây…
Uyển-my chăm chú nghe, nhưng nàng lắc đầu:
– Em thật tình không hiểu chị nói gì!
– Chị biết! Cho dù chị có nói gì thêm nữa, cũng không cắt nghĩa được tình yêu! Cho đến khi nào tình yêu thật sự đến với em!
Vũ tiếp nối:
– Các em ạ, không ai có thể nói lên, hay diễn tả được cảm nghiệm tình yêu của mình cho ai khác, thì cũng không ai khác có thể cảm nghiệm được tình yêu của kẻ khác nói lại với mình. Còn nữa, ngay cả khi đã biết yêu, cũng không gian ấy, cũng cảnh vật ấy, nhưng “Sắc Màu Tình Yêu” sẽ hiện lên ở mỗi người một vẻ, tùy theo âm ba rung động trong tâm hồn nơi mỗi con người.
Cũng thế, chúng ta tưởng rằng một số từ ngữ, một vài mệnh đề diễn tả về sự đổi mới nơi các tông đồ như: Nói tiếng lạ, can đảm, không còn nhát sợ, trở nên thông hiểu hết mọi điều. Nhất là hăng say rao giảng và làm chứng về Đức Kitô, mà không sợ chết… có thể xem là đủ, để nói lên tác động Tình Yêu Thiên Chúa qua việc làm của Thánh Linh sao ? Vũ lắc đầu, tiếp:
– Muôn đời chúng ta sẽ không hiểu được cái cảm nghiệm diệu kỳ, do tác động của tình yêu Thiên Chúa trong lòng các Ngài. Chắc chắn TY ấy phải làm trỗi dậy “men” hưng phấn của một thứ cảm giác hạnh phúc lạ kỳ, lôi cuốn trái tim, làm cho con người trọn vẹn say mê “nét đẹp” của Chân Lý, mà trèo non, lặn biển không biết mệt, cũng như sẵn sàng chết cho “thần tượng” Chân Thiện Mỹ ấy.
Thế nên, những rung động của tình yêu chị huyền vừa nói với các em, nó chỉ là hình với bóng, so với Tình Yêu Thiên Chúa dành cho con người. Cái người ta gọi là “Tình yêu nhiệm màu”, thực ra nó chỉ là ảo ảnh đối với “Nhiệm Mầu” trong Tình yêu Thiên Chúa. Vì Tình Yêu Thiên Chúa là Tình Yêu thật! Tình yêu “thật” có những “Canh Tân” thật! Tình yêu thật có sức thu hút và làm con người đổi mới thật, đổi mới toàn diện, và bền lâu vĩnh cửu!
Bởi vậy chúng ta không lấy làm lạ tình yêu con người dành cho nhau, tuy có đổi mới lúc ban đầu, nhưng rồi sau sự đổi mới thường hay biến dạng theo chiều kích tỷ lệ nghịch với thời gian hoặc kém đi. Một thứ “Thuật giả kim”không toàn vẹn. Có nhận chân được điều này, chúng ta mới có một nền tảng, một căn bản để đi xa hơn trong lãnh vực “Canh Tân, Đổi Mới”. Đó cũng là nguyên ủy của biết bao nhiêu đổi mới, biết bao nhiêu “canh tân” trong xã hội, mà cuối cùng cũng chỉ như điều Vy-vy đã nói ngay từ đầu rằng: “Người ta cũng đã từng hô hào “Canh Tân” hay “Đổi Mới” nhiều, nhưng cũng chẳng thay đổi gì, hay càng ngày càng tụt dốc, tệ nạn mỗi lúc một gia tăng”.
Tg. Uyên ly
(Còn tiếp)