Bài trước chúng ta có dịp đề cập tới nền “Văn Minh Lúa Nước” mà dân phương Nam có được và sử dụng thành thạo việc trồng lúa bằng phương pháp canh tác trên ruộng nước chứ không phải đất khô nhưng các loại cây ngũ cốc khác. Đây là một hình thức canh tác tiên tiến thời cổ xưa so với các hình thức canh tác khác của các dân tộc trên thế giới.

Văn minh lúa nước là một nền văn minh cổ đại xuất hiện từ cách đây khoảng 10.000 năm tại vùng Đông Nam Á và Nam Trung Hoa. Nền văn minh này đã đạt đến trình độ đủ cao về các kỹ thuật canh tác lúa nước, thuỷ lợi, phát triển các công cụ và vật nuôi chuyên dụng. Chính sự phát triển của nền văn minh lúa nước đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự ra đời của những nền văn hoá đương thời như Văn hóa Đông Sơn, Văn hóa Hòa Bình, Văn hoá Hemudu (Hà Mỗ Độ).v.v. Cũng có những ý kiến cho rằng, chính nền văn minh lúa nước là chiếc nôi để hình thành cộng đồng cư dân có lối sống định cư định canh và các giá trị văn hoá phi vật thể kèm theo, đó chính là văn hóa làng xã và cái nôi ấy chính là một phần trên lãnh thổ Việt Nam hiện nay. Những điều này vẫn còn đọng lại trong những sinh hoạt hàng ngày của dân tộc Việt Nam từ bữa cơm gia đình, lối sống cộng đồng quanh làng xã và lũy tre làng. Nó còn ẩn hiện trong các sinh hoạt đời thường như sống quây quần với nhau. Dù có làm ăn đi xa hay đi đâu thì tinh thần cố kết làng xã vẫn kéo họ về với nhau trong những ngày Giỗ, ngày Lễ và trong bữa cơm gia đình; nơi đó, những sản vật mà họ làm lụm được hiện lên trên mâm cơm như có: gạo, có rau và có con cá, thịt thà trong một bữa ăn mà những thứ ấy là công sức họ làm nên sau những ngày tháng vất vả ngoài đồng.

Các cuộc khảo cổ gần đây đã chứng minh sự tồn tại của con người trên lãnh thổ Việt Nam từ thời Đồ Đá Cũ(1). Vào thời kỳ Đồ Đá Mới (1), các nền Văn Hoá Hoà Bình – Bắc Sơn (gần 10.000 năm trước CN) đã chứng tỏ sự xuất hiện của nông nghiệp và chăn nuôi, có thể là cả nghệ thuật trồng lúa nước. Các nhà khảo cổ tìm thấy trong lớp đất bên dưới khu khảo cổ thuộc Văn Hoá Hoà Bình những hạt thóc hóa thạch khoảng 9260-7620 năm trước. Nhưng theo nhiều nhà khảo cổ, đa số di tích, di vật tìm thấy ở Thái Lan, khi định tuổi lại thấy muộn hơn nhiều so với tuổi định ban đầu trước đó khi người ta tìm thấy những di tích về văn minh lúa nước.

​Vết tích bữa cơm tiền sử nấu với gạo từ lúa mọc hoang xưa nhất thế giới, 13.000 năm trước, được một nhóm khảo cổ Mỹ-Trung Hoa tìm thấy trong hang Diaotonghuan phía nam sông Dương Tử (bắc tỉnh Giang Tây). Cư dân sống trong vùng này đã biết thử nghiệm các giống lúa và cách trồng trong thời gian dài tiếp theo đó.  Các nhà khoa học cũng đã chứng minh rằng từ 9.000 năm trước dân cổ ở vùng đó đã ăn nhiều gạo của lúa trồng hơn lúa hoang. Nhóm cư dân bản địa này cũng bắt đầu làm đồ gốm thô xốp bằng đất trộn trấu. Kinh nghiệm về trồng lúa tích tụ tại đấy trong mấy ngàn năm đă đưa đến nghề trồng lúa trong toàn vùng phía nam sông Dương Tử. Di tích xưa thứ hai, 9000 năm trước, là Pengtou, gần hồ Động Đình phía nam sông Dương Tử. Hơn bốn mươi chỗ có di tích lúa cổ hàng ngàn năm đã được tìm thấy ở vùng nam Trường Giang gần cửa biển nam Trường Giang, di tích Văn hoá Hemudu (Hà Mỗ Độ) cho thấy văn minh lúa nước trong vùng lên đến trình độ rất cao vào 7.000 năm trước, sớm hơn cả di tích làng trồng kê Banpo (Bán Pha) xưa nhất của dân tộc Hán phương Bắc. Lịch sử cho thấy, dân Hemudu lúc đó đă trồng lúa, ăn cơm, để lại lớp rơm và trấu dày 25–50 cm, có nơi dày đến cả mét, trên diện tích 400 mét vuông.

Nói về cây lúa, chúng ta cần xác định nguồn gốc xuất phát của cây lúa nước. Quê hương của cây lúa, không như nhiều người tưởng là ở Trung Hoa hay Ấn Độ mà là ở vùng Đông Nam Á vì vùng này khí hậu ẩm và có điều kiện lí tưởng cho phát triển nghề trồng lúa. Theo kết quả khảo cổ học trong vài thập niên gần đây, quê hương đầu tiên của cây lúa là vùng Đông Nam Á trong đó có Việt Nam, Thái Lan…, những nơi mà dấu ấn của cây lúa đã được ghi nhận là khoảng 10.000 năm trước Công Nguyên. Còn ở Trung Hoa, bằng chứng về cây lúa lâu đời nhất chỉ 5.900 đến 7.000 năm về trước, thường thấy ở các vùng xung quanh sông Dương Tử nơi giáp ranh với các bộ tộc Bách Việt mà bài trước chúng tôi có đề cập đến và đó cũng là lý do mà các nhà khảo cổ còn tìm thấy những dấu tích về cây lúa chứ gốc tích thì phải tầm 10.000 đến 13.000 nằm trước CN. Từ Đông Nam Á, nghề trồng lúa được du nhập ngược vào Trung Hoa, rồi lan sang Nhật Bản, Hàn Quốc, những nơi mà cư dân chỉ quen với nghề trồng lúa mạch. Đó có là bằng chứng cho thấy, khi các dân tộc phương Bắc đi đánh chiếm các dân tộc phương Nam sau đó đồng hóa họ từ văn hóa đến đời sống nhưng những gì tiến bộ của phương Nam thì họ không thể đồng hóa được mà có khi có những thứ trong quá trình đồng hóa thì những gì của Phương Nam là văn minh thì đồng hóa được lại Phương Bắc. (2)

Biên khảo: Uy Bảo
———————-

 (1) Xin xem các bài trước để biết được vũ trụ và con người tiến hóa qua các thời kỳ như thế nào.
(2) Xin đọc thêm “Việt Lý Tố Nguyên” của LM Triết Gia Kim Định minh chứng Việt Nho có trước Hán Nho và có những thứ tộc Việt đồng hóa Hán tộc.