(Theo như Phi-lộ, kỳ này mục “Thế Giới Quanh Ta” trình bày
công trình tư tưởng nhân loại). Lần lượt chúng tôi sẽ trình bày:
– Bối cảnh lịch sử
– Tác giả
– Tác phẩm (trích đoạn)

1- Bối cảnh lịch sử
Thời kỳ Triết học Hy Lạp cổ đại: Khoảng 2.500 năm trước, trong khi các nền văn hóa Địa Trung Hải vẫn còn đang xử dụng các chuyện “Thần thoại Hy Lạp” để giải thích các hiện tượng thuộc bản ngã và các hoạt động của vũ trụ, thì một số triết gia Hy Lạp bắt đầu khám phá ra cách thức mới để cắt nghĩa những hiện tượng đó.
Việc trình bày “Bối cảnh lịch sử”, trong phạm vi tất yếu, chúng tôi chỉ trình bày một cách sơ tóm, vì đây không phải là một trường thiên về các học thuyết, cũng không phải là một cuốn sách mang tính “nghiên cứu” bất cứ trường phái Triết học nào. Nơi đây chúng tôi chỉ trình bày cách đơn lẻ và có tính chọn lọc.
Tất nhiên Socrates không phải là triết gia đầu tiên của nền triết học Hy-lạp. Tuy nhiên, Socrates không chỉ là người khai phá, mở đường cho 5 trường phái lớn của nền “Triết học Cổ đại” là: Plato, Aristotle, Epicurus, Khắc Kỷ và Khuyển Nho. Mà còn ảnh hưởng đến các thời sau nữa của 2.000 năm qua, mà lịch sử phân chia thành các thời kỳ: Triết học Hy Lạp cổ đại; KiTô Giáo và Triết học Trung cổ; Triết học cận đại và Triết học Hiện đại bao gồm Triết học thế kỷ XIX & XX. Cũng có nơi phân định cuối thời kỳ Trung cổ sang Tiền cận đại gọi là thời “Phục Hưng” (thế kỷ 14-17), rồi sang thời “ánh Sáng”  (thế kỷ 19-20). Đoạn nối tiếp giữa hai thời kỳ cuối, được hiểu là giao thời. Một lý do khác mà chúng tôi chọn Socrates là vì không ít nhà tư tưởng KiTô giáo thời kỳ đầu, tiêu biểu như Thánh Justin coi ông như một người “tiền KiTô giáo”. Mặc dù Thánh Augustine có bác bỏ quan điểm của Justin, nhưng vẫn luôn hết sức ngưỡng mộ đời sống đạo đức của Socrates. Ngay cả những triết gia Hiện Sinh, cũng cho lời kêu gọi và khuyên bảo của Socrates “Hãy tự biết mình” hai ngàn năm trước, như một bản tóm lược các tư tưởng của họ. Tóm lại, Socrates là một trong những người được ngưỡng mộ nhất trong lịch sử. Dĩ nhiên phía trước Socrates cũng phải có những ai nữa, chứ nếu không, thần thoại Hy Lạp hình thành thế nào được trong suốt thời gian dài từ nền văn minh Michel (tên một đô thị cổ của Hy Lạp, 2000 – 1100 tr. c.n) đến thời của những thiên anh hùng ca của Hômer. Đọc thần thoại Hy Lạp, chúng ta thấy có nhiều chi tiết phù hợp, nhiều sự kiện tương quan với khảo cổ học, hay sử học. đó là chưa nói tới lãnh vực tư tưởng có liên quan đến đạo đức, luân lý, nếu không muốn nói đến một thứ tín ngưỡng hay tôn giáo của người Hy Lạp cổ xưa. Ưu điểm của Thần thoại Hy Lạp là hơn hẳn thần thoại của các dân tộc khác, nó luôn được tái sinh như việc “Hóa thân” thành thần thoại La Mã. Người đọc thần thoại La Mã sẽ thấy ngay thần Jupiter (la tinh) chính là thần Jeus (Zeus) của Hy Lạp (Thần cai quản các thần). Nữ thần Venus là thần Aphrodite (Nữ thần tình yêu và nhan sắc). Minerve (L.M) là Athéna (H.L); thần Mars (L.M) chính là Arex (H.L), vị thần của chiến tranh … Rồi nó được nuôi dưỡng qua thi ca, kịch nghệ các thời. Là nguồn cảm hứng cho các nhà điêu khắc, hội họa, nhất là trong thời kỳ “phục hưng”, sang đến thời “ánh sáng”, mà những tác phẩm hội họa, điêu khắc, và ngay cả kiến trúc, rất nhiều tác phẩm đã trở nên bất tử của nhân loại. Nhưng tác giả của “Thần thoại Hy Lạp” là ai ?
– Thưa, đó là một di sản văn hóa của nhân dân Hy Lạp Tiền cổ đại. Cũng giống như có ai hỏi chúng ta: Ai đã sáng tác ra những “Ca dao, tục ngữ Việt Nam ? Ngay cả những chuyện “Huyền thoại” của dân tộc ta cũng thế! Câu trả lời duy nhất chỉ là: Của Tổ tiên, ông bà chúng ta đã lâu đời truyền lại! Tiếng Hy Lạp gọi “Thần thoại” là: Mithos-logos (Mithos là truyền thuyết, truyện cổ tích; Logos là ngôn từ, chuyện kể) Nghĩa là một tập hợp, một tổng thể những chuyện kể dân gian truyền miệng. Sau nó được tái tạo bởi các nhà thơ Homer, Hédiode, các nhà viết kịch như Eskin, Sophocles, Euripide. Đến cuối thế kỷ thứ II (tr. c.n) một nhà ngữ văn học của thành Athènes (Nhã Điển) là Apollodor cho ra đời cuốn “Tủ sách” (Bibliothèque), là một biên tập bằng văn xuôi các huyền thoại, truyền thuyết của Hy Lạp, từ thuở khai thiên lập địa đến cuộc chiến thành troy, nhưng sau lại có nghi vấn tác phẩm này chưa chắc là của Apollodor, mà của một tác giả nào khác vào thế kỷ thứ Nhất sau công nguyên.
Dù sao, thần thoại vẫn là thần thoại cho dù thần thoại có bao hàm tư tưởng triết học. Triết học tự nó có tư thế chững chạc hơn trong sự phân tách cũng như tổng hợp. Cho dù “chẻ” sợi tóc ra làm tám, người ta vẫn cho rằng triết học làm công việc đó có hệ thống. Từ Philosophia của Hy Lạp mang ý nghĩa “Yêu sự khôn ngoan” và trong cái “Yêu” đó, con người được hoàn toàn tự do, không gò bó. Ngay cả những họa sĩ, điêu khắc nổi tiếng của thời “Phục Hưng” mà người ta gọi là những “nhà triết học nghệ sĩ” cũng luôn bảo vệ khuynh hướng tự do trong nghệ thuật. Nghệ thuật mà bị “nhà nước” định hướng thì không còn là nghệ thuật. Michel Ange (1475-1564) nhà điêu khắc, họa sĩ, kiến trúc danh tiếng của thời đại Phục Hưng nói: “Con người ta vẽ bằng óc chứ không vẽ bằng tay. Ai mà không có đầu óc tự do thì thật là xấu hổ”. Kẻ viết bài này có dịp sang Rome vào chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật danh tiếng thế giới tại Vatican Museum, khi xem tới tác phẩm “Các Thánh xuống hỏa ngục” và đọc tiểu sử của bức tranh này, mới biết thêm lý do tại sao rất nhiều tượng, ảnh khỏa thân được trưng bày tự nhiên. Câu chuyện tiểu sử thế này: Thời Phục Hưng, những họa sĩ, điêu khắc như Michel Ange, Raphael, Leonado da Vinci … hầu như quen vẽ, hay trạm trổ “trần truồng” các thần thánh, nhất là những nhân vật trong Sáng thế ký. Một ngày kia, có vị Giám mục khó tính (dấu tên) bắt các ông không được vẽ hay tạc tượng như vậy. Những tượng nào đã tạc rồi thì phải đục bỏ “chỗ ấy” đi! thì sau đó ít lâu, Raphael đã vẽ bức tranh mô tả Thiên đàng, hỏa ngục, trong đó có khuôn mặt ông “thánh” Giám mục ghét tượng ảnh khỏa thân bị nhà họa sĩ cho xuống hỏa ngục. Tất nhiên bức họa phẩm đó bị lệnh “đốt” hủy. Người thừa hành đã lén cất dấu tác phẩm, tưởng chừng nó đã không còn tồn tại trên đời, cho đến khi vị Giám mục chết đã lâu, bức tranh mới được xuất hiện trở lại, và nó sống trong viện bảo tàng cho đến ngày nay. Trong số những nhà tư tưởng “tiền-Socrates” có trường phái gọi là “tự nhiên học”, và “Triết học ngụy biện” như Parmenides, Protagoras, Melissus, Zeno nhưng không được chú ý lắm; Hoặc Pythagoras người nổi tiếng về lý thuyết “Tam giác vuông góc” thế nhưng lại giảng dạy về thuyết luân hồi giữa hồn con người và hồn loài vật, nhất là chủ trương không ăn hạt đậu, vì hạt đậu để nghiêng nhìn giống bộ phận sinh dục đàn bà … thì thật là nhảm nhí. Nói tóm lại nền triết học Hy Lạp chỉ đáng kể từ bộ ba Socrates, Plato và Aristotle, và sau đó, một số trong phái Khắc kỷ, và Epicurus như đã nói từ đầu.
2- Tác Giả:
Socrates (470-399 tr.C.N.) sinh tại Athens (T.P. Nhã Điển), thành phố của những nhà triết học Hy Lạp. Con của nhà điêu khắc Sophroniscus, và nữ hộ sinh Phaenarete. Noi theo thân phụ, ông điêu khắc Platon và các môn đệ khác “nên người”. Noi gương thân mẫu, ông đỡ đẻ tư tưởng, dạy học trò “Khích biện pháp” để chiến thắng bọn “ngụy biện”. Ngay từ ấu thơ, Socrates đã được hấp thụ một nền giáo dục cổ điển Hy Lạp về âm nhạc, và ngôn ngữ học. Một điểm đáng buồn cười là nhân loại có hai vị vạn thế sư biểu là Khổng Tử Đông phương, Socrates Tây phương, cả hai đều bị ông Trời nhốt chung vào lao ngục hôn nhân, để bị các bà vợ hành khổ. Cả hai cùng dạy người ta nên người, nhưng không dạy dỗ được cho con cái của mình thành đạt (1). Những môn sinh thường được nói tới là: Platon (xuất sắc nhất), Criton, và Apollodore. Socrates sớm quan tâm tới việc phát triển khoa học của người Milesia (2) và cũng có trải qua một thời trong quân ngũ (quân dịch).
Giống như Chúa Giêsu, Socrates không viết, không để lại một tác phẩm nào hết. Socrates chỉ giảng dậy rồi sau khi chết, thì môn sinh hoặc người đồng thời viết về ông. Aristophanes trong cuốn “Mây Mù” tuy có mô tả về ông, đặt ông làm vai chính trong tác phẩm, nhưng thiếu trung thực như những gì Plato, người học trò xuất sắc nhất viết về. Những tài liệu quan trọng còn sót lại là những bài đối thoại của Plato và những bài viết của Xenophon về Socrates tuy không có mục đích viết tiểu sử về ông, nhưng chúng cho ta những nét trung thực về tính cách cá biệt và độc đáo, như là hiện thân triết học của Socrates, mà đôi khi bị người ta lẫn lộn ông với các nhà ngụy biện như Aristophanes đã làm. Plato nhấn mạnh rằng Socrates không bao giờ nhận tiền trong việc dạy triết học. Ngay điểm này đã khác với các nhà “ngụy biện”chuyên nghiệp. Trong Phaedo Plato trình bày một Socrates con người của những vấn đề đạo đức và luân lý, và cũng nói lên sức lôi cuốn trong nhân cách của ông tới cả một lớp người chủ yếu là thanh niên, trong khi thực tế con người Socrates theo sự mô tả của Platon hay Xénophon, Socrates rất xấu xí, tướng thô kệch, dáng cục mịch. Song nếu bề ngoài Socrates tệ bao nhiêu, thì tâm hồn ông lại tốt đẹp, trí óc ông lại minh mẫn bấy nhiêu. Trọn đời ông chống lại bọn ngụy biện, phá hoại dân tộc. Chính quyền ngu si bảo rằng ông đầu độc thanh niên. Nhưng trên thực tế, ông luôn luôn là một công dân gương mẫu. Ngay khi bị cầm tù, Criton, người học trò của ông có thể tổ chức cho ông vượt ngục, và chạy ra nước ngoài nhưng ông từ chối. yêu thương môn đệ như tình cha con. Cuộc sống của Socrates giản đơn, ông chỉ mặc chiếc áo choàng vải thô, đi chân đất, lê gót khắp thành phố Nhã Điển. Đi tới đâu ông phổ biến triết lý của ông tới đó. Như một nhà triết học phê bình, ông gợi ra cho người ta những tư tưởng mà buộc đối phương phải “đối thoại” một cách say sưa. Cái hay của Socrates là trong cuộc đối thoại giống như tranh cãi, mà ông không giành phần chiến thắng về mình, mà nhằm dẫn người ta tiến tới sự hiểu biết chân chính, bằng cách thanh tẩy người ta khỏi những niềm tin lầm lạc. Chính những cuộc đối thoại, đã trở thành mẫu mực triết lý của ông, vì phương pháp ấy đã hấp dẫn mọi đối tượng. Ảnh hưởng Socrates không chỉ chấm dứt nơi học trò của mình, nhất là Plato. Trong thời kỳ triết học Hy lạp đang mạnh, các trường phái khác nhau đều giành lấy Socrates làm quan thày của mình: Các nhà Khuyển Nho trưng dẫn phong cách khắc khổ của ông. Các nhà Khắc Kỷ dựa vào lời tuyên bố của ông rằng “Nhân đức là điều thiện nội tại duy nhất”. Trong cuốn Phédon, Platon nói với Echécrates rằng trong thời đại ông, Socrates là người đạo đức nhất, thông minh nhất và cũng cương trực nhất. Kant thì quan niệm Socrates là “Lý tưởng của lý trí”. Hégel thủy tổ của biện chứng pháp, nói: Socrates là “Triết gia chân chính, anh hùng của nhân loại”. Nhiều triết gia khác còn cho Socrates đáng bậc thánh nhân.
Năm 399 tr. C.N. Meletus và Anytus đã tố cáo Socrates là “vô đạo và làm hư hỏng thanh niên”. Socrates bị 11 vị Thẩm phán của chính quyền Hy Lạp kết án tử hình về tội dụ dỗ thanh niên theo tà thuyết và phản loạn. Trong các hình phạt dành cho tử tội, ông chọn chén thuốc độc. Apollodore luôn đầm đìa nước mắt, có lúc gào lên, làm cho Platon không thể cưỡng lời thầy, khóc theo. Còn Criton thì như đứt từng khúc ruột, nhưng sợ thầy, ông lén ra ngoài khóc cho bớt đau khổ. Tuy vậy, khi thấy các học trò khóc, Socrates phải quát lên: “Các con làm gì kỳ vậy? Sở dĩ thầy đuổi hết các bà các cô ra ngoài, là để tránh sự mất bình tĩnh như vậy. Các con phải cương nghị. Chúng ta phải chấm dứt cuộc đời một cách êm ái, thảnh thơi chứ!
Buổi chiều hôm ấy, mặt trời xuống dần, Socrates bước ra từ phòng tắm, ông gặp ba người con một lúc rồi bảo họ ra ngoài chỗ mấy người đàn bà đang sụt sùi. Chỉ mấy người môn đệ của ông là được ở lại. Người cai ngục bước ra bảo ông hãy tự uống chén thuốc độc, đã có người mang tới, sẵn sàng ở phòng bên. Người này tỏ ra mến phục nhân cách của ông, thậm chí anh ta cũng khóc sướt mướt lúc vĩnh biệt ông. Socrates ra dấu cho Criton môn sinh của mình, bảo người mang thuốc độc vào cho ông uống. Criton nói: “Thưa thầy, mặt trời chưa lặn. Đừng vội lìa bỏ chúng con. Thiếu gì người nấn ná, ăn uống, chuyện vãn với gia đình, họ hàng rất lâu”, Nhưng Socrates mắng ông: “Họ làm như vậy có được thêm lợi lộc gì đâu. Thầy không muốn bám chặt thêm cuộc sống, khi chẳng thể giữ nó mãi được! Con hãy nghe lời thầy”… Cầm chén thuốc trong tay, ông căn dặn lại các môn đồ: “Hãy bình tĩnh, đừng thay đổi sắc diện” rồi từ từ đưa chén độc dược lên miệng uống một hơi êm ái hiền hoà. Lúc ấy, Plato và các môn đệ khác nhìn ông uống từng hớp tử thần mà chết đứng, tê cóng người. Nước mắt tuông trào như hai giòng suối mà không dám để tiếng nức nở thoát ra. Trong Phaedo Plato thốt lên: “Từ đây thế là hết!”, ông không  khóc cho thầy, vì một người như thầy mình, không cần ai khóc khi qua đời. Tôi khóc cho chính tôi, vì từ đây, tôi đã mất đi một người thầy, một người anh, một người bạn, mà không sao có thể kiếm được người thứ hai trên cõi đời này. Cho đến bây giờ các triết gia đều đồng ý là trong lịch sử nhân loại, sau cái chết của Chúa Giêsu, không có cái chết nào can đảm, vĩ đại bằng cái chết của Socrates. (Kỳ tới, chúng ta đi vào phần Tác Phẩm. Chúng tôi mời bạn đọc thưởng thức một đoạn của “Phaedo” do Platon viết về Socrates trong vòng tay của tử thần). /.

Ghi Chú:
(1). Socrates có vợ là Xanthippe, ông phải chịu đựng bà vợ này hành hạ suốt mấy chục năm. Còn Khổng Tử thì chỉ sau 4 năm “cầm sắt” đắng cay là ông ly dị, lúc đó Khổng Tử 23 tuổi. ba người con của Socrates là: Lamproclès, Sophronisque và Ménéxène.
(2)- Milesia: Những người dân sinh sống ở Miletus, một trung tâm buôn bán nổi trội nhất bên bờ biển phía Tây của Tiểu-á thuộc vùng Iona. Miletus cũng là một trung tâm tư tưởng. Sau năm 600 tr.c.n. Milesian khám phá một thế giới tư duy là: Điều gì đang hiện hữu?

Biên khảo: Uyên Ly