TRINH NỮ TUYỆT VỜI
Lung linh trời sao sáng trong mắt em.
Môi em làm thêm khó câu giã từ.
Và đường xa ướt mưa.
(Nhạc & lời của Đức Huy)
Vyvy vỗ vào vai Trần Luân, nàng bảo:
– Đường xa ướt mưa, anh lo lái xe đi! Đừng có nhìn em, rồi hát bậy bạ, nguy hiểm. Chúa phạt!
– Em là tác phẩm của Chúa, nếu anh có mượn lời ca tiếng hát mà khen em, cũng là ca tụng Đấng làm nên tác phẩm, có gì mà Chúa phạt! Lại nữa, giờ này mà bảo anh nói câu giã từ thì làm sao mà nói được! Xa em cả một thiên niên kỷ rồi, chứ đừng nói là một thế kỷ.
– Mấy người con trai, mở miệng ra là “nịnh đầm” rất đáng ngại. Không biết tại sao em lại gặp loại người con trai này! Hơn nữa, bây giờ mới chỉ là buổi sáng, chứ nếu là chiều tối, anh chỉ hát thêm một câu nữa thôi, là em mở cửa xuống xe liền, chứ đừng nói giã từ hay không giã từ!
– Đâu, để anh hát thêm câu nữa coi, có gì không mà em … “x-nẹt” anh dữ dzậy ?
Nói rồi, chàng lẩm nhẩm trong miệng:
“Xin mưa triền miên mãi không lắng đọng.
Cho đôi tình nhân đuối trong giấc mộng.
Trong cơn ngủ quên trốn câu giã từ.
Vì đường xa ướt mưa.”
Luân bỗng phá ra cười:
– Trời ơi! … thì ra là thế, người hát người ta không suy nghĩ gì! … Trong khi người nghe, ngồi suy diễn bậy bạ rồi biểu là “Chúa phạt”. Cái người suy diễn mới là “có tội” đó.
– Chẳng lẽ người hát, hát một cách “vô tư”?
– Thì đúng là như vậy rồi, Nhờ vô tư mà gặp em đó!
– Vậy chẳng hóa ra em cố ý đi kiếm anh à ? Thôi em chẳng cãi với anh nữa!
Rồi nàng im lặng luôn … cho tới khi xe ngừng lại trước cổng nhà Huyền. Hôm nay, bọn họ có hẹn “ăn đoàn tụ”. Vyvy đang định mở cửa xe, ôm hộp thức ăn bước ra, thì Luân bấm chốt khóa cửa, chàng choàng tay qua vai người yêu, giữ lại, miệng hát se-sẽ:
“Em ơi thôi đừng hờn anh nữa,
Nhìn nhau buồn vời vợi
Để mùa đông buốt giá bờ vai mềm.”
(Nhạc & lời: Từ Công Phụng)
Nàng “liếc yêu” một cái, mỉm cười bảo chàng:
– Hễ ai chết trước, làm con ma không đầu, rồi mới có thể “hờn” nhau được!
– Em nói dzậy nghĩa là sao ?
– Thì chỉ có quỉ mới “hờn” được thôi, chứ người hờn thế nào được! Anh không nghe có câu nói: Ma chê, quỉ hờn … à ? Thôi mình vào đi! … Tụi mình tới trễ hơn các anh chị ấy rồi đấy!
*
Mọi người đã đâu vào đấy. Vyvy vô bếp kiếm đĩa, bầy thức ăn của hai người rồi sắp lên bàn, trong lúc Vũ rót rượu vào ly cho Trần Luân và Vy vy. Lúc ngồi xuống ghế, Vyvy nhìn Uyểnmy vừa cười vừa nói:
– Chắc có lẽ thần Zeus bịt mắt bọn đàn ông con trai hết rồi, nên không còn ai khám phá ra nữ hoàng nhan sắc của chúng mình ngồi kia!
Uyểnmy hơi đỏ mặt, cúi xuống che dấu nụ cười mỉm, rồi khẽ lắc đầu, nàng đang tính lên tiếng, thì Huyền đỡ lời:
– Không phải vậy đâu! Cô em gái chị tính làm nữ thần Artémis (A-tê-mi), nàng trinh nữ có cây cung vàng mũi tên bạc. Coi đàn ông con trai không là gì! Nhưng không khéo nàng ấy bắn một phát, rụng mấy trái tim ấy chứ! Có phải vậy không em?
Nàng cúi mặt thẹn thùng, rồi ngước nhìn Huyền, thầm cười nhẹ và bảo:
– Chị thấy em là người như vậy sao ? Chắc không phải đâu!
Uyểnmy có nụ cười thầm, đẹp không thể tưởng, thực khó có thể diễn tả. Người ta chỉ có thể vin vào một chút xíu núm đồng tiền trên làn da má trắng hồng của nàng, để gọi tên nụ cười, nhưng nói như thế ai chẳng nói được! Thực tế câu nói ấy hoàn toàn trống rỗng. Diễmly bảo:
– Bọn con trai trong trường từng xầm xì với nhau rằng: “Thật đáng tiếc Léonardo Da Vinci (1) đã không được chiêm ngưỡng nụ cười của Uyểnmy. Nếu thấy được, ông đã xé bỏ tác phẩm La Joconde, mà ông đã vẽ nàng Mona Lisa, vì cho là nàng ta có nụ cười huyền bí”.
Trần Luân bảo:
– Em đừng kén quá đấy … nha! chuyện ngày xưa kể có nàng công Chúa vì quá xinh đẹp lại không chịu lấy chồng, mà phải rơi vào tay một con bò mộng!
Vyvy nạt:
– Anh nói bậy không à !
Uyểnmy thật thà, dương đôi mắt nai tuyệt vời, nhìn Luân hỏi:
– Anh nói sao ? Một cô công chúa lại chịu đi theo con bò mộng nghĩa là thế nào ?
– Công chúa Europe(2), ái nữ của vua xứ Phénicie. Cô nàng đẹp tuyệt trần, nhưng cứ nhởn nhơ mãi… cuối cùng thì như anh vừa nói đó !
– Hay quá, anh kể đi!… Em rất thích nghe anh kể những chuyện huyền thoại.
*
Phénicie là một mảnh đất riêng của thần mặt trời. Một xứ nổi tiếng có những ngọn đồi vàng óng và đẹp, mỗi khi hoàng hôn xuống dần. Vì được thần mặt trời ưa thích, nên mới rải những hạt nắng kim tuyến xuống trên những bãi cỏ mịn, làm cho công chúa Europe chiều nào cũng dẫn theo một đám nữ tỳ chơi trên những bãi cỏ gần bờ biển. Hơn nữa, nàng còn thích nhìn những hạt nắng óng ánh đọng trên bãi cát biển. Hôm ấy, đặc biệt từ xa đi lại phía các nàng, một con bò mộng khỏe, đẹp, toàn thân óng ánh vàng. Mỗi bước đi của nó như bắn ra những hạt nắng kim tuyến rực rỡ. Nó lại rất hiền lành, nên các nàng chạy lại đón nó, các nàng choàng những vòng hoa vào cổ nó. Riêng công chúa Europe, khi vuốt mình nó, thì nó liền quì ngay xuống, lấy đầu hất nàng ý như bảo nàng hãy leo lên lưng nó, và nàng lên, chỉ để chơi cho vui thôi. Nhưng khi Europe vừa ngồi trên lưng nó, thì ngay lập tức, con bò mộng đã phóng ra biển, và Europe chỉ còn biết nắm chặt lấy nó cho khỏi rớt xuống nước. Con bò mộng cứ bơi mãi cho đến khi nó sang tới bờ biển của đảo Crète, bấy giờ nó mới hiện nguyên hình là thần Zeus. Thì ra Zeus đã để ý nàng công chúa Europe xinh đẹp, mĩ miều, và yêu nàng điên cuồng say đắm. Tất nhiên nàng không cách nào chống lại. Tại Phénicie, dĩ nhiên hoàng gia rất lo lắng và thương nhớ nàng. Cadmos, anh nàng đã đi khắp nơi cũng không thể tìm được nơi Zeus đã giấu nàng, vì vậy anh ta cũng không dám trở về, sau dựng lên tại Hy Lạp một thành phố mới có tên là Thèbes. Vậy Thèbes được coi là một thành phố bắt nguồn từ mối tình của Zeus với nàng công chúa rất xinh đẹp tên Europe.
*
Trinh Nữ Sinh Con
– May quá, em không thích lại gần mấy con bò, dù biết là chúng cũng hiền thôi, nhưng nhìn mấy cái sừng trâu, sừng bò, cũng rất ớn! Uyểnmy nói và nàng cám ơn Trần Luân kể cho nghe câu chuyện.
Vũ lên tiếng mời mọi người nâng ly, chúc mừng ngày họp mặt. Duy Trân cám ơn các bạn đã kể cho họ nghe về “Đức Nữ Trinh Tuyệt vời – Công Chúa Thiên Đàng”. Trần Luân nhắc là họ chưa nhận được lá thư “Mẹ trong giòng lịch sử”. Huyền cho biết từ hôm sinh hoạt trên ngọn đồi ở nhà Diễmly tới giờ, chưa có cơ hội gặp lại nhau, vì thế nên đề tài “Mẹ trong giòng lịch sử” vẫn còn để đến hôm nay. Hy vọng thế! Vyvy thông báo là sau bữa tiệc mọi người sẽ được mở quà của những người trở về từ “Quê hương” của những câu chuyện thần thoại. Nghe ghê gớm quá, cứ như là “Từ Thức” trở về từ chốn “Thiên thai”. Uyểnmy đang ngắm nghía vòng “Nguyệt Quế” bằng bạch kim, kẹp mớ tóc đuôi gà của Diễmly, có lẽ quà tặng của Duy Trân, và nàng khen “Trông thật dễ thương”. Bữa tiệc vừa bắt đầu thì Duy Trân đưa ra một vấn đề, nhưng trước khi nói, ánh mắt chàng trao cho chị Huyền một nụ cười có vẻ như hối lộ trước, về một câu nói đáng lẽ không nên lặp lại:
– Trân phải nói trước với chị Huyền về cái điều mà Trân không muốn lạm dụng, nhưng vẫn phải nói là: “Lậy Chúa con là người ngoại đạo” (Tất cả mọi người phá ra cười, trong khi Trân vẫn tiếp tục), bởi chỉ có người ngoại đạo như Trân, mới dám đặt ra câu hỏi này là: “Tại sao một phụ nữ sinh con, mà còn gọi là đồng trinh?”.
– Chúng ta có thể cảm thông câu hỏi của Duy Trân. Không cứ một người “ngoại đạo” như Trân, mà bất cứ người không Công giáo nào, nếu có cơ hội họ cũng nêu lên câu hỏi này với người Công giáo chúng ta. Chính vì họ công nhận Đức Maria là một con người thực trong lịch sử nhân loại, chứ nếu họ cho “Người” là một vị “thần” như bao nhiêu vị thần trong huyền thoại, thì sẽ không ai cần thắc mắc! Trần Luân tiếp:
– Các bạn biết là việc “trinh sản” dễ bị xem là nhuốm vẻ thần thoại, nếu người ta không muốn nói là chuyện hoang đường. Chẳng hạn như trường hợp Aphrodite (3) Urania (Nữ thần sắc đẹp & tình ái) truyền thuyết kể rằng nàng sinh ra từ bọt biển trong đó có tinh khí của Ouranos. Thủy triều và những làn gió nhẹ đưa nàng về ven bờ đảo Cythère, rồi từ đó đến đảo Chypre, và được các nữ thần diễm lệ nuôi nấng tại đây. Khi các thần Olympia chiến thắng các Ti tăng (các vị thần khổng lồ, Thế hệ những vị thần đầu tiên trong thế giới Olympius), họ đưa nàng lên núi Olympe. Tại đây, các vị thần xúc động trước vẻ đẹp của nàng, đã đón tiếp nàng như là người thân, chứ thực ra nàng là đứa con của biển cả.
Ngay như Pharaon, vua Ai cập đầu tiên (Pharaon tên của một triều đại dài, được nối tiếp bởi nhiều vua. Mỗi vua có một tên riêng), thần thoại Héliopolis ở Hạ Ai Cập kể về một gia đình chín vị thần, vị thứ nhất là Atoum, chúa tể Héliopolis là “tự mình sinh lấy mình”, rồi ông “khạc” ra một cặp song sinh là Chou và Tefnout (đoạn tư liệu trong kim tự tháp). Vua Pharaon Mykerinus là thần Atoum hóa thân, và cô con gái là Hathor (nữ thần mẹ của các Pharaon) hóa thân từ con mắt của thần Atoum.
Còn ai lạ gì về Đức Phật nữa, Ngài có tên là Siddhartha, họ Gautama. Tuy có cha là Suddhodana (trị vì dân tộc Sakya, một phần đất xứ Népal ngày nay, dưới chân Hy-mã Lạp-sơn), và mẹ là hoàng hậu Mayâ. Ðức vua và hoàng hậu theo truyền thuyết nói là hai người lấy nhau đã 32 tháng, nhưng còn đang trong thời gian kiêng cữ giao hợp. Thì bỗng một đêm, hoàng hậu Mayâ nằm mơ thấy mình được đưa vào trong một cung điện ở trên chín tầng mây. Quan Thế Ấm Bồ Tát trong hình dạng “Bạch Tượng sáu ngà”, đến bên hoàng hậu, dùng ngà đâm xuyên qua mình hoàng hậu. Bằng cách này, hình ảnh của người đi vào tử cung hoàng hậu. Bào thai không phải do mẹ nuôi dưỡng, mà được nuôi dưỡng bằng tinh chất của một hoa sen nở vào lúc thụ thai. Mười tháng sau, Ngài được sinh ra trong khu vườn Lumbini bên ngoài Kapilavatsu, kinh thành nơi vua và hoàng hậu đang cư ngụ. Lúc ấy, Mayâ hoàng hậu đang vịn vào một nhánh cây, và bà sinh con ở bên phải cơ thể mình không hề đau đớn. Hoàng hậu liền đặt con lên một hoa sen trắng. Gautama đứng lên, ngước nhìn vũ trụ. Sau đó, Ngài chọn bốn hướng chính, mỗi hướng bước bảy bước rồi đặt quyết tâm: Phải chấm dứt sinh, lão, bịnh, tử. Bảy ngày sau khi sinh, hoàng hậu Mayâ mất, được lên trời. Gautama được người em của mẹ là Dì Mahaprajapati nuôi nấng. Người em này sau đó kết hôn với vua.
Mọi người vỗ tay và ngỏ lời cám ơn Trần Luân. Ngay cả Vũ cũng nói:
– Hồi nào tới giờ chỉ thấy người ta vẽ Phật hài nhi đứng trên tòa sen, mà thực sự mình không biết rõ sự tích ra sao … Như vậy đâu phải Trần Luân của chúng ta chỉ biết nghiên cứu các nữ thần khỏa thân như hôm trước Huyền nói, mà còn nghiên cứu cả những tôn giáo bạn nữa! Thật đáng cổ võ!
– Vyvy tin rằng câu hỏi của anh Duy Trân không chỉ là một câu hỏi rất có ý nghĩa, mà còn là một thôi thúc, một sự đánh động bởi Chúa Thánh Thần. Nếu chúng ta hồi tưởng lại trong vòng mấy tháng qua, chúng ta thấy, bỗng nhiên hai chữ “trinh nữ” nổi cộm lên trong những câu chuyện, những lá thư chúng ta trao đổi cho nhau, mà suốt một quá trình lâu dài trước đó, không hề xuất hiện. Những việc làm của Thiên Chúa thường có những sắp xếp rất tỉ mỉ, và cũng thường có những dự báo, nếu như chúng ta chịu khó bỏ thời giờ quan tâm, suy xét. Thế cho nên Chúa mới khuyên chúng ta phải chịu khó lắng nghe, và quan sát để nhìn ra được “những dấu chỉ”.
– Uyểnmy xin được tiếp lời Vyvy nhé! … Nói vậy rồi, đôi mắt nàng như đang chú ý hay bị thu hút vào một cái gì đó trong cõi vô minh, đến không chớp mắt, khiến mọi người im lặng chú tâm xem nàng sắp nói điều gì … nàng bắt đầu:
– Chúng ta tôn trọng và không đụng tới cái gọi là “truyền thuyết” của các tôn giáo. Điều Uyểnmy muốn nói là chúng ta cứ nghe, nhưng không đặt thành vấn đề “tin” hay “không tin”. Có nhiều người sau khi nghe một câu chuyện, hay vội nói: “Tôi không tin! Tôi không tin”. Mỗi một truyền thuyết, cho dù khó tin, tự nó vẫn gởi tới người nghe một “Message” nào đó rất hệ tại, như là một thứ “Thông điệp” riêng, mang lại cho những ai muốn quan tâm. Thông điệp ấy có thể là một học thuyết, chẳng hạn như học thuyết “Tiên Rồng” được tổ tiên dựng lên qua chuyện “Bọc mẹ trăm con” chẳng hạn.
Về việc Đức Mẹ đồng trinh thì xuyên qua lời Vyvy vừa nói: Thiên Chúa thường có những sắp xếp tỉ mỉ và Ngài trong chương trình, luôn có dự báo. Em muốn xác nhận điều này trong đời sống của mình, nhưng cá nhân là chuyện không đáng nói. Dù vậy, em muốn nhấn mạnh điểm này: Thiên Chúa là Chủ của lịch sử, và cũng là chủ của mỗi con người. Ngày nào trong chính thâm tâm ta nghiệm ra được điều này, và chấp nhận được, thì ta sẽ tin rằng: Lịch sử ơn cứu độ, trong đó, Người Mẹ của Đấng Cứu Thế, phải hiện hữu trong một chương trình sắp đặt tuyệt vời, và phải có những hiện tượng hay những loan báo từ trước, chứ không phải là chuyện bỗng nhiên có, chuyện một ngày tự nhiên xẩy ra, cho dù Thiên Chúa có thể làm được những chuyện từ không mà có. Cho nên em nhớ trong lá thư mới đây, chúng ta đã có ghi lại lời Tiên tri Isaia: “Này đây người Trinh nữ mang thai, sinh hạ con trai, và đặt tên là Em-ma-nu-en.” (Is 7, 14) (Bản dịch LXX từ Almâl của tiếng Hip-ri), ứng nghiệm với lời chép trong Tân ước sau này: “ Này đây Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta.” (Mt 1,23).
Bắt đầu đã có nhiều ý kiến nổi lên, nhưng trước hết, mọi người đều đồng ý nhường Vũ nói trước:
– Anh đồng ý với Vyvy và Uyểnmy, nhưng trước hết, phải xác định điểm này: Cuốn Kinh Thánh, vì chúng ta chỉ có thể dựa trên cơ sở “Kinh Thánh”, cho đến hôm nay vẫn là cuốn sách được tất cả mọi dân tộc, mọi thành phần dù không Công giáo, cũng công nhận là một cuốn sách có giá trị nhất. Vì đã được dịch ra (trọn bộ hay từng phần) 2450 ngôn ngữ khác nhau, cũng như có số lượng ấn hành cao nhất. Anh không muốn lạm dụng tên tuổi những vị giáo chủ của nhiều tôn giáo, đã công khai tuyên bố rằng mình đã đọc và đã từng nghiên cứu, và công nhận giá trị của cuốn Kinh Thánh, làm như vậy không khác nào như công việc của những nhà quảng cáo. Trên thực tế giá trị “Lời Chúa” không cần phải dựa trên những phương cách thế tục. Tác giả của những tường thuật trong Tân Ước là những người Do Thái, và những gì các ngài chép không những được sự linh hứng của Chúa Thánh Thần, mà còn được xác định bởi những người cùng thời với Chúa Giêsu, từng quen biết với Chúa Giêsu cũng đã đọc, cũng đã nghe. Nên trước nhất, những gì các Thánh sử viết không thể giả mạo! Các Ngài lại có một niềm tin vào một Thiên Chúa là Đấng của Sự Thật, là Chân Lý. Đấng rất gớm ghét những thần thánh do con người tạo ra để sùng bái, thì các Ngài lại càng không thể dựng lên những chuyện thần thoại. Các Ngài lại cũng là những chứng nhân sống và chết cho Sự Thật, và sự Thật ấy là Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa xuống làm người, để chịu chết cho nhân loại, Người ấy đã sống lại và lên Trời trước mặt các môn đệ của mình.
Kế đến mới là những loan báo, những điều ghi chép của các tác giả Cựu Ước, trước Chúa Cứu Thế cả hàng trăm năm, ngàn năm cũng do Chúa Thánh Thần linh hứng cho các Ngài viết, như là cả một chuỗi dài lịch sử về ơn cứu độ. Vậy hơn bao giờ hết, chúng ta phải đặt niềm xác tín với nhau trên cuốn “Kinh Thánh” mà từ đó, sẽ là căn bản cho cuộc thảo luận của chúng ta. Duy Trân thấy sao ?
– Em đồng ý với anh là bất kỳ cuộc thảo luận nào cũng phải dựa trên một cơ sở nào đó, nếu không chỉ là một sự phí phạm thời gian, và cuối cùng rồi cuộc tranh luận sẽ không đi vào đâu. ở đây chúng ta đồng ý với nhau lấy “Kinh Thánh” làm nền tảng căn bản. Diễmly cũng đã biết rằng em cũng đã có đọc Kinh Thánh trong thời gian học trường đạo. Và gần đây thì em lại càng học hỏi nhiều hơn. Nhưng chưa hẳn là tất cả những người đọc Kinh Thánh, đều có chung một cái nhìn, hay là có cái nhìn giống nhau. Chắc anh Vũ và các bạn cũng biết điều này (đó là lý do mà có nhiều hệ phái Thiên Chúa Giáo).
– Nhận định của Duy Trân rất đúng! Diễmly đáp lại và nàng tiếp: Chính Chúa cũng muốn để cho tất cả mọi người được tự do, nên khi nào Duy Trân thấy cần bác bỏ một quan điểm nào, thì anh cứ tự nhiên! Còn bây giờ, em muốn đề cập ngay đến việc Mẹ Maria đồng trinh:
– Có thể nói, Mẹ được Thiên Chúa cho thụ thai cách diệu kỳ, … sau khi Sứ Thần Gabriel chào và báo tin Mẹ sẽ thụ thai và sẽ sinh một con trai … thì Mẹ Maria đã thưa ngay với Sứ thần Thiên Chúa: “Việc ấy sẽ xẩy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!” (Lc 1,34). Điều đó tất nhiên là một kinh ngạc đối với một người thiếu nữ đã từng khấn giữ mình đồng trinh trước mặt Thiên Chúa. Nhưng sau đó, Sứ thần cho biết ngay: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa.” (Lc 1,35), Khi đọc đến chữ “rợp bóng trên”, em có cảm tưởng mình nhìn thấy đám mây bao phủ Nhà tạm với Hòm bia giao ước đã từng được mô tả trong Cựu ước (Xh 40,34). Các anh chị hãy tưởng tượng, khi Hòm Bia Giao ước đi tới đâu, thì mây che rợp bóng tới đó. Phải chăng đây là cách dùng ngôn từ của Chúa Thánh Thần, để sự kiện xảy ra nơi Đức Mẹ, như đã được báo trước từ thời cựu ước. Và chúng ta hẳn biết, người Do Thái xưa nhìn thấy bia đá do chúa ghi tạc mười giới luật, là nhìn thấy chính Thiên Chúa. Hòm bia, hay nhà tạm, là hình bóng chỉ Đức Mẹ (Chúng ta thường nghe kinh sách đọc: Đức Mẹ là hòm bia Thiên Chúa; Đức Mẹ là Nhà Tạm của Chúa Giêsu Thánh Thể …). Mây rợp bóng trên nhà tạm hay trên hòm bia, chính là hình ảnh “Quyền năng Đấng Tối Cao rợp bóng trên Bà”. Cho nên em nói diệu kỳ là hệ tại ở chỗ con người không thể tưởng tượng được là làm sao một người nữ son sẻ lại có thể thụ thai (không có người nam), nhưng mà Luca đã chép: “Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.” (Lc 1,37). Em muốn xin ý kiến của chị Huyền.
– Mặc dù lý lẽ của em đưa ra cũng đã rõ ràng, nhưng nói như Thánh Luca, khi Ngài dùng những từ “Thánh Thần ngự xuống trên”, hay “quyền năng Đấng Tối Cao rợp bóng Trên”, vẫn còn nặng thần học tính, làm cho người ta khó hiểu trên phương diện thụ thai. Cho nên chị muốn trưng dẫn một định nghĩa của Thánh Gio-An: “Khi Sinh ra không phải do khí huyết, cũng chẳng do ước muốn của nhục thể, hoặc do ước muốn của người đàn ông, thì đó là bởi Thiên Chúa” (Ga 1,13). Còn Thánh Mát-Thêu thì nói thẳng ra: “… vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần.” (Mt 1,20). Và tất cả những điều Diễmly cũng như Huyền vừa nêu ra, nói lên sự kiện “Kiên Trinh” của Đức Mẹ trong sự thụ thai Chúa Cứu Thế, và qua lời của Sứ Thần, Thiên Chúa như đã khẳng định việc Đức Mẹ sinh Chúa Cứu Thế vẫn còn đồng trinh, như lời Người đã khấn hứa. Giả dụ như việc hạ sinh Chúa Cứu Thế, làm cho Ðức Mẹ mất đi sự đồng Trinh – điều mà Ðức Mẹ từng khấn hứa – Thì ra như Thiên Chúa đã áp lực con người, làm theo ý của Mình. Ðó là điều Thiên Chúa không bao giờ làm, vì Ngài thích sự tự do, Ngài cũng ban cho con người sự tự do chọn lựa, không hề áp lực. Ðó là lý lẽ mà các nhà thần học đều công nhận Ðức Mẹ không những đồng trinh trước khi Ngôi Lời Nhập Thể, cũng đồng trinh đang khi Người thụ thai, và ngay cả trong khi sanh Ðấng Cứu Thế.
Và có một thói quen rất hay trong bút pháp của Thánh Mát-Thêu (4) là Tác giả hay nhắc lại sự trùng hợp giữa Tân ước với Cựu ước như: “Tất cả sự việc này đã xẩy ra, là để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ: Này đây Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta.” (Mt 1, 22-23). Điều đó nói lên sự liên hệ giữa Cựu ước với Tân ước trong lịch sử ơn cứu độ. Đồng thời, tiện đây chị cũng xin nhấn mạnh một mệnh đề trong câu trên: “Chúa phán qua miệng ngôn sứ”, để chứng minh cho cả Vyvy lẫn Diễmly, hay anh Vũ, khi dùng những từ “Chúa Thánh Thần Linh hứng” cho hết mọi tác giả Tân ước cũng như Cựu ước là trúng, theo ý của Huyền. (Còn tiếp)
Ghi chú:
(1). Léonardo Da Vinci (Léonard de Vinci). Vừa là Họa sĩ danh tiếng của nước Y’, vừa là nhà điêu khắc, kiến trúc sư, kỹ sư toán học, văn sĩ, và nhạc sĩ thời Phục Hưng. Sinh tại Anchiano 1452, gần Florence trong gia đình trung lưu. Học vẽ tại Florence. Từng làm đại sứ tại Milan 1487, làm việc cho César Borgia với tư cách là kỹ sư, phò vua Louis xii, làm việc cho Đ.G.H. Léon X, rồi vua Francois Ier (Pháp) tại lâu đài Amboise, và mất tại đây (2-5-1519). Các tác phẩm nổi tiếng: La Cène (Bữa tiệc ly), tượng Francois Sforza cỡi ngựa cao 8 mét. La Joconde (Một tác phẩm nổi tiếng đến nỗi từng bị các điệp viên của nhiều quốc gia đánh cắp, tráo giả lấy thật, rất nhiều lần). Đức Mẹ, Saint Anne và Hài Nhi Giêsu v.v… Nói chung, Léonard de Vinci và Michel Ange là hai nghệ sĩ vĩ đại nhất và đầy đủ nhất trong thời Văn nghệ Phục Hưng tại Italia.
(2). Europe còn có nghĩa là Châu Ấu. Người con gái Châu âu đẹp nhất thế giới theo quan niệm chung.
(3). Một truyền thuyết khác kể: Nàng là con của thần Zeus với một nữ sơn thần tên Dioné. Thuyết này cho nàng cái tên “Aphrodite Pandemos”. Người La-Mã gọi thần Aphrodite là thần Vénus (tức thần vệ nữ).
(4). Chúng ta biết: Thánh Mátthêu đặc biệt viết Tin Mừng cho những người Do-Thái, vì Người Do-Thái rất thuộc Kinh Thánh, và đó là lý do ngài thường nhắc lại “Cựu-ước”.