Trong phần trình bày trước (Ch.Lý số 80), chúng tôi đã đề nghị duyệt qua học thuyết Plato, trước khi đọc trích phẩm. Trước hết, thế nào là duyệt qua ?
Chữ “duyệt qua” ở đây chúng tôi nhắm đưa ra một giới hạn, thay vì một tổng thể. Một tổng thể theo lý thuyết thì nó bao gồm cả 3 thành phần sau đây:
1. Các học thuyết do Plato chủ trương.
2. Các học thuyết được đưa ra bởi các nhà tư tưởng sau ông, nhưng lại dựa vào học thuyết của Plato, lấy học thuyết của ông làm trọng điểm, nhất là về các hình thái hay ý tưởng, hoặc một học thuyết tương tự với nó như các thực thể toán học tồn tại độc lập cả trong thế giới thực tế thường nghiệm, lẫn trong tư duy của con người.
3. Truyền thống của các nhà tư tưởng đòi hỏi phải được viện dẫn từ tư tưởng của Plato, cho dù các học thuyết của họ trên thực tế có được Plato chủ trương hay không.
Vì tính bao quát đặc thù như thế, nên đã hơn một lần chúng tôi nại ra câu nói của A. N. Whitehead khi ông bảo: “Mọi triết học thời sau đều là những cước chú cho Plato”. Chính vì Plato đã nêu ra và cho giải đáp gần hết các vấn đề.
Và vì vậy, ở đây chúng tôi phải giới hạn, là chỉ duyệt qua điểm 1, là những học thuyết do Plato chủ trương mà thôi!
Các nhà triết học đã đồng ý phân chia sự ảnh hưởng học thuyết Plato thành sáu thời kỳ lớn (vì tính đa diện cũng như khác hẳn nhau đến nỗi người ta đã không dễ gì rút ra được một tập hợp các học thuyết đồng nhất, duy nhất về các tác phẩm của Plato. Olympiodorus – Triết gia theo học thuyết Tân Plato – đã viết: “Plato đã mơ ước biến mình thành con thiên nga, chuyền từ cây này sang cây khác, để lẩn tránh các mũi tên của các tay thợ săn”. Và vì thế các tác phẩm của ông chuyển biến theo nhiều hướng từ vật chất lẫn đạo đức, kiêm thần học lẫn văn chương.):
1) Học viện thời cổ: Thời kỳ sau Plato mất, từ viện trưởng Speusippus (405-335 BC) đến Xenocrates (396-314 BC) học viện Academia (của Plato) vẫn tiếp tục làm việc theo phong cách của Plato về siêu hình học, luận lý học và toán học.
2) Học viện Hy Lạp: Ðược kể từ Arcesilaus người viện trưởng thứ sáu, lúc đó học viện đã kết hợp thêm chủ nghĩa hoài nghi, để chống lại chủ nghĩa khắc kỷ, và chỉ duy trì được một, hai thế kỷ. Dưới thời viện trưởng Antiochus (130-168 BC) học viện đã bỏ chủ nghĩa hoài nghi, và áp dụng một sự dung hòa các học thuyết Plato, chủ nghĩa Khắc kỷ và học thuyết Aristotle. Ngay cả khi chúng ta đọc tác phẩm Contra Academicos (Kết ước của Học viện) của Thánh Augustine (386 AD), ta cũng thấy thánh nhân chống lại chủ nghĩa hoài nghi, mà ông biết được do đọc “Academica” (Học viện) của Cicero, nhưng ngài đã tế nhị hóa giải bằng học thuyết Tân Plato (Neo-Platonism) học từ Plotinus, qua sự biện luận rằng: Học viện có một học thuyết bí ẩn mà họ không tiết lộ cho người ngoài.
3) Tân học thuyết Plato thời cổ đại: Triết gia Philo (Trong khoảng từ 25 BC tới 50 AD) đã kết hợp chủ nghĩa Plato với Do Thái giáo, rồi Clement ( trong khoảng 150-250 AD) và kế đó là Origen (185-254), người đồng hành với Plotinus thường được xem là sáng lập chủ nghĩa Tân Plato. Thực ra sự khác biệt giữa chủ thuyết Plato thời kỳ giữa, lấy Numenius nhân vật ở vào khoảng cuối thế kỷ thứ II làm điển hình cho những người đã nỗ lực làm phát triển học thuyết Plato, với Tân-Plato không được rõ nét lắm. Vì ngay từ thế kỷ thứ I, học thuyết này đã được cải cách thành một hệ thống siêu hình và thần học liên quan đến các tư duy về tâm linh như linh hồn, Thượng đế. Lý tưởng hòa nhập vào Thượng đế v.v… trong đó có lãnh vực quỉ thần, một ranh giới giữa con người và Thượng đế. Cho đến khi Iamblichus (?-330 AD) đưa ra khái niệm về Ba Ngôi và tiếp đến những tác phẩm của Augustine (sẽ đề cập sau này), thì học thuyết Tân-Plato đã bước sang thời kỳ “Kitô giáo thời trung cổ).
4) Học thuyết Plato trung cổ: Ảnh hưởng của nó rộng lớn trên ba lãnh vực: Hồi giáo, Byzantium và Tây phương latin. Ở Byzantium¬(1)¬ người ta vẫn tiếp tục đọc các đối thoại của Plato. Michael Psellos (1017-1078) người đạt kỷ lục về việc cổ súy triết học Plato chống lại tư tưởng Aristotle (Môn đệ giỏi nhất của Plato, sẽ đề cập sau). Rồi Basilius Bessarion (1403-1472) và Georgios Gemistos (1355-1450) đã quảng bá học thuyết Plato ở Italia và ở Pleto. Cosimo dei Medici còn sáng lập một học viện Plato mới ở Florence (1459)… Tuy nhiên kể từ thế kỷ XIII người ta thấy nhiều nơi học thuyết của Plato đã bị học thuyết Aristotle lấn át.
5) Thời Phục Hưng: Plato lại trở thành tiêu điểm của việc nổi dậy chống chủ nghĩa kinh viện, và ai nấy đều cảm thấy có nhu cầu làm quen trực tiếp với các văn bản của Plato. Petrarch (1304-1374) đã gọi Plato là “Ông Hoàng của nền triết học”, và chống lại Aristotle. Ficino luôn biện hộ cho thuyết “Linh hồn bất tử” của Plato. Học thuyết Plato đã du nhập vào nước Anh qua Erasmus, Thomas More (1478-1535) dẫn đến sự xuất hiện các triết gia theo học thuyết Plato của Cambridge.
6) Thời Hiện đại: Trong số những người gắn bó với học thuyết Plato, có một số cho rằng Plato là một triết gia hoài nghi của Tân Học viện. Quan điểm này được Cicero hậu thuẫn đắc lực, và đã phục hồi vào thế kỷ XV. Trong số này, có nhà cải cách học thuyết Luther, Philip Melanchthon (1497-1560) và Michel de Montaigne (1533-1592) một triết gia hoài nghi Pháp. Nhưng lúc này lại hình thành một quan điểm thứ ba, cho rằng Plato có một học thuyết tích cực, không như học thuyết Tân-Plato. Quan điểm này hấp dẫn các triết gia Tin lành, như Jean de Serres (1540-1598), cũng theo học thuyết Calvin, và cũng là người giới thiệu một nhân vật nổi tiếng trong hàng ngũ triết học: Ông Leibniz năm 1578. Quan điểm này cũng đã được xuất hiện đặc biệt ở Ðức với: Jakob Brucker (1696-1770); Dietrich Tiedemann (1748-1803; Wilhelm Tennemann (1761-1819); và Hegel, nhưng rồi chính Hegel cũng lại đưa ra một lý thuyết cho rằng học thuyết Plato không còn được xem là một học thuyết có quy mô rộng lớn nữa, vì với văn minh Hiện đại cần phải có những học thuyết phát triển hơn, như học thuyết Kant, hay học thuyết Hegel. Tuy vậy, nhiều nhà biện giải vẫn cho rằng dù Kant hay Hegel, vẫn cứ phải bắt nguồn từ Plato, vì học thuyết Plato là thành tố cốt tủy cho mọi nền triết học phưng tây như: Galileo, ông nhận định nhờ học thuyết Plato mà ông phân biệt được giữa các ngoại hình của thiên nhiên với cấu trúc toán học thực sự – Cấu trúc này mới là đối tượng của tri thức đích thực – Schopenhauer cho rằng tư tưởng của Plato luôn chiếu sáng cho cả nghệ sĩ lẫn triết gia về nghệ thuật. Jaspers thì bảo: “Plato là đại diện của triết học nói chung”. Nhưng cực đoan hơn cả Hegel, Nietzsche tự cho mình là đối nghịch của học thuyết Plato, ông gọi học thuyết Plato là thứ học thuyết không thể áp dụng vào hữu thể thực tế, trong khi con người là một hữu thể loại này! Ông cũng chống lại cả học thuyết Kitô giáo, và nói: “Học thuyết Kitô giáo là học thuyết Plato mở rộng cho mọi người”. Heidegger cũng không kém khi ông bảo: “Plato đã phát khởi sự suy thoái của chân lý”. Nói tới đây, chúng ta lại nhớ trong khi Plato nói về thầy mình (Socrates) là một người chính trực nhất, tốt lành nhất, thì ông ta lại bị tử hình về tội: Kẻ truyền bá tà thuyết, “Vô đạo đức và làm hư hỏng thanh niên”.
Dù sao đi nữa, chúng ta cũng không thể phủ nhận được rằng: đã hơn hai ngàn năm qua đi, Plato vẫn còn được thiên hạ bàn cãi, mà số cảm tình với ông vẫn chiếm đa số. Nói một cách văn chương nghệ thuật thì tư tưởng của ông vẫn còn đó. Còn nói theo triết lý của Socrates thì Plato không chết, ông vẫn còn sống! … Cho dù “Hiện sinh vô thần” như Jean Paul Sartre cũng vẫn còn đặt lại vấn đề “Hữu thể và Hư vô”, rõ ràng là thế!
Kỳ tới mời quý độc giả thưởng thức trích đoạn trong tác phẩm nổi tiếng “Cộng Hòa” (Republic). Một tác phẩm có tựa đề mang màu sắc chính trị, nhưng lại không trực tiếp bàn về chính trị, mà lại bàn về “Linh hồn chính trực”. Cũng xin nhắc lại Plato sống trước thời Chúa Giêsu sinh ra trong khoảng từ ba đến bốn trăm năm. Lúc đó mà đặt ra vấn đề “linh hồn” thì thật là quá táo bạo, và đúng là kẻ lội ngược giòng sinh mệnh của nhân loại.
Ghi-chú:
(1). Byzantium: Lịch sử Byzantine bắt đầu khi hoàng đế La mã Constantine rời thủ đô của đế chế La Mã từ phương Tây sang phương Ðông năm 324, vì là miền đất thịnh vượng và đông dân nhất của đế chế. Nó bao gồm các trung tâm thành phố lớn như Alexandria, Antioch, Beirut, Constantinople, Trebizond, và Tyre. Constantine chọn thủ đô mới ngay tại Byzantium, một vị trí thuộc địa Hy Lạp cổ xưa. Ðầu thế kỷ thứ VI, Byzantine trở thành một đế chế mới theo các sử gia Tây phương, nhưng trên thực chất, người dân ở đây vẫn nhận mình là người La Mã, vẫn tự hào về nền văn minh này, và họ vẫn dùng tiếng Hy Lạp làm ngôn ngữ chính thức. Ðiều đó không có gì sai, vì các sử gia hiện đại chỉ căn cứ vào sự xụp đổ của đế quốc La Mã bên Tây phương, mà quên rằng mãi tới năm 1453, đế chế La Mã mới xụp đổ ở phương Ðông.
Biên khảo: Uyên Ly