​Ngoài Thiên Chúa là Đấng tạo thành, nơi con người đầu tiên đặt chân, nhìn ngắm, sống với và sống cùng là VƯỜN ĐỊA ĐÀNG. Kinh Thánh chép:
“Đức Chúa là Thiên Chúa trồng một vườn cây ở Ê-đen, về phía đông, và đặt vào đó con người do chính mình nặn ra.
Đức Chúa là Thiên Chúa khiến từ đất mọc lên đủ mọi thứ cây, trông thì đẹp, ăn thì ngon, với cây trường sinh ở giữa vườn, và cây cho biết điều thiện điều ác. Một con sông từ Ê-đen chảy ra  tưới khu vườn, và từ đó chia thành bốn nhánh. Tên nhánh thứ nhất là Pisôn, nó bao quanh tất cả đất Kha-vi-la là nơi có vàng; vàng ở đất này tốt, tại đó có nhũ hương và đá ngọc. Tên nhánh thứ hai là Ghi-khôn; nhánh này bao quanh tất cả đất Cút. Tên nhánh thứ ba là Tich-ra; nhánh này chảy ở phía đông Át-sua. Còn nhánh thứ bốn là Êu-phơ-rát. Đức Chúa là Thiên Chúa đem con người đặt vào vườn Ê-đen, để cày cấy và canh giữ đất đai. Đức Chúa là Thiên Chúa truyền lệnh cho con người rằng: “Hết mọi trái cây trong vườn, ngươi cứ ăn; nhưng trái của cây cho biết điều thiện điều ác, thì ngươi không được ăn, vì ngày nào ngươi ăn, chắc chắn ngươi sẽ phải chết.” (St 2, 8-17).
Trước khi ngành khảo cổ hình thành, cũng đã có nhiều người đi tìm dấu vết vườn địa đàng. Có giả thuyết cho rằng nó thuộc một vùng đất cổ xưa ở miền nam Iraq – Sumer và Akkad – Ngay người dân Sumer cũng có truyền thuyết về thủy tổ loài nguời trong một khu vườn, gần giống trong Kinh Thánh Hebrew (nguyên bản Cựu ước bằng tiếng Hebrew, tiếng Do Thái cổ), nhưng khác với việc nguyên tổ phạm tội và bị trừng phạt. Người Semites, ở Tây Á thời cổ đại, tổ tiên của người Ibrim (tiền thân của người Do Thái) cũng cho rằng có thể Vườn Địa đàng trong Kinh Thánh Cựu ước nằm trong thung lũng rất phì nhiêu của hai con sông Tigres (Tigras) và Euphrates, mà lịch sử nhân loại gọi là vùng văn minh Lưỡng Hà (Mésopotamie). Nơi đây  chảy qua Thổ Nhĩ Kỳ, Syria và Iraq, và sông Nile ở Ai-cập. Nếu đối chiếu với bản văn trong Kinh Thánh, ta chỉ nhận ra hai con sông Tich-ra (có thể là Tigras, Tigres) và Êu-phơ-rát (Euphrates), chứ không tìm ra hai con sông thứ nhất và thứ hai. Rồi những nhà khảo cổ lại khẳng định đã không tìm thấy một vết tích nào của Vườn Địa đàng. Tại Mésopotamie, người ta chỉ đào được những di tích của những đô thị cổ, được coi là những đô thị đầu tiên của loài người, cách đây trên 5.000 năm mà thôi! Cuộc truy tìm “Vườn Địa Đàng” một thời đã thu hút những nhà nghiên cứu lao vào kho tác phẩm văn học của người Sumeria (dân tộc Sumer nói trên), cũng như khảo cổ đã hao tốn rất nhiều nỗ lực. Leonard Woolley người nghĩ rằng đã tìm thấy chứng cứ (? – chưa chắc!) “Trận Đại Hồng Thủy” trong Kinh Thánh ở một vùng vũng sâu thuộc thành Ur, miền nam Iraq, Thì cũng cho rằng “Vườn Địa Đàng” đâu gần đó mà thôi! Vì Adam & Eva bị Thiên Chúa đuổi ra khỏi vườn, thì họ và con cháu cũng chỉ sống quanh quẩn đâu đó mà thôi! Lại cũng rất nhiều người cho rằng câu chuyện “Vườn Địa Đàng”, chỉ là truyền thuyết. Khi có ấn tượng đó là truyền thuyết, việc đầu tiên là làm cho câu chuyện mất “nhậy cảm”, rồi người ta bỏ qua cho đến khi nào được khoa học khám phá ra và công bố một vài chi tiết nhỏ, thì họ “ồn ào” trở lại, rồi tình trạng “wait and see” tiếp tục kéo dài. Thời đại này là thời đại được mệnh danh là thời đại “khoa học tiến bộ vượt mức”, nhưng thử hỏi khoa học đã khám phá được bao nhiêu về “bí mật vũ trụ” ? Khoa học hôm nay đã có thể cho con người đi vòng quanh trái đất với thời gian tối thiểu, và sắp tới đây người ta phát triển ngành “Du lịch mới” là con tàu vũ trụ sẽ chở du khách ra ngoài không gian để từ đó có thể ngắm nhìn về trái đất chừng năm, mười phút, nơi nhân loại đang sống, mà mỗi du khách chỉ tốn khoảng năm triệu đô-la Mỹ mà thôi! Thời đại này, “khoa học” quả thực đang được vinh danh. Thế hệ này và thế hệ mai sau sẽ làm cho rất nhiều người chỉ tin vào những gì khoa học nói, vì khoa học nói những gì khoa học làm, những gì khoa học chứng minh được. Và người ta quan niệm “Khoa học” phục vụ đời sống con người cách thiết thực. Nhưng người ta quên rằng: Bằng mọi giá, con người vẫn phải chết! Người ta quên rằng: Trái đất con người đang sống, chỉ là một hạt cát trong số vô vàn, và vô vàn những hạt cát bên bờ đại dương. Mà điều này không phải là truyền thuyết, mà là điều khoa học công nhận. Nói cách khác, là khoa học đã phải thú nhận về khả năng hạn hẹp của mình, trong công cuộc khám phá và tìm hiểu vũ trụ, và ngay cả những bí mật kỳ diệu còn tồn đọng trong thế giới của chúng ta chẳng hạn như “Tam giác Tử thần – Bermunda Triangle”, hay “Lục địa đã mất – Atlantis”, rồi tại sao trận lụt đột ngột ở hồ Euxine lại tạo ra Biển Đen, nền văn minh trên đảo Crète mà nhà triết học Plato chép lại bằng ký ức mập mờ (?), sự tồn tại lịch sử của “Hòm bia Giao Ước”, mười bộ tộc của Israel bị mất tích, còn ngôi sao Bethlehem … và còn rất nhiều bí ẩn khác nữa. Nhưng dù sao đối với thế hệ chúng ta – Nhất Là Thế hệ Trẻ hôm nay & ngày mai – Sẽ đụng phải một số những thử thách lớn nhất khi đối mặt với niềm tin tôn giáo. Bởi vì tính mất “nhậy cảm” đã nói trên, sẽ kéo theo cả một hệ lụy vô cùng quan trọng! không phải cái mà họ gọi là “tôn giáo”, mà chính là sự đối mặt với Thượng Đế – Đấng không phải chỉ được nghe nói tới ở thế giới này – Mà là Đấng sẽ phải đối diện trong Thế Giới mà khoa học đã không giải quyết được, và cũng chẳng bao giờ giải quyết được “chuyện khỏi phải chết”. Hệ lụy ấy là: Nếu như câu truyện Vườn Địa Đàng chỉ là truyền thuyết, mang tính cách huyền thoại, không có tính “lịch sử chính xác”, thì kéo theo sự xụp đổ toàn bộ về Cựu ước lẫn Tân ước. Hai nhân vật Adam & Eva và  câu truyện viết về  họ nếu chỉ là khởi đầu một câu truyện huyền thoại như bất cứ huyền thoại nào trên thế gian, thì cắt nghĩa thế nào về “Ngôi Lời Nhập Thể”? Rồi từ đó con người sẽ trở nên “vô tín”.  Vậy vấn đề phải được đặt ngược lại: Khoa học nói chung, ngành khảo cổ nói riêng có thể làm hoặc chứng minh được tất cả mọi vấn đề hay không? Nhất là những sự kiện đã xảy ra khoảng vài triệu năm, như khoa học nói: Con người có mặt trên trái đất ít là 2 triệu rưởi năm về trước. Vậy thì hai nguyên tổ và khu vườn địa đàng xuất hiện trước 2 triệu rưởi năm, khảo cổ liệu có thể đào xới để tìm ra vết tích của nó được hay không? Trong khi khả năng của khảo cổ mới chỉ tìm được những vật chất cụ thể khoảng từ vài ngàn đến chục ngàn năm trước mà thôi, còn toàn là suy luận. Nhất là ai cũng biết rằng: Ngôn ngữ trong Kinh Thánh, không phải là ngôn ngữ bình thường được hiểu hoàn toàn theo nghĩa đen! Chẳng hạn như sáu ngày Thiên Chúa tạo thành vũ trụ mọi loài, cả nhân loại hôm nay đều hiểu rằng: Mỗi ngày trong Kinh Thánh có thể ứng với cả triệu năm ánh sáng. Thần học Công giáo còn cho biết: Đối với Thiên Chúa hằng hữu, không có quá khứ, hiện tại và tương lai. Chữ “Ngày” trong Kinh Thánh chỉ là sự diễn đạt theo cách nói của loài người, bao hàm ý nghĩa của “biểu tượng”, chứ không mang ý nghĩa “cụ thể”. Cũng theo nghĩa của biểu tượng, về mặt tâm lý, Carl Jung còn nói rằng: Trong mỗi đời người, ai cũng có một thời được sống trong “vườn địa đàng”, đó là thuở ấu thơ, và ngay cả lúc bắt đầu yêu, bằng một tình yêu chân thành. Nhưng khi họ đã ra khỏi “vườn địa đàng” của mình rồi, họ sẽ không bao giờ tìm được vườn địa đàng đã mất, nhưng điều đó không có nghĩa là “Không có Vườn Địa Đàng”./.

Biên khảo: Uyên Ly