Nói đến cái chết của Socrates, bạn đọc đã thấy và cảm phục một con người đứng trước cái chết mà vẫn khí khái. Coi chuyện sống chết trên đời là lẽ thường tình của con người. Cùng thời với Socrates, bên phương đông có một số triết gia, như ông Khổng Tử, Lão Tử, Trang Tử v.v… chúng tôi sẽ đề cập sau này. Nơi đây chúng tôi chỉ muốn nói, trong khi mọi người đều sợ chết, thì đa số những nhà tư tưởng của thế giới chúng ta đang sống, họ lại bình an đón nhận. Họ là những người rất giỏi, nếu sống lâu, có thể viết nhiều, và để lại được những kho tàng quí giá cho nhân loại, nhưng trái lại, họ chẳng chút nuối tiếc thời gian. Coi như hễ còn sống ngày nào, thì làm hết bổn phận ngày đó, rồi chết thì an nghỉ: Lạc sinh an tử. Trong sách “Khổng Tử gia ngữ”, thiên Đại lược của Tuân Tử, ghi lại câu chuyện đối đáp giữa Khổng Tử với Tử Cống, thì ta nghe Khổng Tử nói: “Sống là làm việc mà chết là nghỉ ngơi”.
Nói đến “An Tử”, không chỉ là một cái chết bình an theo nghĩa thường tình. Cái chết với một ly thuốc độc, và bị lên án phải uống để chết như ông socrates, đâu phải là cái chết của một người đã sống hết tuổi thọ của mình, rồi khi biết cái bình đã hết dầu, thì tim đèn phải tắt, là thân xác con người của mình. Không, Socrates còn dư năng lực để sống, để truyền bá học thuyết của mình, còn hăng say để giảng giải các vấn đề cho học trò, cho môn sinh, còn có thể đặt ra rất nhiều nghi vấn cho người đời suy luận, và giải đáp. Thế nhưng trước cái chết, chẳng phải mình muốn, Socrates vẫn không chút sợ sệt, không lo lắng, không buồn phiền, không trách móc ai. Không căn dặn môn đệ trả thù ai. Còn bình tĩnh xét lại xem mình có mắc nợ ai điều gì không ? Còn an ủi những người sống, trong khi biết mình sắp chết. Đó là một đức tính quí, tưởng ai trong chúng ta cũng nên học ông, hoặc noi gương, bắt chước. Sau đây, chúng tôi mời bạn đọc chiêm ngưỡng cái chết của ông Tăng Tử, một trong số những môn đệ của ông Khổng Tử, ông cũng có quan niệm như phần đông những nhà tư tưởng mà chúng tôi vừa kể trên, chết cũng phải chết cho chính đáng và hợp lễ,  nhân cái chết của ông Socrates.
Quý Tôn, một nhà quyền thế đương thời, tặng Tăng Tử một chiếc chiếu đẹp rực rỡ. Loại chiếu chỉ có những bậc đại phu mới được phép dùng, trong khi Tăng Tử không phải là đại phu. Đúng ra thì người tặng không nên tặng, mà người nhận, không được phép nhận. Nhưng không hiểu sao Tăng Tử lại nhận (có lẽ, vì muốn làm vui lòng Quý Tôn). Tăng Tử tính dùng nó ít ngày rồi dẹp đi, nhưng chưa kịp thì bịnh. Bệnh của ông lại mỗi ngày một nguy kịch. Bấy giờ ngồi dưới chân giường có đệ tử là Nhạc Chính Tử Xuân, Tăng Nguyên, Tăng Thân, còn ông thì nằm trên chiếc chiếu “đại phu” đó. Chợt đứa nhỏ ngồi ở góc bưng đèn, nói lên:
– Chiếc chiếu đẹp đẽ kia có phải là chiếu của bậc đại phu không ?
Tử Xuân bảo nó:
– Im đi!
Nhưng Tăng Tử nghe được, ngơ ngác hỏi: “Hử!”, đứa bé phải lặp lại:
– Cái chiếu đẹp đẽ đó, có phải là chiếu của bậc đại phu không ?
Tăng Tử bảo:
– Phải, của ông Quý Tôn cho ta đó, ta chưa kịp thay nó. Thằng Nguyên đứng dậy thay chiếu đi!
Tăng Nguyên thấy ông bịnh mê man, lúc tỉnh, lúc không, tình trạng hết sức nguy kịch, không nỡ dằn vặt thân xác thày mình, thì xin để đến sáng hôm sau sẽ thay, cho thày khỏi mệt, nhưng ông mắng:
– Mày yêu ta không bằng thằng nhỏ kia! Người quân tử yêu người là muốn cho người ta giữ được cái đức. Kẻ tiểu nhân thương người thì chần chờ, nấn ná, muốn để cho người ta yên. Nhưng ta cầu cái gì ? Ta chỉ cầu chết mà được chính đáng (nghĩa là không trái lễ, trái luật) thôi!
Mấy môn đệ mới đỡ ông dậy mà thay chiếu, mới đặt ông lại trên chiếc chiếu thường … nhưng chưa yên thì ông mất (Câu chuyện ghi trong Lễ Ký, thuộc thiên Đàn Cung).
Người xưa ở đâu cũng vậy, “lễ”, “nghĩa” rất trân trọng, người không có “lễ, nghĩa”bị coi là phường không ra gì. Tuy nhiên quá lệ thuộc vào vật chất lại không phải là điều hay. Cái gì làm ra cũng chỉ là để phục vụ cho con người. Vật mà quí hơn người thì còn gì là “Nhân phẩm”.
Chúa Giêsu thì khác, Ngài luôn đề cao nhân phẩm con người. Lễ nghi và lề luật, không bao giờ cao trọng hơn! Kỳ tới, chúng ta sẽ đề cập tới Plato – Người học trò đệ nhất của Socrates, và cũng là bậc thầy của nhân loại.

Biên khảo: Uyên Ly