Kỳ trước, chúng tôi đã giới thiệu sơ nét về nền Văn Minh Lúa Nước xuất hiện tầm 10,000 năm trước Công Nguyên. Chính sự phát triển của nền Văn Minh Lúa Nước đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự ra đời của những nền văn hoá đương thời như Văn hóa Đông Sơn, Văn hóa Hòa Bình, Văn hoá Hemudu (Hà Mỗ Độ). Kỳ này, chúng tôi mời quý đọc giả điểm qua nét đặc trưng nổi bật nhất mang tính vật thể của nền Văn hóa Đông Sơn đó chính là Trống Đồng.

​Nhắc đến Trống, người Việt chúng ta có những liên hệ quen thuộc từ những nét văn hóa sinh hoạt đời thường như: Hội làng người ta cũng thường nghe đến tiếng trống để mời gọi dân làng tập hợp; Rồi những hội mùa, tiếng trống cũng được cất lên như màn khai mạc cho một sự kiện. Tiếng trống, tiếng mõ như một điểm báo cho sự chú ý và tập trung đó là trống trường, trống hội, mõ làng…
Hình tượng và tiếng trống đã gắn liền với đời sống dân Việt từ trong tâm thức và kéo dài cho đến tận ngày nay dù công nghệ và phương tiện điện tử lên ngôi nhưng tiếng trống vẫn còn lưu giữ trong những nếp sinh hoạt của dân Việt.

Ngược dòng lịch sử vào năm 1902, nhà nghiên cứu người Áo F. Heger đã xuất bản tập sách “Những trống kim khí ở Đông Nam Á”  chủ trương chia trống đồng thành bốn loại chính, gọi tắt là HI, HII, HIII và HIV, theo thứ tự từ cổ nhất đến gần đây nhất trong đó Trống đồng Đông Sơn của Việt Nam được xếp vào loại HI là loại cổ xưa nhất.
Trống đồng Đông Sơn là tên một loại trống tiêu biểu cho Văn hóa Đông Sơn (khoảng 700 TCN – 100 TCN) của người Việt cổ. Nhiều chiếc trống loại này với quy mô đồ sộ, hình dáng cân đối, hài hoà đã thể hiện một trình độ rất cao về kỹ năng đúc đồng và nghệ thuật. Đặc biệt, những hoa văn phong phú được khắc họa, miêu tả chân thật cảnh sinh hoạt của con người thời kỳ dựng nước mà người ta vẫn cho là chìm trong đám mây mù của truyền thuyết Việt Nam.

Trống đồng Đông Sơn là sản phẩm của nền văn minh nông nghiệp phát triển, nó có mối liên hệ sâu xa tới nền Văn Minh Lúa Nước. Việc phát hiện ra những lưỡi cày đồng và những hình bò được khắc trên thân trống chứng tỏ thời kỳ này đã biết sử dụng sức kéo động vật vào canh tác nông nghiệp, trồng lúa và hoa màu. Phần lớn những nơi phát hiện có trống đồng nằm dọc theo triền những con sông lớn ở đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Điều này cũng khá trùng khớp với những nơi canh tác và trồng trọt nơi tích tụ phù sa của các con sông.
Ngay chính giữa trung tâm của Trống Đồng  gắn hình ngôi sao là biểu tượng của tục thờ thần Mặt Trời. Một sự liên hệ khá lý thú và tương đồng với tín ngưỡng thờ Trời của người Việt. Nếu chúng ta có dịp về các làng quê và vào thăm các ngôi nhà xưa thì trước sân nhà đều có một cái cọc bằng gạch hoặc gỗ chừng 2 tấc vuông ngay chính giữa sân (bàn Thiên). Nơi đấy để một bát nhang mà mỗi sáng gia chủ đều ra thắp nhang khấn vái trời đất.

Điểm thứ 2: những người hóa trang lông chim trên trống đồng thể hiện vật tổ của cư dân bấy giờ là loài chim. Dòng giống Chim Lạc như truyền thuyết dòng giống Lạc Hồng của tộc Việt.

Biên khảo: Uy Bảo

(còn tiếp)