– Các khuôn mặt của Tình yêu.
– Tình yêu nơi con người.
– Câu chuyện tình giữa Eros (Thần Ái Tình)
và Psychée [Si-Kê] (Công chúa Tâm Linh).
– Eros & Agape nơi Thiên Chúa.
– Khác biệt giữa Thần thoại & Nhiệm mầu.
– T.Y & Hôn nhân thần diệu nơi Ðức Mẹ & Thánh Giuse.
Vyvy có thói quen giơ một ngón tay lên trước khi phát biểu, để báo hiệu mình cần chiếm “đài phát thanh”. Mọi người hy vọng nàng làm một cuộc đảo chánh. Vũ vốn dĩ nhường nhịn các em, nhất là với các cô gái.
– Xin anh Vũ hãy khoan kết luận! … Em chưa biết là quan điểm của mình sẽ đứng về phía chị Huyền hay anh Vũ (?) Nhưng trước hết, em không thích dịch chữ “agape” theo nghĩa thuần túy “bác ái”, vì như thế nó sẽ mất đi chất “ái tình” trong chữ “agape”. Cứ theo như sách Diễm ca, một sách trong Cựu ước rất quen thuộc với các nhà thần bí, thì những bài thơ trong sách này thoạt đầu là những bài tình ca, ca ngợi tình yêu hôn nhân. Chính nơi đây, “Agape” tiêu biểu cho ý niệm về tình yêu trong Kinh Thánh. Từ này diễn tả cảm nhận của một thứ tình yêu trong đó có sự khám phá đích thực lẫn nhau, vượt qua tính chất ích kỷ bao trùm. Tình yêu giờ đây trở thành mối quan tâm và lo lắng cho người khác. Nó không còn là sự tìm kiếm cho chính mình, hay một mê say hạnh phúc (1). Thay vào đó, nó tìm kiếm điều “thiện” cho người mình yêu (“Thiện” ở đây được định nghĩa là “Tốt nhất”, theo sách Khởi-Nguyên: Sau khi Th.Chúa làm nên con người và mọi sự, Ngài nói: “Thật là rất tốt đẹp”. Thật là chính là chữ “Chân“, rất tốt là chữ “Thiện”, đẹp là chữ “Mỹ”. Chúa là “Chân Thiện Mỹ”, con người mang hình ảnh Thiên Chúa, thì cũng có bóng dáng của “Chân Thiện Mỹ”): Nó trở thành sự từ bỏ chính mình và sẵn sàng chấp nhận cả hy sinh nếu cần. Chỉ có những ai cảm nghiệm được sự sung sướng khi tặng quà, hơn là được quà tặng, thì rồi ra mới có thể tiến vào được lãnh vực tình yêu thật sự là “một trạng thái ngây ngất”, không phải trong ý nghĩa của một thoáng đam mê, nhưng hơn thế, nó là một cuộc hành trình, một cuộc xuất hành ra khỏi cái tôi đóng kín (hướng vào bên trong), để vươn tới sự tự do qua việc cho đi chính mình. Và như thế hướng đến sự khám phá đích thực chính mình và chung cuộc là sự khám phá về Thiên Chúa.
Vũ vỗ tay, biểu lộ sự hoàn toàn tán thành, đồng ý với Vyvy:
– Em diễn tả ngôn từ rất đúng ý anh! Tóm lại, Eros như là một thuật ngữ để chỉ tình yêu “trần tục” và Agape, chỉ tình yêu được đặt cơ sở và hình thành bởi đức tin. Hai ý niệm này thường được xem như sự tương phản của hai thứ tình yêu: “nhận về” và “cho đi“. Ta cũng có thể nói: Sự khác biệt của chúng ở chỗ: Một bên là Tình yêu chiếm hữu, một bên là tình yêu vị tha.
Nhận diện một cách rõ hơn: Agape – Tình yêu cho đi hay vị tha – là kiểu tình yêu Kitô Giáo. Trong khi tình yêu nhận về, chiếm hữu, hay ham muốn là thứ tình yêu không Kitô Giáo và đặc biệt là tình yêu trong văn hóa La-Hy.
Ai nấy đều cảm nhận rằng đó là câu kết luận của Vũ, và xem ra lý luận của chàng rất “logic”, nhưng Huyền vẫn từ tốn “giải mã” ý tưởng của mình đưa ra hồi nãy:
– Là con người, nhất là “con người” đúng nghĩa “nhân loại”, tình yêu “nhận về và cho đi” không bao giờ có thể hoàn toàn tách rời. Dù cho lúc đầu, eros chủ yếu là ham muốn và đòi hỏi trước quyến rũ của hứa hẹn hạnh phúc được cận kề bên nhau. Huyền hơi mỉm cười nhìn Vũ, Trân, rồi Luân và nói: Về điểm này mấy người đàn ông biết rành hơn phụ nữ chúng tôi!… Phía phụ nữ cũng có trạng thái tâm lý như thế, nhưng ít hơn. Nhưng rồi nó có tiến trình của nó qua thời gian … để người ta càng ngày càng bớt chú ý đến chính mình, gia tăng tìm kiếm hạnh phúc cho người kia, lo lắng cho người mình yêu, cho đi chính mình và muốn hiện diện cho người kia. Sao, mấy người đàn ông có nhận thấy điều đó … đúng không ? Chính lúc ấy, yêú tố “agape” bước vào “tình yêu”, để làm cho “eros” không còn nghèo nàn, và làm cho bản chất quyến rũ, hay cám dỗ của nó giảm mất dần dần. Ðó là sự thanh luyện của tình yêu. Tính mới mẻ của đức tin trong Kinh Thánh biểu lộ chủ yếu ở hai yếu tố đáng được nêu bật: Hình ảnh của Thiên Chúa và hình ảnh nơi con người. Từ hình ảnh này bước sang mẫu mực kia, phải có sự thanh luyện. Paul Evdokimov viết: “Trong cuộc đời trần tục, ai ai cũng đều phải trải qua đỉnh điểm Dục tình (Eros) chứa đầy những chất độc chết người và những khải ngộ thiên đường, để thấy thấp thoáng một Eros đã thay hình đổi dạng của Thiên quốc”. Chúng ta cần suy nghĩ kỹ câu nói này, để phát hiện yếu tố xác thực của Eros trong con người được Thiên Chúa tạo thành.
Huyền nhìn mọi người, nàng mỉm cười nhẹ nhàng tiếp:
– Ðể Huyền tặng các bạn mấy câu thơ do mình ngẫu hứng làm ra khi đọc Tuyệt Diệu Ca chương 4 nhé:
“Mình em tinh chất cam tùng
Hương thơm ngào ngạt một vùng em đi.
Khương hoàng thoang thoảng cuồng si
Vườn anh rạo rực một thì yêu đương.
Em như suối nước tình trường
Cho anh trái ngọt, mật hương của mình
Nhìn em trên đỉnh Li-băng”.
(Phỏng theo Dc 4,13-15)
Rất nhiều trong sách Diễm ca, khi tình yêu đã được thanh luyện, ta sẽ có cảm giác cả Eros với Agape quyện lẫn vào nhau khó có thể tách biệt!
Uyểnmy góp ý:
– Em thấy Cựu ước trình bày “tình yêu” qua một số những nhân vật như một chặng đường dài của cuộc chiến, mà những nhân vật điển hình như Adam, Salomon, rồi Samson … tuy là những nhân vật trác tuyệt của nhân loại, nhưng vẫn không đủ sức đánh bại thần “tình ái”. Tất cả đều sung sức ở thuở ban đầu, nhưng đều là những kẻ chiến bại ở chỗ “Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương”. Phải đợi đến nhân vật chính của cuốn phim “Lịch sử nhân loại” là Ngôi Lời nhập thể, tức Ðức Giêsu Kitô, hay nói cách khác: đến thời Tân ước mới cho thấy cuộc chiến kia đuợc kết thúc qua sự tình yêu đã được thanh luyện như chị Huyền vừa nói, và Ðức KiTô đã lật ra cho thấy bộ mặt mới lạ và trác tuyệt của tình yêu, để nhân loại học được cách định nghĩa tình yêu là gì? Thưa, chính là: Cho đi tất cả, hy sinh đến tận cùng, thí mạng sống cho người mình yêu. Nhưng muốn đạt được đích điểm tuyệt vời của định nghĩa tình yêu, nhân loại vẫn phải đi từ bản chất eros của mình để bước vào thanh luyện.
Duy Trân gật đầu công nhận:
– Trân thấy là từ một trạng thái xấu xa nhất, man rợ nhất của Eros trong Ca-in, đầy ghen tương, ganh tỵ, Eros đã có những bước đi thăng trầm trong thanh luyện của Thiên Chúa thời “Cựu ước”, để bước sang thời “Tân ước” một lần nữa, “Tình yêu” của con người được thanh luyện bằng máu của Ðức Giêsu Kitô, để cho nhân loại những Tê-pha-nô, Phê-rô, Phao-lô … ngay cả Tô-ma, và trải dài qua các thế kỷ tiếp nối, “Tình yêu” đã sẵn sàng hy sinh mạng sống cho tha nhân. Ðó là những giọt máu đào tử đạo, những chứng nhân cho “Tình yêu”.
Rồi tiếp đến những người khác cũng từ từ gật đầu đồng ý … Bỗng Duy Trân hỏi vặn lại Huyền:
– Thế theo chị thì tình yêu của Thiên Chúa có khác với tình yêu của con người không ? Chắc hẳn tình yêu đó phải hoàn toàn là “Agape”? Cũng như hồi nãy anh Vũ đã nói là Tân ước không có từ “eros” trong đó!
– Vì con người mang hình ảnh của Thiên Chúa, nên Huyền khẳng định: Thiên Chúa yêu và tình yêu của Ngài chắc chắn có thể gọi là Eros, nhưng tình yêu đó lại hoàn toàn là Agape. Nhưng khoan bàn đã, chúng ta hãy để cho Trần Luân kể cho mọi người nghe câu chuyện tình của vị thần mệnh danh là “Thần Tình yêu” (Eros) đã, rồi mới có thể bàn tiếp được! Xin nhớ rằng câu chuyện này không bị lệ thuộc hay ảnh hưởng tư tưởng Thiên Chúa giáo, nó thật sự mang bản chất những suy tư của con người thời sơ thủy. Nàng ngừng để lấy giọng, rồi hướng cặp mắt về Luân bảo: Trước đây vụ này chị đã có nói là nhờ tới Trần Luân (Xc. số 81), em đã sẵn sàng chưa ?
– Dạ, em kể ngay bây giờ đây! … và Trần Luân xin xác nhận câu nói của chị Huyền là đúng! Các tư tưởng trong Thần thoại Hy-lạp, đã có từ thời “Hy-lạp cổ đại” (Văn minh Miken ; từ 2000-1100 tr. C.N). Nhưng để chuẩn bị cho bầu không khí của câu chuyện, em đề nghị chị Huyền và Uyểnmy một người đờn, một người hát, hát lại bản nhạc hồi nãy lần nữa, vì nó rất thích hợp làm phối cảnh cho câu chuyện. Xin mọi người nhắm mắt lại và quên đi những luận đàm đã qua.
Huyền gật đầu mỉm cười, nàng nghĩ: Anh chàng này cứ làm như đang đạo diễn phim chuyện không bằng. Còn đòi phải có nhạc cảnh nữa! Gớm thiệt! Nghĩ vậy nhưng Huyền cũng vui lòng chiều theo.
… Từng thanh âm trong như ngọc, có hồi dồn dập, rộn rã và dòn tan như thủy tinh bể, được những ngón tay mềm mại của người con gái tung lên cao, rung động thinh không, rồi tất cả mọi thanh âm ào ào rớt xuống … Một giọng hát “thiên thần” vút lên theo …
(Rồi) từng ngày tháng vui
từng bước qua bước qua một lần thật gần.
Người … Ta dấu yêu, xin em
cho một lời miệt mài trọn đời mình.
Ta chết theo ngày em cất tiếng
nhạc buông xuôi người còn chơi vơi tim người.
Người còn xa xôi cho mùa thu úa tàn theo…
(“Từ giọng hát em”của Ngô Thụy Miên)
Khi bài hát vừa dứt, Trần Luân ngước nhìn Huyền nhẹ cúi đầu cảm ơn, rồi quay qua Uyểnmy, khẽ cười và bảo:
– Em có giọng ca rất hay, đáng lẽ em đi làm ca sĩ mới phải!
Uyểnmy mỉm cười:
– Ca sĩ là người của quần chúng, cũng có nghĩa là người của đám đông … Lúc đó em làm sao tránh được mũi tên của Eros
Diễmly cười phụ họa:
– Mà lại là tên dính chùm nữa, một mình Uyểnmy mà có tới cả chục anh chàng si tình thì … chỉ có nước chết!
Uyểnmy gật đầu công nhận:
– Bởi vậy, anh Trần Luân đừng có xúi dại em! Xin cho em được … hai chữ “bình yên” đi anh!
Mọi người nhìn Uyểnmy gật đầu cười, còn Trần Luân nâng ly bia nhấp giọng, rồi bắt đầu nhập truyện. (Còn tiếp)

Ghi chú: (1). Ý từ thông điệp “Thiên Chúa là Tình yêu” của ĐGH. Bênêđictô XVI.

Tg. Uyênly