“Dung dăng dung dẻ
Dắt trẻ đi chơi
Đến ngõ nhà Trời
Lạy Cậu lạy Mợ
Cho chó về quê
Cho dê đi học
Cho cóc ở nhà
Cho gà bới bếp
Ù à ù ập
Đóng sập cửa vào
Dung dăng dung dẻ”

Câu hát đồng dao mà bọn trẻ con chúng tôi vẫn hay thường nghêu ngao thuở bé. Ký ức như lại ùa về mỗi lần tôi có dịp nghe lại khi lũ trẻ con trong xóm xúm xít nhau hát hò! Ngày ấy, miệng cứ ngân nga suốt ngày mà chẳng hiểu ý nghĩa nó là gì? Chỉ nghe các anh chị lớn hoặc ba mẹ hát ru thế là ngấm vào trong tim, đi sâu vào trong trí óc lúc nào không hay! Đồng Dao là gì nhỉ? Là câu hát trên cửa miệng lũ trẻ con hay bài hát ru của ông bà cha mẹ?

“Đồng” nghĩa là trẻ em theo từ Hán – Việt
“Dao” nghĩa là Ca dao

Đồng dao là thơ ca dân gian của bọn trẻ con. Hiểu như thế là cách hiểu đơn giản và sát nhất theo đúng nghĩa của từ. Tôi lần mò lên các trang web tìm kiếm vì đồng dao phải là cái tinh hoa của dân tộc chứ không đơn thuần là những câu hát trên môi. Cứ theo lẽ thường suy nghĩ, ông bà xưa đã đúc kết thành những câu hát, những tích truyện mà nó vẫn còn lưu giữ mãi cho đến ngày nay chỉ qua truyền miệng thì nó phải là cái gì đó tinh túy nhất, hay nhất và tuyệt vời nhất. Theo trang web Wikipedia:

“Đồng dao, là thơ ca dân gian truyền miệng của trẻ em Việt Nam. Đồng dao bao gồm nhiều loại: các bài hát, câu hát trẻ em, lời hát trong các trò chơi, bài hát ru em… Thường gặp nhất là các bài đồng dao gắn liền với các trò chơi trẻ em. Nói chung, đồng dao trong các trò chơi trẻ em ở các vùng miền đều khá giống nhau ở nội dung, chỉ khác một vài tiếng địa phương.”

Như bài trên đầu tựa, diễn tả cảnh trẻ em chơi đùa với nhau. Hình ảnh lũ trẻ con nắm tay nhau lắc qua lắc lại (dung dăng dung dẻ), chạy dí nhau rồi lại đứng lên hụp xuống trông thật ngây ngô! Bài ca như diễn tả hết cảnh cô đọng của một bầy trẻ con nô đùa xúm xít trong sân nhà hay ngoài sân đình. Thách đố nhau để mà bắt tìm, để mà đuổi rượt. Câu đồng dao miêu tả sinh động cả một trời tuổi thơ hồn nhiên và trong sáng! Vần từ đi với nhau tạo nên một khung cảnh thật vui tươi của tuổi thần tiên mà cũng phù hợp với ý nghĩa và tính cách của các con vật trong bài ca. Chó trung thành luôn muốn trở về; Dê thông minh và hoạt bát luôn tìm cách học hành để nâng cao; Cóc là cậu ông Trời thì ở nhà giữ của và Gà thì luôn đào bới kiếm tìm! Hễ đứa nào mà chậm chưa kịp ngồi xuống thì đóng sập cửa vào xem như bị thua, cứ thế, hàng dài lũ trẻ dí nhau đến lượt cuối cùng thì cả đám bị bắt lại không được dung dăng dung dẻ nữa!

Đồng dao còn là một phần của văn học dân gian như ca dao, tục ngữ được truyền miệng từ rất sớm và lưu truyền rộng rãi trong dân làng. Hầu hết là các bài hát đồng dao quen miệng, những lời ru ngọt ngào của Mẹ và của Bà. Nó khắc ghi sâu và tâm trí của trẻ con từ lúc nằm nôi! Vì là văn học dân gian và được truyền miệng nên đa số các bài đồng dao đều không có tên tác giả cụ thể. Nhưng tựu trung lại nội dung của đồng dao có thể diễn tả cảnh chơi đùa, những bài hát đối ví von của lứa tuổi nhi đồng phản ảnh 2 đề tài lớn đó là “thế giới tự nhiên” & “đời sống xã hội”.

Ngày nay, cùng với các trò chơi dân gian, đồng dao không còn phổ biến như xưa thời trẻ con của chúng tôi cách nay vài chục năm. Thậm chí còn bị mai một và mất dần bởi sự xâm lấn của văn minh hủy diệt. Sự tiến bộ của công nghệ và internet đã lôi kéo hầu hết đám trẻ con vào màn hình vi tính. Lũ trẻ không còn tiếp xúc được đến những trò chơi dân dã như bắn bi, đánh đáo, nhảy dây, lò co hay như chơi năm mười trốn tìm huống chi đến những câu đồng dao trên môi miệng thì làm sao mà chúng nhớ cho được!
Có thể xác định hệ thống đồng dao Việt Nam gồm năm bộ phận:

  • Đồng dao trẻ em hát
  • Đồng dao trẻ em hát-trẻ em chơi
  • Đồng dao hát ru
  • Đồng dao trẻ em đố vui
  • Ca dao cho trẻ em

Và ranh giới giữa các thể loại trên chỉ mang tính tương đối, gần như có thể xem chung là 1 thể loại đơn giản là Đồng Dao. Có thể nói, đồng dao là một thể loại văn học dân gian mang tính truyền miệng lâu đời, cùng với các câu ca dao tục ngữ, câu đố, vè, dân ca thì đồng dao là một bức tranh sinh động về văn học dân gian dành riêng cho tuổi thơ. Khác với câu đố mang ít nhiều tính khoa học; cũng hơi lạ với vè mang tính thơ ca, và dân ca thì mang nặng tính hát hò. Đồng dao là mảng riêng lẻ nhưng góp phần làm sinh động bức tranh văn học dân gian của người Việt. Bởi thế, những bài đồng dao mới đi sâu và trong tiềm thức của trẻ nhỏ qua lời ru của bà hay câu hát của mẹ. Để mà cho đến khi lớn thành cha thành mẹ, nó lại được rỉ rả vào lòng con thơ:

“Con gà cục tác lá chanh
Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi
Con chó khóc đứng, khóc ngồi
Bà ơi đi chợ mua tôi đồng riềng”.
Hay như:
“Con mèo trèo lên cây cau
Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà
Chú chuột đi chợ đàng xa
Mua mắm, mua muối giỗ cha chú mèo.”

Biên khảo: Uy Bảo