Chung quanh sự kiện lịch sử
“Habemos Papam” (Chúng Ta đã có Giáo Hoàng)
 Uyênly sưu khảo
 (Bài viết từ năm 2013 – Nhân Bầu cử Tân Giáo Hoàng – Một chút tài liệu tham khảo chung quanh việc bầu cử Đức Tân Giáo Hoàng).

– Anh Vũ, chị Huyền ơi, Đức tân Giáo Hoàng của chúng ta là ai vậy? Uyển My hỏi.
– Là Đức Giáo Hoàng Phanxicô Đệ Nhất (76 tuổi), vị Giáo Hoàng thứ 266 của chúng ta. Huyền tiếp: Ngài vừa đắc cử ngày 13 tháng Ba năm 2013. Ngài nguyên là Hồng Y Jorge Mario Bergoglio, sinh ngày 17 tháng 12 năm 1936… À, Vũ … Anh có biết thêm gì về vị Giáo Hoàng có đời sống rất đơn sơ và khiêm tốn này không nhỉ?
– Cũng biết chút ít. Vũ đáp: Đây là vị Giáo Hoàng đầu tiên của châu Mỹ, thuộc Quốc gia A Căn Đình (Argentina).Ngài được sinh ra tại Buenos Aires, trong một gia đình năm người con của một công nhân đường sắt người Ý. Sau khi học tại chủng viện Villa Devoto, ngài gia nhập Dòng Tên ngày 11 tháng Ba năm 1958, đậu cử nhân triết học tại Đại Học Maximo San José ở San Miguel. Ngài chịu chức linh mục ngày 13 tháng 12 năm 1969. Năm 1986 ngài sang Đức hoàn thành luận án tiến sĩ. Ngày 28 tháng 2 năm 1998 ngài là Tổng Giám Mục thủ đô Buenos Aires, đồng thời được bổ nhiệm là Đấng Bản Quyền cho người Công Giáo Đông Phương ở Á Căn Đình. Ngày 21 tháng Hai năm 2001, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tấn phong Hồng Y cho ngài với Hiệu Tòa là nhà thờ Thánh Roberto Bellarmino. Ngài đã được bổ nhiệm vào một số vị trí trong Giáo Triều Rôma như Thánh Bộ Giáo sĩ, Thánh Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, Thánh Bộ Đời Sống Tận Hiến và các Tu Hội Tông Đồ.
– Em rất muốn biết lối sống đơn sơ và khiêm tốn của Đức Giáo Hoàng theo như chị Huyền vừa nói. Diễmly thắc mắc.
– Em biết không, ngài sống trong một căn nhà nhỏ, chứ không phải tại nơi cư trú nguy nga của tòa giám mục. Huyền giải thích tiếp: Dù là Hồng Y, ngài thường sử dụng các phương tiện giao thông công cộng như xe buýt, và tự mình nấu ăn. Trong cuộc bầu GH năm 2005, Hồng Y Bergoglio, đã được nhiều người coi là một ứng viên sáng giá, nhưng Ngài đã năn nỉ các Hồng Y đừng bầu mình.

Vấn đề “Cơ Mật Viện”.
– Anh Vũ ơi! Những nghi thức bầu cử Giáo Hoàng, nghe nói rất là long trọng. Anh kể cho bọn em nghe đi!
– Cám ơn Uyển My! Vũ xin kể lại cuộc bầu Đức Giáo Hoàng vừa rồi nhé! … Tại Đền thờ thánh Phêrô, Thánh lễ khai mạc Cơ mật viện bầu Giáo Hoàng diễn ra vào lúc 10 giờ sáng Thứ Ba 12 tháng Ba Năm 2013. Các vị Hồng Y đang có mặt tại Vatican, bao gồm các vị Hồng Y cử tri và các vị không phải là cử tri (quá tuổi 80), đồng tế thánh lễ do Đức Hồng Y Niên trưởng Angelo Sodano chủ sự. Trong thánh lễ Đức Hồng Y Niên trưởng đã nhiệt liệt ca ngợi Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16. Ngài nói: “Đặc biệt, tôi cảm tạ Chúa vì triều Giáo Hoàng rạng ngời mà Ngài đã ban cho chúng ta thông qua cuộc sống và công việc của người kế vị thứ 265 của Thánh Phêrô, là vị Giáo Hoàng yêu quý và đáng kính Bênêđíctô thứ 16, là người mà tại thời điểm này tất cả chúng ta tái bày tỏ lòng biết ơn của mình”.

Từ sáng sớm hôm ấy, các vị Hồng Y cử tri đã dọn vào cư ngụ trong nhà trọ thánh Mátta. Lúc 15.45 chiều, các Hồng Y sẽ rời nhà trọ để tới dinh Tông Tòa. Lúc 16h30 tại nhà nguyện Pauline, các Hồng Y đã tham dự cuộc rước trọng thể vào nhà nguyện Sistina. Các Hồng Y tiến vào nhà nguyện Sistina theo sau Thánh Giá nến cao, ca đoàn, Đức Ông Chưởng Nghi, thư ký của Hồng Y Đoàn, và Đức Hồng Y Prospero Grech, 87 tuổi, là vị giảng thuyết. Đoàn rước được kết thúc với một phó tế, mặc áo alba với dây stola, kính cẩn giơ cao sách Phúc Âm, và cuối cùng là Đức Hồng Y Giovanni Battista Re, 79 tuổi, là Hồng Y cử tri trưởng đẳng Giám Mục đã chủ trì buổi lễ. Trong khi rước các vị Hồng Y hát Kinh Cầu Các Thánh. Kinh Cầu Các Thánh trong dịp này bao gồm cả những vị chúng ta thường không kêu cầu trong các cử hành khác như các tổ phụ và tiên tri Abraham, Môisê, và Ê-li; Thánh Marôn của Li Băng; Thánh Frumencio của Ethiopia và Eritrea, Thánh Nina của Georgia; Thánh Gregôriô của Armenia, Thánh Patrick của Ireland, và các vị thánh khác đại diện cho những vùng đất khác nhau như các vị tử đạo của Canada, Uganda, Việt Nam, Hàn Quốc, và Châu Đại Dương; Thánh Rôsa Đệ Lima của Peru và một số thánh Giáo Hoàng, trong đó có Thánh Piô thứ Mười.

Sau đó là phần Tuyên Thệ. Mỗi Hồng Y đặt bàn tay của mình trên các sách Tin Mừng và tuyên thệ giữ các bí mật của Mật Nghị Hồng Y. Khi vị Hồng Y cuối cùng đã tuyên thệ xong, vị Chưởng Nghi đọc công thức truyền thống “Omnes Extra” và tất cả những người không tham gia trong Mật Nghị Hồng Y phải rời khỏi nhà nguyện Sistina, để vị Hồng Y trẻ tuổi nhất đóng và khóa cánh cửa nguyện đường Sistina lại.
Sau bài thuyết giảng của Đức Hồng Y Prospero Grech, Đức Hồng Y Giovanni Battista Re đã mời các Hồng Y cử tri (115 vị) bắt đầu bỏ phiếu lần đầu tiên. Chúng ta có thể biết được kết quả vào lúc 7 giờ tối theo giờ Rôma. Ở Sydney và Melbourne là 5 giờ sáng ngày thứ Tư (13.3). Nếu chưa bầu được Giáo Hoàng, trong những ngày kế tiếp, mỗi ngày sẽ có 4 lần bỏ phiếu, và ở lần thứ năm chúng ta đã có được Tân Giáo Hoàng.
– Chị Huyền à … Tại sao lại gọi là “Cơ mật viện” hả chị? Uyển My hỏi.
– Cơ mật viện là nơi các Hồng Y mật nghị (Conclave), để rồi sẽ bầu ra tân Giáo Hoàng em ạ! Nguyên ngữ bằng latinh là “Cum clavis” nghĩa đen là “Khóa cửa bằng chìa”. Mà khóa thiệt … như anh Vũ vừa kể, em thấy đó! … cho tới khi bầu xong.

– Nhưng việc gì lại phải kỹ đến như thế…hả chị? Em chưa từng nghe có cuộc bầu cử nào trên thế giới … cho dù là Tổng Thống Mỹ đi nữa, cũng không nhất thiết phải khóa cửa … như vậy bao giờ.
– Vấn đề “chạm” vào lịch sử rồi! Chắc phải để cho anh Vũ kể, để hai em nghe cho rành mạch. Đề nghị Vũ … nhé!
– Chúng ta có thể biết được là từ triều đại của Đức GH Gregory X (1272-1276), cơ mật nghị được áp dụng cho đến nay, nhằm để ngăn chặn những áp lực từ bên ngoài, muốn khuynh đảo việc chọn Giáo Hoàng, đã từng xảy ra trong những thập niên trước năm 1274.
Ngoài ra, Biện pháp ” khóa cửa để bầu” cũng nhằm tiến hành mau chóng việc bầu tân Giáo Hoàng, vì đã có trường hợp xảy ra khi Đức Giáo Hoàng Clement IV mất năm 1268, nhưng mãi ba năm sau, 18 Hồng Y họp tại Viterbo mới bầu được Đức Gregory X lên kế vị.

– Thời đó chỉ có 18 Hồng Y thôi sao … anh? Như vậy giáo hội sơ khai, lúc chưa có tước Hồng Y … Diễmly nghĩ một là rất giản đơn (việc bầu cử), hai là lại khó tránh khỏi tình trạng nhiễu nhương?
– Em nói đúng, trong thời kỳ sơ khai của Giáo Hội, khi chưa có các Hồng Y, thì việc chọn Giáo Hoàng được thực hiện qua việc bầu Giám Mục Rôma của các giáo sĩ và giáo dân Rôma, dưới sự chứng kiến của các Giám mục khác trong Giáo Tỉnh (Province). Khi giáo hữu và giáo sĩ gia tăng, thì lại xảy ra những tranh chấp giữa các ứng viên thuộc giai cấp cao (patricians) và giai cấp thấp (plebeians), phe nào cũng muốn tiến cử người ra tranh ngôi Giáo Hoàng. Cụ thể là đã có lúc Thánh Giáo Hoàng Damasus I (366-384) được bầu lên trong lúc một ngụy Giáo Hoàng (Ursinus) cũng được bầu lên năm 366 để tranh ngôi với Giáo Hoàng Damasus.Cuộc tranh dành này đã đi đến bạo động khiến Toàn Quyền Rôma phải can thiệp.
Nói về áp lực, thì cũng đã từng có thời các Hoàng Đế La-Mã muốn can thiệp vào nội bộ của Giáo Hội, đưa đến sự tranh giành giữa các thế lực trần thế dưới nhiều hình thức và mức độ khác nhau, không thể nói hết chi tiết được. Nói tóm lại, ngôi vị Giáo Hoàng, từng đã có những thời kỳ đen tối, khi thế quyên muốn chi phối thần quyền, hay ngược lại.

Vũ vừa ngưng, thì Huyền đã hăng say tiếp lời:
– Nhưng với ơn soi sáng, dẫn dắt của Chúa ThánhThần, Giáo Hội đã thoát ra khỏi thời kỳ đen tối đó, để càng ngày càng trở nên xứng đáng là Thân Thể Nhiệm Mầu của Chúa Kitô trên trần gian, trong sứ mệnh rao giảng và làm chứng cho Tin Mừng cứu độ của Chúa Cứu Thế.
– Uyểnmy đọc và bắt gặp ở đâu đó nói: Cái thời không có Hồng Y đã vậy, nhưng rồi khi có tước Hồng Y, thì có khi ngay cả giáo dân cũng có thể được chọn làm Hồng Y, để có thể được bầu làm Giáo Hoàng … Điều đó có không anh Vũ?

– Có đấy em ạ! Vì thế mới có Giáo luật năm 1917 ngăn cấm việc này và từ đó đến nay, tước Hông Y chỉ được chọn trong hàng ngũ Giám mục và linh mục xuất sắc mà thôi. Và vì linh mục có thể được chọn làm Hông Y, nên Giáo Luật mới ban hành năm 1983 qui định là ” nếu Tân Giáo Hoàng chưa có chức Giám mục thì phải được truyền chức Giám mục trước khi nhậm chức Giáo Hoàng. (x. Giáo luật số 351& 1, 355 & 1).
Nói tóm lại, việc bầu cử với phương thức Mật Nghị (Conclave) nhằm mục đích bảo đảm sự vô tư và bí mật của việc chọn lựa Tân Giáo Hoàng. Theo truyền thống đã có từ lâu, thì Nhà Nguyện Sistine được dành làm nơi diễn ra những cuộc bỏ phiếu kín của các Hồng Y. Hiện nay, ngoài khu vực Nhà Nguyện Sistine, toàn thể khu vực nơi các Hông Y ăn nghỉ trong thời gian có Mật Nghị cũng đều được ngăn cách hoàn toàn với bên ngoài, kể cả việc cắt đứt mọi phương tiện liên lạc như điện thoại và internet.

Sưu khảo: Uyên Ly