Sau khi Gilgamesh và Enkidou đánh nhau và trở thành bạn hữu, hai người đi tìm Houwawa – Một con quái vật – trong rừng bách hương về phía tây, để giệt trừ đi sự hung ác, bạo tàn. Chàng lại từ chối mối tình dâng hiến của nữ thần Ishtar, mà vị nữ thần này là con gái của Anou – Thần Bầu Trời – Ông này cho Ishtar một con bò mộng nhà trời để giết chết Gilgamesh, nhưng cuối cùng con bò mộng bị chàng và Enkidou đâm chết. Hai vị anh hùng này xuống tắm dưới sông Euphrate, rồi cưỡi ngựa đi ngang qua thành phố Ourouk để mọi người tán tụng.
Trong khi đó thì đại hội đồng các vị thần đang họp để cảnh cáo sự ngạo mạn không cùng của Gilgamesh và Enkidou, hội đồng quyết định trừng phạt Enkidou. Thế là Enkidou bị tàn tạ nhanh chóng cho đến khi hắn kiệt sức mà chết.
Đứng trước cái chết của một con người vô cùng mạnh mẽ, Gilgamesh thấm thía sâu xa sự khủng khiếp của một thực tại là “Sự chết”. Chàng bắt đầu hiểu ra rằng thái độ anh hùng, vinh quang của những chiến thắng, chẳng có chút ý nghĩa gì khi đối diện với sự tang tóc: “Con người dù có làm được những gì gọi là thành công, dù có đếm được bao nhiêu vinh quang ở đời mà mình chiếm hữu, thì cũng chỉ là gió thoảng, mây bay. Rồi đây, chính ta cũng sẽ phải chết”.
Đáng lẽ nhận ra được “chân lý” đó thì dừng lại tất cả những mong muốn, khao khát, Gilgamesh lại đâm ra lo sợ cái chết, và tìm cách lẩn trốn nó. Chẳng phải một mình chàng ta, rất nhiều vua chúa bên đông phương cũng như tây phương, đều cố gắng đi tìm phương thuốc trường sinh hòng kéo dài sự sống. Gilgamesh lục lọi trong sách vở tìm ra được câu chuyện Outa-Napishtim, một vị tổ tiên theo tục truyền đã tìm ra được bí quyết trường sinh. Thế là chàng lên đường đi tìm Outa-Napishtim. Ông này sống ở một nơi tận cùng thế giới. Chuyến đi của chàng rất gian nan, vượt qua rất nhiều trở ngại. Thậm chí còn phải chui qua cánh cửa âm cung mà mỗi ngày mặt trời lặn đều phải đi qua đó, chàng phải đối đầu với nhiều dị nhân, nếu không phải chàng ta là một con người có “Hai phần thần linh, một phần phàm tục” thì chắc chắn không thể nào gặp được Outa-Napishtim.
Thật vậy, các bạn có tin không ? chính Outa-Napishtim đã chờ đợi Gilgamesh đến để nói cho chàng biết rằng: “Từ khi các thần làm ra loài người bằng xương, bằng thịt, thì cái chết là điều không thể nào tránh khỏi, dù đó là Gilgamesh!”. Rồi ông ta tiếp: “Để ta nói cho người một bí mật lớn”. Rồi ông ta kể lại câu chuyện “Đại hồng thủy” tương tựa như câu chuyện ông Nô-e trong sách Sáng Thế. Nhưng thay vì ông Nô-e thì trong chuyện này người được thần Enki chỉ dậy đóng tầu là Outa-Napishtim và tất nhiên là cũng giống như trận đại hồng thủy trong truyền thuyết Sumer (đã kể trong Chân Lý số 84).  Thần Enki đã lén dậy cho ta thoát hiểm và còn dấu được các loài mỗi thứ một đôi trên tầu, Outa-Napishtim nói vậy. Sau khi đã tận giệt mọi loài mà còn sót lại con tàu của ta thì lúc đầu các thần nổi giận, nhưng Enki đã thuyết phục giỏi, ông ta phát biểu trong đại hội các thần: “Những kẻ phạm tội thì phải bị trừng phạt, đúng thế! Nhưng xóa bỏ hoàn toàn loài người là điều quá đáng!”. Và cuối cùng thì họ đã nhìn nhận sự thoát hiểm của Outa-Napishtim là can đảm và đáng thưởng, do đó họ đã ban cho ta sự trường sinh, chứ chẳng có phương cách nào khác. Tuy nhiên để bù đắp cho chuyến đi cực nhọc của Gilgamesh, Outa-Napishtim cũng tặng cho chàng một chiếc áo “an toàn” cho chuyến đi trở về nhà, để viết lại câu chuyện “đại hồng thủy” trên bộ sử thi mang tên Gilgamesh, một vì vua, một anh hùng của dân tộc Babylone.
Như ban đầu chúng tôi đã tường thuật: Bộ sử thi này được viết trên 12 phiến đất sét, khoảng 2000 năm trước Thiên Chúa. Sau nhà bác học Babylone, ông Sinlegeounninni tu chỉnh lại và đặt trong thư viện Assurbanipal thành Ninive khoảng năm 1100 tr. T.Ch.
Kỳ tới: Chúng tôi sẽ trình bày trận “đại hồng thủy” theo huyền thoại Hy-Lạp.

Biên khảo: Uyên Ly