Lemuria & Mu: Theo truyền thuyết Lemuria là một lục địa đã bị mất tích ở Ấn Độ dương, nơi có vườn địa đàng Thiên Chúa đã tạo dựng nên Adam và Eva, và nếu truyền thuyết này là thực thì Lemuria chính là cái nôi khai sinh loài người. Nhà khoa học Ernst Haeckel người Đức đã quả quyết như thế. Một số những nhà khoa học khác như: Philip Sclater, T.H. Huxley, Alfred Russell Wallace và nữ thuyết gia về thần trí Madame Helena P. Blavatsky lại cho rằng lục địa Lemuria là thế giới của nhân loại gốc thứ Ba. Theo họ, giống người này ở vào thời kỳ chưa biết thế nào là ngôn ngữ. Nói cách khác, con người thủa đó sống nay đây, mai đó, chưa định cư, nên chưa có phong tục, chưa có tập quán, và tất nhiên không có văn hóa. Con người không có tiếng nói, lý do rất đơn giản là vì chưa biết thống nhất với nhau để gọi tên, hay đặt tên các vật, các loài và ngay cả những bộ phận thuộc cơ thể của mình … Giống như một người không biết ngoại ngữ, mà phải ở giữa những người ngoại quốc, thì dù có muốn nói cũng không có “từ” gì để nói, đành phải ú ớ thôi! Thời thượng cổ, con người cũng giống vậy!

Philip Sclater đồng quan điểm với Blavatsky cho rằng những người Lemuria có khả năng tâm linh phát triển cao, và mặc dù chưa có tiếng nói, họ vẫn giao tiếp với nhau được bằng thần giao cách cảm. Ở thế kỷ thứ 19, một số học giả như Philip Sclater, nhà thần trí học W.Scott-Elliott … ủng hộ cho thuyết tiến hóa của Darwin, nên đặc biệt là Scott-Elliott đã quả quyết rằng: Người Lemuria lúc đầu đẻ trứng, rồi qua sự tiến hóa, mới sinh con như bây giờ. Nhưng trong lãnh vực biên khảo, tác giả bài này cho rằng huyền thoại loài người đẻ trứng, có thể đã có từ lâu, vì huyền thoại này đã đi vào tác phẩm hội họa của Léonard de Vinci (1452-1519).

​Tác phẩm có nhan đề là “Leda and the Swan” (xc. Hình minh họa) (Thiển nghĩ “Leda” là chữ rút gọn của danh từ kép Lemuria dame: Người đàn bà Lemuria). Bạn đọc từng biết rằng: Léonard de Vinci và Michel-Ange là hai nghệ sĩ vĩ đại nhất và đầy đủ nhất trong thời văn nghệ Phục Hưng tại Ý. Như vậy, không cứ gì huyền thoại “bọc trứng trăm con” của huyền sử Việt. (Trong hình chúng ta thấy họa sĩ đã vẽ “trứng do người mẹ sanh, rồi nở thành con người”. Ấp một lúc mấy đứa luôn, nuôi cho tiện. Nhìn cũng vui mắt) Xem thế thì huyền sử “mẹ Âu-cơ đẻ trăm trứng, nở trăm con”, không còn xa lạ gì với huyền sử các dân tộc (hay thế giới loài người).

Triết gia Rudolf Steiner cũng mô tả giống người Lemuria thuộc gốc thứ Ba (trước người Atlantis). Họ liên lạc và giao tiếp với nhau bằng thần giao cách cảm. Ban đầu họ không có trí nhớ. Nhưng trải dài theo thời gian, họ có mục đích phát triển ý chí và khả năng tưởng tượng “thấu suốt” để kiểm soát các thế lực của thiên nhiên. Lemuria bị phá hủy do hoạt động của núi lửa (theo truyền thuyết).
Năm 1870, James Churchward một cựu Kỵ binh ở Bengal tuyên bố rằng ông đã khám phá ra  lục địa “Mu” mất tích ở Thái Bình Dương, mà tâm điểm ở ngay phía nam xích đạo. Lục địa này dài 6,000 dặm từ Tây sang Đông, và rộng 3,000 dặm từ Bắc xuống Nam. Một Y-sĩ người Pháp thuộc thế kỷ 19 Augustus Le Plongeon là người đầu tiên khai quật tàn tích Maya ở Yucatan, đã xác nhận sự khám phá của đại tá Churchward là đúng. Le Plongeon khẳng định người Maya và Ai-Cập cổ đại đều là con cháu của người Mu. Theo những nhà khai quật cổ sử này thì giống người Mu xuất hiện trên trái đất khoảng 200.000 năm. Cách đây khoảng 12.000 năm, Mu bị núi lửa phun dữ dội, động đất và sóng thần phá hủy toàn bộ lục địa. Những người sống sót chạy sang các lục địa khác.
Một vài nơi trên trái đất thời đại chúng ta, cũng đang có những hiện tượng giống vậy. Cả Jeane Dixon lẫn Nostradamus (các nhà tiên tri nổi tiếng của thế giới) đều có nói rằng sẽ có một số nước bị xóa tên trên bản đồ. Xuyên qua lịch sử, có lẽ ai trong chúng ta cũng thấy rằng: những chuyện như vậy, thời nào, lúc nào cũng có thể xảy ra. Người Công giáo học hỏi và nghiên cứu lịch sử con người, lịch sử vũ trụ, cho một cái nhìn sâu sắc hơn về các hiện tượng, để từ đó nhận ra ý của Thiên Chúa muốn con người sống và hành động thế nào qua các dấu chỉ, chứ không phải để lo lắng, hay hoảng sợ.

Người ta có thể tìm kiếm được “Bình an của Thiên Chúa” hiện diện trong cuộc sống của mỗi con người trong bất cứ hoàn cảnh hay tình huống nào. Điểm này mới chính là chân trời bao la, sâu thẳm để mỗi người chúng ta có thể chiêm niệm và khám phá như một kỳ công cần chiếm hữu của cuộc sống, chứ không phải bất cứ cáì gì, hoặc điều gì khác./.

Biên khảo: Uyên Ly