Lĩnh Nam Nhân (Biên khảo)
LTS: Sau loạt bài nói về các lục địa đã bị mất tích, độc giả điện thoại hỏi chúng tôi về trường hợp Lemuria, thế giới của nhân loại gốc thứ Ba – Danh từ khoa học gọi là “Người thích ứng” (Homo erectus) xuất hiện trên trái đất từ 1,8 đến 1,3 triệu năm tr TC – sinh hoạt trong thời kỳ chưa có ngôn ngữ, nhưng vẫn liên lạc và giao tiếp với nhau được bằngThần giao Cách cảm. Điều đó có nghĩa là gì ? Chúng tôi đã chuyển câu hỏi này tới nhà biên khảo Lĩnh Nam Nhân, để nhân đó chúng ta biết sâu hơn về một vấn đề có tính cách siêu hình cũng ở trong Thế Giới của Chúng Ta.
Hiện tượng Thấu Cảm: Trước khi nói chuyện thần giao cách cảm, mọi con người cơ bản đã có hiện tượng thấu cảm (Empathy). Thấu cảm sâu sắc hơn thông cảm (Comprehension) hay cảm thông. “Thấu cảm” là cảm giác nhận được hay hiểu biết một cách vô thức các phản ứng thay đổi, nhờ vào các cử động hay căng thẳng cơ bắp của đối tượng. Thấu cảm nằm giữa cái gọi là “hoàn toàn ý thức” và “hoàn toàn vô thức”. Điều đó có nghĩa là bạn có thể biết rõ tâm trạng của một người đang ốm đau, bệnh tật, hay khỏe mạnh; vui, buồn, đau khổ, hay phấn khởi qua cách đi, đứng, ngồi, nằm và nhất là hình tượng, hay trạng thái biểu lộ trên khuôn mặt, trên cơ bắp … mà không cần người đó phải bảo (hay nói) cho bạn biết. Thí dụ: Thấy một người chân tay co cụm, mặt mũi nhăn nhó; Hai hàm răng người đó đang nghiến chặt lại, như muốn gồng lên để phản kháng. Ta đoán được trên 80% hiện tượng đau đớn cùng cực nạn nhân đang phải chịu. Ở nơi người kém sức chịu đựng (như trẻ em), thì kèm thêm hiện tượng chảy nước mắt. Người “thấu cảm” đặc biệt nhạy cảm với những cảm xúc về đau khổ. Tất nhiên không phải ai cũng là người có “Thấu Cảm”, hoặc lúc nhỏ, mới lớn lên thì có cảm giác “thấu cảm”, rồi sau vì lý do nào đó, cảm giác “thấu cảm” bị mất đi! Thí dụ: Những cơ chế của những chế độ độc tài, thường tạo ra những con người vô cảm tính … vì vậy ta vẫn bắt gặp con người lạnh lùng trước những khổ đau của người khác. Và mức độ “thấu cảm” nhiều ít, cao thấp cũng khác biệt nơi mỗi con người trong “nhân loại” nói chung. Người có mức độ thấu cảm “tuyệt cao”, thì bệnh trên cơ thể của người khác có thể “đánh thức” cảm giác trên, hoặc trong cơ thể của mình. Chẳng hạn như đứa con đau ở bụng, người mẹ cảm nhận được sự “thót” ruột. Nếu đứa con đau ở tim, người mẹ cũng nghiệm ra có hiện tượng bất thường nơi trái tim mình, hoặc ít nhất là cảm giác khó thở, hay khó chịu trong lồng ngực. Khi có vấn đề làm rối loạn cảm xúc nơi người con, có thể làm cho người mẹ thành “trầm cảm”.
Nếu bạn là người nhậy bén về “Thấu cảm Tâm linh” tức có “Đức Yêu Thương” cấp nhân loại. Tôi xin mở một cái ngoặc ở đây rằng, Tình yêu có nhiều cấp độ: Cấp cá nhân là cấp thấp nhất. Người này nói “yêu”, nhưng thực ra chỉ yêu mình nhất! Đối tượng yêu cũng nằm trong nhu cầu yêu và được yêu của họ. Người yêu của họ luôn phải làm cái điều họ thích, họ muốn. Nếu không được như ý họ, họ sẽ “nghỉ” yêu! Thứ Hai: Cấp Gia Đình. Đối với những người này, gia đình họ là nhất. Con cái họ dù có “tồi” mấy, vẫn là số một. Dù họ có dư tiền của, họ cũng không bao giờ nhìn thấy những người khốn khổ chung quanh. Đối với họ, xã hội không có gì đáng phải quan tâm, vì đời sống của mọi người trong gia đình họ, có bao giờ đầy đủ đâu! Có bao nhiêu cũng vẫn chưa thoả mãn. Cấp thứ Ba là “tình yêu cấp dân tộc” hay xã hội. Những người ở cấp này, tâm hồn họ luôn rộng rãi. Tâm hồn họ đáng quí ở chỗ dám hy sinh tình yêu cá nhân. Đối với họ không bao giờ vì quyền lợi gia đình mình, mà mất đi sự quan tâm đối với những đau khổ của tha nhân. Họ thường nặng lòng với dân tộc, và trong quan niệm cũng như hành động: Dân tộc, quê hương, tổ quốc phải quan trọng hơn gia đình. Không thể có một gia đình vương giả trong một đất nước nghèo nàn và yếu kém. Thứ Tư: Tình yêu cấp Nhân loại. Người có tình yêu cấp nhân loại thì trở thành Thánh nhân. Những người này tuy rằng hiếm, nhưng không phải là không có, thí dụ như Mẹ Têrêsa thành Calcutta, và còn nhiều người giống như vậy đang âm thầm phục vụ trong các trại cùi, hy sinh đời mình cho các bệnh nhân và những người đang đau khổ, nhưng mà nhân loại không biết tới, vì chính họ cũng không muốn ai biết tới họ trong phương châm của một lối sống hoàn toàn khác với thế gian. Đó là “Hoàn toàn quên mình” đi, để sống cho tha nhân.
Trở lại ban đầu: Người có “Thấu cảm Tâm linh” (tức có “Đức yêu thương cấp nhân loại”) khi tới những nơi Đức Mẹ hiện ra như Lộ Đức, Fatima, La Vang … Họ thường có cảm giác băn khoăn, tự nhiên thấy buồn rầu, khắc khoải, đau khổ … Vì chung quanh họ, đa số là những nạn nhân đang đau khổ về tinh thần hay thể xác. Những bệnh nhân tới đây là để tỏ lộ tâm trạng bệnh hoạn của mình với Thần Linh (dĩ nhiên là với Đức Mẹ). Về mặt khoa học, những biểu lộ thầm lặng đó, phát ra những luồng sóng xô dạt vào “mạng lưới tâm linh” của những người có thấu cảm tâm linh, giống như một chiếc lá rơi xuống mặt hồ rất nhẹ nhàng, nhưng đã tạo nên những vòng tròn gợn sóng trên mặt nước, rồi loang dần, loang dần. Tất nhiên nhiều người không có mạng lưới đặc biệt này, hoặc không đạt được hiện tượng “Thấu Cảm Tâm Linh”, vì cũng hành hương tới đó, nhưng chỉ có cảm giác vui thích, nô nức như tham dự vào một Đại hội gì đó, hoặc quá bận rộn với chiếc máy quay phim, hay chụp hình, cũng làm cho cảm giác “Thấu cảm Tâm linh” bị vắng mặt. Nếu bạn đến những nơi linh thiêng đó trong những ngày đại hội. Thí dụ đại hội La Vang, con dân khắp nơi nô nức đổ về, tâm hồn bạn cảm giác thấy “khí thế” phấn khởi, mừng vui. Vì những người đến đó đa số mang tâm trạng mừng, vui của ngày hội ngộ nhiều hơn đau khổ, tật nguyền. Đó là cảm giác “Thấu Cảm tâm lý”, chưa phải là “Thấu cảm Tâm Linh”, vì bình thường thì đa số ai cũng có cảm giác này. Chính cảm giác “Thấu cảm Tâm linh Cao” dẫn đến những việc làm như của Mẹ Têrêsa Calcutta. Trước khi bước sang lãnh vực “thấu cảm xa”, chúng ta cần được nhắc nhở lại điều này: Từ bản chất của linh hồn, người nào sinh ra cũng có “Thấu cảm Tâm linh” (gọi tắt là nhân bản), vì Thiên Chúa tạo nên con người ai cũng có trái tim, trái tim nào cũng có hấp lực yêu thương cấp nhân loại. Nhưng thể xác với bản năng có xu hướng về vật chất làm mờ nhạt dần và có khi làm biến dạng hẳn bản chất quí giá kia của linh hồn. Nhưng con người nếu muốn, vẫn có thể phục hồi nhân bản.
“Thấu Cảm Xa” là khả năng biết được, hay đón nhận những cảm xúc bị ngăn cách bởi không gian, chứ không phải hiện tượng xẩy ra ngay trước mặt. Khả năng này thường chỉ xảy ra giữa những người có quan hệ mật thiết, tình cảm hết sức gắn bó với nhau, như cha mẹ với đứa con rất yêu thương (thường thì ở mẹ đậm đà hay mãnh liệt hơn cha), hai người nam nữ “thật sự” yêu nhau. Cặp trẻ song sinh cũng thường có những mối liên hệ đồng cảm đặc biệt này. Đầu tiên chúng ta gọi nó là sự “Truyền đạt cảm xúc cách xa”. Nhưng vì nó chỉ xảy ra giữa hai đối tượng mà tình cảm của cả hai đã gắn bó với nhau một cách “linh thiêng”, như tình mẫu tử chẳng hạn … nên sự truyền đạt này được nâng lên một phẩm cách cao mà người ta gọi là “Thần Giao Cách Cảm”.
Dân tộc Việt Nam là một dân tộc sống trong tình trạng chiến tranh nhiều hơn các dân tộc khác. Nên rất nhiều người biết, hoặc ít ra cũng thường nghe được những câu chuyện về “Thần Giao Cách Cảm”. Đại loại những chuyện như sau đây, rất thường được thấy .
… Ngày con bà mất ngoài trận địa, ở nhà, tâm hồn bà rất bồn chồn, xót dạ … ăn không ngon, ngủ không yên. Mấy ngày liền sau đó, ngày nào bà cũng biểu lộ tâm trạng xao xuyến, buồn phiền, nóng ruột, nóng gan, như có lửa đốt ở trong lòng, không sao chịu nổi … với những người thân , bạn bè hay bà con lối xóm. Nhưng chỉ ít bữa sau, có người đến nhà báo tin buồn cho bà biết đứa con bà yêu quí, bà thường hay nhắc nhở và nhớ nó … vừa mới tử trận. Nếu hỏi kỹ thì con bà chết vào đúng ngày giờ mà ngày đầu tiên bà cảm thấy bứt rứt, bồn chồn trong lòng, và thể xác tràn ngập khó chịu. (còn tiếp)