Trong số báo Chân Lý 80, chúng tôi đã giới thiệu cuốn Republic gồm có 10 quyển. Một trong những tác phẩm dài nhất và ý nghĩa nhất của Plato. Dĩ nhiên ở đây chúng tôi chỉ trích đoạn trong quyển VII, không thể nào đem in toàn tác phẩm trong khuôn khổ một tờ báo được, nhưng dầu vậy, chúng tôi phải chọn đoạn văn tiêu biểu nhất, nói lên tư tưởng của Plato để độc giả có thể hiểu phần nào quan điểm của tác giả. Xin mời các bạn thưởng lãm:
Quyển VII
“Ðây là một ẩn dụ có thể minh họa mức độ theo đó, bản tính của chúng ta giác ngộ được hay không. Hãy tưởng tượng thân phận của những người sống trong loại hang động sâu dưới đất, mà cửa hang hướng ra ánh sáng, và một lối đi dài dẫn xuống hầm. Những con người ở đây sống từ thời thơ ấu, chân, cổ của họ đều bị xiềng khiến họ không thể cử động và chỉ nhìn thấy những gì ở phía trước, không thể quay đầu lại để nhìn đàng sau. Ðàng sau họ cao hơn một chút là một ngọn lửa đang cháy. Và giữa những tù nhân ấy với ngọn lửa, là một lối đi sau lưng, có một bức tường thấp xây dọc theo nó, giống như bức màn ở một cuộc biểu diễn con rối, che khuất những người biểu diễn trong lúc họ trình diễn những con rối ở trên cao.
Tôi thấy anh ta nói (Glaucon).
Bầy giờ đàng sau bức tường thấp, hãy tưởng tượng những người mang theo đủ loại vật thể giả tạo, gồm các hình nhân, hình thú bằng gỗ, hay bằng đá, hoặc bằng các chất liệu khác giơ lên cao khỏi bức tường. Một số đang nói chuyện, số khác im lặng.
Quả là một bức tranh lạ lùng, Glaucon nói, và một loại tù nhân kỳ lạ.
Giống như chúng ta thôi! Tôi trả lời (Tôi ở đây là Socrates, là người thầy mà Plato đưa vào trong câu truyện). Vì ngay từ đầu, các tù nhân bị hạn chế, đến nỗi đã không nhìn thấy gì về chính mình, hoặc về nhau, trừ những cái bóng do ngọn lửa hắt lên tường hang đối diện với họ, đúng không ?
Dạ đúng ! Nếu như cả đời họ cứ bị ngăn cản không cho quay đầu lại, và họ sẽ chỉ thấy rất ít những vật người ta mang qua.
Dĩ nhiên.
Bây giờ nếu họ có thể chuyện trò với nhau, chúng ta phải giả thiết rằng các lời của họ chỉ diễn tả những cái bóng mà họ xem thấy, đúng không ?
Tất nhiên rồi!
Và giả sử cái nhà tù của họ có tiếng dội từ bức tường đối diện, khi một trong số những người băng ngang sau lưng họ vừa đi vừa nói, thì họ chỉ có thể nghĩ âm thanh ấy phát xuất từ những cái bóng trước mắt họ.
Nhất định thế!
… Bây giờ, thử nghĩ xem chuyện gì sẽ xảy ra, nếu họ được thoát khỏi xiềng xích, và được chữa hết u-mê theo hoàn cảnh này. Giả sử, một trong số họ được giải phóng, và buộc phải đứng dậy một cách đột ngột, quay đầu lại, và bước đi với cặp mắt ngước lên về phía có ánh sáng ngoài kia. Tất cả cử động này sẽ gây đau đớn, khó chịu, và mắt họ sẽ bị lóa khiến không thể nhận ra những đồ vật mà họ đã quen thuộc với các cái bóng của chúng trước kia. Nếu có ai bảo với họ rằng những gì mà họ thấy trước kia đều là ảo ảnh vô nghĩa, nhưng bây giờ hầu như có điều gì gần gũi hơn với thực tại, và biến thành những vật thể thực hơn, họ đang có cái nhìn đúng hơn, thì theo con (Glaucon) họ sẽ nói gì đây ? Giả sử người ta còn chỉ thêm cho họ thấy nhiều vật thể khác nhau được mang qua, và bắt họ trả lời mỗi vật thể ấy là gì. Chắc hẳn họ sẽ bối rối và tin rằng các vật thể đang thấy bây giờ không thực như những gì họ đã thấy trước kia ?
Vâng, hầu như là vậy! Glaucon trả lời.
Nếu họ bị ép nhìn thẳng vào ngọn lửa, chắc chắn họ sẽ nhức mắt, khiến họ tìm cách trốn và quay trở về với những đồ vật mà họ có thể nhìn rõ, tin chắc rằng những vật ấy rõ hơn là những vật đang được cho họ xem thấy bây giờ, đúng không ?
Ðúng vậy!
Lại giả sử rằng một người trong bọn họ, bị lôi lên trên các bậc dốc và gồ ghề kia. người này bị ép đi cho đến khi anh ta bị đẩy ra ngoài hang và đứng giữa ánh sáng ban ngoài. Liệu anh ta sẽ không hề đau đớn trong mỗi lần bị xô đẩy ép buộc như thế sao? Rồi khi đã ra khỏi hang, giữa ánh sáng chói chan, chẳng lẽ anh ta không thấy mắt mình tràn ngập ánh quang đến nỗi không thể nhìn thấy được gì dù chỉ là một vật, mà lúc ấy người ta đang bảo cho anh ta biết rằng mọi sự trên này mới là thật ?
Vâng, chắc chắn người ấy không thể nhìn thấy các vật ngay lập tức được.
Rồi ra anh ta sẽ quen dần với mọi thứ ấy cho đến lúc anh ta có thể nhìn ra mọi vật thể ở thế giới bên trên đó. Ðầu tiên, dễ nhất là anh ta nhận ra những cái bóng, rồi những hình tượng và con người phản chiếu trong nước, rồi sau mới nhìn ra chính những vật thể. Tiếp theo, việc dễ hơn là nhìn ngắm những thiên thể và bầu trời ban đêm, ngắm ánh trăng, ánh sao hơn là nhìn mặt trời và ánh sáng mặt trời vào lúc ban ngày.
Vâng, chắc chắn là thế.
Cuối cùng, đến lúc anh ta có thể nhìn vào mặt trời và chiêm ngưỡng bản chất của mặt trời, không phải như lúc nhìn nó trong ảnh phản chiếu trong nước hay qua một môi trường trung gian nào khác.
Ðúng vậy.
Và bây giờ anh ta rút ra kết luận rằng, chính mặt trời sản sinh các mùa và chu kỳ của năm tháng, cùng chi phối mọi vật thể trong thế giới khả giác hay hữu hình này, hơn nữa mặt trời chính là nguyên nhân của tất cả những gì anh ta đã thấy.
Hiển nhiên là cuối cùng anh ta sẽ đi đến kết luận ấy.
Rồi nếu như anh ta chợt nhớ đến những bạn tù và những gì trải qua để đạt sự khôn ngoan ở chốn mình cư ngụ ngày trước (là lúc còn ở trong hang) chắc chắn anh ta sẽ nghĩ mình là người hạnh phúc, vì đuợc thay đổi kiếp sống, rồi cảm thương cho họ. Có lẽ lúc trước họ đã quen tôn vinh nhau, khen ngợi nhau, bằng những giải thưởng dành cho người có đôi mắt tinh tường nhất, đã nhìn ra những cái bóng vụt qua, và có trí nhớ dẻo dai nhất, đã nhớ được thứ tự những cái bóng xuất hiện nối tiếp nhau, hay đi kèm nhau, nhờ đó có thể đoán trước cái bóng nào sẽ xuất hiện kế tiếp. Liệu người tù được giải thoát này có còn ham muốn những giải thưởng kia và ganh tị với những người có đầy vinh dự và quyền lực trong hang đó nữa không? Phải chăng anh ta sẽ cảm thấy như anh chàng Achilles của Homer, nghĩ “Thà làm một người đầy tớ trên mặt đất trong ngôi nhà của một người không đất” hay chịu đựng bất cứ điều gì còn hơn là trở về lại với các niềm tin trước đây và sống nếp sống cũ trong hang tối ?
Vâng anh ta sẽ thà chấp nhận bất cứ số phận nào còn hơn là sống một nếp sống như thời trước đây trong hang xưa!
Bây giờ hãy mường tượng, điều gì sẽ xẩy ra, nếu anh ta xuống trở lại chỗ ở trước đây trong hang. Việc từ chỗ sáng mà bước vào bóng tối sẽ khiến cho đôi mắt anh ta tối sầm lại. Một lần nữa anh ta lại bị buộc phải gỡ bỏ quan niệm về những cái bóng ấy, trong cuộc đua tranh với những tù nhân chưa được giải thoát. Trong khi thị lực của anh ta còn lờ mờ và chập choạng, rồi phải mất một thời gian mới quen với bóng tối. Khi đó các tù nhân lại nhạo cười anh ta, và bảo rằng đi lên như vậy rồi lại xuống chỉ tổ làm cho thị lực bị hủy hoại. Làm như vậy có đáng gì không ? Nếu họ tóm được kẻ muốn giải cứu họ và dẫn họ lên, họ sẽ giết hắn.
– Phải, họ sẽ giết hắn!
Glaudon thân mến của ta ơi, mọi chi tiết trong ẩn dụ này mang ý nghĩa ra sao con hiểu không ? Nhà tù tương ứng với miền đất được thị giác vén mở cho chúng ta, ánh lửa sáng ví như quyền lực của mặt trời. Lối đi lên để thấy các vật thể ở thế giới bên trên, con có thể coi đó là hành trình hướng thượng của linh hồn, để đi vào miền đất của thế giới khả tri. Rồi con sẽ có trong tay những gì ta phỏng đoán, vì đó là điều con hằng ao ước muốn nghe được nói đến. Chỉ có trời mới biết điều này có đúng hay không. Nhưng đây chính là tất cả những gì xuất hiện trước mắt ta, với một mức độ nào đó. Trong thế giới tri thức, điều cuối cùng được người ta nhận thức, và chỉ nhận thức được với bao khó khăn, chính là hình thái của tính chất. Một khi nó được nhận thức, tất sẽ có một kết luận theo sau, như tất cả mọi sự vật, rằng đây là nguyên nhân của bất cứ sự gì tốt đẹp và chân thực. Trong thế giới khả giác, nó khai sinh ánh sáng và chủ tể của ánh sáng, trong khi tự thân, nó là chủ tể trong thế giới khả tri, và là nguồn cội của trí năng và chân lý. Nếu không có cái nhìn này, chẳng ai có thể hành động khôn ngoan trong cuộc đời của chính mình.
– Dạ, đúng vậy!
Ta sẽ không lạ gì khi có người từ chốn cao vời kia, đã chiêm ngưỡng những chuyện thần linh rồi trở về với những nỗi khốn cùng của cuộc đời nhân thế, lại bị người ta đề phòng và chế giễu, vì bộ dạng của người ấy cứ ngờ nghệch và tức cười, khi mà đôi mắt vẫn còn choáng ngợp và chưa quen với bóng tối. Người ấy bị thôi thúc tranh luận về những cái bóng của công lý, hay của những hình tượng tạo nên những cái bóng ấy, và ra sức tranh cãi về những ý niệm đúng sai ở trong tâm trí của những người chưa bao giờ được nhìn ngắm chính bản thân công lý…
Chúng ta có thể kết luận rằng: Linh hồn mọi người đều có khả năng học hiểu chân lý, và cơ năng để nhìn thấy sự thật. Nói cách khác, khi con người có thể quay cả cơ thể lại, để đôi mắt có thể nhìn thấy ánh sáng, thay vì bóng tối, thì toàn thể linh hồn cũng có lúc phải quay đi khỏi thế giới hay thay đổi này, để cho mắt nó có thể kham nổi công việc chiêm ngưỡng thực tại và ánh quang tột đỉnh mà chúng ta gọi là “cái thiện” hay chân lý./.
Bạn thân mến!
Trong lời Phi-lộ, chúng ta đã đề ra với nhau rằng: Trước bất cứ sự gì quanh ta, cũng đều cho chúng ta một cách nhìn. Cách nhìn quan trọng hơn nhìn. Cách nhìn có thể là một sự “chiêm ngưỡng” để thưởng thức, hay lãnh hội cái hay, cái đẹp. Cách nhìn có thể là đưa sự vật, hay sự kiện mắt thấy được vào trong “chiêm niệm”, để tìm ra những giải đáp, cho những nghi vấn hằng tồn đọng trong thế giới nhân sinh. Cách nhìn tối thiểu cũng là sự “kích động” tâm thức, để mở rộng tầm nhãn quan, xem xét sự vật chân giả thế nào, hoặc lý giải đúng sai một sự kiện hay một vấn đề. Cũng vậy, một khi “Cảo thơm lần giở trước đèn” (cảo thơm: Phương cảo, nghĩa bóng: Pho sách hay), không chỉ để xem “phong tình cổ lục”, hay tiết tấu, kết cấu câu chuyện ra sao, mà còn tìm hiểu xem tâm, ý của tác giả đặt để trong đó cái gì ?
Mở đầu câu chuyện (hay là đoản văn) Plato đã nói với chúng ta trước: đây là một ẩn dụ, là đã cố ý khiêu khích tâm thức người đọc, hãy cố tìm ra ẩn ý của dụ ngôn. Trong toán học, khi đi tìm giải đáp cho những “ẩn số”, người ta phải bắt đầu thiết lập phương trình từ những gì giả thiết cho. Sau đó việc giải phương cũng tùy vào những hằng số đã có sẵn.
Trong trích đoạn tác phẩm nói trên, Hằng số lớn nhất tác giả cho phảng phất đôi ba lần là “Linh hồn”. Những giả thiết tác giả cho thấy: Chiếc hang hay nhà tù tương ứng với miền đất được thị giác vén mở. ánh lửa sáng ví như quyền lực của mặt trời, nhưng dĩ nhiên không phải là mặt trời. Lối đi lên là hành trình hướng thượng của linh hồn. Thế giới bên trên, vùng sáng láng của mặt trời, là miền đất của thế giới khả tri. Thêm nữa, Trong thế giới khả giác (Khả giác: có thể giác ngộ, có thể nhận ra), nó khai sinh ra ánh sáng, và chủ tể của ánh sáng … và là nguồn cội của trí năng và chân lý (phải chăng là đấng Thượng trí ?). Vì chính mặt trời sản sinh các mùa và chu kỳ của năm tháng, cùng chi phối mọi vật thể trong thế giới khả giác hay hữu hình này, hơn nữa mặt trời chính là nguyên nhân của tất cả những gì anh ta đã thấy. Bạn đã có thể tìm ra được ẩn ý của tác giả qua những giả thiết rồi đấy chứ ? Nhưng nếu bạn đọc lại kỹ một lần nữa câu chuyện từ đầu (từ số trước), bạn sẽ thấy hay hơn: Tác giả cho thấy con đường đi lên Thượng giới của linh hồn, trước khi có thể chiêm ngưỡng được “Mặt Trời”, nó phải chấp nhận những khó khăn, như một con người bị lôi kéo đi lên những nấc thang, để chui ra khỏi con đường hầm. Trước một thế giới mới, nó chỉ thoáng được thấy sự huy hoàng của cảnh thực, vật thực, ánh sáng thực, nhưng rồi con mắt của nó phải nhắm vội, vì không thích hợp với ánh sáng đó, bởi trước kia con mắt của nó chỉ quen nhìn những hình bóng của sự vật trong bóng tối lờ mờ. Nó nhức nhối, khó chịu, và đau đớn một thời gian, để thanh luyện … Tập nhìn bầu trời với tinh tú ban đêm, rồi làm quen với ánh sáng ban ngày, với mọi vật thực. Kế đến nó chiêm ngưỡng mặt trời phản chiếu qua mặt nước trước đã. Không thể biết thời gian thanh luyện này bao lâu, thì có thể chiêm ngưỡng được mặt trời công chính, mà Plato bảo rằng: Ðó là “ánh quang tột đỉnh mà chúng ta gọi là cái Thiện hay Chân Lý” (tác giả tự viết hoa chữ thiện và chữ chân lý, chứ Plato thời đó, chưa khẳng định Thượng đế hay Thiên Chúa là Chân lý, là Thiên hảo, và là toàn Mỹ. Vì ông sinh trước Chúa Cứu Thế hơn 400 năm). Trong ẩn dụ của Plato, ông còn vạch ra cho những người đương thời với ông rõ: Cái thế giới chúng ta đang sống mà ông ví là cái hang tối, được thắp sáng bằng ánh đèn, tất cả những gì mà người ta thấy, chỉ là những cái bóng của mọi vật không phải là thực, rồi những người trong thế giới ấy đặt ra cho nhau những giá trị trên những ảo ảnh nhìn được, thế mà mọi người cứ ganh đua, tranh giành thắng lợi, và sảng khoái với những bằng khen, những lời ca tụng, ngợi khen. Thế nhưng khi một người (linh hồn), đã được đưa ra khỏi hang, để được thấy mọi vật thể trong thế giới khả giác rồi, thì anh ta sẽ thà chấp nhận bất cứ số phận nào (trong thế giới khả giác ấy), còn hơn là sống một nếp sống như thời trước đây trong hang xưa!
Phần kết luận luôn luôn được mở ra cho chúng ta: Quan niệm của chúng ta thế nào về thế giới mình đang sống? Thế giới mà linh hồn sẽ đi về ra sao? Cả hai thế giới ảo và thực trong khả năng suy nghĩ của Platô, nếu so với sự hiểu biết của chúng ta bây giờ (sau 2400 năm), về hai thế giới ấy, liệu có khác nhau nhiều không? Khác những điểm nào? Chúng ta có thể giống Plato, hay không thể được như Plato ở điểm: Khi đã nhận thức được tất cả mọi thứ trên đời này chỉ là hình bóng, là ảo ảnh, là giả, không là thực, thì không cần phải tranh đua thắng lợi, tồn trữ, hoặc bất chấp các giá trị khen thưởng của nó bày ra ? Bạn nghĩ sao?
Kỳ tới:
Trong ý hướng luôn luôn thay đổi món ăn tinh thần, mục Thế Giới Quanh Ta sẽ kể chuyện với độc giả về Những giả thuyết về “trận Ðại hồng thủy và Tàu No-e”, trước khi trở lại những câu chuyện Triết học, mà chúng ta sẽ chỉ phớt qua về Aristotle, Epicurus và một số triết gia thời kỳ Hilạp, để bước vào thời Kitô Giáo nền triết học Trung cổ đặc biệt với Thánh Augustine.

Biên khảo: Uyên Ly