(Truyện kể trong Kinh Thánh)
Trận Đại Hồng Thủy và chiếc tầu ông No-e được kể trong Kinh Thánh (STK: 6-9), có thể tóm lược như sau: Loài người quá tội lỗi, nên Thiên Chúa quyết định xóa sổ. May mắn Ngài còn tìm thấy được chỉ mình ông Nô-e là người đạo đức, nên truyền cho ông đóng một con tầu lớn bằng gỗ bách, có ba tầng, trên có mui che. Đích thân Chúa hướng dẫn chi tiết đóng tầu (thường gọi là Ark, hay Arch, nghĩa là “Con tầu Cứu sinh”). Hầu hết các bức họa nổi tiếng vẽ con tầu Noah, giống như một căn nhà tầng, với mái, có hình đầu hồi, nhiều phòng nhỏ. Ngoài những người trong gia đình, tất cả mọi vật trong tầu, nếu là loài thanh sạch như chim, mỗi loại bảy đôi, ngoài ra mỗi thứ chỉ một đôi, có đực, có cái. Mưa suốt bốn mươi ngày, đêm. Nước dâng lên trên mặt đất thì một trăm năm mươi ngày. Sau đó ông No-e thả lần đầu là con quạ, ba lần sau là chim bồ câu. Không có chỗ đậu thì chim phải bay về. Khi thả bồ câu lần thứ nhì thì nó mang về cành ô-liu, tức nước đang rút. Đến con thứ ba, thì nó không trở lại nữa, ông biết nước đã rút hết khỏi mặt đất. Sau khi dựng bàn thờ làm lễ toàn thiêu kính Đức Chúa, thì Chúa lập giao ước bằng cầu vồng, hứa sẽ không hủy diệt như thế nữa! Có một chi tiết trong Kinh Thánh nói con tầu Noah (Nô-e) “… vào ngày 10 tháng 7, tàu đậu lại trên vùng núi A-ra-rát.” (Stk: 8, 4). Chính chi tiết này, kích thích các nhà thám hiểm từ xưa tới nay, cố công đi tìm vết tích con tầu này.
Tầu Nô-e hiện ở đâu ?
Nơi được nhiều nhà thám hiểm quan tâm tìm kiếm vết tích (xác tầu) tầu No-e là dãy núi Taurus, phía đông của hồ Van ở Armenia. Đã có những nhà thám hiểm leo lên tận đỉnh núi Massis, một đỉnh cao nhất trong dãy này. Vào thời đế quốc Assyria (Thế kỷ 9 – 7 tr. CN) vùng này thuộc vương quốc Urartu – liên hệ với tên Ararat trong Kinh Thánh – Rồi người ta cũng đi tới khắp vùng đông nam của hồ Van, nơi những dãy núi của người Kurd, hoặc dãy Pir Omar Gudrun, ngày xưa gọi là núi Nisir, gần Kirkuk thuộc Iraq, vùng Mesopotamie (vùng Lưỡng Hà) thời cổ đại. Nhưng tất cả đều đã “đi không về không”!
Chuyện không tìm được con tầu ông Nô-e, tưởng cũng không đáng ngạc nhiên, vì cuốn sách Sáng thế ký thực ra không phải là một cuốn sử ký! Cuốn sách này không viết theo thể loại văn “lịch Sử”. Kể cả 73 cuốn trong Kinh Thánh, rất nhiều cuốn sách không phải là “sử”. Một số thuộc thể loại văn chương hay thi ca, một số thuộc lối văn khải huyền (tức các sách tiên tri – loại văn khó diễn nghĩa, hay giải thích nhất), lại có những cuốn thuộc thể văn dùng cho lề luật. Do đó, không nên đi tìm “thực tế sử liệu” đối với những cuốn sách không thuộc loại sử ký, để rồi mắc phải những kết luận hàm hồ, mang tính “bất khả tín”! Ngay cả tên sách “Sáng thế ký”, tác giả (người viết bài này) cũng không thích cái tên gọi đó, bằng tên gọi là sách “Khởi Nguyên” mà trước đây Lm. Nguyễn Thế Thuấn dịch. Bởi vì dùng chữ “ký”, sẽ ngầm hiểu là “bút ký”, hay “ký sự”. Như vậy Sáng thế ký sẽ được hiểu tác giả của nó, là người đã đích thân ghi chép lại những sự kiện, lúc vũ trụ và muôn loài được tạo dựng. Làm sao có con người đó được? Cách nói “ngày thứ nhất, Chúa phân rẽ bóng tối và ánh sáng, dựng lên ngày và đêm”; “Ngày thứ hai tạo ra vòm trời để phân rẽ nước và khí quyển” v.v… Từ ngày nọ đến ngày kia, trong sách Khởi Nguyên (Stk), trên thực tế là hàng tỷ năm tính theo thời gian khoa học. Ai là người sống hàng tỷ tỷ năm đó, để mà viết ký sự? Truyền thống Do-thái cho ông Môi-se là tác giả của Ngũ Thư, tức năm cuốn sách đầu Kinh Thánh, trong đó có cuốn Sáng thế ký (Khởi Nguyên), ngày nay vẫn còn là một dấu hỏi lớn! Nếu ông Môi-se là tác giả STK, thì ông chỉ có thể được Thánh Linh “Linh hứng” để viết, chứ không phải là người sống đồng thời với các sự kiện xảy ra để ghi chép. Cho nên dùng từ “sáng thế ký” thì không bằng gọi là sách “Khởi Nguyên”. Và do đó, những câu truyện chúng ta đọc trong sách Khởi Nguyên, sẽ mang tính biểu tượng, và lồng trong đó những khái niệm thuộc về “chân lý”. Bởi thế, không có tính cách “lịch sử”, và không thể đối chiếu theo khoa học, mà cho dù có muốn nhìn bằng con mắt khoa học thì phải hiểu theo nghĩa tượng trưng. Nhưng cốt lõi, hay tinh thần những câu truyện mô tả trong đó lại có thật, vì là chân lý (được linh hứng hay mặc khải, còn có danh từ “Thần khải”). Tác giả xin đưa ra một thí dụ cụ thể: Thiên Chúa tạo dựng Adong, Eva và vườn Địa đàng: Đó là chân lý (tức có thật đối với những ai đọc bằng con mắt đức tin). Vụ án mạng đầu tiên giữa Ca-in và A-ben là có thật, nhưng không nhất thiết Ca-in và A-ben phải là những con người sống trong thời đại Adong, Eva. Vì A-ben làm nghề chăn nuôi, Ca-in làm nghề cày cấy (Stk: 4,2). Hai nhân vật trước (Adong, Eva) thuộc thời tiền sử (dĩ nhiên trước thời ăn lông ở lỗ – thời con người chưa cần phải che thân). Hai nhân vật sau (Ca-in và A-ben) có nghề chăn nuôi và cày cấy, nên thuộc thời đại nông nghiệp (chỉ trong vòng mười ngàn năm trở lại đây thôi). Từ con người tiền sử (Adong) đến con người nông nghiệp (Ca-in) cách nhau hàng triệu năm (thời tiền sử qua thời đại săn hái, đến thời đại nông nghiệp cách nhau khoảng hai triệu năm). Tuy nhiên, “Khởi Nguyên” vẫn có thể nói Ca-in và A-ben là con của Adong, Eva. Cũng như độc giả và tôi, chúng ta đều là con của Adong, Eva, chỉ khác thời đại mà thôi! Vì thế sau khi Ca-in giết em, Đức Chúa mới ghi dấu trên trán Ca-in, để bất cứ ai gặp ông khỏi giết ông (Stk: 4,15). Điều đó đã cho thấy lúc bấy giờ trên mặt đất không chỉ có một mình Ca-in, mà đã có xã hội loài người đông đảo bên cạnh Ca-in. Chuyện Tầu ông Nô-e cũng được kể trong sách “Khởi Nguyên”, thì tính chất câu truyện cũng phải hiểu theo cách đó! không nhất thiết phải đi tìm bằng chứng lịch sử.
Những biểu hiện về “Đại hồng thủy:
Các sử gia trên thế giới từng đặt câu hỏi: Liệu trong quá khứ của lịch sử nhân loại, thật sự có một trận Đại hồng thủy đã tiêu diệt hết mọi loài như đã được mô tả trong Kinh Thánh chăng ? Từ một nghi vấn như vậy, người ta đi tìm vết tích những thành phố cổ bị chôn vùi dưới đáy biển, hay trong lòng đất. Ngành khảo cổ cũng có đôi lúc làm lóe lên những tia sáng về lần “tận thế thứ nhất” này. Lại không riêng gì người Do-thái, nhiều truyền thuyết của những dân tộc khác, cũng có đề cập tới trận đại hồng thủy, nơi những xứ sở của họ, từ Mesopotamia đến Địa Trung Hải; Từ Nam Mỹ đến Úc-Á … từng đã trải qua. Vậy phải chăng nhân loại đã thực sự kinh qua một lần tận thế bởi mưa lụt giầm dề, nước dâng ngập núi ? Nhưng rồi làm sao lại có một loài người thứ hai còn tồn tại tới bây giờ ? Phải chăng đã có một con tàu “Cứu sinh” (Ark), trong đó từ con người đến các loài muông thú, dữ cũng như hiền, đều đã được tập trung và còn chung sống hòa bình với nhau trong một thế giới thu nhỏ ? Hay cùng tiệm sinh trong một cỗ quan tài vĩ đại ?
Năm 1920 nhà khảo cổ người Anh Leonard Woolley đã làm rùm beng khi ông tuyên bố là mình đã tìm thấy chứng cớ trận Đại Hồng thủy ở Ur – Một thành phố thuộc miền nam Mesopotamie – quê cha đất tổ của Abraham, tổ phụ dân Do Thái. Khiến cho các khảo cổ gia trên thế giới đổ sô về, đào bới, khai quật các địa điểm thuộc đồng bằng phía nam Mesopotamie. Thực ra người ta có tìm thấy một số dinh thự, các loại đồ gốm, và một ít mộ phần, đã bị vùi lấp. Bên dưới các chứng tích này là một lớp xình lầy giống như bùn. Nhưng tất cả các di tích lại không cùng thời gian. Các nhà khảo cổ cho hay đó là vết tích của vài ba thời đại chồng chất lên nhau, và khu vực “bùn”, lại chỉ giới hạn ở một mức độ đưa đến kết luận rằng chỉ có thể là một trận lụt ở địa phương do hai con sông Tigris và Euphrates gây nên, chứ không phải là biến cố Đại Hồng thủy. Đây là hai con sông lớn nhất của xứ Sumer và Akkad, một “đại dương” nước ngọt tuy nó tạo ra một nền văn minh rực rỡ vào buổi bình minh của loài người, đúng với thực chất của tên gọi mà dân tộc Hy lạp đã đặt cho nó là Mesopotamie (vùng Lưỡng Hà) tức “xứ sở giữa hai dòng sông”. Nhưng nó cũng không khác gì hai con rồng nước, cứ mỗi năm vào mùa Xuân nước dâng lên phá vỡ đê điền, và làm xụp đổ biết bao bức tường chắn. Nhưng từ những năm đầu của thời đại nông nghiệp (xin nhắc lại: cách đây mười ngàn năm), người ta đã thực hiện được một hệ thống điều thủy tinh vi. Chứng tỏ những dân tộc khu vực này, đã sớm tổ chức được những chính quyền có khả năng điều động và quản lý lực lượng nhân công đông đảo. Tuy thế vẫn không tránh nổi những trận lụt như đã được Leonard Woolley phát giác ra như đã nói ở trên.
Hầu hết các dân tộc trên địa cầu dù chưa nhận biết Thiên Chúa, cũng vẫn tin rằng đã có trận Đại Hồng thủy xảy ra trên thế gian, căn cứ vào những truyền thuyết của họ:
Đại Hồng thủy theo truyền thuyết Sumer.
Có thể coi Sumer là một dân tộc có nền văn minh đầu tiên của vùng Mesopotamie và cũng của cả thế giới. Khác với Do Thái chỉ thờ một Thiên Chúa là Thượng đế, Sumer thờ rất nhiều thần (tương tựa như dân Hy Lạp, hay La Mã thời cổ đại). Những thần có quyền thế đáng kể là: Thần Anou cai trị vương quốc trên trời; Thần Enlil cai quản mặt đất; Còn biển thì thuộc quyền trông coi của thần Enki. Các thần bậc trung gọi chung là các Anounnaki, còn các thần thấp hơn gọi là các Igigi, phụ trách công tác trông nom, đào kênh dẫn thủy ở hai con sông Tigris (Tigre) và Euphrates. Khi việc sinh sôi, nẩy nở của loài người đã quá đông, thì sinh ra ồn ào và đầy rẫy những tội lỗi, khiến cho Enlil thần mặt đất phải than phiền là không còn có thể ngủ yên giấc được nữa, và quyết định: “Loài người cần phải được thanh tẩy”. Lần thứ nhất Enlil sai thần Namtara, lần thứ nhì ra lệnh cho thần Adad, lần thứ ba Enlil vận động cả thần trời lẫn thần biển, nhưng đều thất bại cả ba, vì trên thế gian có một nhân vật hết sức tốt lành tên là Atra-hasis. Anh chàng này được thần biển Enki yêu mến giúp đỡ và hiến kế cho. Đến lần thứ tư thì Enlil triệu tập các thần lớn nhỏ lại và cho biết kế hoạch của một trận Đại Hồng thủy, mà các thần phải nhất trí thực hiện, để quét sạch nhân loại. Lần này Atra-Hasis cũng lại được thần Enki bí mật bảo cho biết “Hãy rỡ nhà của ngươi đi mà làm một chiếc thuyền thật lớn và chắc chắn. Hãy dùng nhựa cây mà trét cho thật kín, vì chẳng bao lâu nữa loài người sẽ bị hủy diệt. Các thần mưa giông, bão tố và sấm sét sẽ làm cho núi long, đất lở. Toàn trái đất sẽ ngập nước. Không một sinh vật nào có thể sống sót hay tồn tại! Đó là kế hoạch của các thần để trừng phạt loài người. Ta hy vọng ngươi làm như ta bảo, thì có thể thoát nạn. Hãy thực hiện mau đi kẻo không kịp!”. Atra-Hasis cùng với gia đình bắt tay ngay vào công việc đóng một chiếc thuyền, rồi cố gắng hoàn thành nhiệm vụ của mình bằng cách đón lên thuyền mỗi giống, mỗi loài một cặp. Khi cánh cửa lên thuyền vừa được kéo lên và niêm kín. Chiếc giây neo thuyền cũng vừa chặt đứt, thì đúng lúc, thần mưa Adad từ tầng mây trên cao bắt đầu gầm thét. Trận bão diễn ra sau đó dìm chết cả thế giới loài người cách khủng khiếp, đến nỗi thần mẫu Mami, vị thần tạo ra loài người nhìn thấy con cái mình chết mà mắt bà đong lệ đầy.
Sau khi trận lụt đã dứt, chiếc thuyền dần dần cũng đáp xuống mặt đất. Trong câu truyện thần thoại này, nhân vật Atra-hasis giống nhân vật Nô-e trong Kinh Thánh, cũng là người đạo đức, tốt lành. Thuyền của Atra-Hasis cũng chở những người trong gia đình mình và các sinh vật, cứ mỗi loài, mỗi thứ một cặp. Tuy nhiên, còn có nhiều chi tiết không giống. Phía ông Nô-e, khi ra khỏi tầu, ông làm lễ hiến tế dâng lên Thiên Chúa. Chúa chúc lành cho ông, con cháu đầy mặt đất, và lập cầu vồng giao ước với con người. Còn Atra-Hasis cũng dâng lễ vật hiến tế cho các thần linh. Các thần thì chấp nhận vui vẻ, chỉ trừ thần Enlil (thần đất) ông này khi thấy đã làm cho trái đất lụt dữ dội như vậy mà vẫn chưa tiêu diệt được hết mọi người, thì bực bội, cay đắng hỏi các thần: “Làm sao mà con người ấy có thể thoát khỏi tai họa này ?”.
Kỳ tới chúng tôi mời độc giả thưởng thức câu chuyện của người Babylone về trận Đại Hồng Thủy, được ghi lại trên phiến đất sét nung thứ 11 của bộ sử thi Gilgamesh, một bộ sử thi đầu tiên của nhân loại, và rất nổi tiếng, không một học giả nào lại không biết đến.
Biên khảo: Uyên Ly
(Còn tiếp)