Từ thời kì đồ đá tiến lên thời kì đại kim khí và đồ sắt là một chuyển biên lớn lao của nhân loại. Đó là cuộc cách mạng luyện kim, xuất hiện nền văn minh và nhà nước đầu tiên của người Việt cổ. Nó đánh dấu một bước phát triển rực rỡ và quan trọng trên phương diện kinh tế – xã hội cũng như mỹ thuật. Khởi nguồn từ mỹ thuật Đông Sơn tượng trưng cho thời kì cực thịnh của mỹ thuật kim khí đặc sắc nhất với kỹ thuật chạm khắc và đúc đồng mà đỉnh cao của nghệ thuật đúc đó là trống đồng Đông Sơn. Đây là sản phẩm đầy trí tuệ biểu hiện cho tài năng sáng tạo, sự khéo léo và tinh xảo hiếm có của tổ tiên ta. Kỹ thuật luyện kim đồng thau bản địa, nền văn hoá đồng thau vào loại bậc nhất khu vực Đông Nam Á tiếp nối nền Văn Minh Lúa Nước trồng trọt thì chạm khắc và đúc đồng trên trống Đông Sơn là nơi hội tụ, thể hiện những truyền thống văn hóa, xã hội và quyền uy của một nhà nước được xác lập đầu tiên trên đất nước ta – Nhà Nước Hùng Vương.
Nhắc đến Trống Đồng người ta không thể không nhớ đến nền văn Hóa Đông Sơn mà ở đó, người Việt đã đạt đến trình độ đúc đồng một cách tinh xảo được thể hiện trên Trống Đồng Ngọc Lũ. Về kỹ thuật, các nghệ nhân đúc đồng phải làm khuôn bằng đất trước sau đó từ một cái khuôn hình tròn theo hình dạng cái trống, họ phải xẻ đôi ra và khắc các họa tiết vào bên trong, sau khi khắc xong các họa tiết trên thân trống, họ lại phải tính toán và ghép các họa tiết sao cho liền khớp lại với nhau. Điều này đòi hỏi các nghệ nhân phải có kinh nghiệm, kỹ thuật và tay nghể rất cao mới có thể ghép lại sao cho thật khớp để khi đổ đồng nấu vào thì các hoa văn không bị lệch. Việc nấu đồng và đổ vào khuôn cũng đòi hỏi các nghệ nhân phải canh lửa và ủ trống bằng tro sao cho giữ được nhiệt độ nhất định cho đến khi trống nguội và tạo nên sản phẩm hoàn hảo nhất.
Các họa tiết trên Trống đồng Ngọc Lũ như những cảnh sinh hoạt, theo nhiều nhà nghiên cứu đã cho rằng đó là “lễ khánh thành trống đồng”, “lễ chiêu hồn”, “đám tang” hoặc “lễ cầu mùa” của người Việt cổ mà họ thể hiện nét văn hóa sinh hoạt hàng ngày của họ thông qua hình tượng chiếc trống và mang những cảnh sinh hoạt hàng ngày để thể hiện lên chiếc trống. Ngay trung tâm là hình ngôi sao tỏa cánh tượng trưng cho tín ngưỡng từ xa xưa, tộc Việt đã có tín ngưỡng thờ Trời trước khi các tôn giáo khác du nhập vào như Đạo Giáo, Khổng Giáo, Phật Giáo và sau này là Thiên Chúa Giáo.
Hình ảnh nổi bật nhất có thể thấy đó là hình chim Lạc được khắc họa rõ nét và lặp đi lặp lại theo mũi chim hướng ngược chiều kim đồng hồ liên tục như thể hiện ý hướng về cội nguồn của giòng giống Lạc Hồng là vật tổ của dân tộc Việt. Khi nhìn sâu thẳm vào trong chiếc trống đồng, chúng ta còn tìm thấy được nét tinh hoa của dân tộc Việt tàng ẩn trong 2 từ “Trống Đồng”. Chiếc trống không chỉ đơn giản là một vật dụng hay một vật trang trí của người Việt mà trong đó là cả kho tàng triết học tư tưởng và lịch sử. Những nghiên cứu không ngừng cho đến nay của các nhà khoa học về trống đồng đủ cho thấy tính lịch sử của Trống Đồng. Trong đó Linh mục triết gia Kim Định (1) (1915-1997) ghi trong Sứ Điệp Trống Đồng là tương tự như Tính Không trong thuyết Phật Giáo. Ông ghi lại:
“Sứ điệp trống đồng nằm ngay trong chữ Trống…” nhà bác học Lê Quý Đôn cũng đã tóm ý vào mấy câu thơ sau:
“Trời lấy Trống không làm đạo,
Đất lấy im lặng làm đạo,
Người có trống không và yên lặng mới với đạo trời đất.
Vì trống không khắc được sự sáng sủa.
Yên lặng khắc được tự yên định. (2)
Và theo sự phân tích ấy thì Trống ấy đồng nghĩa với Không và Không thì ngược với Sắc nhưng cũng lại là Sắc. Cũng như nếu ta để cho tâm hồn trống rỗng thì được sáng suốt mà thâu nhận mọi sự việc theo đúng như bản chất tự nó. Ví như trang giấy trắng trống không thì mới họa nên tác phẩm nào đó cách trung thực và sáng suốt. Trống không cũng là để thông hội cùng Trời Đất mà theo nhà Phật khi chứng được các Pháp tự thể là Không thì khi đó là giác ngộ.
Liền kề với từ Trống là từ Đồng, từ Đồng cũng bao hàm ý sâu xa mà người viết trộm nghĩ cũng mang tình triết lý sâu thẳm của dân tộc tính. Có biết bao từ ghép liên hệ tới từ Đồng mà từ thuở huyền sử đã có từ đồng trong từ “đồng bào” (Huyền sử Mẹ Âu Cơ sinh bọc trăm trứng cùng chung trong một bọc hay còn gọi là bào nghĩa là trăm con trong cùng một bọc); hay như từ “đồng lòng” thể hiện tinh thần tương thân tương ái trong triết lý Rồng Tiên đó là “yêu thương tột cùng” và trên trống đồng còn thể hiện hình ảnh đôi nam nữ hay đôi vợ chồng cùng giã gạo cũng thể hiện tinh thần nam nữ bình quyền trong học thuyết mà ca dao tục ngữ Việt cũng đã ví von “đồng vợ đồng chồng tát biển đông cũng cạn”. Đấy, cái ý nghĩa sâu thẳm và triết lý trong 2 từ Trống Đồng nằm ở chỗ ấy! Tất cả thể hiện và toát lên tinh thần đoàn kết và bình đẳng trong dân tộc Việt. Vậy thì hai chữ Trống Đồng ấy về triết lý siêu nhiên là tự quên đi cái tôi của mình để tâm hồn trống không và hòa đồng với chân lý. Vì chân lý là Trống nên mọi vật Đồng hiện từ chân lý ấy. Cũng như không mới có sắc, mà có sắc cũng như không. Trên mặt thực tế sự thật của con người là đồng như nhau và bình quyền. Về mặt đạo đức, Trống Đồng thể hiện ý răn dạy của tổ tiên nói với chúng ta rằng Trống không ấy là đức bao dung hay khoan dung của Trời Đất bao bọc vạn vật. Trống mà đi cùng với Đồng là bao dung mà không không phân biệt, dẹp bỏ mọi thành kiến mà đồng lòng cùng nhau. Tất cả những điều ấy còn gói ghém lại trong một vòng tròn viên mãn trên hình Trống Đồng thể hiện sự tròn vẹn hoàn hảo không phân biệt trước sau, không ai quan trọn hơn ai. Tất cả là trọn vẹn.
Tụ trung lại, trên mặt Trống Đồng từ việc hình tượng mặt trời tỏa sáng ở trung tâm thể hiện Trời là trung tâm vạn vật vũ trụ, phù hợp với tín ngưỡng thờ Trời của dân tộc Việt, các hình tượng thể hiện cảnh sinh hoạt của con người và muông thú cho thấy cảnh thái hòa, bình đẳng. Cảnh sinh hoạt thật hài hòa và thân quen gói trọn trong những vòng tròn đồng tâm là Trời. Thật là kỳ diệu và tuyệt vời thay tính dân tộc cùng triết lý sâu thẳm của Tộc Việt mà ông bà ta đã đặt để và ẩn ý trong hình tượng và câu chữ Trống Đồng.
Nói về trống thì ngoài những điều về lịch sử, kỹ thuật, văn hóa và triết lý sâu thẳm kể trên, người Việt còn nổi tiếng với những làn điệucũng như nghệ thuật múa trống. Một trong những nét đặc sắc mang đậm bản sắc và đặc trưng của văn hóa Việt đó là bài hát Trống Cơm. Kỳ tới, chúng tôi sẽ đưa bạn đọc đến với những điều lý thú của chiếc trống cơm và ý nghĩa sâu thẳm mang đậm tình người trong câu chuyện về cái Trống Cơm.
————–
Ghi chú:
(1) Linh Mục Triết Gia – Dôminicô Lương Kim Ðịnh (15/06/1915 – 25/03/1997), Linh Mục Lương Kim Ðịnh sinh năm 1914 tại Nam Ðịnh, Bắc Việt. Học Triết và Thần Học tại Ðại Chủng Viện Nam Ðịnh năm 1934, thụ phong Linh Mục năm 1943. Khởi đầu Linh Mục Kim Ðịnh dạy Triết Tây tại Ðại Chủng Viện Quần Phương, Bùi Chu. Năm 1945 Linh Mục Kim Ðịnh viết tác phẩm đầu tay nhan đề Duy Vật Duy Thực, với nội dung phê bình sắc bén chủ nghĩa cộng sản và chủ thuyết Karl Marx, làm rung động hàng ngũ chính trị bộ cộng sản. Linh Mục Kim Ðịnh bị theo dõi gắt gao, nên bó buộc phải rời bỏ đất nước và đi du học tại Pháp. Linh Mục Kim Ðịnh tốt nghiệp Triết Học tại Institut Catholique de Paris, và tốt nghiệp Nho Học tại Institut des Hautes Etudes Chinoises, Paris.
Trở về Việt Nam năm 1958, Linh Mục Kim Ðịnh dạy Triết tại Ðại Học Viện Lê Bảo Tịnh, Gia Ðịnh. Năm 1960 bắt đầu dạy Triết Ðông tại Ðại Học Văn Khoa Sài Gòn. Nhờ công phu mở đường trở về Triết Ðông của Linh Mục Giáo Sư Bửu Dưỡng và Linh Mục Giáo Sư Nguyễn Văn Thích cũng như tâm huyết của Giáo Sư Nguyễn Ðăng Thục, chương trình Triết Học Ðông Phương được khai giảng tại Ðại Học Văn Khoa Sài Gòn năm 1958. Sẵn đường trở về Ðông Phương, Linh Mục Giáo Sư Kim Ðịnh tiện đường, đơn thương độc mã, xông lên một bước táo bạo, mở đường đi vào Triết Lâm Việt Nam.
Trong suốt 16 năm trời, tại giảng đường Ðại Học Văn Khoa Sài Gòn, Linh Mục Giáo Sư Kim Ðịnh đã ảnh hưởng sâu rộng cho cả một thế hệ thanh niên và sinh viên. Mặc dầu bao chống đối, Linh Mục Kim Ðịnh đã im lặng xây dựng một hệ thống Việt Nho trung thực và hấp dẫn. Không ai có thể chối cãi công phu xây dựng và ảnh hưởng sâu rộng của ông trong lãnh vực văn hóa dân tộc. Từ Ðại Học Văn Khoa Sài Gòn, Linh Mục Kim Ðịnh mở rộng mặt trận tới các đại học khác: đại học Ðà Lạt, Vạn Hạnh, Minh Ðức, Thành Nhân và An Giang. Chính trong giai đoạn này Linh Mục Kim Ðịnh đã sáng lập ra chủ thuyết AN VI và VIỆT NHO.
(1) Kim Định, Sứ Điệp Trống Đồng, Thanh Niên QG USA, An Việt Toàn Cầu.
Biên khảo: Uy Bảo