Không chỉ được nói tới trong Kinh Thánh, nhiều dân tộc khắp nơi trên thế giới đều có ấn tượng sâu sắc về trận Đại Hồng Thủy (ĐHT), qua các huyền thoại, hay truyền kỳ mạn lục của họ. Kỳ trước, chúng tôi đã cống hiến độc giả truyền thuyết ĐHT của người Sumer (Một dân tộc có nền văn minh sớm nhất của nhân loại). Lần này, mời độc giả thưởng thức:
Đại Hồng Thủy trong Bộ Sử thi Gilgamesh
Huyền thoại Babylone.
Chúng tôi sẽ lần lượt trình bày theo thứ tự sau đây:
1.Giới thiệu bộ sử thi Gilgamesh.
2.Nhân vật Gilgamesh.
3.Trận ĐHT ghi trong bộ sử thi nói trên.
1. Trong số các bộ sử thi nổi tiếng: Gilgamesh, Odyssée, Bhagavad-Gita, Énéide hay Beowulf thì Gilgamesh được xếp hàng đầu. Bộ sử thi này mang tên của một vị đại anh hùng lừng lẫy nhất trong số các vị đại anh hùng của Mésopotamie (vùng Lưỡng Hà), và chính là bản đại sử thi đầu tiên được biết đến ngày nay của nhân loại. Những câu truyện truyền khẩu từ thuở hồng hoang của hai dân tộc đầu tiên là Sumer và Akkad của vùng Lưỡng Hà (khoảng 2600 năm trước Thiên Chúa), kể rằng Gilgamesh cũng là ông vua đã trị vì Ourouk (tên kinh đô của người Akkadien – tộc Akkad). Nhưng phải đợi đến thế kỷ thứ XVII trước T.Ch. lúc một đế quốc có tên là Babylone xuất hiện trong vùng thung lũng Mésopotamie, và phải là lúc thời đại văn học Babylone lên đến cực đỉnh, bấy giờ câu chuyện về vị anh hùng Gilgamesh mới được những thi sĩ Babylone viết thành những bản anh hùng ca. Tuy vậy, ngày nay người ta chỉ có thể giữ lại được bản chính của bộ sử thi này trên “12 phiến đất sét” do Sin-lege-ounninni, một nhà bác học Babylone chép và tu chỉnh lại, đặt trong thư viện Assurbanipal thành ninive khoảng năm 1100 tr. T.Ch. Nội dung của bộ sử thi này chỉ là câu chuyện được viết theo thể thi phú nói về một nhân vật, tương tựa như truyện Kiều của Nguyễn Du, tích thánh A-lê-xù … truyện đạo thời quốc ngữ mới thịnh hành ở nước ta chẳng hạn. Ngoài ra chẳng nói gì về sinh hoạt quốc gia, thành phố, hay văn minh dân tộc gì … đáng để gọi là “sử”. Một điều cũng cần biết là, càng ở những thời xa xưa, càng rất ít người biết chữ nghĩa, vì thế những người biết đọc còn có thêm một nghề tay trái rất vui là: Những quán ăn uống hàng đêm, thường hay mời những tay biết đọc chữ tới kể những câu chuyện đã đọc được cho mọi người nghe. Như chúng ta biết, bộ sử thi được chép trên những phiến đất sét nung, vì vậy nó không giống những quyển sách mà người ta có thể mang đi đây đó. Vì vậy, người kể truyện, phải tới thư viện học thuộc lòng các câu chuyện thơ, rồi đi đọc hoặc ngâm lại cho quần chúng nghe. Đó cũng là một lối giải trí tao nhã. Tuy nhiên, mỗi câu chuyện, mỗi người kể, có thể tự ý thêm vào, hay bớt đi, nên sau một thời gian lâu dài, câu chuyện chắc chắn có biến đổi ít nhiều. Sang tới thời trung cổ ở Tây phương, nghề kể truyện đã biến thành một nghệ thuật. Người kể không kể ở trong những quán ăn mỗi buổi tối, hay về đêm nữa. Họ trình diễn những câu chuyện ở hí trường. Lúc này, không còn là một người kể truyện nữa, mà câu chuyện có bao nhiêu nhân vật thì có bấy nhiêu người học thuộc lòng rồi cùng nhau đứng trên sân khấu, cứ tới vai nào thì vai đó kể. Khi cái nhóm người kể chuyện lại bảo nhau diễn xuất cho câu chuyện thêm hấp dẫn và lôi cuốn người nghe, thì nó trở thành bộ môn kịch nghệ, hay tuồng … như ta đã biết. Theo thời gian, tuồng hay kịch, tiến bộ tới chỗ không còn là kể chuyện xuông nữa, mà phải soạn lại những câu chuyện hoàn toàn bằng thể văn, hay thơ đối đáp. Từ đó phát xuất ra lớp người viết tuồng, hay viết kịch, dựa theo cốt chuyện, hay tiểu thuyết mà họ chọn.
2. Gilgamesh là vị anh hùng lừng lẫy nhất trong số những anh hùng Mésopotamie các thời cổ đại, của các dân tộc ở vùng này. Những câu chuyện kể trong thời kỳ đó mang ít, nhiều thần thoại tính, như Sơn Tinh, Thủy Tinh là những thần sông, thần núi ở nước ta, hoặc ít nhất như chuyện kể Tiên Dung mỵ nương lấy Chử Đồng Tử – Người chồng không khố – cuối cùng cũng kết thúc là cả phố xá của hai người đều được đưa về trời, để còn lại một khoảng trống gọi là “Đầm Nhất Dạ”. Còn như Phù Đổng Thiên Vương thì đúng là thần thánh, nếu không thì cũng là người trời. Nhưng không thể căn cứ vào tính thần thoại của câu chuyện, mà kết luận những câu chuyện ấy là hoàn toàn bịa đặt. Phải nhìn thấy đặc tính của thời kỳ mà bộ môn “lịch sử” chưa xuất hiện, ngày nay văn học gọi đó là thuở hồng hoang của nhân loại, thì ở đâu cũng vậy bất kể là Đông, Tây, Âu hay Á. Tổ tiên chúng ta, hay tổ tiên các dân tộc khác đều có những ước mơ mà khả năng hạn hẹp của con người không thực hiện được, hay chưa thể đạt được. Những ước mơ đó, được các ngài thần thánh hóa vào trong những sự kiện hiện thực rất giới hạn của thời ấy. Chính những cái đó làm ra những “tư tưởng nền móng” cho những thế hệ về sau biến “mộng ảo” ra “hiện thực”. Thí dụ: Thuật phi thân, hay khinh công đưa đến việc chế tác ra máy bay. Giấc mộng lên cung hằng của Đường Minh Hoàng dẫn đến việc “đổ bộ” nguyệt cầu của khoa học hôm nay. Thuật lăng ba vi bộ trong các tiểu thuyến kiếm hiệp là các loại xe cộ hiện đại. Còn nhiều nữa … Bởi vậy, không phải vì ta đang sống ở thời đại khoa học này, mà có thể tự cho phép dễ dãi “mỉm cười” đối với những thần thoại, hay những huyền thoại xưa. Thực ra mỗi một huyền thoại đều mang giá trị tư tưởng về mặt triết học. Riêng đối với sinh hoạt xã hội loài người, đặc biệt về mặt luân lý, huyền thoại đa phần bộc lộ những bài học răn dạy con người sống đạo đức, bảo vệ kỷ cương, duy trì huyết thống. Truyện “Bọc mẹ trăm con” của tổ tiên chúng ta chẳng hạn, thể hiện nguyên lý “thân thương tột cùng”. Có lẽ đã có những đứa con Việt Nam kiêu căng tưởng mình “trứng khôn hơn rận”, mỉm cười ngạo nghễ, quay lưng lại học thuyết của tổ tiên, mang thuyết ngoại lai về áp đặt, phá bỏ kỷ cương, gà cùng một mẹ, bôi mặt đá nhau. Ngay cả khi ta đọc thấy những sự loạn luân của một vài vị thần trong thần thoại các dân tộc, nó cũng vẫn phản ảnh cho thấy một thời kỳ hoang dại từng đã có những con người sống như vậy đó, rồi xã hội đã phải tự thanh luyện để đời sống con người đi lên từng nấc thang. Cái gọi là văn minh, cũng có rất nhiều thứ, và mỗi thứ đều phải trả giá cách khủng khiếp đối với thời gian. Chứ không phải tự nhiên như việc ra phố mua chiếc đèn măng-xông, về thay thế chiếc đèn “Hoa-kỳ” (thắp bằng dầu lạc). Để rồi ngủ một giấc hai mươi năm thức dậy, thấy mình đang nằm trong căn phòng ngửa mắt nhìn lên trần, có ngọn đèn điện treo lủng lẳng.
Như đã nói ở trên, vị anh hùng Gilgamesh là một ông vua. Ông ta là vì vua thứ năm của triều đại đầu tiên tại Ourouk, và truyền thuyết bảo rằng Gilgamesh là con của nữ thần Ninsoun với bán thần Lougalbanda. Câu chuyện cho thấy chàng có hai phần ba là thần, chỉ một phần ba là người. Mở đầu thi phẩm ta cũng thấy Gilgamesh được ca tụng là một con người có vóc dáng mạnh mẽ, chàng cao tới năm thước, nhưng lại rất đam mê, ham muốn phụ nữ. Là một ông vua thích phiêu lưu, nhưng không quên để mắt tới những người con gái đẹp, cho dù cô gái đó có là hôn thê của thuộc cấp mình, chứ là vợ trẻ của những thanh niên dân giả thì khỏi bàn! Dân chúng đã quá bất mãn với Gilgamesh đến nỗi họ phải cầu khẩn với nữ thần mẹ Ararou, và bà đã phải lấy đất sét để tạo ra một nhân vật hung bạo tên là Enkidou, có thân hình khổng lồ như Gilgamesh, rồi bà thẩy xuống trần gian cho đối đầu với hắn. Gã này lúc đầu tính tình giống thú vật hơn giống người. Gã thân với các thú rừng, bởi từng cứu những con thú bị mắc bẫy của thợ săn. Một trong những anh thợ săn đến gặp Gilgamesh kể về Enkidou và nhờ chàng giúp đỡ. Chàng bảo hắn ta đi kiếm ả giang hồ có tên là Shamhat, dẫn ả ra khỏi thành phố, rồi gã thợ săn cùng ả giang hồ nằm với nhau bên giòng suối. Chỉ khoảng ba giờ đồng hồ sau thì Enkidou xuất hiện. Gã thợ săn rút lui để mặc cho Shamhat gợi tình với hắn. Đúng như Gilgamesh dự đoán, Enkidou lúc đầu còn bỡ ngỡ, lúng túng và rối loạn, nhưng rồi sau đó, hắn đã phải làm với người con gái “nguyên thuỷ” những gì mà tất cả phụ nữ vẫn làm. Câu chuyện lại trở nên giống hai nhân vật Samson với Dhalida trong Kinh Thánh. Nghĩa là những cuộc truy hoan đã làm cho Enkidou phải chịu cái giá phải trả: Những thú rừng thì lẩn tránh, không còn thân thiết với gã nữa. Kế đến Enkidou nhận ra sự suy nhược tệ hại thể xác một cách khủng khiếp. Ả giang hồ thì lại làm cho hắn khôn ra về mặt tâm hồn. Chính sự quyến rũ của Shamhat từ nay đã đóng lại các cánh cửa của thời xuân xanh, thanh bình, dong duổi, để đưa hắn vào hạ vàng của nhung nhớ, khắc khoải, thiêu đốt tâm trí, có lúc ngày, có khi đêm, rồi cuối cùng nàng ta đẩy hắn vào thu tím của những lỗ hổng cô đơn trong hồn. Trong sự khao khát lạc thú đến cuồng dại, Enkidou nhớ lại lời Shamhat: “Trong thành phố có rất nhiều cô gái …”. Thế là hắn ta bắt đầu chạy như điên vào thành phố. Ở đây, hắn lại khám phá ra điều mới lạ nữa, đó là rượu và bánh. Hắn vùi đầu vào mấy thứ này: Gái, rượu và bánh. Cả ba thứ, ngày đêm đốt cháy tâm hồn và thể xác hắn như một cây nến cứ thế mà hao đi. Cho tới một ngày kia hai tên mê gái đụng nhau trước một cặp tân hôn, vì từ lâu, vua Gilgamesh tự cho mình là một vị thần, có quyền ở với những cô dâu đêm đầu tiên. Thế là một cuộc đấu long trời lở đất diễn ra giữa Gilgamesh và Enkidou. Dân trong thành phố Ourouk đổ xô đến coi trước cửa nhà của một đám cưới. Trong nỗi vui mừng của dân chúng thấy từ nay đã có đối thủ cho Gilgamesh, kẻ mọi người nhất là các cô gái hằng lo sợ, thì đồng thời họ cũng rất ngạc nhiên khi thấy tại sao ở đâu ra, có hai người sao lại giống nhau như là một ngọn núi nứt ra làm đôi như thế (theo cách nói của dân Akkadien). Chỉ khác mặt ông vua thì sáng sủa, tuấn tú, còn anh chàng kia tuy rất giống, nhưng nhìn man dại, rừng rú. Cuộc đấu mỗi lúc một nghiêng về phía Enkidou. Thế mới biết nữ thần mẹ Ararou đã lắng nghe lời cầu khẩn của dân chúng mà cho Gilgamesh một đối thủ xứng đáng. Cho dù chàng ta đã gài bẫy và làm đủ cách để làm giảm thể lực của Enkidou, nhưng cuối cùng thì Gilgamesh cũng biết mình không thể thắng được. Giống hệt như trong giấc mơ mà mẹ chàng là người có tài đoán điềm, giải mộng, đã nói trước cho chàng biết. Nhưng lạ lùng thay, trong lúc người ta tưởng người rừng rú Enkidou nắm chắc phần thắng trong tay, thì hắn lại nắm lấy Gilgamesh, đỡ chàng ta từ dưới đất lên, rồi họ ôm chầm lấy nhau và trở thành đôi bạn thân thiết. Đó là vì cả hai đều cảm thấy giống nhau như đúc. Hơn nữa, Enkidou đã nói với Gilgamesh: “ Người thật là một con người có một. Thần Enlil đã tạo ra vương quyền chỉ để dành cho ngươi”.
Truyện giải điềm, đoán mộng cũng lại giống với sách Kinh Thánh. Trong Cựu ước từng có những nhân vật nằm mộng như Pharaô vua xứ Ai-cập, và được Giuse con tổ phụ Gia-cóp giải điềm không sai. Ở đây giấc mộng thứ nhất, Gilgamesh thấy một tia chớp phóng xuống đất và chàng không thể bắt được. Giấc mộng thứ hai, một chiếc rìu bằng đồng đỏ rơi xuống Ourouk và chàng lượm lên đem về tặng cho mẹ, nữ thần Ninsoun. Ninsoun giải cho biết: “Lưỡi rìu và tia sét tượng trưng cho một người rất khỏe mạnh, mà con sẽ gặp và phải ráng làm quen”.
Biên khảo: Uyên Ly
(còn tiếp)