Những nhân vật trong truyện sau đây, đều là những nhân vật huyền thoại chung cho các dân tộc ở Đông Nam Á. Tộc Việt chúng ta cũng như các sắc tộc Yao (Dao), Mèo (Miao) … và ngay cả những người Hoa ở phía nam sông Hoàng Hà cũng đều có chung một số huyền thoại, đôi khi chỉ khác nhau ở những tiểu tiết. Tuy nhiên tới thời Hán, người Hoa muốn giữ vai trò bá chủ, đối với các dân tộc chung quanh, họ đã tự đi hia, đội mão, tô sơn và đánh bóng mình lên thành những ông “con trời”, không chấp nhận chế độ mẫu hệ của xã hội loài người thuở ban sơ. Họ gán cho nhân loại một nguồn gốc nam tính, đúng ra nó chỉ có trong quan niệm nơi các bộ tộc ở thời kỳ săn hái, hay ở phía bắc của Hoàng Hà, thuở nền văn minh nông nghiệp chưa thổi tới. Vậy ngay từ thuở hồng hoang của các dân tộc này, các truyền thuyết đều cho thấy họ sùng bái, và mộ mến ba nhân vật: Phục Hy, Nữ Oa và Thần Nông. Họ tôn ba vị ấy là Thần Hoàng. Khắp nơi có miếu thờ. Nhưng như đã nói ở trên, thời Hán, người Hoa dứt bỏ vai trò phụ nữ trong tổ chức cơ chế quốc gia và xã hội, nên thần Nữ Oa bị hạ bệ, để thay thế vào đó là nhân vật Huỳnh Đế. Từ đó, trong lịch sử truyền thuyết của Trung Hoa, Huỳnh Đế được tôn thờ như một ông vua vĩ đại nhất, đã cai trị vào thiên niên kỷ thứ ba trước công nguyên. Vị này được thờ cúng như là tổ tiên của dân Trung Hoa, và được xem là nhân vật quan trọng nhất trong các nhân vật huyền thoại. (Cũng đúng thôi! Vì Phục Hy, Nữ Oa, và Viêm Đế tức vua Thần nông đều thuộc phương Nam. Nói rõ hơn trong vùng đất của Bách Việt). Các dân tộc khác như đã nêu trên, trong đó đặc biệt dân tộc Việt Nam nhất định vẫn giữ nguyên bộ tam Hoàng, mà thần Nữ Oa đứng giữa làm thăng bằng cán cân. Hơn nữa chủ thuyết Việt tộc, và những dân tộc anh em của mình (Thái Mường,Yao, Miao …), dứt khoát không loại bỏ “nguyên lý Mẹ”. Vì một chủ thuyết không có nguyên lý mẹ, sẽ biến dân tộc của nó (của chủ thuyết ấy) thành “sát máu” hung bạo, vắng bóng hòa bình. Và ngay chính trong lòng dân tộc của nó cũng đã biệt phân thành giai cấp thống trị với giai cấp bị trị. Bị trị thì giống như nô lệ, khổ sai. Cho đến ngày hôm nay, chúng ta cũng vẫn còn thấy nơi những học thuyết vắng nguyên lý mẹ lúc nào cũng chỉ sản sinh ra một cơ chế “chủ” và “nô”, cho dù có ngụy trang bằng những từ “êm dịu”, hoa mỹ” gì đi nữa, thì bản chất cũng vẫn thế.
Trong bài này, chúng ta không xét lai lịch của từng nhân vật huyền thoại, mà chỉ ôn lại một câu chuyện huyền thoại về trận Đại Hồng Thủy đã xẩy ra cho vùng đất của những dân tộc này theo truyền thuyết mà thôi.
Chuyện kể: Hai anh em Phục Hy và Nữ Oa lúc còn nhỏ là con của một nông dân – Đây là câu chuyện lưu hành trong các dân tộc thiểu số – Huyền thoại Hoa Tự thì lại bảo cô thôn nữ sống ở vùng đồng bằng Du-Quang (Juguang), phía tây nam Trung Hoa. Một hôm ra đồng thấy có những bước chân người khổng lồ, thì nàng ta đặt bàn chân của mình vào một trong những bước chân khổng lồ ấy để ướm thử (vết chân của tần Sấm). Vậy mà ai ngờ về nhà lại có thai, đẻ ra một bé trai khỏe mạnh, nàng đặt tên là Phục Hy. Ở phần đầu, chúng tôi đã nói rằng về mặt tiểu tiết, huyền thoại mỗi nơi kể một khác. Đó là vì thời xưa người ta không biết chữ, chỉ truyền miệng thì lâu ngày tam sao thất bổn là chuyện bình thường. Cuộc sống đương phẳng lặng thì bỗng một hôm, trời nổi phong ba, bão táp. Một con rồng sấm, rồng sét du hạ trần gian chẳng may bị bác nông dân cha của hai đứa nhỏ vừa nói trên bẫy được. Ông ta liền nhốt vào trong một cái lồng, định bụng là sẽ nấu lên ăn, vì con rồng sấm, rồng sét này xuống vùng đất của ông ta hoài, làm hư hại mùa màng. Nhưng để làm món nhậu thì bác ta phải ra chợ mua thêm vài thức gia vị. Trước khi đi, bác nông phu gọi hai đứa trẻ nhà bác lại dặn: Không việc gì phải sợ, chỉ phải nhớ không được cho nó uống nước! Nhưng khi bác ra khỏi nhà được một lúc, thì đứa con gái mềm lòng trước sự rên rỉ, nỉ non của thần sấm, cô bé liền nhỏ vào miệng rồng cho nó vài giọt nước. Thế là nó có sức mạnh, chỉ vùng vẫy một cái thì lồng bể ra thành từng mảnh. Trước khi rồng đi, nó cám ơn cô bé và tặng cho cô một chiếc răng rồng và bảo: “hãy gieo xuống đất, thì sẽ có một cây rất tốt mọc lên, rồi hái lấy trái của nó để phải dùng tới khi cần”. Nói xong thì con rồng phi thẳng lên trời. Bác nông dân về thấy vậy thì biết là thần sấm sẽ trả thù đây. Ông ta bèn nỗ lực ngày đêm đóng một con thuyền bằng sắt (căn cứ vào chi tiết này thì biết là chuyện xảy ra vào thời đại đồ sắt, cùng thời với huyền thoại Hy lạp). Trong thời gian người cha đóng thuyền, thì cây của hai đứa trẻ cũng được chúng săn sóc, lớn như thổi, rồi nó nở ra cho cô bé một trái bầu vĩ đại. thằng anh cắt phần trên đi, thì thấy trong ruột rỗng, đủ chỗ cho hai đứa chui vào ngồi chơi. Thế là chúng mang ra sông làm thuyền. Đúng lúc đó thì giông bão nổi lên, đưa thuyền ra khơi. Ông bố nhìn thấy, nhưng không làm sao được, đành phải lên thuyền sắt của mình đóng mà chèo theo, nhưng thuyền nặng không đuổi kịp gió lớn. Nước dâng lên ào ào, chẳng mấy chốc mà hai chiếc thuyền vượt qua các đỉnh núi, lên đến tận tầng trời thứ chín, nơi ở của các thần. Bác nông phu lấy mái chèo của mình, đập cửa nhà trời, bảo phải cho vào. Thần sấm giận dữ, quát tháo ầm ĩ, rồi lại sai thần nước Gong Gong phải cấp tốc rút nước thật nhanh để cho thuyền đập xuống đất mà vỡ. Quả nhiên, thuyền của người cha tan tành và ông chết vì rớt từ cao xuống mạnh quá! Trong khi thuyền bằng trái bầu thì chạm xuống mặt đất cách nhẹ nhàng. Từ đây, trên đời chỉ còn trơ trụi có hai đứa bé. Người thuật chuyện lúc đầu có nói hai đứa trẻ tên là Phục Hy và Nữ Oa, thực ra thuở trời đất còn hay nổi “cơn gió bụi”, thì chẳng ai biết đặt tên đâu! Bây giờ bắt đầu một thế giới mới, con người trải qua chuyện thăng trầm có khôn lên hơn, nên cậu bé trai mới tự đặt cho mình một cái tên để đánh dấu cuộc tái sinh là “Phục Hy”. Còn cô bé thấy mình được nâng lên chín tầng trời, thì ví mình tựa con chim Oa-Oa, mà vì mình là con chim mái, thì tự cho mình cái tên gọi là Nữ-Oa. Cũng chính nhờ cái tên này mà sau, nàng còn đội đá vá trời, khi thấy bầu trời bị rách ra sau trận đụng độ kinh thiên động địa, giữa thần lửa (Jurong) với thần nước (Gong Gong). truyền thuyết bảo rằng nàng đã phải mất rất nhiều thời gian mới vá lại được nền trời, nhưng đó lại là sự tích khác, và cũng là những chuyện về sau, không dính dáng gì với câu chuyện lụt này. Sau đó hai anh em lấy nhau (luật lệ bây giờ thì lấy như thế là loạn luân, nhưng ở thời đó, trong hoàn cảnh đó, thì đông hay tây cũng vậy, đều lấy câu: “Cùng tắc biến, biến tắc thông” làm phương châm để sống). Vì thế huyền sử bảo: Phục Hy và Nữ Oa là vợ chồng hay anh em, đều trúng cả! Hai người ăn ở với nhau sinh ra một cái bọc trong đó là một khối thịt. Có lẽ việc này được truyền tụng và trở thành luật của dòng tộc và xã hội về sau, rằng: anh chị em ruột thịt không được lấy nhau, vì sẽ sinh quái thai. Hai vợ chồng cắt khối thịt ấy ra thành nhiều mảnh vụn. Bỗng nhiên có một cơn lốc thổi tới cuốn tung những mảnh thịt vung vãi tứ tung khắp vùng đất phương Nam. Những mảnh thịt đó hóa thành con người và hết thẩy họ đều là anh em, sống chung trên mảnh đất ấy, lấy việc trồng trọt để sinh sống, suốt một thời dọc dài của lịch sử, thuận hòa, yêu thương và gắn bó. Huyền sử ấy tiên báo cho một tương lai về một quốc gia cũng sẽ được lập thành trong dạng “Bọc mẹ trăm con” sau này vậy. Vì thế trong Việt triết của LM. triết gia Kim Định, ông cũng gọi Rồng Phục Hy và Tiên Nữ Oa (biểu tượng của mẹ tiên Nữ Oa là chim Tinh vệ; biểu tượng của mẹ tiên Âu Cơ là chim Hồng). Trong triết học Trung Hoa không có điểm này./.
Biên khảo: Uyên Ly
Kỳ tới: Chúng tôi sẽ quay lại khúc phim “Đại Thủy trận”, hay Ngày tận thế trong huyền thoại các dân tộc Bắc Âu.