GIÊ-RU-SA-LEM (Tiếp theo)
Ngay loạt bài đầu tiên, chúng tôi đã trình bày rằng Giê-ru-sa-lem là một địa danh có nhiều điện thờ, và di tích lịch sử quan trọng nhất thế giới. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta sẽ đề cập đến tất cả, mà chỉ vài nơi tiêu biểu. Kỳ này, sở dĩ chúng tôi giới thiệu Thánh đường Vòm đá, vì trong điện thờ này có “tảng đá” được cả người Do-Thái giáo lẫn người Hồi giáo cho là linh thiêng. Vì chính nơi đây, trên tảng đá này, Tổ phụ Ap-ra-ham đã dâng con mình là I-xa-ác làm lễ tế dâng lên Đức Chúa Trời. Ngày nay người ta gọi nơi đây là “Núi đền”, vì trên ngọn núi này có nhiều đền, chứ đúng ra Tổ phụ Ap-ra-ham đã đặt tên cho nó là “Núi Đức Chúa sẽ liệu” (St 22,14), vì Chúa chỉ thử lòng ông, không để ông phải giết con mình làm của lễ, và ngay sau đó, Chúa đã cho ông một con cừu đực bị mắc sừng trong bụi cây, để làm của lễ toàn thiêu thay cho con mình, rồi Người đặt giao ước với ông: Vì ngươi đã không tiếc con một của ngươi, nên ta sẽ thi ân giáng phúc cho ngươi, sẽ làm cho giòng giõi ngươi nên đông như sao trên trời, cát ngoài bãi biển. Theo nghĩa đó, truyền thống Do Thái quan niệm đây là nơi thế giới được sáng tạo đầu tiên.
Tuy nhiên Thánh đường “Vòm đá” hiện thời không phải của người Do Thái dựng lên, mà do vua Hồi giáo Abdah Malikbn Marwan xây dựng trong khoảng những năm từ 688 đến 691 (sauTC). Điều mà ai cũng có thể hiểu là vì người Do Thái mới trở về lập quốc đây thôi. Đối với người Hồi giáo, Thánh đường “Vòm đá” được coi là linh thiêng nhất, chỉ đứng sau hai Thánh địa Mecca và Medina. Vì Mecca nằm ở miền Tây Ả Rập Xê Ut, là sinh quán của Giáo chủ Muhammad (khoảng năm 570) đến năm 622 ông bị chống đối (Vì sự khác biệt giữa đa thần và độc thần), buộc ông phải chuyển đến Medina, một thành phố cách Mecca khoảng 200 dặm về phía Bắc, và thành lập Hồi giáo ở đó. Nhưng chỉ một thập niên sau, vị giáo chủ này đã trở về chiếm lại sinh quán của mình và xây dựng Ka’ba (Một điện thờ thiêng liêng nhất của người Hồi giáo). Theo truyền thống, Mecca xưa kia là vùng sa mạc Bơ-e Sơ-va, nơi It-ma-ên, con của Tổ phụ Ap-ra-ham với người nữ tỳ tên Ha-ga – Hai mẹ con bà bị Ap-ra-ham nghe lời bà Xa-ra, vợ chính thức của Ap-ra-ham và là mẹ của I-xa-ác đuổi đi – Hai mẹ con Ha-ga và It-ma-ên đi lang thang trong sa mạc và khi nước trong bầu da đã cạn, thì nàng khóc vì nghĩ đứa bé sẽ chết. Sứ thần của Chúa hiện đến nói với nàng: Đứng lên ôm nó dậy, vì Thiên Chúa nói: “Ta sẽ làm cho nó thành một dân tộc lớn”. Rồi Ngài cho nàng thấy một giếng nước phun lên trong sa mạc (xem St 21,8-21). Bây giờ người ta gọi tên giếng nước đó là Zamzam, nó có thể cung cấp nước cho cả một vùng thảo nguyên sa mac phía Tây Arabia. Giáo chủ Muhammad qua đời năm 632. Tại hai thánh địa nói trên, người ta đã xây cất hai đại thánh đường quan trọng vào bậc nhất và nhì của Hồi giáo, và là nơi hành hương của hàng triệu tín đồ mỗi năm. Tuy nhiên, Giê-ru-sa-lem cũng vẫn là nơi quan trọng đối với Tiên tri Muhammad và các tín đồ của ông, vì theo lời giảng dậy của ông, chính Chúa đã đưa ông từ Mecca đến “Tảng đá” nơi sau này thánh đường đã được xây cất lên như đã nói ở trên. Chuyện kể rằng: Một vị Tổng lãnh thiên thần có tên là Gabriel đã mang tới cho ông một con vật bay lạ kỳ, được gọi là al.Buraq nghĩa là “Tia chớp”. Tia chớp này đã đưa nhà tiên tri từ Mecca đến Giê-ru-sa-lem, để ông được hội ngộ với Ap-ra-ham, Mô-se, Jesus và những tiên tri khác ở hòn đá thiêng. Cũng theo truyền thống đạo Hồi,tiên tri Muhammad đã từ tảng đá đi lên cõi trời “trong chuyến đi đêm” của ông bằng con ngựa “tia sáng” của mình, để được bệ kiến Đức Allad (Chúa Trời). Sau đó ông trở về Mecca trước khi trời sáng. Tất cả mọi tín đồ Hồi giáo mộ đạo đều tin rằng: Hiện nay điện thờ trong Thánh đường Vòm Đá không chỉ chứa Tảng đá của Tổ phụ Ap-ra-ham, mà còn có sợi tóc của tiên tri Muhammad. Vào ngày Tận Thế, sợi tóc này sẽ được kéo căng từ đền Vòm đá đến núi Olive cho tất cả người chết sẽ phải đi trên đó, và những kẻ tội lỗi sẽ rơi vào địa ngục.
Ngày nay, đứng trên núi Olive (núi cây Dầu), nơi có vườn Gethsemane hai ngàn năm trước, Chúa Giêsu đã cầu nguyện đổ mồ hôi máu trong đêm chịu nạn. Nơi đây có Vương Cung Thánh Đường Các dân tộc của Công giáo, người ta nhìn xuống chân núi, sẽ thấy cảnh nhà thờ kính Thánh nữ Maria Magdalene, được Chính Thống giáo Nga xây dựng năm 1885. Xa hơn là một bức tường dài mang tên “Bức tường than khóc” của Do Thái giáo, và người ta cũng có thể nhìn thấy phía bên kia bức tường là một Thánh đường Hồi giáo hình lục lăng, giữa nhô lên một cái “đôn” (mái vòm) tựa như dát vàng chói sáng dưới ánh mặt trời nổi bật. Đó chính là Thánh đường mang tên Vòm Đá .
Biên khảo: Uyên Ly