Long Biên – Cầu sắt cổ nhất

Hà Nội có cầu Long Biên
Vừa dài vừa rộng bắc trên sông Hồng
Tàu xe đi lại thong dong
Người người tấp nập gánh gồng ngược xuôi…

Ra Hà Nội, khi nói đến cầu đường không ai không nhắc đến cây cầu Long Biên lịch sử và cũng là một trong những biểu tượng về vật chất của đất Hà thành. Đây là cây cầu thép đầu tiên bắc qua sông Hồng tại Hà Nội do Pháp xây dựng từ năm 1899-1902 với chi phí khoảng 6,2 triệu Franc Pháp. Vì Hà Nội nằm ngay giữa lòng các con sông như Sông Hồng, Sông Đà, Sông Mã,…nên việc đi lại giữa Hà Nội và các vùng phụ cận khác rất khó khăn khi chưa có cầu. (Hà là sông, nội là trong lòng; Hà Nội là trong lòng các con sông, đây là gò đất nổi lên giữa các cong sông kể trên nên được gọi là Hà Nội). Các cây cầu mang một vị trí đặc biệt vốn có của nó là tạo nên việc giao thông thuận lợi. Để tiến hành xây dựng cầu Long Biên, người ta phải tuyển mộ hơn 3000 công nhân bản xứ và một đội ngũ khoản 40 giám đốc, kỹ sư, chuyên gia và đốc công người Pháp để điều hành công việc. Cây cầy cần dùng đến hơn 30.000 m3 đá và kim loại (5600 tấn thép cán, 137 tấn gang, 165 tấn sắt, 7 tấn chì). Ban đầu cầu được đặt tên là Doumer lấy theo tên của vị Toàn quyền Đông Dương – Paul Doumer (1). Người cho phép xây cầu đã phải đối mặt với sự phản bác của cả người Pháp và người Việt về việc xây cầu về chi phí và dự án khi ông thực hiện. Người ta xem dự án xây cầu thời ấy là việc điên rồ và hoang phí vì Hà Nội vào thời ấy tốc độ phát triển và giao thông thương mại vẫn còn ì ạch. Cần phải nói thêm rằng, chính nhờ quyết định táo bạo và quyết đoán cũng như tầm nhìn của Paul Doumer mà việc xây cầu Long Biên đã tạo điều kiện thúc đẩy cho việc giao thương và trao đổi hàng hóa được thuận tiện hơn giữa Hà Nội và các vùng phụ cận. Để từ đó luồng giao thông hàng hóa và con người di chuyển được thuận tiện ra các hướng phía bắc và xuôi theo cả vào nam. Ngoài cây cầu Long Biên, ông còn cho triển khai những cây cầu cũng mang tính lịch sử và rất nổi tiếng không kém, tạo tiền đề cho việc giao thông xuyên suốt nối liền Nam Bắc một cách thuận tiện hơn đó là cầu Tràng Tiền hay còn gọi là Trường Tiền tại Huế và cầu sắt Bình Lợi tại Sài Gòn. Điểm đặc biệt của cả 3 cây cầu này đều được làm bằng sắt do hãng Eiffel(2) (Pháp) thiết kế bởi kiến trúc sư Gustave Eiffel(2*) thiết kế và cho đến hiện tại vẫn còn tồn tại. Cũng chính nhờ 3 cây cầu này mà việc lưu thông trong các vùng của Hà Nội, Huế và Sài Gòn được thuận tiện hơn rất nhiều so với trước khi chưa có cầu.

Chúng ta vẫn thường hay bảo nhau, ở đâu có thuận lợi về giao thông thì ở đó có kinh tế phát triển. Quả thật không sai khi thực tế chứng minh cho chúng ta thấy, nơi nào giao thương thuận lợi thì nền kinh tế của nơi ấy sầm uất và tăng trưởng nhanh chóng. Chính nhờ việc đặt nền móng cho đường sắt Bắc Nam và xây nên những cây cầu lịch sử của Toàn Quyền Đông Dương – Paul Doumer mà sau này trong Xứ Đông Dương(3) thì Xứ An Nam có nền kinh tế phát triển hơn và mạnh mẽ hơn hai xứ Ai Lao(4) và Cao Miên(5)
Cầu Long Biên dài 2.500m, gồm 19 nhịp dầm thép và đường dẫn xây bằng đá. Các làn trên cầu gồm đường sắt đơn chạy ở giữa, hai bên là đường dành cho xe cộ và người đi bộ. Đặc biệt luồng giao thông của cầu theo hướng đi xuôi ở phía trái cầu chứ không phải ở bên phải như các cầu thông thường khác. Cây cầu thép đầu tiên bắc qua sông Hồng nối quận Hoàn Kiếm với quận Long Biên của Hà Nội, dân gian còn gọi là cầu sông Cái hay cầu Bồ Đề (vì nó được bắt qua bến Bồ Đề thuộc huyện Gia Lâm)

Cầu Trường Tiền hay còn gọi là Tràng Tiền

“Cầu Trường Tiền sáu vài mười hai nhịp
Em theo không kịp
Tội lắm anh ơi!
Bấy lâu mang tiếng chịu lời
Anh có xa em đi nữa
Cũng tại ông Trời nên xa” (6)

Cầu Trường Tiền là chiếc cầu dài 402,60 m, gồm 6 nhịp dầm thép hình vành lược, khẩu độ mỗi nhịp 67m. Khổ cầu 6m, được thiết kế theo kiến trúc Gothic, bắc qua sông Hương. Đầu cầu phía bắc thuộc phường Phú Hòa, đầu cầu phía nam thuộc phường Phú Hội; ở ngay giữa thành phố Huế . Chiếc cầu trên được nhà cầm quyền Pháp (khi ấy Khâm sứ Trung Kỳ là Levécque) giao cho hãng Eiffel (Pháp) thiết kế (do Gustave Eiffel thiết kế) và khởi công xây dựng lại bằng sắt, đến năm Thành Thái thứ 11 (1899) thì hoàn thành và được mang tên vị vua này. Tổng cộng tiền xây cầu Thành Thái tiêu tốn hết khoảng 400 triệu đồng bạc Đông Dương, là một số tiền lớn vào thời đó.
Ngày nay, khi đến Huế cầu Tràng Tiền nổi bật lên như một biểu tượng không thể không nhắc đến. Cây cầu thơ mộng vắt ngang dòng sông Hương lơ đãng. Vào những dịp lễ hội thì cầu Tràng Tiền là nơi mà ở đó các sự kiện được trình diễn và là biểu tượng trong lòng các du khách khi có dịp ghé ngang Kinh Đô xưa của Việt Nam.

Cầu sắt Bình Lợi: 

Cầu Bình Lợi được hoàn thành xây dựng tháng 2 năm 1902, năm cuối nhiệm kỳ của Toàn quyên Paul Doumer, cầu thuộc tuyến đường sắt Sài Gòn – Nha Trang thời Pháp thuộc. Đây là cây cầu đầu tiên vượt sông Sài Gòn. Cầu được kết cấu vòm thép, mặt cầu bằng gỗ và có đường ray xe lửa nối Sài Gòn và Biên Hòa. Cầu có một nhịp quay, dài 276m gồm 6 nhịp. Nhịp giữa quay được cho tàu qua, xây dựng bởi công ty Pháp Lavelois Perret (tên của công ty Eiffel do Gustav Eiffel, người kỹ sư xây tháp Eiffel sáng lập).​ ​Đây là cây cầu huyết mạnh trong tuyến đường sắt Sài Gòn – Biên Hòa – Nha Trang để lưu thông hàng hóa và vận chuyển. Ngày nay, cầu Bình Lợi mới đã được xây dựng lại để đảm bảo với mật độ lưu thông và vận chuyển khi dân số Sài Gòn ngày một tăng lên do nhập cư. Cầu sắt Bình Lợi cũ vẫn nằm đó như một chứng tích lịch sử cho sự trường tồn của một Sài Gòn xưa phồn hoa và năng động. Tuyến đường sắt  Sài Gòn – Biên Hòa – Nha Trang đã tạo nên sự phát mạnh mẽ cho nền kinh tế Sài Gòn xưa đồng thời góp phần thúc đẩy việc buôn bán và trao đổi.

Còn  thêm nữa những cây cầu sắt xưa như Cầu Mống bắt qua sông Sài Gòn, cầu Thị Nghè,…tất cả những cây cầu ấy như một nét son tô điểm thêm cho xứ An Nam của thế kỷ trước được người Pháp xây dựng để tạo điều kiện thuận lợi cho việc khai thác tài nguyên của thuộc địa. Nhưng xét về khía cạnh vật chất và văn hóa, chính người Pháp đã xây dựng và để lại cho dân bản xứ những công trình để đời và tuyệt đẹp!

Ghi chú:
(1) Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer: tên gọi đầy đủ Joseph Athanase Paul Doumer sinh tại Aurillac, Cantal vào ngày 22 tháng 3 1857 – mất tại Paris, 7 tháng 5 1932) là một chính trị gia người Pháp. Ông là Toàn quyền Đông Dương từ 1897 đến 1902 và Tổng thống thứ 14 của Pháp quốc từ 1931 đến 1932. Ông làm tổng thống chỉ 1 năm do do bị ám sát bởi phần tử quá khích người Nga. Paul Doumer là một nhà cai trị độc tài mang lại nhiều thay đổi sâu sắc. Từ lúc nhậm chức, ông đã áp đặt guồng máy thống trị và các cơ sở khai thác kiên cố cho đến năm 1945. Ông chủ trương biến chế độ bảo hộ thành chế độ thực trị, xóa bỏ chủ quyền và thống nhất của Việt Nam, mang đến phân hóa rõ rệt giữa ba miền. Dới thời cai trị của ông, xứ An Nam bị khai thác tối đa và dân An Nam phải đóng sưu cao thuế nặng để xây dựng hạ tầng như tuyến đường sắt Đông Dương và nối với tỉnh Vân Nam, Trung Hoa.
(2(2*) Eiffel: là một công trình kiến trúc bằng thép nằm trên công viên Champ-de-Mars, cạnh sông Seine, thành phố Paris. Vốn có tên nguyên thủy là Tháp 300 mét (Tour de 300 mètres), công trình này do Gustave Eiffel và các đồng nghiệp của mình xây dựng nên nhân dịp Triển lãm thế giới năm 1889, và cũng là dịp kỷ niệm 100 năm Cách mạng Pháp. 
(3) Xứ Đông Dương là tên tựa sách hồi ký của Toàn quyền Đông Dương – Paul Doumer. Xứ Đông Dương cũng là tên gọi chung của 3 quốc gia Xứ An Nam, Ai Lao và Cao Miên khi thực dân Pháp thực hiện chính sách thực dân và xâm lược các nước vùng Đông Nam Á và cả Châu Á.
(4) Ai Lao) tên gọi xưa của nước Lào ngày nay
(5) Cao Miên tên gọi xưa của Vương quốc Cam-pu-chia
(6) Chép theo Quách Tấn (tr. 129). Cũng theo ông, câu ca này tả tâm sự của một bầy tôi không kịp chạy theo vua, chứ không phải viết về đề tài tình yêu trai gái.

Biên khảo: Uy Bảo