GIÊRUSALEM (Tiếp kỳ trước)

Bà Helena mẹ của Hoàng đế Constantine hay Tổng G.M.
Makarios đã chỉ định đích xác  địa điểm có ngôi mộ Chúa Giêsu.

Trước hết theo Tân Ước do các Thánh sử tường thuật: Chúa Giêsu bị đóng Đinh ở nơi gần tường thành Giêrusalem, nhưng ở phía ngoài. Ngày nay như chúng tôi đã nói (ở số báo trước) Thành phố Giêrusalem theo thời gian cứ được nới rộng, nên các Đền, điện thờ, hay nhà thờ tưởng niệm, kính nhớ đều nằm trong thành phố! Ngày xưa, phía Tây-Bắc ngoại thành có một mỏ đá vôi Malaki rắn chắc. Mỏ đá có niên đại thế kỷ 8 và 7 trước T.C. Mỏ đá này đã được khai thác nhiều đời, người ta lấy đá dùng để ốp phía mặt ngoài của các công trình xây cất ở Giêrusalem. Đến thời Chúa Giêsu, chỉ còn lại một phần của mỏ đá đó, có hình tượng giữa đồi và núi, nên người ta gọi là đồi Calvary, hay Núi Sọ (Golgotha). Chính nơi đây Chúa Giêsu đã bị đóng đinh trên Thánh gía, cùng hai người trộm cướp. Gần đó, những người khá giả của Giêrusalem thuê người đào hầm, làm mộ cho chính họ. Trong số đó có ông Giuse xứ Arimathea. Phúc Âm thuật như sau: “Chiều đến, có một người giàu sang tới. Ông này là người thành A-ri-ma-thê, tên là Giô-xếp, và cũng là môn đệ Đức Giêsu. Ông đến gặp ông Phi-la-tô để xin thi hài Đức Giêsu. Bấy giờ tổng trấn Phi-la-tô ra lệnh trao trả thi hài cho ông . Khi đã nhận thi hài, ông Giô-xếp lấy tấm vải gai sạch mà liệm, và đặt vào ngôi mộ mới, đã đục sẵn trong núi đá, dành cho ông. Ông lăn tảng đá to lấp cửa mồ, rồi ra về. Còn bà Maria Mác-đa-la, và một bà khác cũng tên là Maria ở lại đó quay mặt vào mồ.” (Mt 27,57-61). Câu truyện trong Phúc Âm, cho chúng ta biết cửa mồ được lấp bằng một tảng đá tròn, lớn. Các nhà khảo cổ đã tìm thấy một vài ngôi mộ như thế trong khu vực Giêrusalem, có niên đại cùng thời với Chúa Giêsu. Có lẽ họ thuộc gia đình quí tộc cũng như Thánh Matthêu kể ông Giuse này là một người giàu sang. Và theo những ngôi mộ tìm thấy thì trước cửa mộ, băng ngang lối vào, có một cái rãnh, và dù vậy, muốn lăn tảng đá tròn để lấp cửa mồ, cũng cần đến một sức mạnh phi thường, vì tảng đá rất nặng. Theo phong tục Do-thái, trước khi mai táng, thi thể phải được tắm và sức dầu Thánh theo đúng nghi thức của luật Do-thái thời đó. Giờ đầu tiên của ngày sau ngày Sabbath, mấy người phụ nữ tới mộ thì đã thấy tảng đá lăn qua một bên thật kỳ diệu và chỉ còn băng ghế trống.
Không cần suy luận cũng biết rằng trong nhiều năm, các môn đệ cũng như các tín đồ của Chúa rất sùng kính địa điểm này, và có lẽ họ thường xuyên lui tới. Nhưng phải nói rằng Hadrian đã không muốn những người Thiên Chúa Giáo lui tới nơi đó, vả lại chính ông cũng muốn phá hủy thành phố này, để xây dựng thuộc địa ngoại giáo Aelia Capitolina của mình ngay trên đống đổ nát. Năm 135 sau T.C. Hadrian đã xây dựng một khu đền đài đồ sộ, trên một địa điểm được coi là có nền móng cao, và trong số đền đài ấy, có một đền thờ đặc biệt để thờ Nữ Thần Aphrodite (nữ thần tình yêu). Thánh Jerome (khoảng 395 sau T.C.) viết rằng có cả một tượng nữ thần được dựng trên Núi Sọ gần đó. Dĩ nhiên các tín đồ của Chúa thời ấy chứng kiến hoàng đế Hadrian xây đền ngay phía trên Mộ Thánh, để ngăn cản tín đồ tìm đến những nơi thiêng liêng nhất của họ. Tuy nhiên, với thời gian dần dần bị mất dấu. Dù vậy, người ta nghĩ thế nào cũng phải còn tồn tại dù rất ít người của Chúa ở lại Giêrusalem trong suốt thời kỳ đế quốc La-mã.
Lịch sử luôn luôn có những khúc quanh bất ngờ! Bất cứ con người chính trị nào nghĩ rằng thể chế chính trị (chế độ) mà họ đang cầm quyền sẽ thống trị muôn năm, thì thật là nhà chính trị mê muội, vì đã không học được bất cứ bài học lịch sử nào! Cho dù rằng đã có đọc lịch sử. Nhất là sự thể hiện “đầu óc thống trị muôn năm” được diễn đạt bằng cách bắt kẻ dưới quyền phải xây đài, tạc tượng cho mình, ý như để hậu lai, muôn đời phải ghi nhớ! Cái khúc quanh đó xảy ra vào năm 324, khi Constantine trước đó đã phải bỏ ra 18 năm tranh đấu giành quyền lực, cho đến khi đánh bại địch thủ cuối cùng để trở thành vị hoàng đế La-mã độc nhất. Tuy nhiên, không cần phải chờ đợi, (trên lãnh địa của ông) 11 năm trước, tức điểm mốc đánh dấu sự thay đổi đáng kinh ngạc nhất trong lịch sử La-mã là năm 313, hoàng đế Constantine đã thay đổi chính sách ưu ái đối với KiTô giáo, thay vì chính sách khắc nghiệt và cấm đạo trước đây của các hoàng đế La-mã. Vì trước đó mẹ ngài là bà Helena đã chịu phép rửa. Một câu truyện về nguyên nhân theo đạo của Hoàng đế Constantine xuất hiện vào khoảng những năm từ 318-320, kể rằng: Một đêm kia, trước khi chiến đấu với một kẻ thù để giành quyền uy tối thượng nước Ý (năm 312), tại cây cầu Milvian gần Rome. Trong giấc ngủ, ông đã mơ được bảo là phải viết chữ KiTô lồng vào nhau trên mỗi chiếc khiên của binh sĩ: “Cứ dấu này ngươi sẽ thắng trận”. Constantine đã làm y theo sự chỉ bảo trong giấc mơ, và ông đã thắng trận. Vì nhận ra quyền năng của Thiên Chúa dưới tên Đức Giêsu, nên thay vì khủng bố những người KiTô giáo, Constantine đã triệu tập một Hội nghị ở Milan, năm 313 công bố trả tự do hoàn toàn cho các KiTô hữu được thờ phụng Thiên Chúa, và công khai rao giảng những điều thuộc về Đức KiTô. Ông ra lệnh các nơi phải hoàn trả tất cả những gì đã tịch thu của người Công Giáo. Họ được phép xây cất nhà thờ, thánh đường là nơi để thờ phượng, và những nơi này được miễn một số thuế. Các Giám Mục được phép xét xử các tranh chấp về pháp lý của các thành viên trong giáo đoàn. Vì vậy, Giáo Hội có tư cách pháp nhân, và điều khoản này đã được kể từ thời đó, cho tới các thế kỷ 18, 19 tại nhiều nơi bên Tây phương. Nhưng ngay thời điểm đó, Công giáo vẫn chưa phải là quốc giáo thực sự của La-Mã. Ngay cả việc Constantine có rửa tội hay không, và rửa vào lúc nào, một thời vẫn còn là vấn đề gây tranh cãi. Nhưng có nguồn tin cho biết là trước khi băng hà năm 337,Constantine đã chịu phép rửa từ Giám mục Eusebius xứ Nicomedia. Đến thời hoàng đế Julian mà thường người ta biết đến tên Apostate, lại trở mặt với giáo hội, và trong những năm từ 361-363, vị hoàng đế này đã làm sống lại truyền thống các vị thần Hy-lạp trước kia. Nhưng lúc đó KiTô giáo đã trở thành một làn sóng vững mạnh, không thể đè bẹp! Năm 392, Theodosius Đại Đế chỉ chấp nhận duy nhất có KiTô giáo, và cho phép không những được hoạt động trong các lãnh vực tôn giáo, mà ngay cả phục hồi các uy lực thế tục. Trong khi đó lại cấm chỉ sự hoạt động của các tôn giáo khác. Có lẽ đến thời Đại đế Theodosius này, Công giáo mới thực sự trở thành quốc giáo của La-Mã.
Chúng ta ngưng lại giai thoại lịch sử, để trở về lãnh vực khảo cổ, xét lại địa điểm mai táng Chúa Giêsu bị mất dấu trong hơn hai thế kỷ khi Giêrusalem trở nên một thành phố ngoại đạo. Đến đầu thế kỷ thứ 4 sau T.C. năm 325 sau Công Đồng Nicaea, hoàng đế Constantine chính thức yêu cầu vị Tổng G.M. Giêrusalem bấy giờ là Makarios hãy cho ông biết nơi Chúa Giêsu bị đóng đinh, cũng như chỉ rõ ngôi Mộ Chúa Giêsu ở đâu, để ông sẽ cho xây cất làm nơi thờ phượng và tôn kính. Câu chuyện được kể rằng: Dường như Tổng G.M. Makarios đã biết rất chính xác, Ngài chỉ ngay địa điểm mà trên đó hoàng đế Hadrian 200 năm trước đã xây đền thờ nữ thần Aphrodite (người Lã Mã gọi Aphrodite của Hy-Lạp là Venus) một ngôi đền rất đồ sộ, ở cạnh Bắc của toà án, nằm ngay trung tâm thành phố của Hadrian (thực ra vào lúc Chúa Giêsu bị đóng đinh, khu vực này nằm ngoài thành phố. Trong khoảng từ 10 đến 15 năm sau khi Chúa chết, khu này mới được sát nhập vào thành phố, rồi thành phố Giêrusalem cứ được nới dần, nới dần cho đến lúc khu này trở thành trung tâm). Hoàng đế Constantine lập tức phá hủy đền thờ nữ thần, khi đến phần nền ngôi đền, những người khai quật đã nhanh chóng phát hiện một ngôi mộ mà ai nấy đều quả quyết rằng: Chính là nơi mà Joseph xứ Arimathea đã đặt thi hài Chúa Giêsu nằm trong đó 300 năm trước. Một truyền tụng khác cho rằng chính Hoàng Thái hậu ngoan đạo Helena đã chỉ cho con mình tìm được mộ Chúa. Lại thêm một nhân chứng nữa giải thích việc tìm kiếm Mộ Chúa, là Giám mục Eusebius của vùng Caesaria. Ngài cũng là sử gia của giáo hội thời đó. Chính ông đã viết tiểu sử hoàng đế Constantine, lúc cũng đã gần cuối đời, khoảng năm 337 sau T.C. G.M. Eusebius cho rằng việc khai quật và xác định Mộ Chúa không khó, là vì giáo dân lúc còn đi lại viếng Mộ chắc đã đánh dấu bằng cách lén khắc vào Mộ thí dụ như tên Chúa. Martin Biddle giáo sư cao đẳng Hertford và Oxford nêu nhận xét: Chính việc nhận dạng ngôi Mộ Thánh Phêrô cũng theo cách này là người ta đã lén khắc tên Ngài trên Mộ, để người sau có thể nhận ra. Hiện nay mộ Thánh Phêrô nằm sâu dưới bàn thờ chính trong đại Thánh đường Thánh Phêrô ở Rô-ma.
Chúng ta có thể suy luận: Một người đạo đức như bà Helena có thể đã bảo con mình phải xây dựng các địa điểm Thánh cho Chúa. Nhất là bà làm sao lại chịu để cho Mộ Chúa phải nằm dưới nền của một nữ thần ngoại giáo.
– Vì bà là người có thế lực nhất, nên chắc chắn nhiều con chiên ngoan đạo đã nói cho bà biết đích xác địa điểm Mộ Chúa.
– Vì còn ai khác hơn Helena vừa có quyền, vừa có khả năng làm những chuyện lớn lao cho giáo hội, nhất là trong giai đoạn đầu.
– Vì Constantine là vị vua La-mã đầu tiên theo đạo Công giáo.
Là một vị mẹ vua lại ngoan đạo, đương nhiên sự gặp gỡ giữa T.G.M. Giêrusalem với bà là chuyện không có gì khó khăn hay đáng phải ngạc nhiên. Vậy thì những gì bà Helena biết, thì T.G.M. Makarios cũng biết, và ngược lại.  Tuy nhiên, trên danh chính ngôn thuận thì hoàng đế phải yêu cầu giáo quyền, tức T.G.M. Giêrusalem xác định cho rõ đâu là Mộ Chúa Giêsu cũng như nơi nào Thánh giá Chúa hồi đó người ta đã dựng lên, để vua cho thi công. Bởi vậy cuộc tranh luận ai thực sự là người đã chỉ điểm cho hoàng đế Mộ Chúa, không phải là việc quan trọng và cần thiết. Nên chấp nhận cả hai! Vấn đề chính xác ngôi Mộ của Chúa mới là quan trọng!
Tên gọi của Nhà Thờ Nhà Mồ Thánh là Martyrion (Nhân Chứng). Đối với thời đại Constantine, Martyrion đã là nhà thờ lớn nhất. Nhà Thờ bao gồm: (Tính từ Đông sang Tây) Đầu tiên người ta gặp “Nhà Nguyện Thánh Giá”. Theo truyền thuyết, chính bà Hoàng Thái Hậu Helena đã được hân hạnh đặt Thánh Giá Chúa Giêsu nơi đây (dĩ nhiên 2000 năm qua, với bao biến đổi, những cuộc chiến tranh tàn phá, cả động đất lẫn hỏa hoạn, bạn đừng nghĩ rằng cây Thánh giá bà Helena đặt dạo đó vẫn tồn tại, hay còn là cây Thánh gía thật). Nhà nguyện này nhỏ, thấp, giữa có mái vòm. Nối tiếp với nhà nguyện, nhưng nâng lên cao hơn theo thế đất hồi trước Hadrian đã xây đền thờ nữ thần, là những gian nhà giao ngang, trước đây là một vườn lan (thời nữ thần). Từ nhà nguyện tới đây có thể nói là khu vực “Núi Sọ” thời xưa (dĩ nhiên bây giờ khách hành hương không còn nhận ra hình ảnh “Núi Sọ” như những bức tranh vẽ cảnh Chúa chịu nạn trên đồi Golgotha). Nơi đây bên trên cũng có một mái vòm, lớn hơn mái vòm nhà nguyện, nhưng nhỏ hơn mái vòm Nhà Thờ nhà Mồ Thánh ngay kế đó về hướng Tây. Nhà Thờ Nhà Mồ Thánh là một tòa nhà tròn, có mái vòm khổng lồ (Rotunda), còn gọi là Anastasis hay “Phục Sinh”. Bên trong nhà thờ nhà Mộ Thánh chính là Mộ Chúa ngày xưa. Ngôi mộ này như đã nói ở trên, là nằm dưới nền của đền thờ nữ thần cũ, được người ta khoét bỏ đi lớp đá nền chung quanh, và mặt đất chung quanh Mộ cũng được san bằng, để thấy ngôi Mộ Chúa nổi lên trên một tấm nền phẳng và rộng, nhưng bạn không thấy được ngôi Mộ nguyên thủy đâu! Vì Constantine đã xây một điện nhỏ bọc ngoài, gọi là nhà nhỏ Aedicule. Cũng tuy nhiên qua thời gian,  cái điện nhỏ bọc ngoài Mộ mà bạn thấy hôm nay, nó đã chẳng còn đâu! Vì cái mà bạn nhìn hôm nay nó thuộc về hàng con cháu thứ ba rồi! Vì trải qua nhiều thế kỷ, từ lúc xây dựng nhà thờ nhỏ và nhà thờ lớn ban đầu, đã nhiều lần bị lửa, động đất, bàn tay con người thiêu hủy hoàn toàn hay từng phần. Lần sau cùng người ta xây lại Nhà thờ Nhỏ sau một trận hỏa hoạn dữ dội vào năm 1808. Gần đây nhất, công trình không ổn định trong thời gian người Anh được ủy nhiệm cai trị, sau động đất 1927 người Anh dùng giàn giáo thép (Anh) để vây chung quanh và cũng để chống đỡ đề phòng động đất. Chắc chắn trong tương lai Cộng Đồng những tôn giáo có trách nhiệm sẽ lại xây một nhà thờ nhỏ khác.
Trong những mảnh vụn của muôn một những câu chuyện vừa mang tính lịch sử, vừa được coi là công trình khảo cổ, tất nhiên sau hai ngàn năm, người ta có quyền đặt nhiều câu hỏi, thí dụ như: Liệu có thực là Mộ Chúa đấy không ? Cả Helena lẫn Tổng G.M. Makarios có lầm lẫn không ? Từ nhà thờ lớn lẫn ngôi điện nhỏ bao bọc mộ đã phải xây đi xây lại, vậy thì ngôi Mộ bên trong điện nhỏ, có thực là còn nguyên vẹn không ? Hay một lúc nào đó, người ta cũng đã làm nên một ngôi mộ mới với những tảng đá hoàn toàn khác rồi ? Dĩ nhiên người ta có quyền đặt nghi vấn về bất cứ cái gì trên đời! Nhưng trong số đó, có một nghi vấn nực cười nhất mà kẻ “Sưu khảo” này đã gặp được trong một cuốn sách có “tầm cỡ” là: “ Giới khảo cổ nên thăm dò xem liệu thi hài của Chúa Giêsu nằm trong đó, có còn nằm yên như ban đầu hay không ?”. Nếu bạn đọc có cảm thấy phải bật ra một nụ cười “mỉm chi”, thì cứ xem như “Một nụ cười được tặng không” để kết thúc hành trình chuyến đi thăm Mộ Chúa tại đây vậy. /.

Biên khảo: Uyên Ly