Thành phố Nhã Điển, Ngày đầu Bắc Giải của năm Hổ Cáp*.
Vyvy và Diễmly trân quí,
Anh và Duy Trân vừa đặt chân tới một địa danh rất thơ mộng có tên là Ki-tê-rông, quê hương của nữ thần săn bắn A-tê-mi (Artémis), người trinh nữ với cây cung bạc tên vàng. Bọn anh đã đến ngồi trong công viên, có những cây tùng dương cổ thụ theo truyền thuyết đã có hàng ngàn năm tuổi. Những cây này từng chiêm ngưỡng sắc đẹp của nữ thần Artémis, những khi nàng tắm trong động nước thiên nhiên thơ mộng vẫn còn đây, phát xuất từ một con suối dựa theo dốc núi bò xuống. Không biết có phải đây là công viên đẹp nhất trên thế gian không ?
Mình và Duy Trân trong tháng qua đã để lại ít nhiều dấu chân trên một số những thành phố ở Ấu châu, và thường hay dừng chân trong những công viên khi vừa cảm thấy chân chùn, gối mỏiLong sàng của bọn anh là những ghế đá công viên, nhưng chính những lúc mỏi mệt này mới thấy nó êm ái vô cùng, và đôi lúc nó cũng dỗ ngủ mình trong những cái chợp mắt tuyệt vời, đầy mộng mị nhớ về các em; ấy vậy mà cứ  hễ tỉnh dậy, hai đứa lại rên rỉ bảo nhau: “Nhớ các em quá đi thôi! Lần sau thì nhất định phải “xi-nhan”cho nhau trước, để cùng lấy Holiday, rồi đi đâu mới đi.” Nhất là khi đang đứng ở Kitêron đây, mà có các em bên cạnh thì thật là một Thiên đường trần gian không đâu bằng! Duy trân cũng đang đòi viết, cho nên anh xin nhường lại cho anh “chàng” kể chuyện huyền thoại cho các nàng tiên nữ của bọn anh nghe.
Trần Luân đại diện ký tên.
*
Thành phố Nhã Điển, cùng ngày và cùng giờ.
Vyvy và Diễmly ngọc ngà của bọn anh,
Anh là Duy Trân đây! Hai đứa anh vừa cúi xuống bên giòng suối thơ mộng của quê hương thần thoại Hy lạp, và cũng vừa hôn lên hai cánh hoa tinh khiết – những bông hoa Iris mà người ta mệnh danh là thần hoa, có tác dụng tẩy uế và bảo vệ – Hầu nhờ thần gió mang về những nụ hôn tinh khiết này, đậu trên bờ môi xinh đẹp của các em.
Đúng như Trần Luân vừa viết, thật khó mà phân biệt được đây là công viên nhân tạo, hay chiếc vườn thiên nhiên đã có từ ngàn xưa. Nhưng thần thoại Hy Lạp lại bảo do bàn tay của một vị thần đã khéo tạo dựng nên cảnh này. Hai bên dốc suối cỏ xanh, hoa thắm uốn lượn như tranh vẽ. Bên sườn núi những cây Trắc bá thanh thanh nổi bật trên nền màu rêu xậm của một loại cây leo, điểm những bông hoa hồng, tím nhỏ xinh, nép mình dưới những tia nắng của mặt trời đang chòng ghẹo, nhưng vẫn đầy quyến rũ, khoe sắc và thầm mời gọi ong bướm. Bên này, chập chờn những đóa hoa mũm mĩm, thả hồn trong gió, như những nàng Muy-dơ (b) đang biểu diễn những điệu múa uyển chuyển theo tiếng đàn Kitar của thần Apollon(a) có bộ tóc quăn vàng óng. Chim hót líu lo, suối reo lồng lộng. Trần Luân – đúng là con người của những câu chuyện thần thoại – kể:
Chính nơi đây, ngày xưa anh chàng Ac-tê-ông (Artéon) tuấn tú đẹp trai của Te-bơ (Thèbes) một địa danh chỉ cách đây vài mươi  dậm đường(1), đã bị người đẹp A-tê-mi nổi giận, biến anh chàng thành con hươu cao cổ
*
– Thì ra chiều hôm qua, chúng mình đã dừng chân và nghỉ đêm nơi xứ sở của anh chàng bị hóa thành hươu … nhưng, vì sao thế hở bạn?
– Đúng ra thì Artéon chỉ là một anh chàng chăn chiên bình thường, và hiền lành thôi, nhưng vì gặp được thần Xăng-tô-khi-rông (Santo Kiron) dạy cho tài săn bắn, bạn bè khâm phục, anh nổi tính kiêu ngạo, chỉ nói có một câu thôi, câu nói đã nên bản án sinh tử cho chính mình!
– Câu nói thế nào, mà lại ghê gớm như vậy ?
– Anh chàng ngu ngốc này, trong một phút nổi hứng đã phạm tới Artémis nữ thần săn bắn, chàng ta nói: “Ta chẳng hiểu Artémis tài giỏi đến đâu, nhưng cứ như tài bắn cung tên của ta bây giờ, thì Artémis dẫu có đến thi tài, thì cũng phải nhường ta vòng nguyệt quế (2)”. Lời nói thường không cánh mà vẫn bay đi khắp phương trời, dĩ nhiên phải tới tai thần Artémis, nhưng nàng chưa kịp trừng phạt thì đã lại xảy ra một chuyện không thể nào tha thứ được.
– Chuyện gì mà kinh khủng đến như vậy ?
– Chuyện xảy ra trong một cuộc đi săn ở rừng Kitéron. Khi đã xế trưa, các bạn bè cùng đi với Artéon đã thấm mệt, tìm nơi nghỉ ngơi dưới những bóng cây, thì Artéon cứ một mình lần mò đi kiếm giòng nước để rửa mặt. Cuối cùng chàng đi lạc vào một thung lũng nhỏ hẹp, nhưng cực kỳ thơ mộng. Bên cạnh núi non hùng vĩ, lại có thác nước chảy mơ màng bên thảo hoa rực rỡ. Nước chảy vào một cái hồ thiên nhiên trong động núi. Lại có những thạch nhũ rủ xuống như những chiếc mành trời. Nắng hắt từ ngoài động trải dài một màu nắng lụa vươn lên trong gió. Đây là khu vực đặc biệt, bao gồm thung lũng với hang động diệu huyền và con suối nước, thuộc quyền sở hữu của nữ thần Artémis, nơi mỗi khi săn bắn về, nàng nghỉ ngơi, tắm mát. Hôm nay, vừa đúng lúc nàng trở về, các tiên nữ theo hầu, kẻ đang gỡ cây cung, đỡ ống tên đeo sau lưng nàng, có nàng đang búi lại lọn tóc cho thần nữ gọn lên. có nàng cúi gỡ dép, có cô đang giúp nàng cởi áo. Và đúng lúc, người trinh nữ xạ thủ danh tiếng, con của thần Dớt (Jeus), trong hình hài “Trong ngọc trắng ngà” uy nghi từ trong động bước xuống hồ nước suối, thì cùng lúc với sự xuất hiện tình cờ của chàng Artéon …
– Thế là chuyện gì phải đến đã đến ?
– Trong thần thoại Hy Lạp, rất nhiều vị thần “Lãng mạn”, nhưng hễ nữ thần nào coi trọng sự thanh cao tinh khiết như nữ thần Artémis, được mệnh danh là Thần Trinh nữ Xạ thủ. Biểu tượng cho những trinh nữ xinh đẹp, nhưng ở chốn “Thâm nghiêm kín cổng cao tường”, thì bất cứ trong trường hợp nào, hữu ý hay tình cờ như anh chàng Artéon, đều bị kết tội là “xâm phạm tiết hạnh”, mà thực ra thì đâu đã có gì. Xin hỏi anh, với hai tội danh nặng nhất: Kiêu căng hay ngạo mạn cùng với việc xâm phạm tiết hạnh có còn được sống nữa không ?
– Nhưng nữ thần Artémis đã xử nhẹ cho chàng là chỉ biến anh ta thành con hươu khỏe, đẹp với bộ lông vàng óng ánh đấy chứ ?
– Đúng vậy, nhưng khi con hươu chạy ra gặp đám chó săn và lũ bạn của mình, thì họ không nhận ra chàng nữa. Bạn thì dương cung bắn, còn bầy chó săn không nhận ra chủ mình, đã xông vào cắn xé. Phần Artéon biết mà không cầu cứu gì được cho đến khi đau đớn nhắm mắt lìa đời!
– Vào thời hồng hoang của nền triết học Tây phương, thần thoại Hy lạp có chứa đựng phần nào tôn giáo tính, mình nghĩ!
– Có đấy, bạn ạ! Tương tự như tội kiêu ngạo và điều răn thứ sáu của Thiên Chúa giáo, cả hai đều nặng tội! Và thêm nữa, khi đã phạm tội, con người biến đổi đến tàn tệ. Họ không còn là họ của ngày nào. Đến nỗi, chỉ vắng bóng một thời, ngay cả những người thân cũng không còn nhận ra con người ấy nữa! Đó chính là một sự hóa thân bi thảm! Danh từ triết gọi là con người bị “tha hóa”, tức không còn là mình nữa! Họ đã biến thành kẻ khác. Sáng thế ký mô tả Sau khi Adam, Eva phạm tội, họ thành hai con người khác, xấu hổ vì nhận biết mình trần truồng xấu xa, cần che đậy.
… Và thế nào lá thư của hai người cũng kết thúc trước khi mặt trời lặn, để họ trở về quán trọ, vì các vị thần ban đêm của Hy lạp thường là những thần đa tình, hay đi bắt cóc người ta để đưa vào những cuộc vui chơi thần thánh trên đỉnh núi Olympia …
*
Thành phố “Garden State”** Một ngày Chủ nhật tươi hồng
Hai anh Trần Luân & Duy Trân thân mến,
Hôm nay, một ngày Chủ nhật tươi hồng, ngày họp mặt bạn bè, nên các bạn đang ở tại nhà Diễmly đây. Có cả sự hiện diện của anh Vũ, chị Huyền và Uyểnmy. Vyvy vừa đọc lá thư của hai anh gởi về cho các bạn nghe. Luân và Trân biết không, vừa đọc xong chị Huyền nói ngay: Các em liệu mà giữ linh hồn mấy ổng. Một ông xem ra chịu khó nghiên cứu các nữ thần Hy lạp – Có khác nào các nữ thần dân ngoại thời cựu ước – Còn một ông mở miệng ra là “Lậy Chúa, con là người ngoại đạo (3) …”, nay hai ông rủ nhau đi thăm các nữ thần xinh đẹp. Nói là thần trinh nữ, mà cứ tắm khỏa thân giữa thanh thiên bạch nhật như thế, thì đến vua Đavít nhìn thấy cũng phải mê ngay thôi! Anh Vũ kể cho mấy em ấy nghe đi, và Diễmly viết vào trong thư cho chị trước khi hồi âm!  … rồi Vũ kể:
-Vào một buổi chiều, vua Đavít từ trên giường chỗi dậy và đi bách bộ trên sân thượng đền vua. Từ sân thượng, vua thấy một người đàn bà đang tắm. Nàng nhan sắc tuyệt vời. Vua Đavít sai người đi điều tra về người đàn bà, và người ta nói: “Đó chính là bà Bát Se-va, con gái ông Ế-li-am, vợ ông U-ri-gia người Khết. Vua sai lính biệt phái đến đón nàng. Nàng đến với vua và vua nằm với nàng … Người đàn bà thụ thai” (2Sm 11, 2-5). Tội đẻ ra tội, luôn luôn là thế! Không những vua phạm tội ngoại tình, mà còn lập kế để giết người, là chồng của nàng ấy nữa! Chưa hết, vua Salomon nổi tiếng là người khôn ngoan và xây đền thờ Giê-ru-sa-lem cho Thiên Chúa, được Chúa hiện ra với ông nhiều lần. Thế mà cuối cùng, vua cũng đi theo nữ thần At-tô-rét của dân Xi-đôn, theo thần Min-côm của dân Am-mon. Xây điện thờ trên núi đối diện với Giê-ru-sa-lem cho thần Cơ-mốt của dân Mô-áp, cho thần Mô-léc của con cái Am-mon. Vua làm như thế với tất cả các bà vợ ngoại đạo của vua; họ đốt hương và sát tế kính các thần của họ (1V 11,5-8). Như thế, xem ra nhan sắc và nữ thần thời nào cũng như hình với bóng. Các đấng trượng phu, thực không mấy ai thoát khỏi! Cho nên đừng bảo thời nay không có nữ thần.
Uyểnmy bảo:
– Mấy anh ấy kể chuyện nữ thần cho mình nghe, tại sao mình lại không kể cho mấy anh ấy nghe chuyện về Đức Mẹ ?
– Nên đấy! Duy Trân rất muốn tìm hiểu về Đức Mẹ, đôi lần anh ấy đề nghị em. Em có ý định tìm sách Đức Mẹ cho anh ấy đọc, nhưng tiện đây, chúng mình kể chuyện cho anh ấy nghe đi, gọi là đáp lễ những mẩu chuyện các anh ấy viết từ nước ngoài về cho chúng mình đọc. Các bạn đồng ý không ? Vyvy, còn anh Trần Luân thì sao ?
– Trần Luân là vua nghiên cứu mà! Cái gì anh ấy lại chẳng muốn biết! Nhưng chưa hẳn là anh ấy đã bỏ giờ ra để tìm hiểu về Mẹ Maria. Vậy để em khơi giòng, viết vài hàng cho các anh ấy trước nhé!
*
Hỡi các hoàng tử của chúng em! (Chúng em là Vyvy và Diễmly đây). 
Các anh vừa kể cho bọn em và các bạn nghe câu chuyện Nữ thần Artémis. Người trinh nữ có cây cung bạc và những mũi tên vàng. Câu chuyện hấp dẫn đấy! Phần chúng em và các bạn sẽ đáp lại câu chuyện kể về một “Trinh Nữ tuyệt vời”. Hy vọng sẽ là món quà đặc biệt gởi tới các anh trong những ngày xa vắng. Em và Diễmly cũng không quên cám ơn các anh đã “gởi gió cho mây ngàn bay” mang về cho hai đứa em những nụ hôn nồng ấm”, trong khi bầu trời nước Uc cũng “Tháng Sáu trời mưa, trời mưa không dứt”, và lúc nào cũng mang hơi giá lạnh. Xin gởi đến các anh những cánh hoa lòng của một loài hoa “trinh nữ” – Tuy mộc mạc, không kiêu sa – nhưng mặn mà không kém “hoa thần” Iris mà các anh không những đã có dịp chiêm ngưỡng, mà còn dám cúi đầu xuống, phạm “thuần phong mỹ tục” giữa thanh thiên bạch nhật. Sau đây là chuyện kể của các bạn và hai đứa em về:
Người Trinh Nữ Tuyệt vời
 (Xin độc giả đón xem kỳ tới)

Chú-thích: * Trước hết, Nhã Điển là tên được dịch ra của thành phố Athènes, thành phố của các triết gia Hy lạp thời cổ đại. (22.6.2008): Ngày đầu Bắc giải là ngày 22-6. Vòng Hoàng đạo gồm 12 con số ứng với mười Hai chòm sao, có tên: Dương cưu, Kim ngưu, Song nam, Bắc giải, Hải sư, Xử nữ, Thiên xứng, Hổ cáp, Nhân mã, Nam dương, Bảo bình, Song ngư; đây là một chu kỳ, nếu tính năm thứ nhứt của Thiên niên kỷ thứ ba là đầu của một chu kỳ mới, thì năm thứ Tám (2008) nằm trong tập hợp thứ ba gồm: Thiên xứng, Hổ cáp và Nhân mã . Theo các chiêm tinh gia, đây là giai đoạn của các nguyên lý hội nhập, và cân bằng năng lực tâm lý giữa cái tôi và cái không phải là tôi, giữa cái chủ thể và cái khách quan. Nên hiện tượng khủng hoảng kinh tế, cũng là sự cân bằng năng lực tự nhiên để các nước giàu (vẫn tự cho mình là chủ thể) về phương diện nào đó thuộc tâm lý, có sự chia sẻ số phận đồng đều với các nước nghèo (khách quan). Dĩ nhiên chỉ có tính tương đối.
** Garden State được coi là biểu tượng của tiểu bang Victoria (Uc), nên thành phố garden State là thành phố Melbourne.
(a). Theo huyền thoại Hy Lạp, thần Apollon là anh em sinh đôi với thần A-tê-mi (Nữ thần săn bắn), cả hai là con ngoại hôn của thần Jeus (vị thần cai quản các thần) với nữ thần Léthor. Anh là thần mặt trời, cô em là thần mặt trăng. Riêng Apollon còn là thần ánh sáng, cũng là thần của âm nhạc, thi ca, mỹ nghệ, Y-học và tiên tri. Bạn đọc ở Sydney có thể tới chiêm ngưỡng tượng đài mấy vị thần Hy-lạp này, ngay bên hông nhà thờ Chánh Tòa Sydney: Tượng cao nhất chính giữa là Thần Apollon, trong tay đang cầm cây đàn Kitar (còn gọi là đàn Lia); phía dưới bên trái, vị nữ thần đang giương cung bắn, chính là “Trinh nữ Artémis”. Uyênly vừa tình cờ gặp “họ” sau đại hội III Đa Minh, ở lại tham quan vài nơi danh lam, thắng cảnh.
(b). Muy-dơ (Muses): Những nàng Muy-dơ đều là những con ngoại hôn của Thần Zeus (Dớt) với nữ thần Mnémôdin (thần ký ức). Zeus say đắm, ân ái với Mnémôdin suốt 9 đêm liền thì sinh ra 9 quả trứng, nở thành 9 người con gái đẹp như tiên nữ, Zeus gọi chung họ bằng một tên là Muses. Họ là những thi thần, hay những nữ thần Thơ ca, tương tựa như nàng Ly-Tao (Mượn lấy bút nàng Ly-Tao tôi vẽ, mượn cây đàn ngàn phiếm tôi ca – Thế Lữ). Apollon là nam thần duyên dáng và tài hoa nhất trong số những con của Zeus, chàng thích đàn ca, hát xướng với các nàng Muy-dơ trên đỉnh núi Parnas hoặc bên giòng suối Hypôcren (Hi-pô-cờ-ren).
(1). Te-bơ là một thành có 7 cổng, cũng là quê hương của người anh hùng Ê-díp với chiến công thanh trừ con quái vật Xphanh.
(2). Nguyệt quế: loại cây xanh tươi suốt mùa đông, biểu tượng bất tử, được cung hiến cho thần Apollon, tượng trưng cho sự bất tử đạt được bằng chiến thắng. Người Trung hoa cho rằng trên mặt trăng có một cây Nguyệt Quế và một ông tiên. Chính dưới gốc cây này (cây thuốc), con thỏ trên cung trăng nghiền tán dược thảo để làm thành thuốc trường sinh bất tử. ở nước ta, nói đến Trăng thì có chị Hằng (chứ không phải ông tiên), có cây đa và chú Cuội (chứ không phải con thỏ). Cây đa cũng là một cây biểu tượng cho sự trường thọ, nhưng “cây đa” và cây  “Nguyệt quế” hoàn toàn khác nhau.
(3). Duy Trân, người bạn trai của Diễmly vốn là người ngoại đạo, độc giả nào không biết, xin coi “Chân Lý” số 75 và 76, về những nhân vật do uyênly kể.

Tg. Uyên Ly