Khoảng năm 1000 trước T.C. Vua David chiếm thành
Giêrusalem, thống nhất 12 bộ tộc bao gồm
các bộ tộc Israel phương Bắc, và các bộ tộc Judah miền Nam.
Trong khoảng 1500 năm Jerusalem vừa là Thủ đô, vừa là thành Thánh, nhưng lại là hiện trường của những cuộc tàn sát đẫm máu. Ngay cả hôm nay, Jerusalem vẫn còn thường xuyên nghe tiếng súng nổ!
Lịch sử đã ghi lại: Thành phố này đã từng bị chiếm 11 lần, 5 lần bị tàn phá. Kẻ “sưu khảo” đã có cơ hội đứng trên mảnh đất này, chiêm ngưỡng một địa danh có nhiều “điện thờ” nhất thế giới. Và cũng đã cố gắng dùng con mắt Tâm linh nhìn xuyên qua lịch sử của nó, để tìm lại dấu vết những giòng đời đã đi qua, những công trình xây dựng của các vua chúa, những bước chân xâm lược của các đế quốc, cũng như những giấc mộng đã tan tành … theo mây khói. Tất cả chỉ còn là những bóng mờ trong tâm tưởng, bởi những người xưa, cảnh cũ, không chỉ bị chôn vùi trong lớp bụi thời gian. Mà người ta (Khảo Cổ cung cấp) phải đào sâu xuống 21 mét, dưới những lớp vôi gạch đổ nát, mới nhìn lại được tấm khung nền thành cổ Jerusalem. Rồi may ra mới tìm được hàng hàng lớp lớp những dấu chân xô bồ, dẫm nát của những con người xô đổ lịch sử. Tuy nhiên, hàng năm vẫn có cả triệu người đến Jerusalem. Họ đến để làm gì khi mà tất cả đã bị chôn vùi ? Họ đến để thấy gì, khi mà Jerusalem đã không còn là chính nó của những ngàn năm trước ?
Trước tiên, nghĩ tới Jerusalem, người ta luôn nghĩ tới Đền Thờ Jerusalem do một ông vua được coi là người khôn ngoan nhất thế gian xây dựng – Vua Salômon – Người con kế vì của vua Đa-Vít. Chính vua Đa-Vít cũng có ước nguyện này, nhưng cuộc đời vua là một quá trình để chinh phục, nên trước khi mất, Ngài đã truyền lại cho con mình. Trong Kinh Thánh, sách các vua quyển 1 nói, khi Salômon định xây đền thờ cho Đức Chúa, thì ông đã trả cho Khi-ram, vua của người Xi-đôn, ở thành Tia 400 ngàn thùng lúa miến và 40 ngàn thùng dầu nguyên chất mỗi năm, để đổi lấy số lượng gỗ bá hương và gỗ trắc, lấy từ Li-Băng đưa xuống biển, đóng bè chở tới địa điểm Salômon yêu cầu, đủ để xây cất đền thờ. 30 ngàn dân công Israel thay phiên nhau tới Li-Băng, phụ với dân vua Khi-ram. 70 ngàn phu khuôn vác, 80 ngàn thợ đục đá ở trong núi. Ba ngàn ba trăm người trưởng đội điều khiển các công việc. Vua cho người lựa riêng những phiến đá lớn, đục đẽo vuông vắn, để xây nền móng.
Năm thứ 480 trước T.C. (tức năm thứ 4, triều Salômon) thì khởi công. Khu vực Đền Thờ được dùng để kính Thiên Chúa dài 30 thước, rộng 10 thước và cao 15 thước. Khu Tiền đình ở trước gian Cung Thánh (cũng là phía trước đền thờ): 10 thước theo chiều rộng, và 5 thước theo chiều dài của Đền Thờ. Phía trong có chái bọc chung quanh làm thành tầng: Tầng dưới rộng 2 thước rưỡi, tầng nhì 3 thước, và tầng Ba rộng 3 thước rưỡi. Cửa vào tầng giữa nằm bên hông phải và dùng thang xoáy đi lên. Lên tầng Ba cũng vậy. Chung quanh Đền Thờ phía ngoài có hành lang xây cao 2 thước rưỡi. Trần Đền Thờ người ta dùng gỗ bá hương chạm trổ mỹ thuật mà đóng lên. Mặt trong của Đền Thờ cũng được ghép ván bá hương. Nền nhà lát ván gỗ trắc. Phần sau của Đền Thờ là nơi Cực Thánh, khoảng này dài 10 thước, rộng 10 thước, cao cũng 10 thước. Ghép ván gỗ hương từ nền lên tới trần. Trước nơi Cực Thánh gọi là Cung Thánh, dài 20 thước. Cũng dùng gỗ bá hương ghép bên trong, để không trông thấy đá, và chạm trổ những hình trái mướp đắng và nhành hoa. Nơi cực Thánh đặt Hòm Bia Giao Ước của Đức Chúa. Nơi đây vua cũng làm một bàn thờ bằng gỗ bá hương. Sau hết, vua lại cho dát vàng ròng khắp Đền Thờ không trừ nơi nào: Trong Cung Thánh, nơi Cực Thánh, cũng như bàn thờ.
Trong nơi Cực Thánh có hai tượng thiên thần Kê-ru-Bim bằng gỗ Ô-liu dát vàng, mỗi bức tượng cao 5 thước. Hình Kêrubim còn được chạm trổ nhiều trên những cánh cửa ra vào Cung Thánh và nơi Cực Thánh xen lẫn với các hình cây chà-là và hình hoa, tất cả cũng đều được dát vàng ròng. Thời gian xây cất Đền Thờ là 7 năm.
Kế đến phải kể là cung điện vua Salômôn. Cung điện dài 50 thước, rộng 25 thước, cao 15 thước, với bốn hàng cột bằng gỗ bá hương. Trần nhà cũng bằng gỗ bá hương. Một hành lang nhiều cột, dài 25 thước, rộng 15 thước. Mặt tiền hành lang có một mái hiên với tường hoa. Trong hành lang có đặt một ngai vàng, để vua xét xử, nên hành lang này được gọi là “Hành lang Công Lý”. Sách sử đã từng kể những mẩu chuyện ca ngợi tài xử án của “ông vua khôn ngoan” này, và đã khiến cho một nữ hoàng khó tánh, nhưng nổi danh về “giầu có và nhan sắc” phải “xiêu” lòng. Đó là Nữ hoàng Sha-Ba. Toàn bộ hành lang được ghép bằng gỗ bá hương từ sàn tới mái. Nền cung điện nơi vua cư ngụ, Sân bên trong hành lang, nền phòng hoàng hậu (Ái nữ của vua Pha-ra-ô, bên Ai-Cập) đều làm bằng đá phiến hảo hạng, đẽo gọt theo kích thước, và xẻ bằng cưa, có chỗ rộng 5 thước, nơi 4 thước. Chỗ nào là nhà thì cũng xây bằng đá, đẽo gọt theo kích thước, rồi bên trong lát gỗ bá hương. Chung quanh sân Đền Thờ cũng như cung điện đều có ba hàng đá đẽo và một hàng ván bá hương. Còn nhiều công trình bằng đồng vĩ đại khác nữa không kể hết được, như những cột trụ khổng lồ, những chiếc vạc, bình, những giàn đèn lớn, mười cái bồn đặt trên mười giá, một bồn khổng lồ đặt trên 12 con bò đỡ phía dưới v.v… Nhưng tất cả vật dụng trong Đền Thờ như bàn đặt bánh tiến, các chân đèn, hoa đèn, kéo cắt bấc, chén, dao, bình rảy, bình hương, khay đựng tro v.v… ngay cả chốt cánh cửa đều làm bằng vàng, chứ không phải bằng đồng đánh bóng. Phải mất 13 năm mới hoàn tất việc xây cất cung điện.
Nhưng tất cả những công trình này đã xảy ra đúng như lời Đức Giêsu Kitô: “Không còn hòn đá nào chồng trên hòn đá nào”. Vậy ngày nay người ta đến Jêrusalem để chiêm ngưỡng gì ?
* Trước hết phải nói đến “Bức Tường Than Khóc” có liên hệ thế nào với dân tộc Do Thái ?
Sau gần 2000 năm lưu lạc, họ tuy đã trở về lập quốc, nhưng vẫn còn nhiều người Do Thái sinh sống trên nhiều quốc gia khác. Những người này hàng năm vẫn muốn trở về để nhìn thấy mảnh đất Jêrusalem, cho dù thành phố thay đổi thế nào, cũng vẫn là địa điểm thiêng liêng nhất, và là Thủ đô cổ của D.T. Do Thái, của đất nước Do Thái. Không người Do Thái nào trở về hành hương trên quê hương mình, lại không viết những lời cầu nguyện và đặt vào những khe hở của bức tường, mà cả thế giới đều biết tên của nó là “Bức Tường Than Khóc”. Muốn biết lịch sử Bức Tường Than Khóc, bạn hãy từ từ gỡ lớp bụi thời gian trở về ngàn (1000) năm trước T.C. khi vua David chiếm thành Jêrusalem, thống nhất 12 bộ tộc Israel, và thành lập Thủ đô của vương quốc này. Trước khi mất, di chúc của ông cho Salômôn, người con kế vị là phải lập Đền Thờ (thứ Nhất) dâng cho Thiên Chúa. Đền Thánh Jêrusalem (được nói nhiều hơn chữ Đền Thờ, ở đây viết là Đ.T. cho ngắn gọn) như đã mô tả trên. Đền Thờ được xây dựng trên Núi Đền, và chiếm một phần trong tổng hợp kiến trúc, bao gồm những cơ sở chính trị, hành chánh, và đường phố rộng lớn. Nhưng chỉ sau khi Salômôn qua đời, các bộ tộc Israel lại chia rẽ, và Jêrusalem trở nên Thủ Đô của các bộ tộc Judah. Chính sự chia rẽ, đã làm cho một dân tộc dù là thông minh, cũng trở nên yếu kém – Một bài học lịch sử cho hết mọi dân tộc – vì chỉ 200 năm sau đó, vương quốc Israel đã bị những người Assyria tàn phá. Jêrusalem trở thành trung tâm tín ngưỡng Assyria. Còn Đền Thờ thì bị người Babylon tiêu hủy vào năm 598 trước T.C.
Cho đến năm 31 tr.T.C. một người Do thái tên Herod (thường gọi là Hê-rô-đê – một thành viên Do-Thái Giáo) được đế quốc La Mã chỉ định làm vua dân Do Thái. Trong 36 năm liên tiếp, ông tái xây dựng lại thành phố Jêrusalem, và đồng thời xây dựng lại Đền Thờ (Đền Thờ thứ Hai – Đức Giêsu đã đi lễ đền thờ này). Từ ngôi Đền Thờ này, vua Herod cho xây bức tường thành chống đỡ Núi Đền. Theo Tân Ước tất cả mọi sự hoàn thành mất 46 năm. Đọc lịch sử, ta thấy người Do Thái nổi loạn nhiều lần để chống lại sự cai trị hà khắc và chiếm đóng của người La-Mã. Năm 68 sau T.C. Hoàng đế Nero băng hà (cũng gọi là Nê-rôn, ông vua dữ tợn, độc ác, và hà khắc nhất trong lịch sử cấm đạo Thiên Chúa của đế quốc LaMã), nhân có sự bất nhất trong quân đội của Đế chế ở các nơi. Một lúc xuất hiện bốn vị vương. Năm 69 thường được gọi là năm của bốn Hoàng đế (chỉ 1 năm thôi, cuối cùng Flavius là người ổn định tình hình). Nên người Do thái cũng nổi dậy làm khởi nghĩa, nhưng không thành, bị đoàn quân La Mã của Titus trừng phạt. Jêrusalem bị phá tan tành. Đền Thờ (thứ 2 của Herod) cùng chung số phận. Sau cuộc tàn sát này, người Do Thái phải bỏ xứ tản mát khắp nơi trên thế giới. 960 kháng chiến quân Do Thái cuối cùng, cố thủ trên pháo đài Masada cạnh Biển Chết đã cắt cổ, tự sát tập thể. Người cuối cùng trước khi rút gươm tự sát đã nổi lửa đốt pháo đài. Mọi sự đều xụp đổ, chỉ còn lại duy nhất bức tường phía Tây, một phần của bức thành chống đỡ Núi Đền. Người Do Thái chính thống thường tới đây than khóc về sự xụp đổ của Đền Thánh nói riêng, của sự mất nước nói chung. Thế kỷ thứ xvi khởi đầu thời đại Ottoman, Bức Tường Than Khóc chính thức được công nhận là Thánh Địa của người Do Thái.
* Kế đến, tuy nói là kế nhưng thực ra lại quan trọng hơn câu chuyện thứ Nhất – Câu chuyện “Bức Tường” – Vì toàn bộ Giê-ru-sa-lem được coi là Thánh Địa của Đạo Công Giáo. Cho dù một số “Điện Thờ” thuộc sở hữu những tôn giáo khác. Người Công Giáo nhận Giê-ru-sa-lem là Thánh Địa, vì ở đó Chúa Giêsu đã thực hiện chương trình cứu rỗi loài người qua cuộc Tử Nạn trên Thánh Giá mà người C.G. gọi là Hy-Lễ. Và sự Phục Sinh của Ngài đã chiến thắng sự chết, mang lại sự sống vĩnh cửu cho nhân loại – Những ai tin vào Đức Kitô Con Thiên Chúa hằng sống – Bằng vào hai chủ điểm đó: “Hy Lễ Hiến Tế” và “Chúa Giêsu Phục Sinh”, không riêng gì Công Giáo mà rất nhiều tín đồ Thiên Chúa Giáo nói chung, hàng năm Hành hương về Thánh Địa để tưởng niệm những Dấu Chân đẫm máu đưa tới “Cái Chết” của Con Thiên Chúa xuống làm Người, và kính nhớ ngôi cổ Mộ mà từ đó, Người đã sống lại. Nếu trước kia đồi Golgotha nơi thi hành án tử các tử tội ở ngoại thành, thì sau thời điểm Chúa Giêsu bị đóng đinh trên thập tự giá, Jerusalem cứ từ từ mở rộng dần, để ngày nay khách hành hương đến kính viếng, sẽ thấy từ vườn đồi Olives, núi Golgotha đến Mộ Thánh đều nằm trong phạm vi của thành phố. Nếu bạn giàu óc tưởng tượng cứ coi những địa điểm vừa kể là những “Chính Tinh”, thì có vô số những “vệ tinh” chung quanh đó, mà bạn có thể từ từ đi tới, như: Tu viện Thánh Giá, Nhà thờ Thánh Anne. Từ vườn Gethsemane (Dưới chân đồi, hay núi Olives, do sự bảo quản của các Tu sĩ Dòng Thánh Phanxicô) đêm thứ Năm Chúa cầu nguyện với Đức Chúa Cha, trong sự thống khổ, đổ mồ hôi máu của Chúa Giêsu, trước lúc bị quân dữ bắt, trông xuống là Thánh đường Thánh Maria Magdalene của Chính Thống giáo Nga (xây 1885). Cũng từ địa điểm này, nhìn qua Bức Tường Than Khóc là một Thánh Đường đồ sộ mang tên là “Thánh Đường Vòm Đá”, một Thánh địa quan trọng hàng thứ Ba của Hồi Giáo, chúng tôi sẽ nói ở phần sau. Nhiều lắm: Nào là Nhà Tiệc Ly, mộ vua Thánh David, Thánh Đường kỷ niệm nơi Chúa dạy kinh “Lạy Cha” v.v… Nhưng bạn sẽ không thể bỏ qua “Con đường Chúa đã đi qua” tức 14 chặng đường Thánh Giá. Nhưng đừng nghĩ rằng đây là “con đường thực sự” Chúa đã đi qua hai ngàn năm trước! Con đường thật sự, bây giờ đã nằm sâu dưới lòng đất! Via Dolorosa ngày nay chỉ là một lối đi hẹp với những vòm cung ở trên cao, và hệt như một khu chợ, vì khin khít những gian hàng người ta bày bán hình ảnh và đồ kỷ niệm. Cứ cách một khoảng khá dài, thì có một trạm dừng của 14 đàng Thánh Giá, đúc bằng tượng, hay có khi là bức phù đồ chạm nổi trên tường, không thống nhất, và cũng không đồng đều. Cuối cùng thì cũng lên tới điểm theo truyền thống nói là nơi ngày xưa người ta đã dựng Thánh Giá Chúa. Chỉ gần đấy thôi là nhà thờ Holy Sepulchre, trong đó có ngôi Mộ Thánh – Thánh Địa quan trọng nhất của những người Thiên Chúa Giáo – Có ít nhất là 6 giáo phái trông nom, canh giữ và kiểm soát. Nhà thờ Holy Sepulchre được hoàng đế La-Mã Constantine xây cất vào đầu thế kỷ thứ 4, do lời khẳng định của mẹ ngài là bà Helena. Lúc bấy giờ Mộ phần của Chúa còn nằm trên địa điểm của một đền thờ La-Mã thờ nữ thần Aphrodite. Lại cũng có giả thuyết nói rằng người chỉ điểm Mộ Chúa là Tổng Giám Mục Makarios ở Jerusalem. Thực hư thế nào ? Ai đúng, ai sai ? Xin mời bạn đọc theo dõi vào kỳ tới.
Biên khảo: Uyên Ly
(Còn tiếp)