SỰ HIỆP NHẤT CÁC BẢN NGUYÊN THẦN THÁNH
Là tế bào cơ bản, và là cộng đoàn đầu tiên của xã hội.
Đức Thánh Cha Gioan Phao lồ 2 đã triệu tập bốn lần
hội nghị thế giới về gia đình, nhằm định hướng vận mệnh
nhân loại dưới ánh sáng Đức Tin và Tin Mừng.
Liên Hiệp Quốc vẫn luôn coi gia đình là đơn vị cơ bản
của xã hội.
(Trích Giáo huấn số 6 về gia đình của
Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu
lần VIII tháng 8 năm 2004)
– Nhân bàn về chuyện này, Huyền xin gởi đến các bạn một “Thông điệp” ngắn gọn của Chúa:
Sứ điệp ngày 30.01.1987 Chúa Giêsu gởi cho giới trẻ qua chị Vassula Rydén: “Điều duy nhất mà Cha yêu cầu con là hãy yêu Cha; khi con yêu một người nào, chẳng lẽ con không nóng lòng khao khát muốn được ở cùng người ấy từng giây phút trong đời con sao?” (Tr.42 “Sự Sống Thật Trong Thiên Chúa” Q.1). Một lần khác Chúa Giêsu nói: “Ma quỉ đang tìm cách làm tàn lụi các Linh hồn, bằng cách lấy hư danh của nó mà nuôi các linh hồn đó”. Phần đông, kết quả của sự đổ vỡ trong hôn nhân lại kéo theo sự bội giáo. Họ đóng cửa linh hồn không cho Chúa bước vào, hoặc khước từ những tiếng gõ cửa của Chúa, và để Chúa lạnh lẽo, cô đơn đứng chờ ở bên ngoài, trong mưa gió, bão táp. Nhưng Chúa vẫn kiên nhẫn đợi chờ, như đợi người tình-nhân lỗi hẹn với người yêu của mình, không đến. Các em hãy tưởng tượng, “Người Yêu” kia, không những không quay gót bước đi, mà cứ “chốc chốc” lại lấy điện thoại di động ra, để gởi đi một “Message”: Hỡi con, “Thánh Thần Cha sẽ đưa các con ra khỏi sự bội giáo lớn lao của các con, để kết hôn với các con. Các con sẽ được lột xác khỏi sự khốn khổ của thế hệ các con, vì chính bàn tay Cha sẽ tháo bỏ chiếc khăn liệm bọc xác chết của các con để mặc cho các con y phục của lễ cưới” (Sứ điệp ngày 20-10-1990). Các bạn có biết không, Chúa rất thích … không! phải nói là Chúa rất “yêu” hai chữ “Hôn nhân”, hay là “kết hôn” mới đúng! Trong Tin Mừng có nhiều dụ ngôn về: “tiệc cưới” (Lc 14,15-24) hay như “Mười cô trinh nữ cầm đèn chờ chú rể” (Mt 25, 1-13). V.v… Bởi “kết hôn” là kết quả, hay cùng đích của tình yêu. Chẳng lẽ hai người yêu nhau, lại không muốn kết hôn với nhau sao? Nếu vậy “ân ái” chỉ là một thú vui đơn thuần ? một thứ “game” phục vụ cho nhục cảm, có còn được gọi là Tình yêu nữa hay không? … Vũ, anh có đồng ý với em về điểm này không ?
Chàng gật đầu, và thêm:
– Đôi khi chúng ta còn nghe những tiếng trách từ bên ngoài, rằng người Công giáo không rộng rãi trong vấn đề “Hôn nhân”! hoặc lợi dụng hôn nhân, để ép người khác gia nhập đạo mình: Đâu phải giáo luật có thể bảo đảm cách vững chắc là họ sẽ ăn đời ở kiếp với nhau, một khi người ta không còn có thể sống chung với nhau được nữa!Suy nghĩ ấy (cũng là lời trách) không phải là sai, chỉ là do người ta đã hiểu “Hôn nhân” theo một nghĩa khác – Nghĩa thuần túy về luân lý và phong tục – Coi “hôn nhân” là một biểu tượng của sự hợp pháp được công nhận là phải đạo, còn nếu ăn ở với nhau mà không có “Hôn nhân”, thì coi như phi luân lý.
Đừng nói là phong tục, ngay cả luân lý, cũng có những vấn đề thích hợp nơi phương trời này, không thích hợp ở phương trời kia. Hoặc phù hợp trong thời đại này, mà không phù hợp với thời đại khác. Quan niệm của người Công giáo không theo nghĩa đơn thuần ấy! “Hôn nhân” trong ấn tượng sâu sắc của người Công giáo, phải là đặc cách của “Tình yêu Thiên Chúa với Linh hồn người ta”. Chúa “Yêu” sự “Kết hôn” là vì thế! Nó mang đặc tính của sự hợp nhất giữa Chúa Kitô với Giáo hội. Giữa Chúa Trời với quần dân Thiên Chúa. Nên hôn nhân không chỉ mang ý nghĩa luân lý và phong tục, mà phải mang một ý nghĩa thánh thiêng, vì hơn bao giờ hết, ý nghĩa của “Hôn nhân” là bản sao sự hiệp nhất giữa các “Bản nguyên Thần Thánh”, để ba Ngôi đồng bản thể, và duy nhất (1). Vì trong hôn nhân, con người cũng trở nên như vậy. (Tiếp Uly.2)
(Ghi-chú: Sự hiện hữu của Chúa Thánh Thần là bởi tình yêu giữa Ngôi Cha và Ngôi Con).
Uly2. MỖI NGƯỜI LÀ MỘT NGÔN SỨ – “Khởi đầu công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ, vì thế, người đàn ông đã lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và CẢ HAI SẼ THÀNH MỘT XƯƠNG MỘT THỊT.” (Mc 10, 6-8). Chính vì thế, hôn nhân đối với người Công giáo không chỉ là một nghi thức, một khế ước xuông về mặt pháp lý cả đạo lẫn đời, mà là một BÍ TÍCH – Bí tích hôn phối – Vì nhờ Bí tích này, hai người (chồng, vợ) đã trở nên “đồng bản thể và duy nhất”. Người ngoài Công giáo làm sao hiểu được mầu nhiệm này? Để chấp nhận được một mặc khải, hay một Bí tích, ngay cả người Công giáo, cũng phải có một “Hành trình ĐứcTin”. Khi một cặp hôn nhân Công giáo bị đổ vỡ, thì ít nhất đã vì một trong hai người chỉ là Công giáo trên tờ khai lý lịch, tức là Công giáo trên danh nghĩa, chứ không sống đời sống Đức Tin. Xã hội hôm nay, phần đông người ta coi nhẹ “Bí tích” hoặc lãng quên ý nghĩa của “Bí tích”, để chỉ giữ lại phần “Nghi thức”. Người ta chú trọng phần nghi thức hơn, “khoái” nghi thức hơn, vì nghi thức chính là cơ hội, là môi trường để trình diễn, mà con người thì trong bất cứ hoàn cảnh nào, cũng thích “Trình diễn”. Nhưng chính vì coi nhẹ ý nghĩa Thánh Thiêng, mà chỉ chuộng hình thức, nên Hôn Nhân chỉ còn là chiếc áo “cưới”, hễ mặc vô được, thì cởi bỏ cũng dễ dàng. Trong khi bí tích lại là dấu ấn – Dấu ấn của Đấng Tối cao trên chính những lời hứa mà con người vì yêu nhau, đã muốn “TRỞ NÊN MỘT” với nhau, trong sự TỰ DO LỰA CHỌN của mình, chứ không phải là sự an bài, áp đặt của Thượng Đế, và Ngài cũng không muốn có sự áp đặt của bất kỳ đệ tam nhân, dù là cha mẹ – Nhưng cái gì có tính cách của một giao ước trước mặt Thượng Đế, thì đừng tự ý xé bỏ, hoặc làm cho nó bị hủy diệt. Vì trước Thiên Chúa, con người thực ra chỉ là một loài thụ tạo nhỏ nhoi, không là gì cả, và Ngài không muốn một thụ tạo không là gì, lại dối trá Ngài. Chúng ta đã nhìn thấy dân tộc Do Thái qua lịch sử của họ về việc lỗi giao ước đối với Thiên Chúa. Và sự chúc dữ đã xảy ra trên biết bao nhiêu đời con, đời cháu họ: “Sẽ không còn hòn đá nào trên hòn đá nào”, và điều đó đã xảy ra. Còn những gì được gọi là thích nghi với đời sống (ngay cả quan niệm “đạo ai nấy giữ” cũng chỉ là một sự ép buộc Giáo Hội đành cởi mở cho “hôn nhân” được thích nghi với thời đại). Nhưng mọi sự thích nghi cho đời, mà đời thì lại hay đổi thay. Con người thì lại ham thích việc đuổi hình, bắt bóng. Chỉ mới bắt đầu của sự mơ ước bất hảo thôi, con người sẽ đối diện với sự mỏi mệt, buông dần, rồi đánh mất sức đề kháng thiêng liêng tiềm ẩn của cái gọi là “nhân linh ư vạn vật”. Rồi từ đó, cái xưa kia cho là “Thích Nghi” trở thành quá khứ lỗi thời, và đưa người ta đến sự “Thay cũ đổi mới”, đánh mất dần “ý thức” về sự hiện hữu của linh hồn trong thực tại đời người. Họ không còn biết “hiện hữu” của linh hồn mới là quan trọng, mới là trường cửu, trong khi “hiện hữu” của một đời người chỉ là “cái bóng” thoáng qua, như “Bóng câu qua cửa sổ”. Người không Công giáo làm sao hiểu được những mặc khải quan trọng này? – Chứ không phải là một sự kỳ thị đối với họ!
Diễmly ngắt lời:
– Lúc nãy anh Vũ có nói: “Hôn nhân” trong ấn tượng sâu sắc của người Công giáo, là đặc tính của “Tình yêu Thiên Chúa với dân Người”. Và cũng trong ý nghĩa không kỳ thị đối với người ngoại giáo, vì mọi người đều được Chúa tạo nên, nhưng mỗi người chúng ta phải ý thức về trách nhiệm SỐNG VÀ LÀM NGÔN SỨ CỦA CHÚA. Làm Ngôn Sứ ngay với đối tượng hôn nhân của mình. Diễmly xin kể câu chuyện rất thực … của chính mình như để “chia xẻ” về Tình yêu Thiên Chúa … nhé! Cả bọn nhao nhao lên. Uyểnmy quay sang nói với Vyvy:
– Diễmly ghê thiệt! Chả biết cô nàng yêu từ hồi nào, mà đã có “Love story” để lên phim cho tụi mình …
Vyvy vội nhéo một cái vào đùi Uyểnmy, để “stop” cô nàng lại:
– Im miệng đi! … “cháy phim” bây giờ đấy!
– Cái gì mà phim cháy với cháy phim?
– À, không có gì!
– Cái bà này (Vyvy nghiêng đầu sang Uyểnmy) ưa nói chuyện ngoài đề, thì “mi” nói bả … dzậy đó mà! … Thôi kể chuyện của “zdu” đi! Tụi này đang “thèm” nghe đây! Có gì học hỏi thêm cho biết! … “mi” đếm một, hai, ba, “zdu” nhập đề nha! (xem tiếp Uyênly 3)
(ULY3) LOVE STORY … Mùa Noel năm trước, họ đến một nơi có giá đông, tiết lạnh. Người con gái khoác chiếc măng-tô màu huyết-dụ, Mái tóc huyền thả xuống ngang lưng, trên mái tóc hững hờ một chiếc mũ đỏ, nhỏ vừa đủ, kiểu nón “ông già Noel” dành cho phái nữ. Người con trai đi bên cạnh bỗng dừng bước, ngắm nhìn người tình, làm cô bạn cũng phải đứng lại, quay đầu, ngạc nhiên, mỉm cười:
– Cứ làm như anh … chưa từng thấy em bao giờ vậy!
– Không phải, Anh chợt khám phá ra … Dường như em là bông hoa lạc loài giữa rừng hoa đêm nay!
– Đừng nói là em không giống ai! Nàng vẫn giữ nguyên nụ cười, chỉ hơi yểu điệu qua cái nghiêng đầu, với bờ vai nhúc nhích chút xíu và tiếp:
– Thực ra khi mang chiếc áo này về, em định để gần Tết, lên Đà-Lạt có dịp mặc. Nhưng không ngờ, có chuyến đi Hànội đột xuất. Mấy hôm nay thời tiết lạnh chẳng khác nào mùa đông ở Úc.
– Em nói đúng đấy! Anh cũng nghe nói mùa đông Hànội lạnh, nhưng không ngờ lạnh đến thế … Đêm nay mới thực là … Một Đêm Đông. Anh … tuy là người ngoại đạo, nhưng vẫn thích những mùa noel. Thích Noel, anh thích cả những bài hát “Giáng Sinh”, bài nào nghe cũng dễ thương! Duy chỉ có bài … “Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời …”, tuy anh rất thích, nhưng có lẽ vì không thích hợp thời tiết vào Hạ ở nước Úc, thành ra đã lâu không được nghe hát! … Anh hy vọng, năm nay, nửa đêm đi lễ Noel với em, anh sẽ được nghe ca đoàn nhà thờ hát lại bài Đêm Đông, trong bầu khí rất thích hợp này. Còn nữa, hơn bao giờ hết, Noel năm nay, sẽ là một “lễ” Noel đặc biệt, để lại trong tâm hồn anh một “ấn tượng sâu sắc” cho suốt cả cuộc đời mình!
– Em cũng chúc cho điều đó xảy đến với anh! Nhưng hãy là vì Chúa, chứ đừng vì em!
– Nếu là “cả hai” thì sao em ?
– Trước mặt Thiên Chúa, con người không là gì cả anh ạ! … Em cũng vậy thôi!
– Nhưng anh có nghe người Công giáo nói: “Chúa ở trong tha nhân”! Vậy thì … Chúa cũng ở trong em chứ!
Người con gái xiết chặt bàn tay đang nắm giữ bàn tay mình. Nàng nhìn chàng bằng cặp mắt long lanh như hai vì sao đêm, môi nàng mấp máy như nụ hoa hé mở:
– Anh khôn thực … đấy! Nhưng anh học được câu đó ở đâu … thế ?
– Em quên anh là học sinh trường đạo suốt những năm trung học à ? Và anh muốn nói cho em biết điều này: Tuy không có đạo, trong sự suy tư của lý trí, và trong ý nghĩ của nội tâm, anh vẫn “tin” rằng có Đấng Tạo Hóa làm nên vũ trụ này! chứ không thể tự nhiên mà có.
– Anh đáng cho em khâm phục! Có những người chưa bao giờ nghĩ được điều … anh nghĩ, ngoài chuyện công danh, sự nghiệp, kiếm tiền, ăn diện. Thêm một tí nữa là chuyện tình yêu! Và tiến thêm một bước nữa là thành lập “Tổ ấm”. Thế là xong đời! Nhưng nếu hôm nay, có một chút “vì em” như anh nói, thì em yêu cầu anh một điều … không biết anh có nhận lời em không ?
– Em cứ nói đi! Anh nghĩ điều em yêu cầu … sẽ không có gì quá sức đối với anh.
– Anh đã đi “lễ nữa đêm” với em, thì thiết tưởng điều em yêu cầu, không có lớn lao hơn đâu!
– Vậy em nói đi! Anh đang lắng nghe đây.
– Lát nữa khi chúng mình đến “Hang đá Be-lem”, bất kể anh nghĩ gì về những bức tượng đặt ở trong đó, em chỉ xin anh nhắc lại “niềm Tin” đã từng đọng trong nội tâm anh về một đấng Tạo Hóa đã làm nên vũ trụ. Tới đó, nếu con tim của anh chưa “ngộ” được tình yêu nơi “hang Bê-lem”, nói cách khác, dù anh chưa cảm nhận được sự kiện Con Thiên Chúa chấp nhận mang thân phận con người vì “Tình yêu” của Chúa dành cho nhân loại, thì anh cứ việc ngước lên trời cao, và nói với Thượng Đế câu này:
“Lạy Chúa, con là người ngoại đạo,
Nhưng Tin có Chúa Ngự trên cao.”( X. tiếp Uyênly.4)
(ULY4) TIẾP MỘT CHUYỆN TÌNH:
Người con trai bật cười, “véo nhẹ” vào má ngưòi yêu, và bảo:
– Em tưởng anh chưa đọc câu đó bao giờ sao ? Lần đầu tiên nghe một nữ ca sĩ “thỏ thẻ” qua hơi thở câu này, trước khi hát bài ca Đêm No-en, anh đã thấy “yêu” câu nói đó! Và trong thâm tâm, anh đã từng nói câu đó nhiều lần với Thượng Đế. Nhưng đêm nay, anh sẽ “tuyên xưng” với tất cả tâm hồn, và dù rất se sẽ, rất thì thầm, cũng sẽ đủ cho Chúa và em nghe … được chưa ?
– Sao anh lại hỏi em là được chưa ? Em chỉ yêu cầu anh nói với Chúa thôi mà! Yêu cầu nhưng không phải là điều kiện! Em không hề đặt ra với anh một điều kiện gì cả! Nhưng có điều này: Anh bảo, anh đã từng nói với Chúa điều đó, thì anh đâu còn là người ngoại đạo nữa! Niềm Tin “có Chúa” của anh và của em đã bằng nhau rồi! Và Anh biết không ? Có lẽ vì vậy mà Chúa càng yêu anh hơn, nên Chúa đã dẫn em đến với anh! Cũng như Ngài đã đem anh lại cho … em.
Em lặp lại điều này, cũng chỉ là để nhấn mạnh thôi: Một khi từ trong nội tâm, anh đã chấp nhận “Có Chúa ngự ở trên cao” thì anh đã thực sự (bằng giọng sắc bén, nàng nhấn mạnh) là con của Chúa rồi! Mọi chuyện khác chỉ là vấn đề thủ tục, Ngài sẽ dẫn đưa anh từng bước.
Người có tri thức biết rõ điều này là: có bao giờ thủ tục và hình thức, lại quan trọng hơn tinh thần và nội dung đâu ? Có những người đã đi qua ngưỡng cửa của sự “nhập đạo”, không thiếu một thủ tục nào cả! Ngay cả thời gian học hỏi giáo lý. Không những thế, họ còn có đủ hình ảnh, cũng như quay phim, đánh dấu ngày gia nhập đạo, giữa cộng đồng Dân Chúa một cách long trọng. Nhưng từ trong tâm hồn, họ vốn đã không dành cho Chúa một chỗ để Chúa trú ngụ. Họ bỏ mặc Chúa đứng đợi bên ngoài cánh cửa nội tâm, rồi tới một ngày … Họ xếp bỏ tất cả mọi phim ảnh, chứng cứ, vào trong bóng tối của quá khứ. Con tim của họ lại ra đi, đuổi theo bóng hình mới.
– Đó là vì họ mượn “Đạo” như một phương tiện để thỏa mãn cứu cánh của bản năng thôi … em ạ! Tầm nhìn của những người này không vượt khỏi khung cửa sổ của nội tâm (tức chỉ có cái nhìn bằng con mắt). Ở nơi những con người biết mình là “Nhân linh ư vạn vật”, thì chính khi nhắm mắt lại, con người lại càng nhìn vào được chiều sâu thăm thẳm của vạn vật, cùng những sinh hoạt của vũ trụ. Thấy được cái lẽ huyền nhiệm của trời đất. Thời gian còn ngồi ở ban triết, em có còn nhớ cái gì gọi là Tâm học, hay Tâm đạo không?
– Nhớ chứ anh! Tâm đạo có trước. Khổ nhất là phải nhai mấy chục cuốn “Nhị Trình Di Thư”. Con bạn em nó ghét, bảo: “Đã chết còn viết ra mấy chục cuốn sách để làm khổ hậu sinh. Tội này phải đày ông ta xuống địa ngục! Tao hễ lỡ ngu mà viết sách, thì trước khi chết, cũng phải dậy đốt cho bằng hết đã, rồi mới nhắm mắt! Em cười vì biết nó lầm: Trình Di là tên tác gia chứ nào có phải di thư là sách viết trối chết đâu! Em còn nhớ nguyên cuốn thứ 18 bàn về “Cách vật trí tri”, Trình Di luận về cái lí tận cùng của sự vật. Ông Chu Hy giải thích “Muốn đạt đến cái biết của mình, thì căn cứ vào sự vật, mà xét đến tận cùng cái lý của nó” (Tứ Thư, chương cuối), cho nên “Cách vật” là khảo sát cái tâm. Hễ phát huy được cùng cực cái tâm, là ta hòa hợp được với trời. Nói một cách khác, đó là cái nhìn bằng tâm thức. Anh xem có đúng cái ý anh vừa nói … không?
– Thì đúng với ý của anh đấy! Nhưng hình như câu kết của em vừa rồi nó là Vũ Trụ Quan của Dương Vương Minh … thì phải? Ông này là Triết gia cuối cùng của nền triết học Trung Hoa thuộc trường phái Tâm học. Khi nói đến Nhân Sinh Quan, hay Vũ Trụ Quan là nói đến cái nhìn (quan=nhìn) của con người về các lãnh vực siêu hình, không như một số người chỉ nhìn cái nhìn thiển cận của một kiếp sống ngắn ngủi! Rồi chỉ lo giải quyết ba cái chuyện vụn vặt của cuộc đời này. Thật đáng tiếc! … Anh sẽ không bao giờ hành động như vậy!
– Đạo Công giáo gọi là cái nhìn bằng Tâm Linh … đó anh.
– Em hãy giải thích khái quát cái nghĩa của nó cho anh … nghe với!
(X.Tiếp ULY5)
ULY5) VẪN CÂU CHUYỆN TÌNH – Dạ, em cố gắng! … Bằng cái nhìn Tâm linh, ta cảm nhận được “Nơi đáy cái “tâm” của mình, con người khám phá ra sự hiện diện của những định luật vũ trụ, những nguyên lý của trời đất, mà con người buộc phải vâng phục. Sự khám phá này không ngừng thúc dục con người hãy yêu mến và thực hiện điều thiện, và xa lánh điều ác. Xây dựng chứ không hủy hoại: tiếng nói này vẫn vang lên trong sâu thẳm của tâm hồn con người vào những lúc cấp thời (…) Đó là luật được Thiên Chúa in sâu vào lòng con người. Và người ta đặt tên cho cái đó là “Lương tâm”, là trung tâm điểm sâu thẳm nhất và bí ẩn nhất của con người; đó là cung thánh, nơi con người ở một mình với Thiên Chúa, và là nơi con người nhận diện ra Thượng Đế, cũng như nghe thấy tiếng của Ngài.” (Hiến chế Gaudium et Spes của Công Đồng Vaticano II) Anh … đã cảm nhận được điều đó!
Người thanh niên âu yếm choàng tay qua lưng bạn mình, chàng kéo sát lại và rót nhỏ vào tai người yêu:
– Anh cảm nghiệm được “niềm hạnh phúc” mình đang có … là do Chúa!
… Trong sân giáo đường đêm nay, đối với một người chưa quen với những nề nếp sinh hoạt tôn giáo, nhất là Công giáo, cái gì cũng đều lạ mắt. Người thanh niên có cảm tưởng như một cuộc trẩy hội: Không kể những ông già bà lão, trai thanh gái lịch như một con suối mùa Xuân, mà chàng vẫn còn cái cảm tưởng mình chỉ là kẻ đứng bên bờ, chưa nhập cuộc. Nhìn thấy trên khuôn mặt ai nấy đều rạng rỡ những nụ cười, chàng cảm nhận được “đạo Chúa” mang lại cho con người niềm sống vui và hạnh phúc. Từ những tà áo dài đủ mọi kiểu, đủ mọi màu sắc, pha trộn trong những ánh đèn màu, phát ra từ những đèn ngôi sao giăng mắc trên khắp các lối đi, trong khuông viên giáo đường. Ánh sáng, hình ảnh và màu sắc chính là môi trường dìu giắt âm thanh, làm cho những bài Thánh Ca đi vào lòng người như những triền sóng vỗ bờ, ve vuốt miên man, và thanh thoát bất tận. Chàng bỗng lơi buông cánh tay đang ôm trọn mùa Xuân êm ái, để thả hồn theo lời ca tiếng nhạc, đang ngút ngàn tận trời xanh. Cung điệu lên cao vi vút của giòng thánh nhạc:
“Thôi hỡi ngàn mây đem xác thu mờ tăm tối,
Hãy mau tan đi! Nay Chúa đã xuống đời.
Trên cõi trời cao, Sao sáng chân thật đưa lối.
Hãy mang tin lành, Cho nhân loại nơi nơi.
*
Cao cung lên, Khúc nhạc Thiên Thần Chúa,
Hòa trong làn gió, Nhè nhẹ vấn vương…”
– Duy Trân! … Anh đang nghĩ gì thế ?
Tên gọi của người con trai, chàng giật mình trở về thực tại:
– Anh đã nói là anh rất thích nghe nhạc “Giáng Sinh”.
– Lát nữa, anh sẽ tha hồ nghe, không phải từ những đĩa nhạc như bây giờ, mà là đêm “Trình diễn Thánh ca Giáng Sinh”, do các ca đoàn, Tổng hợp của “Nhà Thờ Lớn” Hànội. Chúng ta sẽ đi lần tới địa điểm!
– Càng về khuya … càng thấy lạnh!
– Bởi thế, em mới phải khoác chiếc áo này. Thế mà hồi nãy, anh còn mỉa mai em ?
– Đâu có! … Em hiểu lầm anh rồi! Nhìn em giống như một nàng công chúa xứ Ba-Tư, giữa những nàng công chúa Việt. Trong đám đông, em có một cái gì nổi bật. Từ trong nhan sắc, có chút huyền thoại.
– Há ha … Thì ra anh cũng biết nịnh đầm! … Nhưng mà em không dám nhận! … Em chỉ xin là một bông hoa lạc loài trong rừng hoa đêm nay. Câu anh nói đầu tiên mới chính là câu nói cuối cùng. Cũng là câu nói thành thật nhất!
(X.tiếp Uyênly.6)
(Uly6) XIN ĐỪNG QUÊN TÔI (Forget – Me – Not! Forget – Me – Not!)
– Anh có nói thế thật, nhưng chắc không phải như trong ý nghĩ của em! Nếu có một ý nghĩa nào khác, khiến em không vui, thì cho anh xin lỗi!
– Không anh, có gì làm em không vui đâu! “Đêm nay Noel về, người ơi hãy vui lên. Bình an cho nhân thế, người người Chúa thương yêu … Đêm Noel, đêm Noel, chuông giáo đường vang lên. Đêm Noel, đêm Noel, ta hãy chúc nhau an bình”. Người con gái hát lên se sẽ, nàng tựa vào cánh tay người yêu, cặp mắt lim dim, xa vắng …
– Em vui thật chứ ?
– Ô hay, Anh không tin em ư? … Anh là người thứ hai gọi tên em là cánh “hoa lạc loài”. Cho nên em rất thích!
– Thế còn người thứ nhất ?
– Người thứ nhất là bố em. Mẹ sinh em ra, còn bố cho em tên gọi.
– Nhưng tên em là … Diễmly cơ mà!
– Dạ, đúng vậy! Bố bảo: Diễm là đẹp, là yêu kiều. Ly là một loài hoa Huệ có bông vào mùa Hè. Chẳng hạn “Lily of the Valley”. Đa số các bông hoa nở vào mùa Xuân, nên Lilies trở thành thứ hoa “lạc loài”. Bố kể một câu chuyện rất lãng mạn và cũng rất thương tâm, là tại một thung lũng kia trong vũ hội đêm giao thừa của hai loài hoa mùa Xuân và mùa Hạ. Cô bé sinh sau đẻ muộn Lily of the Valley (loài hoa mùa Hạ) tình cờ gặp được anh chàng Hoàng tử Forget-Me-Not (Hoa Lưu-Ly, một loài hoa mùa Xuân). Chỉ một đêm vũ hội thôi, hai người đã yêu nhau thắm thiết. Chàng hoàng tử Forget-Me-Not không nỡ rời xa công chúa Lily. Nhưng định luật khắt khe: Khi rạng đông thứ nhất của ngày đầu mùa Hè ló rạng, những bông hoa mùa Xuân không ra đi trước đó, sẽ bị hủy diệt, và vì thế mùa Xuân năm sau, họ sẽ không còn có thể xuất hiện trong quê hương “Thung lũng” này. Forget-Me-Not thà được chết trong vòng tay âu yếm của người yêu, chứ nhất định không chịu chia ly…
Dĩ nhiên Công chúa Lily đâu muốn người yêu vì mình mà phải “qua đời”. Thế nên, nàng phải ra sức khuyên bảo chàng hãy nên chia tay, để cũng đêm này sang năm, được gặp lại nhau. Vì vậy chữ “Ly” trong tiếng việt, cũng mang ý nghĩa của một sự “cách biệt”. Năm nào cũng vậy, hai bông hoa này chỉ được gặp nhau vào đêm cuối cùng của mùa Xuân, cũng là đêm đầu tiên của mùa Hạ. Và lần nào cũng thế, trước khi hừng đông ló rạng, Hoàng tử “Lưu Ly” trong sự buồn bã chia tay, chàng cứ lặp đi lặp lại câu nói: “Đừng-quên-Anh” … đừng bao giờ quên anh … Forget-Me-Not … forget me not … (Còn nữa, xin tiếp ở kỳ sau).