Huyền vừa nhặt những cọng rau thơm, vừa buông thả những ý nghĩ chạy quanh sự tươi mát của màu xanh non, lẫn cấu trúc xinh xinh, ẻo lả của những cánh lá ngò. Từ màu xanh của lá, những ngã rẽ của cành, đã dẫn giắt tư tưởng nàng đi vào màu xanh cuộc đời, cũng như những ngã rẽ đời mình. Trên những ngã rẽ đó, cũng có những cánh lá phai màu, những cành nhỏ li ti đang tàn úa. Huyền cũng thấy trong cuộc sống, không phải lúc nào cũng là màu xanh cả. Nhưng đâu là bàn tay ngắt đi những cánh lá úa trong đời mình ? Cứ thế, ý nghĩ biến thành một chuỗi dài buông thả như đám lục bình trôi sông, không bờ, không bến. Lại nói đến sự buông thả của tâm hồn. Thực ra, nàng không buông thả cũng chẳng được. Từ một lúc nào đó, chính Huyền cũng không rõ … dường như mình đã không kiềm chế được sự thả lỏng này. Đứng đâu, ngồi đâu, làm việc gì, tư tưởng không còn tập trung vào một chỗ, nó chạy loạn xạ như những cánh lá cuối Thu gặp cơn gió thoảng. Nó biến dạng đổi hình như những áng mây lơ lửng trên bầu trời. Nhưng Huyền không lấy thế làm phiền. Vì Huyền cảm thấy mình đang yêu đời! … Ô hay, từ lúc nào nhỉ? … Có phải từ những lần khiến cho mẹ nàng thảng thốt: “Con Huyền lúc này mày hay thực đấy! cứ như người mất hồn vậy!”. Hoặc rất nhiều khi bạn bè mắng mỏ: “Con nhỏ này … mấy lúc gần đây nó ngồi đâu mơ mộng đó! … tụi mình nói cái gì cô nàng cũng bỏ ngoài tai”. Cũng có lúc Huyền hỏi ngược lại: “mà … Tao bắt đầu như vậy từ bao giờ ?
Có người bảo “Tình Yêu là Trái Cấm”, nhưng Huyền không thấy vậy! Có thể mình chưa thực sự nếm phải mùi vị đắng chát, chua cay của nó. Có thể nó là một thứ trái thơm của thần thánh, mà bất cứ người phàm nào đưa tay hái, sẽ làm rung chuyển những cánh gió vây quanh – Một thứ bảo vệ trái thơm của thần thánh – Rồi gió chuyển mình, giận hờn, vặn mình lên bão tố, bốc người đó đi, ném vào vũng lầy của bi sầu, khổ lụy ? Chưa! … Mình mới chỉ thấy Tình Yêu như một con suối mùa Xuân, từ xa nó đã man mác hương thơm của cỏ hoa, êm đềm như suối tóc nàng trinh nữ ngồi giữa rừng mơ. Con suối chứa đựng cả một bầu trời trong xanh, thỉnh thoảng vài áng mây trôi lững lờ bên thềm cỏ. Ngay cả khi lại gần, chính sự phản ảnh của nguồn nước sinh động, tươi mát nơi con suối, mới đem lại cho mình cái cảm giác hoang vu, khô khan trong lối đi xưa cũ của một tâm hồn đơn điệu. Cũng giống như mảnh đất khô cằn, bỗng dưng được tắm gội trong cơn mưa đầu mùa. Nó tươi mát đã vậy, nó báo hiệu những mầm sống mới đang bắt đầu vươn lên. Tâm hồn như nở hoa. Vũ trụ như có luồng sinh khí mới thổi vào. Chung quanh sức sống bùng lên … và  tự dưng cảm thấy yêu mình, yêu đời. Huyền mỉm cười một mình … Cho dù tình yêu có là một thứ trái thơm của thần thánh, một thứ trái cấm đối với loài người, thì mình cũng có cách. Mình chẳng nên hái trộm, cũng chẳng dại gì đưa tay với! Cái ước muốn của tâm hồn, sự khao khát của lý trí, thần thánh cũng đã biết rồi! Mình cứ coi nó như một thứ lễ vật dâng lên thần thánh. Đến khi Thượng đế trả lại cho “cái ước muốn, sự khao khát” – mà Ngài giữ làm gì của dư thừa ấy – thì thế nào Thượng đế cũng mỉm cười, chúc phúc … Bỗng một bàn tay đặt nhẹ trên vai, cùng với giọng nói lanh lảnh, làm Huyền giật nẩy mình:
– Chết chị Huyền rồi! … Bắt gặp quả tang chị đang tương tư nhé! … Cười lén kìa! Nụ cười còn đang nứt ra trên môi kia kìa.
Huyền có chút bẽn lẽn, nhưng nàng lấy ngay lại phong độ đàn chị, quay nhìn Diễm Ly và hỏi:
– Sao, bộ ba thường ngày của em đâu, mà lại cô đơn lạc lõng thế này ?
– Chắc rồi cũng phải đến lúc “thích” cô đơn thôi! Đi đâu cũng giung giăng giung dẻ “tam ca, ba con mèo hoang”mãi, ồn ào quá!
– Ồn ào gì! … Phá làng phá xóm í chứ! … Chị cầu cho có ba anh chàng Eros(1) nào đó, bắn cho ba cô nàng ba mũi tên, xuyên suốt trái tim, để đi đâu cũng thẫn thờ, ngơ ngẩn làm thơ !
Mới nói tới đây, Huyền đã nghe như hai cái loa phóng thanh từ nhà ngoài vào, ồn ào không thể tưởng được:
– Giống như chị Huyền có phải không ? … Chị cứ nói xấu bọn em đi! Lát nữa anh Vũ tới, tụi này sẽ thay phiên nhau, dùng xa luân chiến quần thảo cho chàng một trận, để cho hai người không có thời giờ xáp lại với nhau …
Vy-vy, Uyển-my, và Diễm-ly là ba cô gái học cùng trường nhưng khác ban, khác ngành. Một hôm Uyển-my tình cờ bắt gặp trong danh sách của nhà trường, chỉ ba đứa có tên đồng âm với vần cuối là “y”. Mới đầu chỉ là một sự tò mò, cô nàng muốn biết hai con nhỏ kia mặt mũi ra sao. Phải khó khăn lắm, dọ hỏi lâu ngày, Uyển-my mới tìm ra được Diễm-ly. Lần gặp nhau đầu tiên, cũng khá vui. Hôm ấy trong thư viện của nhà trường, Uyển-my bắt gặp cô nàng trong tư thế ngủ ngồi cách ngon lành. Như một thiên thần, nửa khuôn mặt áp sát lên hai cánh tay khoanh, đặt trên bàn. Mặc kệ thế gian người đi kẻ lại. Hai cánh mi cong của đôi bồ câu bình yên khép kín. Chiếc má hoàng hôn ửng nắng hồng. Uyển-my đến bên cô bé, khều nhẹ vào cánh tay
– Buồn ngủ hả ? Về ngủ đi! Tội gì phải ngồi đây ?
Diễm-ly hé mở cửa sổ rèm mi, ngước lên, thấy không quen, thì lại nhắm mắt tiếp tục trong tư thế cũ. Nàng chẳng buồn trả lời, cũng chẳng thèm cất đầu dậy. Uyển-my kiếm một cái ghế, kéo lại sát bên, ngồi xuống
– Bạn bịnh hả ? Để mình đưa bạn về nhé! … Nhà có xa không ?
Diễm-ly thò một ngón tay, ra dấu bảo nàng ghé sát đầu xuống, rồi nói nhỏ:
– Không ngủ, cũng không bịnh! … Định kiếm sách làm bài nộp, anh chàng kia vô sớm lấy mất rồi! … Không chờ cũng chẳng được!
– Tội gì phải chờ! … mà chờ biết chừng nào hắn mới xong. Tớ giúp cậu. Uyển-my nheo mắt mỉm cười:
– Chờ tớ dụ hắn rời chỗ ngồi, thì cậu tới “cuỗm” ngay cuốn sách cậu cần, nhưng nhớ tới quầy mượn, rồi kiếm chỗ khác mà làm bài, đừng luẩn quẩn trong này, hắn thế nào cũng đi tìm đấy! … Hẹn gặp lại sau!
Nói xong, Uyển-my đứng dậy, vờ đi một vòng rồi mới tới chỗ người thanh niên kia, nàng đóng kịch, tạo một khuôn mặt nhăn nhó, khó khăn
– Lấy giùm người ta một cuốn sách trên cao … có được không ? … ở đàng Kia … kìa!
– Lấy giùm “người ta” thì không lấy! Gã thanh niên trả lời.
– Người ta là “mình” đây nè !
– Mình là ai ?
– Mình là “Mình” đang nói với cậu đó !
Nói thì có vẻ gần đấy thôi, nhưng khi chàng thanh niên chịu đứng dậy – mà không đứng dậy sao được, người đẹp nhờ mà lị – thì nàng dẫn đi một vòng thật xa, rồi mới chỉ bậy một cuốn sách vớ vẩn nằm ở trên cao, vừa to, vừa nặng, đủ cho cô bạn mới của nàng có giờ thi hành thủ đoạn, và biến ra khỏi thư viện. Khi trở về chỗ, chắc anh chàng bực lắm, nhưng cũng chẳng làm gì ai được! Sau lần đó, hai đứa quen nhau rồi trở thành hai cô bạn gái thân thiết. Uyển-my lại đưa ý kiến đi tìm Vy-vy nói cho Diễm-ly nghe, xem mặt mũi cô nàng này ra sao … Cuối cùng họ cũng tìm được.
Khỏi nói độc giả cũng biết, bọn con gái chúng tôi khi ở một mình, đứa nào cũng ngoan hiền cả. Nhu nhã mềm mại, yểu điệu thục nữ, như Mèo ngày, nhưng khi ráp lại vài ba đứa thì làm loạn chẳng khác nào Mèo đêm. Có lẽ vì vậy, bọn đàn ông, con trai mới đặt ra cho con gái cái biệt danh là “Mèo”. Nào là “đi o mèo”, “có mèo”, “bị mèo cào”. Trong bọn con trai, còn có đứa thối mồm, thối miệng, đã được con gái chúng tôi ban cho cái ân huệ cặp kè, thế mà mở miệng cứ bảo là “Con Mèo hai chân của tao”. Nhất là có cô nào không ra gì – Tập thể nào chẳng có người tốt, kẻ xấu – liền bị họ gọi là “mèo hoang”. Cô nào có vẻ “ngu ngơ, khờ dại” – Thực ra chỉ là ngây thơ, thật tình thôi – Bị họ chê là “Mèo rừng” mới lạc vào thành phố. Chúng tôi biết hết cả đấy! Nhưng trời sinh ra con gái, vốn dòng “trâm anh thế phiệt” của cả thiên đình lẫn hạ giới. Tâm hồn con gái luôn luôn cao thượng, nên chúng tôi chả thèm chấp nhất gọi họ là “cẩu trệ”, “chó hoang” gì, mặc dù không thiếu bọn đàn ông, con trai đi hoang, tán bậy, lê lết hết quán nhậu này, tới quán cà phê khác nói chuyện tầm phào … phí thời giờ. Nhưng cũng chỉ là thiểu số thôi! Độc giả nam  nhi, đại trượng phu đừng có giận nẩy, vì chúng tôi không vơ đũa cả nắm! Cho dù đôi lúc chúng tôi cũng phá phách, chọc ghẹo thiên hạ chút đỉnh … như có lần, ba đứa chúng tôi đang đứng chơi bên trong hàng rào nhà trường, ngó ra ngoài đường, chợt có một anh chàng đi qua, chẳng biết ở nhà bị bố la, mẹ mắng thế nào, mà ra đường, cứ chúi đầu xuống mũi giầy mà đi. Phải nói rằng ba đứa chúng tôi thuộc loại hoa khôi của trường. Đàn ông, con trai ra đường, thấy người đẹp mà không chiêm ngưỡng, hoặc ít nhất cũng phải đưa mắt liếc nhìn, nếu không là phạm vào một trong những trọng tội … khó có thể tha thứ. Rõ ràng là một yếu tố tâm lý mà chúng tôi không thèm nói ra đấy thôi! Chứ nếu không, chẳng tội vạ gì đàn bà con gái chúng tôi, phải mất quá nhiều thời giờ vào việc trang điểm trước khi ra phố. Bởi vậy ba đứa mới bấm tay, nháy mắt nhau. Một đứa lên tiếng:
– Tụi mày biết không … Nhà tao có con chó, hễ mỗi lần ăn vụng bột, là “i” như rằng ra đường đuôi cứ cúp lại, mặt thì cúi gằm xuống mà đi, cứ như sợ người ta bắt gặp!
Nhưng cũng không hẳn là chúng tôi chòng ghẹo gì! Chẳng qua cũng chỉ là để xây dựng cho đàn ông, con trai ra đường là phải đi đứng cho ngay ngắn, hiên ngang, biết “ngước mặt nhìn đời” thế thôi!
Khi bốn người chúng tôi bày biện xong các món ăn lên bàn, nào chả giò, nem nướng, bún mọc, rau sống, nước chấm v.v… thì Vũ đến. Vy-vy lên tiếng trước:
– Anh Vũ này khôn thiệt! … Đợi đúng lúc xong mọi việc là tới ăn! Đấy là đã có hẹn với nhau trước đó! … Các chị tính sao ?
– Còn tính gì nữa! Ở đời đâu có bất công như vậy được! Thời nay, đâu còn cái cảnh Ốc mò cho cò sơi !
– Nhưng mà Diễm-ly ạ! Để cho công bằng, mà chúng mình cũng không bị mang tiếng với chị Huyền là bọn mình ỉ đông ăn hiếp anh Vũ. Uyển-my đề nghị nên để cho Vũ chọn một trong hai giải pháp: Không làm thì không ăn, nhưng phải ngồi đây, nhìn chị em chúng tôi ăn! Hoặc là cứ việc ăn, ăn xong thì tự nhiên mang hết chén, đĩa, cùng mọi thứ ra rửa, lau chùi, xếp gọn đâu vào đó!
– Uyển-my nói vậy “tội” cho anh Vũ. Vy-vy thấy chẳng cần bắt anh ấy “phải ngồi đây”. Đã có chị Huyền đây rồi, ba đứa tụi mình dù có “đuổi”, ông ấy cũng chẳng đi đâu! Người ta bảo đàn ông có bồ, da mặt tự nhiên dầy ra, mà lại lì nữa! Đến bố mẹ nói còn chẳng được nữa là người ngoài! Cho nên chỉ cần một điều kiện là anh ấy đừng ăn … là được rồi!
Vũ phì cười
– Cứ làm như mình bị đi hầu tòa không bằng! Rồi sao nữa … đây, các vị bồi thẩm đoàn ?
Huyền tủm tỉm cười, nhìn Vũ:
– Các cô ấy bắt đầu tấn công anh đấy! … Trước lúc anh tới, họ đã làm màn đe dọa em trước rồi! Họ gọi cái gì là “xa luân chiến”, Vũ hiểu không ?
Vũ nháy mắt Huyền một cái trước khi nói:
– Thôi được rồi! Các em ấy cũng chỉ muốn anh phải cư xử cho công bằng thôi! Mặc dù ở nhà trước lúc đi, chẳng đặng đừng anh phải tiếp một vị khách bất đắc dĩ. Nhưng trong cuộc sống nói chung, hễ không làm thì không có ăn. Ai cũng vậy thôi! … Để anh đi! À! … Nhưng mà, nghe em bảo, mấy cô em này đã có ý đe dọa em, thì em ở nhà một mình, cũng sẽ bị các cô ấy ỉ đông ăn hiếp ít. Chi bằng em cùng đi với anh, chúng mình đi ăn phở với nhau, cũng được vậy! vả lại ăn xong cũng chẳng đứa nào phải rửa chén, rửa tô hết! … Các em ở nhà chịu khó ăn hết, xong lau rửa các thứ, dọn dẹp gọn ghẽ lại cho chị Huyền … nhé!
Uyển-my đưa mắt ra dấu cho Diễm-ly, nhưng Vy-vy đã lên tiếng:
– Khiếp chưa! Anh Vũ chưa cưới chị Huyền mà đã dám ra lệnh, sai bảo tụi mình rửa chén, dọn dẹp nhà cửa cho chị ấy. Mai này họ lấy nhau rồi, nếu có mời bọn mình tới ăn, không chừng anh Vũ còn ra lệnh, bắt chúng mình phải trải “drap” giường, dọn chỗ ngủ cho ông bà ấy … nữa đấy!
Cả bọn năm đứa chúng tôi cùng cười ồ lên … Thế là chuyện đâu cũng vào đó hết!
Vũ ép chúng tôi, mỗi đứa nửa lon bia. Diễm-ly làm được ba hớp đã thấy rạng đông sáng chói lên đôi má. Nàng nhíu mày, nhăn mặt, đặt ly xuống bàn, rùng mình, nói:
– Cái thứ nước đắng ngắt cổ họng, cay xè làn môi như vậy mà đàn ông, con trai, người nào cũng thích. Thậm chí còn “đổ thốc, đổ tháo” vào họng nhau!
Vũ cầm cái ly của nàng, để vào chỗ mình, chàng cười bảo:
– Em không uống được thì thôi … không ép! Nhưng việc gì mà phải nói … quá đáng thế!
– Anh bảo em nói quá đáng ư ? Chị Huyền có bao giờ chứng kiến cái cảnh … năm sáu cái miệng cứ gào lên … “trăm phần trăm”, chín mười cánh tay cầm chai bia dơ lên, cứ thế đổ ừng ực vô họng. Có ông đổ lẹ quá, nuốt không kịp … sặc lên mũi, nước mắt, nước mũi, trộn lẫn với “la-de” trào ra khỏi miệng, ướt cả áo quần… nhìn thấy khiếp! Hỏi anh, ăn uống như thế còn thưởng thức cái gì nữa ? Tội nghiệp công phu nấu nướng của mấy bà xã! Tại sao không “canh tân”, cải cách cái lối ăn uống, ép uổng cách vô bổ như thế đi … có phải hơn không ?
Vũ vỗ tay như cổ võ:
– Em tôi vào đề bất ngờ … quá hay!
Mọi người sửng sốt, hết nhìn Vũ lại nhìn Diễm-ly … nhưng chỉ vài giây, họ liền hiểu ra, gật đầu tán thưởng. Huyền lấy lại cái ly bia chỗ Vũ, dúi vào tay Diễm-ly
– Thôi đi, đừng có giả bộ nữa, cầm lấy đi cô nương! Nào tất cả nâng ly … Hoan hô Diễm-ly một cái. Hôm đọc lá thư anh Vũ viết về hai chữ “Khô đạo”, chúng ta đã hẹn với nhau một buổi hội thảo về chủ đề “Canh Tân” đời sống. May quá Diễmly vừa khơi mào cho chúng ta đấy!
Trong khi mọi người bỏ ly xuống tặng Diễmly một tràng pháo tay, thì Vyvy sửa giọng lên tiếng:
– Ngồi đây, chỉ có Vy-vy là “nhỏ” nhất (Cả đám nhất loạt nguýt lên một cái thật dài, nhưng nàng bỏ ngoài tai, nói tiếp), thực ra Vy-vy đã nghe nói rất nhiều về hai chữ “Canh Tân”. Nhất là trong lãnh vực Tôn Giáo. Và cũng không thua gì mấy trong các lãnh vực thuộc phạm vi đời sống con người. Nhiều khi để làm rõ nghĩa chữ Canh Tân, người ta còn thêm vào bốn chữ “Cải thiện đời sống”, nhưng khi một từ ngữ biểu hiện cho một phong trào, cứ được lập đi lập lại, đến nỗi từ ngữ nghe mãi đã thành cũ rích, thì chứng tỏ là hiệu quả của phong trào, xem ra không gặt hái được gì! Bằng chứng là luân lý, đạo đức trong nhân loại càng ngày càng tụt dốc, tệ nạn mỗi lúc một gia tăng. Người ta dối trá đối với nhau để rồi ly thân, ly dị, rồi phá thai. Giết con mình một cách vô tội vạ, ngụp lặn trong vũng lầy của tội lỗi mà vẫn thản nhiên, xem như chuyện nắng mưa của cuộc đời … thôi em không cần phải kể thêm nữa! Các anh chị ngồi đây, thử nghĩ xem, yếu tố nào có thể giúp cho việc Canh Tân được dễ dàng, cho dù không dễ dàng, thì cũng phải làm sao cho có hiệu quả!
– Chị rất đồng ý với Vy-vy, Huyền đáp: chúng ta phải tìm ra cái cách của nó, chứ nếu không thì cũng chỉ là chuyện “Nói cho xuông miệng”, hô hào theo cái kiểu “đánh trống bỏ dùi”! phong trào nào thì cũng tạo ra cái hào khí, phấn khởi của buổi ban đầu, để rồi … cái gì cũng tàn theo năm tháng.
– Ngồi đây, Uyển-my thấy anh Vũ là người lớn nhất, rồi tới chị Huyền, yêu cầu anh Vũ cho ý kiến trước!
– Hồi nãy, trước khi ăn thì chẳng thấy ai bảo người nào lớn ăn trước! … thiếu chút nữa, còn bị mất phần ý chứ!
– Tụi mày thấy anh Vũ “thù dai” ghê chưa ? Không ngờ anh Vũ mà cũng có chút “ti tiện” … Diễm-ly nháy mắt cho hai cô bạn, Vy-vy hiểu ý, nối tiếp:
– Em như chị Huyền … loại anh Vũ sang một bên. Đẹp cả người lẫn nết như chị Huyền, em thấy đám con trai tay cầm đơn, đứng xếp hàng dài mấy dẫy phố, đếm không hết! Tội gì phải chọn anh Vũ ? Huyền giả bộ “hừm” một cái, rồi cười ruồi:
– Sợ mấy cô em này luôn! Ba hồi họ nhận chìm mình xuống tận cùng địa ngục, ba hồi họ cho mình uống nước đường, đi tầu bay giấy, mưu đồ kéo phe kéo cánh!
– Chưa biết ai kéo phe … Hồi nãy ai sắp chỗ ngồi ? … Nhà có năm người, theo lẽ chị Huyền là chủ nhà, phải ở vị trí đầu bàn mới phải, để cho con bé nhỏ nhất này phải ngồi lẻ loi một mình! Vy-vy nói xong, liền nheo mắt, nhún vai nhìn Vũ, Huyền, làm cả nhà phát phì cười.
– Đừng có nhìn chị à … nha! Chị là người ngồi xuống trước, để cho các em ngồi vào bàn. Bữa tiệc này là của chung tất cả mọi người đã hẹn hò với nhau. Chị chỉ là người cho mượn địa điểm. Chị đâu dám đặt mình là chủ “sòng”. Anh Vũ lại là người đến cuối cùng, đương nhiên thấy chỗ nào trống thì anh ấy ngồi vào, chứ chị không có dành chỗ cho anh ấy … mọi người đều biết! Chỉ tại ba đứa em kỳ thị … không đứa nào ngồi với chị hết!
– Chị ấy nói nghe tội nghiệp chưa ? … Sau này bọn mình phải học cái cách … để cho người khác tội nghiệp mình! Như vậy … lợi đủ mọi mặt! chẳng thua thiệt phần nào! Đúng là chỉ có anh Vũ mới biết tội nghiệp chị Huyền, nên mới ngồi sát cánh với chị (Chữ “sát” Uyển-my cố tình kéo dài ra như thể châm biếm) … phải không anh Vũ ? (Còn tiếp)

GHI CHÚ: (1). Eros là vị thần ái tình trong huyền thoại Hy-lạp. Bạn nào chưa biết, sau sẽ biết.

Tg. Uyên Ly