3-Tác Phẩm Phaedo (Trích đoạn):

… Crito nói với thầy mình (Socrates):
– Thưa thầy, còn điều gì thầy thấy phải dạy bảo chúng con nữa không ? Hoặc thầy có muốn di chúc lại điều gì cho con cái hay những người thân trong gia đình thầy ? Thầy có muốn chúng con làm bất cứ cái gì có thể được cho thầy không ?
– Crito ạ, chẳng có điều gì khác ngoại trừ cái mà thầy vẫn thường hay nói với con … là phải luôn xây dựng bản thân! Không được xao nhãng! Đó chính là cái mà nếu con muốn phục vụ cho lý tưởng, hay chí hướng của thầy, và cũng đồng thời là phục vụ cho hết thảy mọi người. Đây không phải là điều bây giờ thầy mới nói với con, và nếu như con không thực hiện được, thì lúc này đây, dù con có hứa hẹn bao nhiêu thì cũng chỉ bằng thừa thôi!
Con có làm gì, thì tùy con, nhưng hãy nhớ và hãy giữ những điều thày đã nói, đó là cách để thày không rời xa con. Rồi Socrates quay về phía chúng tôi (Plato và Apollodore), mỉm cười và nói tiếp: – Thày không thể làm cho Crito tin rằng thày vẫn còn là Socrates – Một Socrates từng trò truyện và dẫn dắt các cuộc thảo luận – Anh ta (Crito) đang tưởng thày là một Socrates khác mà anh ta sắp nhìn thấy: Một xác chết. Vì vậy anh ta mới hỏi thày là anh ta phải chôn cất thày cách nào, mặc dù thày đã nói nhiều lời, để cố gắng cho ai nấy hiểu rằng sau khi thày uống chén thuốc độc, thày sẽ đi đến một nơi mà ở đó tràn đầy niềm vui của kẻ có phúc. Thày tưởng những lời ấy đủ an ủi các con, nhưng xem ra không có tác dụng gì đối với Crito cả… Không việc gì phải khóc lóc khi nhìn thi thể của thày hỏa thiêu hay an táng! Thày không muốn chúng con buồn phiền trước “cái chết” (vì cái đó chỉ là chuyện dĩ nhiên và thường tình ở đời – Chú giải thêm cho đúng ý của Socrates), hay nói với nhau bằng những câu thảm thiết như: Chúng ta tiễn đưa một người đã nằm xuống, hoặc rằng: Thế là chúng ta đi theo ông tới mồ, hay nơi chôn cất. Những lời nói sai lạc như thế, không chỉ tự tạo ra một quan niệm xấu, mà còn làm ô nhiễm linh hồn vì chính sự xấu đó. Hãy vui lên Crito, và con hãy nghĩ rằng con chỉ đang chôn cất “thi thể” thày mà thôi, chứ không phải đang chôn cất thày. Hãy làm những gì bình thường theo thói quen, cũng như những gì con nghĩ là tốt.
Chúng tôi xin mạn phép độc giả, tạm dừng đây một chút như đã có lời “Phi lộ” rằng: Mục đích của “Thế giới quanh ta”, không phải chỉ được trình bày như một món đồ dưới sự thị kiến của một khách đi du lịch bước vào viện bảo tàng. Người ấy đưa mắt liếc qua một vài cổ vật, rồi khi bước ra khỏi đấy, thì lại vội vã đến xem một kỳ tích khác. Và nếu làm như thế thì thật là tội nghiệp cho “Tâm linh” ông Socrates, vì chúng ta chỉ đi xem cái “xác chết ông Socrates”, chứ không phải đi thăm viếng một nhà tư tưởng, mà chính ông đã nói với Crito, học trò của ông rằng: ông vẫn còn sống đấy chứ! và làm sao để “Thày không rời xa con”.
Khi sống, Cuộc sống của Socrates được mô tả là giản đơn, ông chỉ mặc chiếc áo choàng vải thô, đi chân đất, lê gót khắp thành phố Nhã Điển, để truyền bá tư tưởng của mình, để xây dựng một xã hội lành mạnh, đạo đức. Một con người rất coi nhẹ cuộc sống vật chất, chĩ biết đến tinh thần, và giá trị tinh thần nổi bật lên trong cuộc đời ông. Một người quan niệm sự sống không bao giờ “mất”, thì “chết” chỉ là sự rũ bỏ một thân xác đã đến lúc không còn dùng được nữa. Những người như thế không bao giờ mất thời giờ quan tâm tới chuyện “Hình thức thế nào” cho đẹp, cho hay, để chôn hay “đốt” một cái áo rách nát, đáng bỏ. Không chỉ là chuyện không đáng! khi chúng ta nghe ông nói với các môn đệ, hơn thế nữa. Socrates bảo đó là một sự “sai lạc”, vì không lẽ cả một cuộc đời của con người “Nhân linh ư vạn vật”, kết quả chỉ là thế thôi sao, chỉ là một đám tang to cho một thân xác sắp thành giòi bọ ? Nếu thế thì làm xấu hổ cho cả một kiếp sống trên đời của một tâm linh, mà ông gọi là “làm ô nhiễm linh hồn”!
Bởi thế Socrates không đòi các môn đệ phải làm gì cho ông cả, ngoài cái bổn phận là “Phải luôn xây dựng bản thân, không được xao nhãng”, có thế thì mới phục vụ được mọi người, và cũng chính là phục vụ “lý tưởng”của Socrates vậy.
Điều này làm chúng ta liên tưởng tới Lời dạy của Đức Kitô: “Vậy ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành thì ví như người khôn xây nhà trên đá” (Mt 7,24). Phục vụ cho tha nhân, chính là phục vụ Thầy.(Mt 10,40-42).

Sau khi nói xong những lời này, ông đứng dậy và đi vào phòng tắm … ông lại ngồi xuống với chúng tôi (3 môn đệ: Plato, Crito và Apollodore) sau khi tắm, nhưng không nói gì. Lúc này hoàng hôn sắp xuống, người cai tù bước vào đứng cạnh ông và nói: Socrates, tôi biết ông là con người cao quí nhất, hiền lành nhất, và tốt nhất trong số những người mà tôi từng gặp ở đây. Tôi biết ông sẽ không giống những người khác là sẽ giận dữ và chửi rủa tôi, khi tôi phải vâng lời chính quyền bắt họ uống thuốc độc, thực vậy lỗi là ở những người khác chứ không phải ở tôi. Vì vậy, tôi xin chúc ông an bình, và cố gắng chịu đựng điều phải đến. óng biết tôi làm là vì bổn phận. Nói xong, anh ta bật khóc và quay ra ngoài.
Socrates nhìn theo anh ta và nói: Tôi cũng chúc anh những điều tốt lành, và sẽ làm như lời anh nói. Rồi quay lại với chúng tôi, ông nói: Anh ấy thật dễ thương. Kể từ khi thầy bị giam cầm, anh ấy luôn luôn đến thăm, và đối xử hết sức tử tế với thầy, và bây giờ anh ta tỏ ra quảng đại biết bao, khi cảm thấy đau buồn cho thầy. Crito, chúng ta phải làm như lời anh ấy nói, hãy mang chén thuốc độc đến cho thầy, nếu đã có sẵn. Nếu không hãy bảo người phục vụ chuẩn bị. Crito nói: Thầy không cần phải gấp! Con biết có nhiều người còn ăn uống với người nhà, sự lưu luyến kéo dài đến … rất trễ, vì ai cũng biết thời gian chẳng còn bao lâu. Có đủ thời giờ cho thầy cơ mà. Socrates hơi nhíu mày, bảo học trò: Thầy biết, Crito ạ! Những người con nói hành động như vậy cũng rất đúng! vì họ nghĩ trước sau gì cũng chết, nên kéo dài được lúc nào, hay lúc ấy. Nhưng thầy có lý khi không bắt chước họ, vì thầy cũng chẳng thấy có lợi gì khi trì hoãn vụ uống thuốc độc, bởi làm thế chỉ thành trò cười cho chính mình, ra như cố tìm cách cứu vãn một cuộc sống đã hết rồi (dĩ nhiên hiểu là cuộc sống của thể xác, của phần vật chất). Vậy xin anh hãy làm như thầy nói, đừng từ chối thầy.
… Socrates rất mau mắn và vui vẻ uống cạn chén thuốc độc. Cho tới lúc này, chúng tôi vẫn kiềm chế sự đau buồn, nhưng bây giờ thì không còn có thể chịu đựng nổi nữa. Nước mắt tôi (Plato – tác giả bài viết này) cứ tuôn ra sối sả. Không phải tôi khóc cho thày mình, mà khóc khi nghĩ đến việc từ nay, mình mất đi một người thầy, một người cha, và cũng là một người bạn vô cùng tuyệt vời. Crito thì đã phải đứng lên quay ra ngoài để dấu cơn nấc. Apollodore, người khóc suất từ đầu, bây giờ anh ta gào to lên, làm cho tất cả chúng tôi phải khóc theo thành tiếng. Socrates vẫn bình thản vậy, ông nói: Tiếng kêu khóc kỳ lạ này là gì vậy? Tôi đã cho các phụ nữ ra ngoài chủ yếu là để họ không nhìn thấy mà khóc. Thầy đã dạy các anh rồi là một người đàn ông, phải chết trong thanh thản. Vậy mà cũng không giữ cho yên lặng và kiên nhẫn được! Tự nhiên chúng tôi cảm thấy xấu hổ, và gạt nước mắt, không dám khóc để phát ra âm thanh nữa! Phần Socrates, ông đi đi lại lại cho tới khi chân bắt đầu muốn chùn xuống, ông mới chịu lên giường nằm. Chỉ một lúc sau không lâu, người đưa thuốc độc cho ông ấn mạnh hai bàn chân ông và hỏi, ông có còn cảm giác không, ông nói không, rồi nâng chân ông lên cao dần, và chỉ cho chúng tôi thấy người ông đã lạnh và cứng đơ. Cuối cùng thì ông cũng nói một câu với Crito: Thầy còn mắc nợ Asclepius một con gà, làm ơn trả giùm cho thầy được không, vì thầy chưa kịp trả? Crito đáp: Con sẽ làm điều đó cho thầy, còn gì nữa không ạ? Không có câu trả lời, nhưng sau đó một phút, có tiếng động đậy, người phục vụ mở mũ của ông ra, mắt ông mở to và Crito vuốt mắt, vuốt miệng ông lại.
Đó là giây phút cuối đời của người bạn chúng ta, tôi có thể nói về ông rằng: Trong tất cả các người đương thời mà tôi được biết, ông Socrates là người khôn ngoan nhất, chính trực nhất và tốt lành nhất.
Tất nhiên đây là bài của Plato viết về thầy mình. Như chúng tôi đã trình bày: Socrates không viết gì cả lúc sinh thời. Nhưng nó cũng cho chúng ta biết con người và lý tưởng của ông thế nào qua bút tự của những người khác.Tác phẩm của một con người, không hẳn phải là một hay nhiều cuốn sách. Một người có cuộc sống vĩ đại, tự nó đã là vĩ đại rồi. Tiếc thay, có những người đã không có được cuộc sống xứng đáng theo nhân cách, nhưng lại cứ cố tạo ra những cuốn sách giả tạo, nhờ tay người khác viết, nhưng rồi sự thật bao giờ cũng vẫn là sự thật!

Biên khảo: Uyên Ly