Đã chọn “khuôn mặt” Socrates lại càng không thể bỏ qua “khuôn mặt” Plato, mặc dù Plato chỉ là học trò của Socrates. Đa số các triết gia đều cho rằng lúc đầu Plato hấp thụ tư tưởng Socrates nhưng sau thì ông vượt cả thầy mình và trở thành bậc thầy vĩ đại của nhân loại. Người ta còn cho rằng ngoại trừ cuốn Thánh Kinh, Tây phương chưa có cuốn nào có ảnh hưởng rộng lớn như cuốn “Republic”(Cộng Hòa) của Plato (Trong phần trích đoạn, chúng tôi sẽ chọn cuốn này để cống hiến bạn đọc). Còn một điểm đặc biệt khác mà chúng tôi chọn và đưa Plato lên “Đăng Đàn”, là vì quan điểm triết học của ông ảnh hưởng ít nhiều quan điểm triết học Thánh A-gu-tinh (St Augustine) khoảng 800 năm sau, và hơn thế nữa, lý thuyết của Plato về một phương diện nào đó, đã tạo sức “chấp cánh bay lên” cho tư tưởng thần học triết lý của Thánh An-sen-mô thành Canterbury (St. Anselm of Canterbury), cha đẻ của triết học kinh viện (1) mười bốn thế kỷ sau. Có lẽ đã quá đầy đủ lý do để ông Plato có thể ra mắt quí vị, mà chúng tôi không buộc phải dài dòng nữa!
1.Thân thế:
Chúng tôi bỏ qua “bối cảnh thời đại” của Plato, vì độc giả có thể tìm thấy hoàn cảnh lịch sử xuyên qua cuộc đời của Socrates trong “Chân Lý” số 78, để chúng ta gặp gỡ ngay con người thực của tác giả.
Là một triết gia nổi tiếng được nhiều thế hệ học hỏi và nghiên cứu cách sâu sắc tư tưởng của ông qua các tác phẩm cũng vào hàng nổi tiếng trong các tác phẩm giá trị. Plato sinh ra trong một gia đình quí tộc của thành Athèns (Nhã Điển, thủ đô Hy lạp) năm 427 trước CN. Ông là niềm hy vọng của gia đình và giòng họ, có được môi trường thuận lợi, để trở thành một trong số những nhà chính trị và lãnh đạo của Athèns. Nhưng ông lại chọn hướng đi khác và trong sự đam mê, Socrates đã đào tạo ông trở thành một nhà triết học theo hướng của mình. Hoàn cảnh xã hội Athèns lúc bấy giờ, lại không phải là một môi trường mà Socrates được ưu đãi. Ảnh hưởng của những người Athèns đương thời rất đa dạng và đầy “ấn tượng”. Một số người như Plato và ngay cả vị tướng lỗi lạc rất được lòng quần chúng như Alcibiades, thì coi Socrates như thần tượng, vừa yêu mến, vừa tôn thờ. Nhưng với những người khác, như những người nắm quyền lực ở Athèns (họ thuộc những nhà Dân chủ mới nắm chính quyền) đã kết án tử hình ông năm 399 tr.CN (Theo truyền thống Kitô Giáo, năm này cũng là năm thành hình cuốn Ngũ-Kinh của Cựu ước), thì xem ông là một “tội phạm tiêu biểu”, một “tên hề sa đọa” được người ta gọi là “người khôn”. Và tòa án xử “điển hình” không khoan nhượng, về tội trạng “làm hư hỏng thanh thiếu niên và xúc phạm tới các thần Hy Lạp”, là những vị thần của quốc gia (thời này ở Athèns tín ngưỡng tôn thờ các vị thần mà bây giờ chúng ta gọi là “thần thoại Hy Lạp” rất mạnh. Chính nữ tiên tri của đền thờ Apollon đã nói Socrates là người khôn ngoan nhất, và biết đâu điều đó cũng làm cho nhiều người ghen tức. Cho nên tài hoa và giỏi giang cũng là điều không may mắn. Cụ Nguyễn Du nhà mình đã có nói rồi: Tài mệnh tương đố). Có người đã bảo Socrates là hiện thân phần nào lý tưởng Chúa Giêsu, vì ông dẫn những lý luận của người ta về “độc thần”, là Đấng Thượng đế, và con người có một linh hồn bất tử … Như trường hợp Chúa Giêsu, Socrates bị tòa án đời mà cũng là đạo lên án “phải chết”. Đây có lẽ là lý do chính, khiến Plato phải rời bỏ Athèns, quê hương mến yêu của mình. Có một giả thiết khác cho rằng trong số họ hàng của Plato, có những nhà quí tộc trong thành phần “Ba mươi nhà độc tài” từng cai trị Athèns, sau khi bị Sparta đánh bại, rồi một nền Dân chủ thay thế. Điều này có thể ảnh hưởng ít nhiều với Plato chăng.
Ông có hai anh trai, một người có tên là Adeimantus, người kia Glaucon. Cả hai đều xuất hiện trong tác phẩm Republic. Ngay từ niên thiếu, Plato đã biết và phục Socrates, nhưng phải tới tuổi đôi tám Lý tưởng của Socrates mới ảnh hưởng mãnh liệt trên con người của Plato, nên qua cái chết của thầy mình, Plato nhất quyết làm chứng nhân cho một nhân vật mà ông cho là: Một con người tốt nhất, khôn ngoan nhất, đạo đức nhất, và công chính nhất mà ông từng được biết.
Năm rời Athèns, Plato đúng 28 tuổi. Ông đi chu du đó đây một thời gian, trong đó phải kể là Ai-cập và Cyrene. Thời gian này ông viết lại những gì Socrates đã dạy, theo thể văn đối thoại, và thường thì Socrates là nhân vật chính. Rồi ông tới Italia và Sicilia năm 387, ở đây ông làm bạn với Dion, người thân của Dionysius, một nhà độc tài của Syracusa, Sicilia. Từ Sicilia ông trở về Athèns và không lâu, ông đã sáng lập ra học viện Academia – Đại học đầu tiên trên thế giới – Trường này đã tồn tại được gần 1.000 năm, cho đến khi bị hoàng đế La Mã Justinian đóng cửa vào năm 529 sau CN. Năm 367 và 361 ông có trở lại Sicilia, nghe nói là ông tính thành lập một lý thuyết chính trị của ông ở đây, nhưng không thành công. Vì thế cuộc đời ông hầu như gắn bó với học viện Academia thường trực cho tới khi qua đời vào năm 347 tr.CN. Plato thọ 80 tuổi. Trong số các học trò của ông, người nổi bật nhất là triết gia Aristotle.
2.sự nghiệp:
Người ta cho rằng triết học Plato ảnh hưởng nhất trong thếgiới triết học phương Tây. Alfred North Whitehead là nhà triết học của thế kỷ 20 nhận định rằng: “Truyền thống triết học Châu-âu là một chuỗi những cước chú cho triết học Plato”. Triết học Plato (ngay từ thời đó) đã đặt ra gần hết các vấn đề của nhân loại, như: Các vấn đề thuộc về tri thức, thực tại, chân lý, sự Thiện, cái đẹp, việc cai trị … và còn là nguyên mẫu tiêu biểu cho một khuynh hướng ngàn đời về “Thế giới khác” vốn không bao giờ hết lôi cuốn. Rồi ông cũng lại muốn thiết lập một quốc gia lý tưởng nhất có thể hiện hữu trên trần gian này (đọc Republic (tác phẩm Cộng Hòa), và Laws (t.p. Luật Pháp)). Một nét độc đáo khác mà các nhà phê bình nhận xét: Trong con người Plato, có vẻ như có hai nhà tư tưởng khác nhau: Một nhà thần bí học Plato, mà con người này người ta có thể bắt gặp được trong một tu viện chuyên về “chiêm niệm” những sự cao siêu, huyền bí. Nơi đây, chúng ta có thể tham vấn với ông về một thế giới “tâm linh vĩnh cửu”, tách rời khỏi thế giới vật chất. Con người khác của Plato thì lại đưa người ta đến những giải pháp hợp lý về các ý nghĩa của toán học, đạo đức, luân lý. Người này chúng ta có thể tìm gặp trong các trường đại học Harvard hay Oxford.
Thực vậy, xuyên qua các tác phẩm của ông, ta sẽ khám phá ra các học thuyết siêu hình học và tri thức luận đã khiến ông trở thành nổi tiếng, ngay cả vai trò đích thực về “tình yêu” (Trong tp. Symposium, và tp. Phraedrus) cho đến cấu trúc của thế giới vật chất (tp. Timacus). Nếu trong tác phẩm Biện giải Socrates được mô tả như “bất khả tri” về sự bất tử của linh hồn, thì trong Phaedrus và Cộng hòa, ta sẽ đọc được các biện luận của Plato về sự bất tử của linh hồn. Ở chương IX, cuốn Cộng Hòa, Linh hồn (Tâm linh, psukhẽ, hay psyche) còn được ông chia thành ba “phần”, gần như tương ứng với lý trí, cảm xúc và khát khao, nhưng vì có liên hệ với thể xác, mà ông gọi là “bị giam hãm trong thân xác”, nên nó thường xuyên rơi vào tình trạng “tâm linh hóa”hay “bản chất hóa”, và vì thế lại bị liên hệ với những ước ao về uy tín hay danh vọng. Và vì vậy mới có sự xung đột trong linh hồn. Chính hậu quả của việc này, mà Plato vượt ra khỏi luận điểm của Socrates, khi thầy mình cho rằng toàn bộ đức hạnh là tri thức và các nghịch lý kết hợp với nó. Từ đấy, Plato bỏ hẳn quan điểm lúc ban đầu cho rằng: “đức hạnh” là một điều kiện của linh hồn. Còn sự khôn ngoan bây giờ được Plato xem là một đức hạnh của lý luận. Sự can đảm cũng là đức hạnh của phần bản chất được tâm linh hóa. Sự “Công chính” được giải thích là một “sự hài hòa” thỏa đáng cho cả ba phần vừa nói trên. Có thể nói trong tác phẩm Cộng Hòa, Plato còn có chút ngại ngùng, nhưng đến Phaedrus, ông khẳng định cách cương quyết về sự bất tử của bộ ba này. Ngày nay Kitô giáo chúng ta đã có thể xác định trúng hay sai một lý thuyết cách đây trên hai ngàn năm của Plato, rằng linh hồn không những bất tử, mà còn mang theo về bên kia thế giới “Tâm linh” phần tri thức nói chung bao gồm cả lý trí và ý tưởng, phần cảm xúc trong đó có yêu thương và giận hờn, và nhất định có “khát khao”, cái mà khiến cho linh hồn phải đau khổ khi còn bị giam cầm ở nơi linh hồn chưa được trở về với Thiên Chúa, đấng làm ra linh hồn, tạo dựng ra chính mình. Mặc dù sinh ra trước thời Chúa Giêsu, chưa biết gì về Thiên Chúa, ngoài các vị thần Hy Lạp, Plato cũng đã khẳng định sự bất tử của linh hồn ở chỗ khi ra khỏi thế giới này, nó sẽ bước vào một thế giới khác. Thế giới ấy mới chính là cái thế giới “thực tại”, bên ngoài thế giới chúng ta đang sống và tưởng rằng nó là (Trước và ngay cả đương thời với Plato, người ta cứ hiểu rằng thế giới con người đang sống là thế giới thực tại, nhưng đến Plato thì nó không là. Chỉ là một sự vay mượn từ ngữ, nếu muốn dùng). Thế giới ấy ( Thế giới thực tại trong quan niệm của Plato) là một thế giới của các hình thái, dành sẵn cho trí tuệ chớ không phải cho các giác quan. Thời của Socrates, ông ta cũng đã có cái quan niệm về một thế giới nào đó sau khi chết, khi ông nói với các đệ tử (trong Phaedo, số báo trước): “… mặc dù thầy đã nói nhiều lời, để cố gắng cho ai nấy hiểu rằng sau khi thầy uống chén thuốc độc, thầy sẽ đi đến một nơi mà ở đó tràn đầy niềm vui của kẻ có phúc”. Chỉ có điều cả cái thế giới và linh hồn thời Socrates, chưa được rõ ràng như theo quan niệm của Plato sau này, vì thế có nhiều câu hỏi Socrates đưa ra mà chưa có đáp án, chẳng hạn như cái “sự thiện” và lẽ “Công chính”. Cái thế giới chúng ta đang sống, là một thế giới vật chất. Nó bị hạn hẹp bởi các giới hạn và là một thế giới của những bất toàn, thế cho nên không thể hiểu và định nghĩa một cách chính xác cái gì gọi là “thiện”, hay cái gì gọi là “công chính”. Plato cho rằng sự “Thiện”, hay sự “Công chính”, bản chất của chúng không ở trong thế giới này, mà là trong một thế giới khác. Nếu tâm linh ta cảm nhận ra đã từng quen với nó, thì đó chỉ là “hình thái” của sự công chính, do sự hiểu biết cách lờ mờ của linh hồn về những gì mà linh hồn ta đã từng biết là có hiện hữu từ trước. Những gì ta có thể tri giác được ở thế giới này, thực ra là đã “mô phỏng”, nhưng lại luôn “bị thiếu hụt”, thì đó là lý do tại sao hiện giờ ta không thể trả lời được cho chính xác những câu hỏi như: Thiện là gì ? Công chính là gì ? Tốt lành là gì ? v.v… Và vì tất cả những cái “tuyệt đối” đó ở trong cái thế giới bên kia, nên Plato dứt khoát: Những người sống cuộc sống đức hạnh trong thế giới này, phải được tưởng thưởng trong thế giới có những hình thái tuyệt đối. Có điều là sự tưởng thưởng tùy theo trường hợp, khác biệt ra sao, thì ta chưa biết!
Như ở trên, chúng tôi đã nói: Plato từng ôm ấp hoài bão thiết lập một “quốc gia lý tưởng” nhất trên trái đất, điều đó thể hiện trong tp. Cộng hòa, nhất là tp. Laws (các luật lệ). Không những thế, trong cuộc đời ông đã đi tới, đi lui đến ba lần Sicilia với dự trù thiết lập một thể chế chính trị mà ông cho là lý tưởng, nhưng đã không thành. Đây là một lý thuyết chính trị mà tiền đề của nó là một xã hội thiện hảo phải do những con người thiện hảo lãnh đạo. Luật lệ không phải chỉ viết bằng chữ, nhưng nó phải được nội tâm hóa ngay trong tim của con người. Một khi các luật lệ đã tùy thuộc ở trong tâm, thì nó sẽ sớm nới lỏng các ràng buộc bị giam hãm. Nhưng tiên quyết là phải hoàn tất việc đào tạo một nhóm người biết “thiện” là cái gì. Rồi chính nhóm tinh hoa này sẽ là những người cai trị. Họ sẽ cai trị bằng quan điểm, và phát triển tối đa các cách suy nghĩ, bằng những tranh luận triết học, để mang lại hạnh phúc cho toàn bộ quốc gia. Trong tác phẩm “Chính khách” (Statesman), ông đã khẳng định lại quan điểm của mình rằng: Cai trị là một trọng trách của các chuyên gia, không nên bị ràng buộc bởi luật pháp, hay bởi các ước muốn của dân chúng. Plato cương quyết chống lại dân chủ và dường như ông cho là không có mối liên hệ nào giữa hạnh phúc và tự do cá nhân cả! Chắc chắn ở thế kỷ 21 này, chúng ta không thể chấp nhận quan điểm chính trị của Plato, cho dù ông có biện luận cách nào. Nhưng đứng ở thời đại của ông mà nhìn, trong lúc người ta đang đi tìm kiếm một “Triết lý chính trị” lý tưởng, đặt trên căn bản của sự “Thiện” do ông đề ra, lại quyết tâm đào tạo ra những “thiện nhân”. Ta có thấy rằng quốc gia lý tưởng trong học thuyết của ông có khác nào như một thứ tổ chức tôn giáo, mà các thiện nhân là các nhà tu sĩ được một thứ tu viện của một tôn giáo không phải tôn giáo dạy cho ý thức về các sự “thiện”, Các sự “tốt lành”, các lẽ “công chính” của một thế giới không thuộc về vật chất, nhưng linh hồn của mọi con người sẽ sống trong đó, với những hệ lụy về những việc làm trong thế giới này, liên quan với thưởng phạt. Từ ý thức đó, mọi người đều muốn làm tốt cho nhau, mà không bị ràng buộc bởi luật pháp. Một triết lý chính trị như thế thì hay quá, nhưng không thể làm được và chính ông cũng đã thất bại.
Các tác phẩm của Plato, người ta chia ra ba thời kỳ: Thời đầu gồm các tác phẩm Crito (chỉ 9 trang), Ion, Hippias (2cuốn: tiểu và đại), Euthyphro, Lysis, Laches, Charmides, Meno, Euthydemus (36 trang), Protagoras (53 trang), Gorgias (80 trang); Thời giữa có: Phaedo, Symposium, Republic, Phaedrus. Republic dài tới 10 quyển, và Cratylus; Thời cuối bắt đầu là tác phẩm Parmenides, Theactectus, Sophist, Statesman, Timaeus, Philebus, Laws dài tới 12 quyển.
Kỳ tới, trước khi đọc trích phẩm Cộng Hòa (Repubic), chúng ta sẽ bàn sơ qua về Học thuyết Plato.
Ghi-chú:
(1). Triết học kinh viện (Scholasticism): Các triết gia dùng từ “Triết học kinh viện” để chỉ truyền thống triết học được đưa ra từ các trường đại học thời Trung cổ, gắn liền với những phương pháp và luận đề của những triết gia có tầm cỡ như Anselm, Aquinas, Scotus, và Ockham. Triết học Kinh viện thống trị tới thế kỷ 15, thì nhường chỗ cho các học thuyết Nhân bản, Duy lý, Duy nghiệm của thời Phục Hưng. Tuy nhiên vẫn có những cuộc khôi phục triết học Kinh viện, mà người ta gọi là trường phái “Tân kinh viện” (Neo-scholasticism).
Biên khảo: Uyên Ly