Kỳ trước chúng ta đã tiêu Công Lý vào tay Nam Kỳ Khởi Nghĩa và mất Tự Do vào một chiến dịch Đồng Khởi. Kỳ này, người viết xin mời bạn đọc lại thong dong trên những con đường của Sài Gòn từ Xa Cảng Miền Tây đến đại lộ Thống Nhứt! Để nhớ về một Sài Gòn hoa lệ với những con đường nên thơ như Phạm Duy đã từng viết “con đường Duy Tân cây dài bóng mát”. Những con đường vẫn còn đó, đường vẫn cứ là đường cho người qua kẻ lại, cho xe cộ tấp nập và nắng mưa cùng sương gió nhưng hồn đường, chất thi vị của con đường và tên đường thì đã bị đánh mất và lui vào dĩ vãng…

Đi từ cửa ngõ vào tới trung tâm Sài Gòn, nếu để ý bạn sẽ thấy cả một chiều dài văn minh 4000 năm lịch sử của nước Việt trên từng bước chân. Khởi đầu từ Xa Cảng Miền Tây có đường Hồng Bàng, An Dương Vương, Triệu Đà… Bà Triệu… rồi thì tiếp theo có đường Lý Nam Đế, Triệu Quang Phục… kề cận đó là đường Mai Hắc Đế, Phùng Hưng, Ngô Quyền, Đinh Bộ Lĩnh…Lý Chiêu Hoàng. Nhà Trần thì có đường Trần Nhân Tông, Trần Hưng Đạo và các tướng quây quần như đường Phạm Ngũ Lão, Trần Khánh Dư…Từ ngoại thành đi vào trung tâm thành phố là đi quãng đường mấy ngàn năm lịch sử. Nhà Nguyễn là gần trung tâm nhất vì đó là triều đại cận kề nhất. Cuối cùng là hội tụ lại đại lộ Thống Nhứt, đẹp và rộng, dẫn thẳng vào Dinh Độc Lập, trung tâm quyền lực của thời Việt Nam Cộng Hòa. Họ không lấy tên những nhân vật chính trị của chế độ để áp đặt vào những con đường mang tên lịch sử đó mà lấy tên những bậc anh hùng hào kiệt dựng nước và giữ nước để tỏ lòng tôn kính các bậc tiền nhân.

Cứ thế vào càng gần trung tâm thì càng tiệm cận đến lịch sử cận đại như đường Lê Lợi, Lê Lai, Nguyễn Trãi… sát trung tâm hơn nữa thì có đường Nguyễn Hoàng, Minh Mạng, Tự Đức cùng các tướng lãnh như Võ Tánh, Lê Văn Duyệt…

Hướng qua phía bắc khu trung tâm Sài Gòn (phía Quận 3 ngày nay) chúng ta sẽ có dịp thấy các con đường được đặt tên dưới triều Tây Sơn và các nhà văn, nhà thơ, học sĩ như: Bà Huyện Thanh Quan, Hồ Xuân Hương… cùng với các võ tướng Tây Sơn: Bùi Thị Xuân, Trần Quang Diệu…

Con đường nhỏ hơn nhưng chỉ có một chiều, chạy ngang Toà án và cổng chính Dinh mang tên Công Lý (Công Lý thì không thể nào 2 chiều được!). Hai con đường song song với Đại Lộ Thống Nhất được mang tên của hai danh nhân đã tạo ra chữ viết của Việt Nam là Hàn Thuyên và Alexandre de Rhodes với hàm ý biết ơn sâu sắc.

Trở lại với thời hiện tại thì rất khác, cách đặt tên đường xem ra chẳng theo một qui luật nào cả, và các nhân vật xa lạ chiếm hết những con đường chính. Ngoài những tên đường lạ hoắc mang tên những người cách mạng lão thành đã hy sinh còn thấy đâu đó bí quá nhà nước này đặt tên đường theo những con số và chữ cái khi mà sự phát triển quá xô bồ khiến cho những con đường cứ thế mọc lên như nấm sau mưa. Những con đường nào là đường số 1, đường D1, D2,..v..v thậm chí có cả tên đường những nhân vật hư cấu như Lê Văn Tám.  Lúc mới sau 1975, tôi rất ngạc nhiên khi người ta lấy tên sự kiện như “Đồng Khởi”, “Cách mạng Tháng Tám”, hay tên đường với ngày (3/2 – Ngày thành lập đảng cộng sản). Tuy nhiên, sau này có dịp ra ngoài Hà Nội và tìm hiểu trong thế giới cộng sản thì tôi không ngạc nhiên nữa, vì đó cũng là các đặt tên đường ở Liên Xô và mấy nước XHCN cũ. Không biết các bạn thì sao, chứ mỗi lần đi trên con đường Lê Duẩn thênh thang, tôi cứ bị ám ảnh vào cái thời bao cấp và ăn bo bo sau 1975. Nghe tên ông ấy là tôi nghĩ ngay đến cái thời đau khổ, thời của đói kém và xếp hàng mua tem phiếu. Có khi phải lén lút chạy vạy buôn bán như tên tội phạm. Thời ấy nhà nào cũng được chia từng xuất theo tiêu chuẩn. Nhà nào là cán bộ thì ưu tiên hơn còn nhà nào là người của chế độ cũ thì xem như chết đói nếu không biết tìm cách xoay sở cầm cố, buôn thúng bán bưng cách này hay cách khác.

Lại có những tên đường rất kì cục như Đồng Đen (quận Tân Bình) hay đường nghe tên rất chiến tranh như đường Tên Lửa (ở gần Bình Chánh)! Do đó, nó cũng chẳng có ý nghĩa gì hết! Họ chỉ đặt tên cho có tên để mà gọi con đường phân biệt với các con đường khác.

Sau 1975, chúng ta biết là có những đợt thay đổi tên đường theo sau đổi tên thành phố. Sài Gòn – Hòn Ngọc Viễn Đông đã phải nhường chỗ cho tên lãnh tụ được phong làm thần thánh hóa và cứ sống mãi là Hồ Chí Minh. Nhìn qua cách đổi tên đường, có thể đoán được rằng mấy người trong chính quyền hiện nay không ưa Triều Nguyễn, vì những ông vua và quan của triều này bị cho biến đi gần hết. Một vài ví dụ như:

* Đường Gia Long là một ông vua gây ra nhiều tranh cãi, nhưng là người có công mở rộng bờ cõi phía Nam và khai sáng Triều Nguyễn; ông ấy phải “nhường” chỗ cho cậu bé Lý Tự Trọng.
* Đường Minh Mạng là một ông vua nổi tiếng thơ ca, nhưng đành phải nhường cho Ngô Gia Tự (chẳng biết ông này là ai).
* Đường Thiệu Trị cũng là vua Triều Nguyễn, nay bị Trần Hữu Trang làm cho biến mất.
* Đường Tự Đức bị cho lên đường và thay vào là cái tên lạ hoắc Nguyễn Văn Thủ (nơi mà người viết hàng ngày vẫn đi làm qua mà bóng dáng một vị Vua lãng mạng và thơ ca đã phải nhường chỗ cho Nguyễn Văn Thủ là ai mà người viết chả biết mà cũng không có nhu cầu muốn biết)
* Đường Đồng Khánh thì lại đổi tên Trần Hưng Đạo, thôi thì cũng tạm được mặc dù đổi cũng chẳng thay đổi gì.
* Đường Duy Tân là con đường đẹp đã đi vào thơ ca, nhưng nay thì bị Phạm Ngọc Thạch cho lên đường biến mất luôn. “Con Đường Duy Tân cây dài bóng mát” thi ca và lãng mạn trong tâm hồn Ns. Phạm Duy nay đã không còn.
* Đường Khải Định cũng là một vị vua Triều Nguyễn, nhưng sau 1975 thì ông bị trục xuất đi và nhường cho Nguyễn Thị Tần (bà này là ai? Ai nào biết bà này?)
* Đường Hiền Vương (tức chúa Nguyễn Phúc Tần là một nhân vật quan trọng trong sử và mở mang bờ cõi về phía Nam, bị cô Võ Thị Sáu chiếm và đuổi đi.
*Đường Hồng Thập Tự nơi có trụ sở của Hội Chữ Thập Đỏ đầy ý nghĩa nhân văn bị xóa sổ thành Nguyễn Thị Minh Khai. (Nghe cái tên là thất khai rồi!)
*Đường Cường Để, nhân vật chính trị kỳ tài, nhà cách mạng và được nhiều nhân vật tôn trọng bị cho đi du lịch y như Kỳ Ngoại Hầu Cường Để phải sống lưu vong tại Nhật Bổn. Và ngày nay thì con đường này có tên Tôn Đức Thắng, đúng là đức thắng nên giờ hàng cây cổ thụ hơn mấy trăm tuổi bị ủi sạch trống hoắc.
Và…còn những tướng lãnh và danh nhân đời Nguyễn như Lê Văn Duyệt, Phan Thanh Giản, Nguyễn Văn Thành, Petrus Ký, Trương Minh Giảng, Võ Di Nguy, Võ Tánh, v.v. bị cho lên đường gần hết.

Tên đường của một thành phố cũng là những kí ức và là di sản của cả một Dân Tộc. Một khi chúng ta đã ở đâu đó và quen với những con đường thì đó cũng là kỉ niệm một thời. Đó là những ký ức khó phai mờ và xóa bỏ vì đó là những kỷ niệm khó quên! Xoá bỏ hay thay đổi tên đường, do đó, là một hình thức xoá bỏ kí ức tốt đẹp đó của người Miền Nam. Ấy là đối sách của nhà nước cộng sản với quân dân cán chính miền Nam thời Việt Nam Cộng Hòa. Đối với những người lớn lên trước 1975 ở trong Nam thì quả thật việc thay đổi tên đường là một cái sốc và là sự đau đớn mà khó diễn tả. Nó như vết dao cứa vào từng thớ thịt từ từ và rỉ máu từng ngày khi thấy những điều tốt đẹp, những con đường, những di sản của chế độ bị xóa sổ dần dần. Người viết cứ mộng mơ một ngày nào đó, một ngày không xa để “Mơ Một Ngày Về” cái thời xa xưa ấy để những con đường lại được tái sinh.

Biên khảo: Uy Bảo
                                                                                                                                                 
Ghi chú: Bài có sử dụng một số thông tin từ NguyenVanTuan’s blog