Các tài liệu nói về sáng thế,cùng với các câu chuyện huyền thoại các dân tộc Bắc Âu, chúng ta có thể biết được nhờ Thi phẩm Edda – Một tập hợp các bài thơ – Từ thế kỷ thứ IX đến thế kỷ XII của Island, và tập văn xuôi cũng mang tên Edda của Snorri Sturluson viết ở thế kỷ thứ XIII.
Theo những tài liệu này, ban đầu, các vị thần và loài người sống chung với nhau trong một thế giới yên ổn và tốt lành. Lâu rồi, thì sinh ra chiến tranh do tị hiềm, ganh đua và ghen ghét xúi bẩy làm cho cha con xâu xé, anh em giết hại lẫn nhau. Sự chết chóc mỗi ngày một nhiều, không chừa một ai, bất kể thần này, thần kia, con người hay loài vật.
Định luật tự nhiên là: Nếu thế giới cứ tiếp tục hỗn loạn, thì hậu quả sẽ dẫn đến “Ngày Hủy diệt”, Thời đại nào cũng thế! Ngôn ngữ của các dân tộc Bắc Âu gọi ngày đó là Ragnarok (Nguyên ngữ được ghép bởi: Ragna có nghĩa là “Các quyền lực an bài”; rok: “Định mệnh”) nghĩa là ngày “Định mệnh các quyền lực đã an bài”.
Trong cuốn Edda viết: Ngày Ragnarok dài bằng ba mùa Đông liên tiếp, không có các mùa khác xen kẽ. Các tảng băng lớn tan rã, tuyết từ trời đổ xuống bao trùm khắp các xứ sở. Gió lạnh cắt da thịt. Nguyên do là vì trận động đất lớn chưa từng có, làm cho núi non sụp đổ, cây cối trốc gốc, cành, nhánh gẫy lăn lóc đầy mặt đất. Khiến cho mọi sợi giây ràng buộc vũ trụ bị đứt hết. Hai con sói thần Fenrir và Loki bị các thần quyền lực hơn giam giữ, nhờ thế mà thoát ra được. Sói Fenrir lập tức đuổi theo mặt trời, cuối cùng nó nuốt được mặt trời. Con Loki nuốt luôn mặt trăng, thế là thảm họa vô cùng lớn lao xảy đến khiến cho tất cả mọi thần nhân. Không một ai không kinh khiếp. Cùng lúc, con rắn của thần Midgardr (Thần Midgardr là chúa tể của vùng đất dành cho con người) – Con rắn này có chân và có cánh. Nó là một loại “Rồng Tây phương” rất dữ tợn – Nó nổi cơn hung bạo, từ dưới nước trồi lên, gây ra những đợt sóng thần kinh khủng, trùm phủ và làm đổ hết nhà cửa, cũng như những nơi trú ngụ của mọi loài trên mặt đất. Chưa hết đâu, các thế lực nhân cơ hội, muốn sinh sát nhau, nên đã hẹn nhau tới một cánh đồng trải rộng ra cả trăm dặm có tên là Vigrid – Nơi sẽ diễn ra trận chiến cuối cùng. Trong khi sói Fenrir, sói Loki cùng đi với các gã khổng lồ băng giá, con rắn của thần Midgardr và nhiều thần khác cũng kéo nhau tới Vigrid, thì thần Odin cưỡi ngựa đến giếng Mimir để xin một lời khuyên. Bạn đọc cần biết Odin là vị thần của các thần Bắc Âu (tương tựa như thần Zeus của Hy lạp). Ông ta thường được gọi bằng danh hiệu “Người cha vũ trụ”. Nhưng ông không được loài người tin tưởng, vì trong bản chất: Odin vừa quyền uy, cũng vừa ti tiện; Vừa hào hiệp, cũng vừa hiểm ác; Vừa tử tế mà cũng vừa xảo quyệt. v.v… Tác giả Snorri Sturluson của cuốn Edda văn xuôi đã liệt kê cho ông ta bốn mươi tên gọi khác nhau, để nói lên các vai trò và tính cách khác nhau trong con người của vị thần này. Thí dụ như: Vidurr (Kẻ hủy diệt); Yggr (làm cho kẻ khác kinh hoàng), Sigfordr (thần chiến thắng) … Tuy vậy, bất cứ một biến cố lớn lao nào, Odin vẫn phải tới giếng nước Mimir nằm dưới tầng rễ cây vũ trụ (Cây Vũ trụ có tên là Yggdrasil. Các dân tộc Bắc Âu gọi nó là cây vũ trụ vì Thân cây là trục của vũ trụ. Các cành lá của nó là các tầng lớp chồng chất lên nhau, để phân chia chỗ ở của Thần linh, loài người, và mọi sinh vật, và ngay cả chỗ ở của người chết) để xin ý kiến. Tục truyền rằng thần giếng Mimir tuy không có quyền lực trên bất cứ ai, nhưng lại ban phát kiến thức và cảm hứng cho kẻ nào tới cầu khẩn.
Rồi thì cuộc chiến cũng bắt đầu. Odin chọn đối thủ là sói Fenrir. Bên cạnh ông còn có Thần Thor (Thor là thần Sấm. Một vị thần bộc trực và có tinh thần thực dụng. Ông không phải là thần đứng đầu các thần như Odin, nhưng Thor vẫn được tôn trọng không kém. Ông được tôn thờ nhiều hơn, vì là thần của giới nông dân và các người nghèo khó, mà giới này lại chiếm đa số, trong khi Odin là thần của các vua chúa). Thần Thor trực chỉ đối đầu với con rắn của thần Midgardr. Cuối cùng thì Thor tuy giết chết được con rắn, nhưng cũng bị nó cắn lại, nên ông ta chỉ đi được vài bước là ngã xuống chết vì nọc độc của nó. Bên kia con sói Fenrir quá mạnh nên Odin đã bị nó nhai sống. Ngay lúc đó, Vidar con trai của Odin xuất hiện, chàng ta đã báo thù được cho cha, giết chết sói Fenrir. Sói Lori đánh nhau với Heimdall – Vị thần tạo ra sự phân chia giai cấp trong xã hội – và cuối cùng cả hai đều chết. Cuộc chiến đấu giữa các thần khác với nhau, làm cho mặt đất bị đốt cháy. Lửa, khói bốc lên ngùn ngụt, che kín bầu trời. Các tinh tú biến mất. Sang tới mùa đông thứ ba, thì cả mặt đất chìm sâu vào trong lòng đại dương. Đến cuối đông, sau khi lửa đã tắt, khói đã tan đi, thì biển lại rẽ ra và đẩy cho mặt đất trồi lên. Cây cỏ mọc lại và chẳng bao lâu tất cả đều tốt tươi khi mùa Xuân mới trở lại. Hạt giống không cần gieo cũng mọc, và mùa màng lại trù phú. Những con trai của thần Odin là Vidar, Vali; Và ngay cả Modi, Magni con của thần Thor cũng còn sống. Người nghe kể chuyện sẽ hỏi thế còn mặt trời, mặt trăng thì sao ? Sách cũng đã viết: Trước khi mặt trăng và mặt trời bị hai thần sói nuốt chửng, họ đã sinh ra hai cô con gái: Một cô chói chang như mặt trời, còn cô kia dịu dàng như mặt trăng. Ngay cả loài người yếu đuối, mỏng manh là thế mà cặp nam nữ: Lif và Lifthrasir cũng đã kịp núp trên cây tần bì thiêng liêng, ngay từ lúc khởi đầu của ngày Ragnarok. Vì thực ra mọi sự tưởng như tất yếu bị tiêu diệt, chẳng qua chỉ là một thời kỳ “Định mệnh được các thế lực an bài”, đúng với danh nghĩa “Ragnarok” của nó. Chỉ có điều là, mãi mãi không ai có thể biết được các thế lực an bài ấy là ai ? Vì ngay cả Odin – thần của các thần mà còn phải chết./.

Biên khảo: Uyên Ly