Trong câu chuyện “Đại Hồng Thủy” của người Hy lạp, hai nhân vật chính được xem là người còn giữ đạo đức, biết nhân, biết nghĩa, giữa lúc thế gian sa ngã và tội lôi không thể nào tha thứ được! Hai người đáng được thần Zeus – vị thần của các thần – theo huyền thoại Hy Lạp – cho phép được sống sót là Deucalion (Đơ-ca-li-ông) (con của thần Prômêtê(1) và tiên nữ Climênê) và vợ là Pyrrha (Pi-a-ra) (con của Epimêtê và Păngdor(2)). Hai vợ chồng này sinh sống ở Texxali. Theo lời chỉ dẫn của cha – thần Prômêtê – Hai vợ chồng đóng một cái tầu chứa đầy lương thực. Lúc đó loài người đang sống ở thời đại đồ sắt(3) . Khi tầu được đóng xong, thì Zeus làm cho mưa lụt, bằng cách xả nước từ trên trời xuống, còn thần Po-sê-đi-ông dâng nước ngập núi, đồi, chỉ còn chừa lại một ngọn núi duy nhất mà chiếc tầu của hai người có thể táp vào được là ngọn Parnax (có chuyện kể là núi Orthrits). Dĩ nhiên bên ngoài con tầu chỉ còn là một biển nước mênh mông trắng xóa, chỉ còn giống cá là ngụp lặn thoả thích. Sau chín ngày đêm, Zeus nguôi giận cho mưa tạnh, nước rút, mặt đất hiện ra.
Vợ chồng Deucalion ra khỏi tầu bàng hoàng vì mặt đất hiu quạnh, tiêu điều xác xơ. Từ đỉnh ngọn núi Parnax, họ đi xuống chân núi thì tìm được một cái đền bị bùn phủ kín, rêu phong bám đầy, thì họ dọn dẹp sơ sài, rồi dâng lễ vật tạ ơn thần Zeus và các thần trên núi Olympia đã cho họ được sống sót. Thấy Zeus hài lòng thì họ liền xin cho mặt đất có được một nhân loại mới đông đúc như xưa. Zeus liền ưng thuận, nhưng phán cho họ thế này: “Các người hãy lấy vải che mặt ra khỏi đền thờ, rồi hãy ném lại phía sau lưng mình xương của mẹ các ngươi”. Nghe phán vậy thì Pi-a-ra nói với chồng: “Chúng ta đâu có thể làm như vậy đối với mẹ của chúng ta như vậy được!”. Nhưng Đơ-ca-li-ông đã thông minh nghĩ ngay ra, và bảo vợ rằng: “Ai là mẹ của chúng ta? Há chẳng phải là đất ư ? thế thì xương mẹ có phải là đá không ?”. Pi-a-ra gật ầu công nhận. thế là họ lấy đá, ném ngược lại sau vai mình. Kỳ diệu thay! cứ mỗi viên đá Đơ-ca- li-ông ném lại thì thành một người đàn ông, còn viên đá của Pi-a-ra thì hóa ra người nữ. Và một lớp người mới trên thế gian, lại sinh sống đông vui, nhộn nhịp.
Riêng đám cháu chắt của Dơ-ca-li-ông và Pi-a-ra có bốn người là Doros; Êolos; Ion; Achoeos là thủy tổ của bốn nhóm bộ lạc: Doriens, Éoliens, Ioniens, Achéns, cấu thành dân tộc Hy Lạp (Henlad), sau này gọi là Grèce (Grêce)./.
Kỳ tới: Mời qúy độc giả đọc “Đại Hồng Thủy” theo huyền thoại các dân tộc Đông Nam Á.

Ghi-chú:
(1). Prômêtê và chồng của Păngdor là Êpimêtê là hai anh em. Hai vị này xin với Ouranos (cha trời) và Gaie (mẹ đất) cho phép họ làm ra các loài trên trần gian, trong đó có con người. Con người lúc ấy chỉ là đàn ông thôi.
(2). Păngdor: Khi Zeus đã quá chán ghét con người, loài người lúc đó mới chỉ có đàn ông thôi, thì ông ta sai thần chân thọt Hêphaixtôx làm ra cái hộp tuyệt đẹp là Păngdor nói là quà tặng cho loài người, nhưng thực ra chủ ý của Zeus là làm cho đàn ông vì món quà tặng đó mà phải khổ sở, điêu đứng, sống dở, chết dở vì cái hộp Păngdor ấy. Păngdor chính là người đàn bà đầu tiên của nhân loại, và là vợ của Êpimêtê. Và đàn bà cũng chính là món quà của Zeus cho đàn ông.
(3). Thời đại đồ sắt: Xuất hiện trong khoảng những năm từ 1250- 1200 tr.CN. trong vương quốc Hittites ở Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay, nhưng phải đợi đến khoảng giữa những năm từ 1200-1000 tr CN, lịch sử mới cho là chấm dứt thời đại đồ đồng để được gọi là thời đại đồ sắt. Sự xuất hiện “thời đại đồ sắt” tạo ra hệ quả Xã hội chính trị sâu sắc, vì sắt sẵn hơn đồng, lại cứng hơn, nên các công cụ bằng sắt đạt nhiều hiệu quả canh tác hơn. Vì sắt sẵn, nên vũ khí cũng nhiều hơn, đó là lý do phát triển chiến tranh nhiều hơn, làm thay đổi bộ mặt chính trị. Sử gia nổi tiếng: V.Gordon Childe gọi “sắt” là kim loại của thời dân chủ.
Cũng căn cứ vào đây, ta có thể biết được trận “Đại Hồng Thủy” theo truyền thuyết Hy lạp, cách chúng ta khoảng 3250 năm.

Biên khảo: Uyên Ly