Thuở nhỏ, tôi cứ hay được ba chở lên nội chơi với anh em bà con và mỗi lần như thế, tôi lại có dịp đi qua cây cầu rất đặc biệt có 3 nhánh. Cầu ấy chính là cầu chữ Y bắc ngang qua một nhánh sông nhỏ rồi từ đó dòng sông lơ đãng đổ ra dòng sông lớn – Sài Gòn. Một nhánh của cây cầu hướng về quận 5 còn 2 nhánh còn lại hướng sang quận 8 và Chánh Hưng. Trong trí nhớ tuổi thơ, tôi vẫn hay bị hù mỗi khi nghịch ngợm, phá phách thì bị người lớn dọa rằng: “biết dân chơi Cầu Ba Cẳng không?” Khi ấy, tôi cứ đinh ninh cây cầu 3 cẳng ấy là cây cầu chữ Y mà ba tôi vẫn hay chở tôi ngang qua mỗi lần sang nhà nội. Mãi cho đến khi lớn và mày mò tìm đọc lại những vết tích xưa của Sài Gòn thì tôi mới thấy mình “ngu” quá! Cây Cầu Ba Cẳng trong câu nói người lớn hù dọa trẻ con năm xưa chẳng phải là cây cầu chữ Y mà tôi đinh ninh mà đó là một cây cầu bộ hành khác tọa lạc tại khu vực quận 6 – Chợ Lớn.

Cũng phải nói thêm rằng những vết tích năm xưa của Sài Gòn ngày nay đã trôi vào dĩ vãng và có những thứ bị xóa sổ hẳn trên cõi đất này. Cầu Ba Cẳng là một trong những vết tích như thế mà thường khi người ta vẫn biện minh cho sự phá hoại bằng danh từ mỹ miều là “sự tiến bộ của thời đại”. Cùng với sự tàn phá của con người cộng sản dưới mái nhà XHCN, những nét đẹp, những nền văn hóa, những điều nhân bản và nhân văn của Sài Gòn năm xưa đã không còn nữa. Có chăng chỉ còn đọng lại trong ký ức, trên những trang giấy mà phải lục lọi mới may ra tìm được. Đó cũng là một trong những lý do mà người viết với mong muốn nhỏ bé và sức lực hạn hẹp của mình sẽ cố gắng tìm lại những vết tích ấy dù chỉ là trên những trang giấy cũ hay những tàn tích bị bỏ hoang phế bởi do chính sự vô cảm và tàn ác của những con người cộng sản đã phá nát một Sài Gòn – Hòn Ngọc Viễn Đông năm xưa!!!

Trở lại câu chuyện cây cầu, Cầu Ba Cẳng tọa lạc ở góc đường Bãi Sậy (xưa là nhánh kênh Hàng Bàng, quận 6) và đường Vạn Tượng, ngay khúc rẽ phải ra kênh Tàu Hủ. Hai chân nằm ở bến Bãi Sậy và bến Nguyễn Văn Thành, còn chân còn lại ở bến Vạn Tượng. Cầu có từ thời Pháp thuộc nhưng đã bị xoá sổ hồi năm 1990 do bị sập. Vật chất thì không thể tồn tại mãi nhưng có những thứ vật chất nếu không được tu bổ thì nó sẽ vĩnh viễn ra đi bởi sự vô cảm của con người. Những vết tích của Sài Gòn luôn bị xóa sổ theo cách như vậy. Cầu còn có tên tiếng Pháp là Pont des 3 arches, được xây bởi công ty Brossard et Mopin (công ty này cũng là công ty đã xây dựng chợ Bến Thành vào năm 1914). Trước đây, cầu có một số tên khác như Khâm Sai do quan khâm sai người Pháp đứng ra xây dựng hoặc cầu Ba Miệng, cầu Ba Chưng (chân). Nhưng dần dà, chẳng ai nhớ đến cái tên nguyên thủy mà đều gọi theo thói quen mà đúng với hình dáng của nó là Cầu Ba Cẳng.

Đúng như tên gọi Ba Cẳng, cầu có 3 chân, đồng thời cũng là 3 lối bậc thang đi lên, xây bằng bê – tông cốt thép, dành riêng cho người đi bộ. Việc phải thiết kế tới 3 chân theo ba hướng vì cầu nằm ngay ngã ba con rạch. Cầu có một vòm nhịp, tạo khoảng không cho ghe thuyền qua lại và thuận tiện cho cư dân hai bên bờ. Đây cũng là nơi giao thương đường thủy tấp nập của khu Chợ Lớn xưa. Cầu Ba Cẳng chưa bao giờ là cầu quan trọng về giao thông ở khu Chợ Lớn, song với người dân ở đây nó thân thuộc tựa góc sân nhà và hàng hiên trước sân. Đó là lối đi bộ ngắn và tiện lợi để sang chợ Kim Biên (quận 5), đồng thời cũng là nơi bà con chòm xóm rủ nhau lên hóng gió, hàn huyen mỗi buổi chiều về. Vai trò của nó giống như các cầu đi bộ bắc qua kênh Tàu Hủ ngày nay. Người đi xe đạp muốn sang bên kia rạch thì phải vác xe lên vai rồi cuốc bộ. Ấy thế, với sứ mệnh là một thành phố văn minh và tiến bộ thì người ta đã sẵn sàng để cho nó đổ gẫy cũng như đối với người Sài Gòn thì những dấu tích của năm xưa cũng sẽ dần dần bị xóa sạch một cách tự nhiên là cho mục rữa theo thời gian hay bằng bàn tay tàn phá của những lớp người chỉ chạy theo tiến bộ vật chất mà không biết lưu lại những dấu ấn lịch sử của cội nguồn.

Cầu Ba Cẳng đã trở thành một phần của lịch sử Sài Gòn – Chợ Lớn xưa. Gắn với cầu là hỗn danh “dân chơi cầu Ba Cẳng” nổi tiếng trước năm 1975 và lưu truyền đến nay để nhắc về một lớp đàn anh ngang dọc trời đất. Nhóm giang hồ xuất thân ở khu vực này do Mã Ban cầm đầu. Anh ta giỏi võ, người gốc Hoa, mồ côi cha từ nhỏ nhưng sống nghĩa khí. Hầu hết các “Đại Ca” của Sài Gòn khi xưa tuy là đầu trộm đuôi cướp, bảo kê nhưng đều mang trong mình nghĩa khí thực sự của đấng nam nhi như Đại Ca Thay,… Nhờ vào sức vóc, võ nghệ mà Mã Ban dẹp các băng nhóm khác để đứng ra bảo kê nhà hàng, các quán ăn của người Hoa. Cũng nhờ hành hiệp trượng nghĩa và khí phách mà danh tiếng Mã Ban được chủ xí nghiệp người Hoa tin tưởng. Sau này chủ xí nghiệp người Hoa gả luôn con gái cho anh ta nên cuộc sống của Mã Ban ngày càng giàu có. Trong các cuộc vui, đàn đúm với bạn bè, Mã Ban luôn tỏ ra rất hào phóng, không tính toán và thường chịu thiệt phần mình nên ông rất được nhiều đàn em nể trọng.

Ngày nay, dù Cây Cầu Ba Cẳng không còn nữa, nhưng cái tên cùng với hỗn danh dân chơi cầu ba cẳng thi thoảng chúng ta vẫn còn được nghe lại qua lời kể của các ông bà cụ lớn tuổi hay của lớp người sống dưới chế độ cũ của Việt Nam Cộng Hòa. Tuy không còn nữa, nhưng người viết cũng tin chắc rằng, những ký ức và những nét đẹp một thời của Sài Gòn hoa lệ sẽ vẫn còn mãi trong những con người yêu xứ sở, yêu quê hương Việt Nam đặc biệt là yêu mảnh đất Sài Gòn – Hòn Ngọc Viễn Đông!

Biên khảo: Uy Bảo