– Các khuôn mặt của Tình yêu.
– Tình yêu nơi con người.
– Câu chuyện tình giữa Eros (Thần Ái Tình)
   và Psychée [xi-Sê] (Công chúa Tâm Linh).
– Eros & Agape nơi Thiên Chúa.
– Khác biệt giữa Thần thoại & Nhiệm mầu.
– Tình Yêu & Hôn nhân thần diệu nơi Ðức Mẹ & Thánh Giuse.

Huyền bước tới chiếc dương cầm, nhẹ nhàng ngồi xuống. Mười ngón tay thiên thần lướt nhẹ trên hàng phiếm. Từng phiến nhạc vút lên cao thanh thoát … chợt nhiên, đổ xuống những thanh âm … trầm … buồn … phiền … não nùng … Rồi từ một đáy vực … Giọng hát của người con gái len theo tiếng nhạc, cũng vừa vút lên như một thanh âm vàng le lói giữa giòng thác nước bạc … Đây không phải là lần đầu tiên! … Uyểnmy đã từng ru lòng người vào những cung điệu vừa linh thiêng vừa chan chứa yêu thương, nhiệm mầu. Lần này, tiếng hát của nàng không chỉ đưa người ta lên những nấc thang trầm bổng của âm thanh, mà còn dẫn dắt hồn người theo những bước chân lẻ loi, thầm kín đi vào lũng sâu tăm tối của cuộc đời … chất ngất những thương đau:

…Còn chờ ngàn kiếp sau
một tiếng ca tiếng ca tạ từ tạ từ.
Bàn tay đã như xanh xao
đan cuộc tình mù lòa trọn đời mình.
Ta vẫn thương người yêu dấu cũ
dù hồn chơi vơi dù nhạc buông lơi tàn rồi.
Người còn mai sau
ôi vạn kiếp mãi chờ nhau.
(“Từ giọng hát em” của Ngô Thụy Miên)

Giọng hát của người hát đã ngưng. Rồi tiếng đàn cũng dồn dập lui vào quá khứ, nhưng ai nấy vẫn thinh lặng trong ngậm ngùi. Một lúc sau, Trần Luân mới ngẩng đầu, lên tiếng:

– Không có tình yêu, nhân loại sẽ toàn là những con người máy. Con người tuy sống mà không cảm nhận được chút nào hương vị nồng ấm của cuộc đời. Không có tình yêu, Xuân Hạ Thu Đông còn có nghĩa gì. Thế gian chỉ là hoang mạc. Nhưng sự hiện hữu tình yêu trong cõi nhân gian, cũng gây cho lắm kẻ thương đau, và làm cho biết bao con tim bị rướm máu. Xem như thế thì “tình yêu” và con người không hẳn chỉ có sự tách biệt, mà còn có sức chế ngự. “Nó” tạo ra và để lại biết bao hình bóng không thể xóa nhòa trong tâm hồn con người, làm cho con người khắc khoải. Trong thần thoại Hy lạp, “Nó” là một vị thần, có tên là Eros, nghĩa là thần Tình yêu.
Một trong những truyền thuyết kể Eros là con trai của Zeus (thần của các thần) với Aphrodite (Nữ thần Tình yêu và Nhan sắc). Một thuyết khác cho rằng đứa bé là con của thần Ares (thần chiến tranh – Mars) với Aphrodite, thuyết này có vẻ đứng vững hơn (vì đa số công nhận mà thôi, chứ cũng chẳng lấy gì chứng minh được ở vào thời đó). Thuở Eros chào đời, Zeus đã định giết chết đứa bé rất khôi ngô tuấn tú này, vì lời tiên tri của ông bác ruột là Apollon (Apollon và Ares là anh em cùng cha khác mẹ) bảo rằng cậu ta sẽ sớm trở thành một tay thiện xa đặc biệt làm đảo lộn thế gian. Và như thế thì ông bố đã là một tay thiện chiến bách phát bách trúng, cô ruột (Artémis, bạn đọc đã gặp trong “Những lá thư tình”) cũng là một xạ thủ danh tiếng lẫy lừng. Sau này thêm đứa trẻ này nữa thì cả thiên đình lẫn thế giới loài người sẽ điên đảo hết. May thay Aphrodite biết được ý của thần Zeus, nên đã cấp thời đem con giấu vào trong một khu rừng bí mật, nàng khiến những con sư tử cái dùng sữa của nó mà nuôi Eros. Lớn lên Eros được bố là thần chiến tranh (Ares) tặng cho một cây cung bạc và một ống tên vàng dù có bắn hoài cũng không bao giờ hết. Chú bé Eros không đi làm chiến tranh như bố, cũng không đi săn bắn như cô mình. Chú với đôi cánh vàng rực rỡ chỉ bay đi khắp vòm trời nhân thế, dùng tên bắn vào những trái tim của các chàng trai và các cô gái. Cứ hễ cây tên nào xuyên qua trái tim của chàng trai nọ, với trái tim của một cô gái kia, thời họ phải yêu nhau. Nhiều khi cũng không hẳn là như vậy, Eros chỉ cần ghim mũi tên vào một con người, là đã khiến cho nó phải đi tìm một đối tượng khác phái để yêu. Nói thì đơn giản vậy thôi, nhưng thực tế chú thiếu niên tinh nghịch, hay đùa này, có thể phóng ý nghĩ của mình vào những mũi tên để điều khiển, và hành hạ hay đùa cợt các chàng trai, những cô gái theo sở thích của mình: Nào là làm cho họ trong người cảm thấy bồn chồn, bứt rứt, có khi bỏ ăn, mất ngủ. Trái tim lúc xót như muối, lúc mềm như dưa. Ba hồi nóng như lửa đốt, cuồn cuộn như nước thuỷ triều dâng, trái tim này đi tìm kiếm trái tim kia cách điên dại. Có khi lại nhức nhối, lạnh buốt như bị dìm trong băng tuyết, khiến cho tâm hồn giá lạnh. Có những trái tim đau đớn không cùng, tưởng như nữa hồn đã chết, còn lại nữa hồn ngu ngơ, khờ dại. Chẳng phải nói chơi đâu, có những trái tim chịu không nổi, đành phải giã từ cuộc sống.
Trong lúc Trần Luân ngưng lại để mạc niệm những trái tim chết vì tình yêu, thì giọng hát của Uyểnmy và tiếng đờn của Huyền như chỗi dậy và văng vẳng trong tâm thức mọi người:

Rồi từ giọng hát em
chợt vút cao vút cao một trời một trời.
Bài ca thánh đêm vang lên
trong ngày dài mệt nhoài một phận đời.
Ôi biết bao giờ ta đốt hết
từng lời ca yêu mặn nồng trong tim buồn phiền.
Người đem giá băng về trên tuổi đá buồn …
(“Từ giọng hát em” của Ngô Thụy Miên)
Diễmly cắt đứt sự im lặng đang lắng đọng:
– Thảo nào em thấy những tiệm bán đồ kỷ niệm hay bày bán những tượng, hay hình ảnh một cậu trai có đôi cánh vàng óng ả, đẹp như thiên thần, có thể dán vào những lá thư tình. Cậu ta rất đẹp trai và xinh xắn, tay cầm cây cung, vai mang ống tên, nhưng mà có khi lại là một em bé có thân hình bụ bẫm, với đôi mắt tinh ranh, cũng có cánh, rồi cũng có cung tên y như vậy. Vậy em bé đó có phải là Eros không các anh chị ?
– Văn hóa La-mã và Châu âu nhái theo văn hóa Hy-lạp, nhưng cho thần Tình yêu những cái tên khác là: Cupidon (Cupid), hay Amour. Về nghệ thuật tạo hình thì những vị thần này mang hình ảnh của một em bé dễ thương và bụ bẫm như Diễmly từng thấy. Chỉ Eros của Hy-lạp là mang hình ảnh của một chú thiếu niên. Tuy nhiên về việc làm hay hành động, thì giống nhau, không gì khác. Trần Luân giải thích, và chàng lại tiếp: Nhưng không phải lúc nào các chú cũng cầm cung, tên đâu nhé! Có khi các chú cầm bó đuốc nữa đấy, cho nên nếu cô nào chưa muốn “khổ vì yêu” thì nên tránh xa ra, chẳng có “lửa gần rơm” thế nào trái tim cũng bốc cháy. Uyểnmy có sợ không ?
Uyểnmy mỉm cười cách bẽn lẽn, thẹn thùng, nàng hỏi:
– Nhưng mình có nhìn thấy mấy chú bé đó đâu mà tránh?
Mọi người nhìn nàng cười vui, trong khi Vũ hỏi:
– Anh hỏi thật, giả như thấy được thì … em có né không ?
– Phải trốn chứ! Vừa nghe anh Trần Luân nói mấy cái chú bé thần thánh nhịch ngợm này, cợt đùa trái tim người ta dở sống, thừa chết như thế … sao em lại không tránh!
– Nếu vậy trên trần đời này, chắc chỉ còn lại có một mình Uyểnmy!
– Sao lại chỉ mình em ? … Các “Sơ” nữa chi ! …
– Các sơ thì anh không dám nói, em đừng tưởng đi tu là tránh né nhé! …
Mọi người cười vui như nắc nẻ. Duy Trân kể:
– Hồi nhỏ, có lần bố đưa cả gia đình đi xem phim “Salomon et la reine de Sabah” (Hoàng đế Salomon và nữ chúa Sabah). Lúc đó Trân không biết đó là một truyện trong Kinh Thánh. Một đoạn trong phim diễn tả lúc vua Salomon bị ray rứt, cố chống lại cơn đam mê đang thúc bách nhà vua đi tìm Sabah, vị nữ chúa ngoại giáo ở đền thờ “Tình Ái”, để làm những chuyện dâm bôn. Tài tử Yul Bruner đã diễn tả tâm trạng của một kẻ bị trúng mũi tên của Eros rất tài tình. Nào là trạng thái bồn chồn, ray rứt, điên cuồng, đứng ngồi không yên. Nào là bị dằn vặt, giằng co, níu kéo của một bên là tiếng gọi của lương tâm, với những lời giao ước với Thiên Chúa. Một bên là sức hút của ái tình, mật ngọt của nhan sắc, quyến rũ do những đường nét gợi cảm bởi thân thể con gái dẫn vào đam mê.  Và dĩ nhiên là cuối cùng ông đã không chống trả nổi cơn cám dỗ, cho dù ông được mô tả là một con người mạnh mẽ, và khôn ngoan nhất thế gian.
Trần Luân giải thích:
– Đó là biểu tượng cho quyền lực của một sự cám dỗ, chống lại niềm tin độc thần trong suốt thời kỳ nhân loại đang trong cơn sốt tín ngưỡng đa thần và cả sau này nữa, mà nhân vật Salomon trong Kinh Thánh được coi là điển hình – Một người vừa có sức mạnh cũng vừa có thần quyền, được Thiên Chúa sủng ái đến nỗi ngài muốn xin gì thì được nấy – Ngay cả sự khôn ngoan trổi vượt hơn tiền nhân lẫn hậu thế, Thiên Chúa cũng ban cho. Ngài hoàn tất được giấc mộng của vua cha (David) là xây đền thánh Jêrusalem cung hiến cho Thiên Chúa, và làm cho đất nước phồn thịnh, sang giàu khét tiếng với thế giới bên ngoài (Tất cả đều bởi Thiên Chúa ban cho vua). Thế nhưng cuối cùng ngay cả sự khôn ngoan và sức mạnh cũng phải đầu hàng mãnh lực của “tình ái”, và Salomon đi theo những người đàn bà ngoại giáo (thờ các tà thần).
Có những giai đoạn nó phát triển một hình thức chiến đấu, chống lại Thượng đế, chống lại sự thánh thiện, như một hình thái sa đọa của một số tôn giáo mà Kinh Thánh Cựu ước gọi là các giáo phái tà đạo. Nó ẩn mình, hoặc âm thầm hiện hữu trong các nền văn minh cổ, kiểu như Ai cập từng tôn sùng các nữ thần mẹ Hathor, Isis, Apophis, hay nữ thần sinh sản của một số nền văn minh khác như Danu, Don của người Celt, Epone, Rhianon xứ Galles, Macha, Cliodna của dân Ai-len, Kâli của đạo Hindu bên Ân-độ. Ngay tại Việt Nam thời xưa, từng có những làng thờ “bộ phận sinh dục nam nữ” (xin hỏi dân Bắc Ninh lâu đời,trong những làng ngoại giáo), vì coi đó là nguồn lực của sinh đẻ, là khả năng tác tạo ra con người và sự sống mới v.v…
Chúng ta có thể nói văn hóa Hy Lạp cũng như các nền văn hóa khác, xem eros chủ yếu như một trạng thái say đắm, một tình trạng lý trí bị đè bẹp bởi một thứ “điên dại thần bí”. Chính trong tiến trình bị say đắm bởi lực thần bí ấy, con người hưởng được một niềm hạnh phúc cao độ. Và “nó” được tôn thờ như một thứ quyền năng thiêng liêng, đồng hàng với Thiên Chúa. Cựu ước mạnh mẽ chống lại thứ hình thái tôn giáo này. Cho đến ngày nay, thời nào cũng vẫn hiện hữu một loại văn minh sang giàu và đầy quyền lực như Salomon, và nền văn minh ấy lại quy phục và tôn thờ một thứ siêu quyền lực và băng hoại khác! Một thứ tôn giáo không mệnh danh là tôn giáo, nhưng nó có sức thần bí khiến người ta phải quy phục và tôn thờ cách tự nhiên. Nó là nguyên ủy các chiều hướng đam mê và ban phát theo dục vọng con người.
Huyền và các bạn ngỡ ngàng nhìn Trần Luân cách khâm phục, như khám phá thấy một con người khác lạ trong chính con người từng thấy nơi anh ta. Huyền đóng góp thêm một nhận xét:
– Tuy nhiên, Huyền không cho rằng “Eros” là một thứ “Tình” cực xấu. Cựu ước đã không hề loại bỏ eros, mà chỉ tuyên chiến đối với hình thái băng hoại của nó. Mặc dù, “luân lý” có lúc gán cho nó như là thứ tình ái mất lý trí và bừa bãi. Giống như Việt nam mình có câu: Yêu mất khôn  hay ngạn ngữ tây phương nói: Love is blind (Tình yêu là mù quáng), không bao giờ chấp nhận có một sự thăng hoa “xuất thần” hướng về Thiên Chúa, mà chỉ toàn là một sa ngã, một bước thụt lùi của con người. Bởi thế chúng ta đừng suy nghĩ một cách quá tiêu cực như vậy!!…
Vũ đưa bàn tay lên như một dấu hiệu của yêu cầu, xin cho một lắng đọng. Chàng nhắm mắt lại biểu lộ sự cố gắng tập trung phán quan trong tư tưởng. Vũ se-sẽ lắc đầu, ra như chàng không thuận theo lời phát biểu của Huyền. Chàng lên tiếng:
– Trong ba từ chỉ “Tình yêu” thì eros biểu hiện thứ tình ái giữa người nam và người nữ, philia được coi là tình bằng hữu, và agape là tình bác ái. Cựu ước qua ngôn ngữ cổ Hy-lạp dùng từ “Eros” hai lần; Tân ước không dùng lần nào! Các tác giả Tân ước thích dùng từ “Agape”. Từ “Philia”, được thánh Gio-an dùng với ý nghĩa sâu xa hơn, để diễn tả mối quan hệ giữa Chúa Giêsu với các môn đệ. (Còn tiếp)
Tg. Uyên ly