Lời ngỏ: 

​Sau loạt bài biên khảo của hai tác giả Uyenly và Lĩnh Nam Nhân về những sự kỳ bí của thế giới, những miền đất bị quên vào dĩ vãng và sự siêu nhiên của con người. Lần này, xin mời quý đọc giả quay lại quê hương Việt Nam để tìm lại những gốc tích, những kho tàng văn hóa vật thể và phi vật thể mà có thể lâu quá chúng ta cho vào quên lãng. Hy vọng loạt bài sắp tới đây sẽ gợi cho chúng ta một chút nhớ, một chút thương và một chút tình về cố hương.
 

Biên khảo của Uy Bảo

Tôi đọc lại lịch sử Việt Nam từ huyền sử, cổ sử cho đến cận đại thì chưa thấy lần nào dân phương Nam di cư ngược lên phương Bắc hoặc cũng chưa từng thấy có cuộc chiến nào phương Nam tiến hành xâm lấn lên phương Bắc. Chỉ toàn thấy những dấu tích, những cuộc đồng hoá, những cuộc chiến mà phương Bắc tràn xuống phương Nam. (Bắc – Nam đây là chỉ Việt Nam so với Trung Hoa ở phía Bắc)

Từ phía nam sông Dương Tử, tộc  Bách Việt (*) dần dà bị chèn ép, bị lấn chiếm, bị xâm lăng và đồng hoá từ từ bởi các bộ tộc phương Bắc hiếu chiến, du mục, giỏi săn bắt, hái lượm và định cư dần thành lãnh thổ quốc gia mà chúng ta gọi là Trung Hoa ngày nay. Tộc Việt cứ thế bị áp bức, bị trị từ ngàn năm đô hộ cho đến co cụm lại thành dải đất hình chữ S còn lại là Việt Nam.Điều ấy khiến tôi tự nhận ra rằng, dân phương Nam hiền hoà và chân thành đến ngây ngô khi bị xâm lăng, bị đánh cho tan tác nhưng vẫn cam chịu và nhẫn nại. Phải chăng họ không dám đánh lại? Không dám chống trả chỉ vì bản tính hiền lành cố hữu trong bản chất con người phương Nam. Bản chất ấy thể hiện và toát ra khi họ có một nền văn minh rất sớm đó là “văn minh lúa nước”. Quanh năm họ chỉ biết trồng trọt,chài lưới, dùng trí tuệ để canh tác sản xuất ra những nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu cuộc sống con người. Do đó, họ không có nhu cầu đi xâm lăng, đì tìm lãnh thổ, đi tìm nguồn sống như các tộc phương Bắc. Dân phuong Bắc sau khi đã săn bắt, hái lượm hết những tài nguyên thì họ lại tìm những miền đất mới để đáp ứng nhu cầu sinh sống của họ.

Thời cận đại, hiệp định Geneve 1954, là một minh chứng cho những gì mà chúng ta hay gọi “đất lành, chim đậu” dù trong hoạn nạn binh đao, dân miền Bắc vẫn chạy vào miền Nam để cư trú chứ không có cuộc di cư ngược nào từ Nam ra Bắc. Chỉ tội thay cho những người dân không kịp chốn chạy vào Nam khi bị bắt, bị ép và bị lôi kéo ở lại.
Càng văn minh thì càng không bạo lực mà dùng giáo dưỡng để thể hiện cho sự tranh đấu. Cho dù có bị đánh trả thì phương Nam lúc nào cũng trong tư thế là một người chống đỡ chứ không có việc đánh lại và tiến hành xâm lấn. Cuộc nội chiến Bắc Nam là điển hình cho việc ấy. Trong khi, phía Bắc cứ một mực tiến hành cuộc chiến được mệnh danh là thống nhất đất nước; nhưng Miền Nam chưa bao giờ có ý định tiến hành cuộc chiến ra miền Bắc để giải phóng Dân Tộc. Ngay cả trong thời kỳ nóng bỏng, đỏ lửa năm 1972. Khi ấy, “tướng râu kẽm” Nguyễn Cao Kỳ đã mạnh miệng nói rằng, nếu được ủng hộ thì chỉ trong đôi ba ngày, ông đã san bằng miền Bắc kết thúc cuộc chiến, nhưng ý định đó đã không được chấp thuận và cái kết của cuộc chiến như chúng ta đã biết. Cuộc chiến tương tàn đó lại kết thúc trong đau thương nhiều hơn là vinh quang. Kết thúc cuộc chiến là những đổ nát và một đất nước thống nhất trong điêu tàn mà theo người viết còn kéo dài cho đến tận hôm nay. Thống nhất mà trong lòng dân vẫn chất chứa những nỗi hận thù vì một cuộc chiến phi nghĩa. Đáng thương thay, phương Nam lại một lần nữa thất thủ bởi phương Bắc nhưng lần này là cùng một tộc chứ không phải khác tộc như những cuộc chiến xa xưa.
Khi còn bé, tôi vẫn thường nghe Ba tôi hát nghêu ngao:

“Ta khuyên cháu con ta phải biết mặt làm người,
Làm người huy hoàng phải chọn làm người dân Nam,
Làm người ngang tàn điểm mặt mày của trần gian
Hỡi những ai gục xuống ngồi dậy hùng cường đi lên.”

Dân Nam hiền hoà và chất phác nhưng dân Nam là thứ dân ngạo nghễ. Hễ làm người phải chọn làm người dân nước Nam. Dân nước Nam ấy ngàn xưa bị xâm lăng, bị chèn ép nhưng co cụm lại là tinh hoa của dòng giống Lạc Hồng, là con Rồng cháu Tiên. Dân nước Nam ấy có thể bị đánh cho gục xuống nhưng vẫn mãi ngồi dậy hùng cường đi lên.

Nhìn cảnh đất nước ngày càng tang thương trên mọi phương diện. Từng lớp lớp người cứ tìm đủ mọi cách loay hoay trốn chạy bỏ nước ra đi. Tôi cứ buồn nhưng vẫn nuôi hoài một niềm hy vọng. Vì chính lúc trong những lúc khốn cùng và bi ai nhất trong cuộc sống. Bản tính Dân Nam hùng cường sẽ vực dậy và ngoi lên. Cứ càng bị áp bức và tan tác bao nhiêu, thì sức bật lại càng mạnh mẽ bấy nhiêu! Tôi tin điều đó vì lịch sử đã cho tôi chứng kiến biết bao lần dân Nam ngã quỵ thì họ lại càng mạnh mẽ và quật cường đứng lên vì:

Nam quốc sơn hà nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhử đẳng hành khan thủ bại hư
(Lý Thường Kiệt)
————————-
Ghi Chú: *Bách Việt: trăm bộ tộc Việt bao gồm: Ư Việt, Dương Việt, Cán Việt, Sơn Việt, Mân Việt, Sơn Việt, Lạc Việc… Các bộ tộc Bách Việt không phải là một khối thống nhất, giữa các bộ tộc này có nhiều sự khác nhau về địa bàn cư trú, văn hóa và ngôn ngữ. Phần lớn các tộc Bách Việt đã bị đánh bại sau cuộc chinh phạt xuống phía Nam của nhà Tần trong giai đoạn 220-210 trước CN. Chỉ còn sót lại Lạc Việt và Âu Việt, là 2 nhóm cư ngụ ở miền Bắc Việt Nam ngày nay, không bị đồng hóa và là tổ tiên trực tiếp của người Kinh ở Việt Nam ngày nay.

Tg. Uy Bảo